Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

29 Tháng Ba 2024

Trường học thì phải hạnh phúc

Thứ Ba 27/09/2022 | 22:27 GMT+7

VHO - Hội thảo “Thay đổi vì một Trường học hạnh phúc”, vừa tổ chức tại Đà Nẵng cuối tuần qua có thể xem như góp phần làm rõ thêm khái niệm trường học hạnh phúc hơn là tạo ra một định nghĩa mới. Bởi bấy lâu nay, bất cứ nhà giáo mẫu mực nào, dù ở cương vị nào, hiệu trưởng hay giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn, cũng đều muốn đem lại hạnh phúc cho học sinh của mình.

Hội thảo ghi nhận sự tham dự của 400 hiệu trưởng với những câu chuyện truyền cảm hứng về một trường học hạnh phúc

Đối thoại để hạnh phúc

PGS.TS Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ VHTTDL, khi còn đảm nhiệm vị trí Giám đốc Nhạc viện TP.HCM thường xuyên đối thoại trực tiếp với các thí sinh và gia đình nhằm hiểu rõ và định hướng học tập phù hợp. Theo Thứ trưởng, đã có nhiều thí sinh thi tuyển vào Nhạc viện TP.HCM với suy nghĩ chuyên ngành piano là con đường duy nhất để theo đuổi âm nhạc chuyên nghiệp, nhưng thực tế, đây lại là chuyên ngành khó và có mức độ cạnh tranh vào loại gay gắt nhất, trong khi vẫn còn nhiều chuyên ngành khác vừa sức nhưng vẫn có cơ hội phát triển trong tương lai. Đơn cử như cô bé Bùi Kim Ngân, sinh năm 2008, hoàn cảnh gia đình mồ côi, ban đầu dự tính chọn chuyên ngành piano để luyện thi, nhưng với sự hướng dẫn của PGS.TS Tạ Quang Đông đã lựa chọn chuyên ngành đàn tranh và thi đậu với số điểm chuyển môn rất cao. Sau 3 năm, Bùi Kim Ngân vừa học giỏi, vừa thực sự yêu thích cây đàn tranh và dự định gắn bó lâu dài. 

Các phóng viên phụ trách lĩnh vực giáo dục tại TP.HCM khi cần lấy ý kiến các chuyên gia, hoặc lãnh đạo ngành giáo dục vẫn thường gọi đến ông Ngô Văn Tuyên, Trưởng phòng GD&ĐT quận Bình Tân, người luôn sẵn sàng trả lời các câu hỏi, dù đó là vấn đề gai góc, nhạy cảm. “Không chỉ với các nhà báo, trong giờ làm việc, tôi sẵn sàng nghe điện thoại và trả lời bất kỳ cuộc điện thoại nào, kể cả của phụ huynh kiến nghị, phản ánh. Có đối thoại, có lắng nghe, thì mới hiểu nhau, mới vui vẻ được”, ông Tuyên nhấn mạnh.

Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với ông Ngô Văn Tuyên kéo dài đến hơn 12h trưa, khi người viết chuẩn bị ra về, bất chợt phát ra tiếng gõ cửa. Một phụ huynh cho biết mình là công nhân, chỉ thu xếp được giờ trưa để làm thủ tục xin chuyển trường cho con và nhờ thầy Tuyên hỗ trợ, nếu thầy bận xin phép ngồi ở ngoài đợi đến 13h để quay trở lại. Ngay lập tức nhận hồ sơ, ông Ngô Văn Tuyên điện thoại cho cô hiệu trưởng và đề nghị hỗ trợ, đồng thời mở loa ngoài để phụ huynh cùng nghe về các thủ tục cần thiết. Ở đầu dây bên kia, hiệu trưởng mau mắn đáp lại và mời phụ huynh đến ngay trường để hoàn thành các thủ tục chuyển trường và nhập học dù đang là giờ nghỉ trưa. 

