Cô gái khuyết tật ở Quảng Ngãi vẽ tranh bằng cả trái tim

VHO- Bằng ý chí và nghị lực phi thường, cô gái khiếm thính Lê Đinh Hoàng Quyền (19 tuổi) ở phường Nghĩa Chánh, TP Quảng Ngãi (Quảng Ngãi) đã luôn nỗ lực vươn lên, thể hiện niềm đam mê với hội họa. Phòng tranh “Tự Lực” của Hoàng Quyền giờ trở thành nơi để những người trẻ có cùng cảnh ngộ được thể hiện cảm xúc, tự tay vẽ nên những tác phẩm của cuộc đời mình, mang đậm hơi thở cuộc sống.

Nghị lực vươn lên
Sinh ra không may mắn như bạn bè đồng trang lứa, cuộc sống của những đứa trẻ khiếm thính gặp rất nhiều khó khăn. Thế nhưng, từ trong sâu thẳm tâm hồn của Quyền vẫn luôn bừng cháy những ước mơ, khát vọng về một ngày mai tươi sáng. Lần đầu gặp Quyền, tôi ấn tượng với cách diễn đạt qua câu chữ truyền cảm. Dẫu số phận không mỉm cười với mình, nhưng Quyền vẫn luôn tràn đầy niềm tin, sự lạc quan trong cuộc sống. “Khi sinh ra, em không may mắn như nhiều người. Chính vì vậy, em luôn cố gắng và nỗ lực. Em đã tìm đến hội họa, nhờ đó giúp em mở toang cánh cửa, tự tin vượt qua những khiếm khuyết bản thân”, Quyền bộc bạch.

Cô gái khuyết tật ở Quảng Ngãi vẽ tranh bằng cả trái tim - Anh 1

Hoàng Quyền đam mê vẽ tranh

Bà Đinh Thị Dung, mẹ của Quyền nhớ lại: “Khi phát hiện con không nghe được âm thanh, lại chậm nói, gia đình đưa đi khám. Bác sĩ kết luận con mất khả năng nghe nói, vợ chồng tôi như chết lặng. Gia đình đưa con đi chữa trị nhiều nơi, ra Bắc vào Nam liên tục, nhưng niềm hy vọng đi tìm âm thanh lại “tắt dần” sau mỗi chuyến đi. Đã nhiều lần tôi cảm thấy bất lực, nhưng tôi biết không ai khác ngoài chính bản thân mình phải có đủ nghị lực để truyền sức mạnh cho con, làm bạn và đồng hành cùng con mình”.
Sau nhiều lần đắn đo, gia đình đã gửi Quyền học tại Trường Chuyên biệt Tương Lai (Đà Nẵng). Từ đây một bước ngoặt mở ra tương lai tươi sáng hơn trong cuộc đời Quyền. Được các thầy cô chăm sóc, dạy bảo, em dần tiến bộ, biết những ký hiệu đơn giản, màu sắc, biết đếm số, biết các hiện tượng tự nhiên, biết thể hiện cảm xúc...
Sau một thời gian học Trường Chuyên biệt Tương Lai, Quyền về quê học tại Trường Giáo dục trẻ khuyết tật tỉnh (nay là Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hoà nhập). Sau khi hoàn thành bậc tiểu học, Quyền học tại Trung tâm Nuôi dạy trẻ khuyết tật Võ Hồng Sơn. Ngoài học văn hoá, Quyền được học năng khiếu, học nghề. Từ chỗ sống khép kín, luôn thu mình đã trở nên cởi mở, hoà đồng hơn. 
Trò chuyện với tôi qua chữ viết và “phiên dịch” của mẹ, Quyền tâm sự: “Từ khi nhận thức mình bị câm, điếc bẩm sinh, em rất buồn tủi. Những điều mình muốn nói ra mà không ai nghe, chẳng ai hiểu. Nhưng em đã tìm thấy niềm vui khi được đến trường và nhận ra rằng bên em có rất nhiều người thương yêu, quan tâm. Em không thấy mình cô đơn, bất hạnh”. 