Các đại biểu tham dự hội thảo

Hạnh phúc sẽ thành công

Cô Dương Thái Thanh Nhàn, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đông Ba, quận Phú Nhuận, TP.HCM, vốn được đồng nghiệp nể trọng bởi ngoài việc là một nhà quản lý giỏi, cô còn là một nhà giáo mẫu mực. Cô nhớ lại thời điểm bắt đầu vào nghề hơn 30 năm trước: “Hai năm đầu đi dạy lớp 1, tôi nhận thấy học sinh ngưỡng 6-8 tuổi có sức tiếp thu rất tốt, mấu chốt là dùng phương pháp nào phù hợp cho mỗi em để sau cùng thì tất cả đều hiểu bài. Một trong những phương pháp quan trọng nhất là phải chú ý đến cảm xúc và lắng nghe suy nghĩ của học sinh, nếu các em không vui, nhiều khả năng sức tiếp thu sẽ giảm, nhưng nếu các em cảm thấy hào hứng, hạnh phúc khi đến lớp thì dù sức tiếp thu có chậm hơn các bạn khác, theo thời gian sẽ được cải thiện. Điều này đã được kiểm chứng khi có những em học lực lớp 1, 2 chưa tốt nhưng thành tích lên đến các lớp cao hơn lại cải thiện rõ rệt, miễn sao các em luôn thấy vui khi đến trường”. 

Là giáo viên tâm huyết và có những phương pháp giảng dạy đặc biệt với khối 1, nên đến khi trở thành quản lý, cô Dương Thái Thanh Nhàn đã đặt ra nguyên tắc “trẻ thơ không có tội”, nghĩa là phải bảo vệ sự hồn nhiên, vô tư của trẻ thơ một cách tuyệt đối khi đến trường, kể cả khi trẻ mắc lỗi thì người lớn phải xem lại trách nhiệm của mình trước. Những vấn đề, khúc mắc có sự liên quan đến giáo viên hay phụ huynh, cô Nhàn luôn dùng nguyên tắc này để giải quyết. Chẳng hạn, khi có phụ huynh bày tỏ sự không hài lòng với nhà trường và muốn chuyển trường cho con, cô Nhàn chia sẻ tôn trọng ý kiến của phụ huynh, nhưng đồng thời cũng mong phụ huynh hỏi xem con đi học có vui không, có muốn đến lớp, đến trường không, trước khi đưa ra quyết định. Dù chuẩn bị nghỉ hưu, nhưng chắc chắn hình ảnh cô Hiệu trưởng Dương Thái Thanh Nhàn, đến từng lớp, nhất là các khối lớp 1, 2 hằng ngày, ân cần hỏi thăm và kiên nhẫn lắng nghe, từng học sinh, không chỉ trong giờ học, mà còn giờ ăn trưa, chắc chắn sẽ còn in đậm trong tâm trí các học sinh, giáo viên và kể cả các phụ huynh có dịp chứng kiến. 
Giáo sư Peck Cho, chuyên gia giáo dục nổi tiếng người Hàn Quốc, hiện làm việc cho Ủy ban Cố vấn Chính sách của Bộ Giáo dục, Bộ Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc đã nhấn mạnh: “Chúng ta không chọn hạnh phúc hay thành công, bởi nếu chọn thành công và đạt được cũng chưa chắc đã có hạnh phúc. Nhưng nếu chúng ta làm cho trường học hạnh phúc, trẻ thơ vui vẻ, kết quả sẽ là thành công sau đó”.

Học sinh tiểu học TP.HCM hào hứng tham gia tiết học

Đã từ lâu, người ta không còn phân biệt giữa điện thoại và điện đoại thông minh (smartphone) nữa, bởi lẽ nói đến điện thoại bây giờ thì smartphone là điều tất nhiên, nó cũng tương tự như nói đến thương mại thì nhiều người có thể liên tưởng đến thương mại điện tử hay bán lẻ, thì đó là các chuỗi bán lẻ. Và có lẽ nhiều người đều mong muốn khi nói đến trường học thì đó phải là nơi hạnh phúc.

Giáo sư Hà Vĩnh Thọ, diễn giả nổi tiếng về vấn đề hạnh phúc, nguyên Giám đốc Chương trình của Trung tâm Tổng Hạnh phúc Quốc gia Bhutan kết luận: “Khái niệm trường học hạnh phúc (happy schools) nên trở thành một phần tất yếu khi chúng ta nghĩ và nói về giáo dục. Tôi nhận thức được những chương trình mà VTV7, Bộ GD&ĐT và Cty CP sữa Quốc tế IDP đã thực hiện trong những năm qua sẽ giúp thay đổi tư duy trong các hiệu trưởng, giáo viên, phụ huynh và học sinh. Thế giới đang thay đổi, xã hội đang thay đổi, thị trường việc làm đang thay đổi và nền giáo dục cũng phải thích ứng với những tình huống mới này để chuẩn bị cho công dân của ngày mai đối mặt với những thách thức của thời đại chúng ta. Trường học hạnh phúc, gia đình hạnh phúc sẽ là thành trì vững chắc cho con người chống chọi và vượt qua các thách thức này”.

THÁI CA

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top