Cô gái khuyết tật ở Quảng Ngãi vẽ tranh bằng cả trái tim - Anh 2

Hoàng Quyền đang chia sẻ ý nghĩa những bức tranh em vẽ

Hành trình vượt qua mặc cảm, chiến thắng bản thân để đạt thành tích cao trong học tập, rèn luyện của Quyền là một chặng đường dài. “Với một người bình thường để thành công trong cuộc sống vốn dĩ không phải là việc dễ dàng. Với một người khiếm thính như em, thì khó khăn càng nhân lên gấp bội và vì thế càng phải nỗ lực nhiều hơn. Tâm niệm như thế, nên em luôn lấy sự nỗ lực, cố gắng hết mình để bù đắp cho những khiếm khuyết của bản thân”, Quyền nói.
Phòng tranh “Tự lực”… nơi ươm mầm ước mơ
Nhờ sự hỗ trợ của gia đình và những người thân, phòng tranh “Tự Lực” ra đời, giúp cô bé khiếm thính được theo đuổi niềm đam mê bộ môn nghệ thuật có tính sáng tạo này. Những bức tranh của Quyền ban đầu còn đơn điệu, nhưng qua thời gian, dần dần những tác phẩm của em mang sắc thái rõ rệt, có tính nghệ thuật và rất có hồn. Chính hội họa đã kết nối, mở toang cánh cửa để Quyền được giao tiếp, bày tỏ cảm xúc với thế giới muôn màu. Sở trường của Quyền là vẽ tranh phong cảnh quê hương, đất nước, chân dung con người, mang đậm hơi thở cuộc sống. Bằng màu sắc, đường nét và chất liệu khác nhau, rất nhiều những tác phẩm nghệ thuật được sáng tạo nên từ đôi bàn tay khéo léo, sự sáng tạo, trái tim đầy cảm xúc, giàu lòng nhân ái. 

Cô gái khuyết tật ở Quảng Ngãi vẽ tranh bằng cả trái tim - Anh 3

Phòng tranh "Tự lực" nơi để những bạn cùng hoàn cảnh với Hoàng Quyền nuôi dưỡng ước mơ

Sau nhiều năm, giờ đây phòng tranh không còn là của riêng cô gái trẻ mà trở thành mái nhà chung để những người có cùng cảnh ngộ, đam mê hội họa, mở ra cơ hội nghề nghiệp mới cho người trẻ khiếm thính. “Em mong muốn có những người bạn đồng cảnh ngộ, đam mê hội họa cùng đồng hành. Em mong họ cũng có cơ hội trở thành họa sĩ, tự tay thể hiện những tác phẩm của cuộc đời mình như chính bản thân em. Chính vì thế, thời gian qua, em đã mời các bạn đến phòng tranh, dạy các bạn vẽ và cùng nhau vẽ tranh để thể hiện đam mê với nghệ thuật, có cơ hội giao tiếp, kết nối cùng cuộc sống”, Quyền thổ lộ.
Bạn Nguyễn Hữu Thái - Phòng tranh Tự Lực chia sẻ: “Em thấy Hoàng Quyền đã vượt lên chính mình và làm nhiều điều có ích cho bản thân và cuộc sống. Điều đó thật quyệt vời! Em mong muốn được như bạn. Em sẽ cố gắng hết sức để trở thành một họa sĩ tài năng trong thời gian đến”.
Những tác phẩm của phòng tranh Tự Lực ngày càng được nhiều người biết đến. Tác phẩm của các Quyền xuất hiện ở nhiều nơi vào những dịp đặc biệt như Tết, hội chợ. Tiếng lòng của người khiếm thính như được nói hộ qua từng nét vẽ, màu sắc. Giờ đây, phòng tranh không chỉ là nơi để các bạn thể hiện tài năng mà còn có thể kiếm thêm thu nhập, trang trải cho cuộc sống, vượt lên chính mình như bao người bình thường. Nhìn thấy sự trưởng thành của các bạn, đấng sinh thành cũng dần vơi đi những nỗi lo. “Tôi mừng khi Hoàng Quyền rất ngoan ngoãn và nghe lời ba mẹ. Từ nhỏ, con luôn cố gắng, nỗ lực phấn đấu hơn mọi người vì hiểu rõ bản thân không được may mắn khi sinh ra. Bằng ý chí và nghị lực của bản thân, Hoàng Quyền đã có thể tự lo được cho bản thân. Tôi mong con luôn có cuộc sống ổn định, công việc thuận lợi, bạn bè có cùng cảnh ngộ cùng hội tụ về đây để học hỏi lẫn nhau, làm việc, xây dựng phòng tranh ngày càng phát triển hơn”, bà Dung - mẹ của Hoàng Quyền bày tỏ.

Cô gái khuyết tật ở Quảng Ngãi vẽ tranh bằng cả trái tim - Anh 4

Bí thư Tỉnh đoàn trao Bằng khen cho Hoàng Quyền tại chương trình Tỏa sáng nghị lực Việt tỉnh Quảng Ngãi

Ngoài công việc hằng ngày là vẽ tranh, Quyền còn giúp đỡ các bạn câm điếc rất nhiều việc. Từ tập vẽ đến tham gia tích cực trên Fanpage Câu lạc bộ Người điếc trẻ Quảng Ngãi, cùng chia sẻ cách giao tiếp ứng xử, luyện khẩu hình không dùng ngôn ngữ ký hiệu, tập huấn kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng sơ cấp cứu cộng đồng người điếc… Lê Đinh Hoàng Quyền là một trong 10 gương thanh niên khuyết tật tiêu biểu được tuyên dương tại chương trình Tỏa sáng nghị lực Việt tỉnh Quảng Ngãi lần thứ IX, năm 2022. 

NHƯ ĐỒNG

Ý kiến bạn đọc