Dâng hương tưởng niệm 146 năm ngày sinh cụ Huỳnh Thúc Kháng

VHO- Nhân dịp kỷ niệm 146 năm ngày sinh cụ Huỳnh Thúc Kháng (1.10.1876 – 1.10.2022), tại mộ cụ Huỳnh Thúc Kháng trên núi Thiên Ấn (TP Quảng Ngãi) và Di tích Ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam Trung Bộ tại huyện Nghĩa Hành, các đồng chí lãnh đạo Sở VHTTDL tỉnh, Huyện ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Nghĩa Hành (Quảng Ngãi) đã đến dâng hoa, viếng hương cụ Huỳnh Thúc Kháng, nguyên Quyền Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Tại lễ dâng hương, các đồng chí lãnh đạo địa phương bày tỏ lòng thành kính, biết ơn sâu sắc đối với những công lao, đóng góp của cụ Huỳnh Thúc Kháng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất nước nhà.

Dâng hương tưởng niệm 146 năm ngày sinh cụ Huỳnh Thúc Kháng - Anh 1

Dâng hương tưởng niệm 146 năm ngày sinh cụ Huỳnh Thúc Kháng

Cụ Huỳnh Thúc Kháng sinh ngày 1.10.1876, tại làng Thạnh Bình, tổng Tiên Giang Thượng, huyện Hà Đông, phủ Thăng Bình (nay là xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam). Cụ Huỳnh được xưng tụng là một trong “Ngũ phụng tề phi” của Quảng Nam xưa, là người khởi xướng, khơi dậy phong trào yêu nước. Năm 1927, cụ Huỳnh sáng lập ra nhà in và báo Tiếng Dân và làm chủ nhiệm kiêm chủ bút báo tại Huế cho đến khi tờ báo Tiếng Dân bị đình bản (năm 1943). Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, cụ Huỳnh được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời tham gia nội các Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, giữ chức Bộ trưởng Nội vụ. Đầu năm 1946, cụ làm Chủ tịch hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam. Tháng 5.1946, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh sang Pháp, cụ Huỳnh được giao chức vụ Quyền Chủ tịch nước (31.5.1946 – 20.10.1946). 

Dâng hương tưởng niệm 146 năm ngày sinh cụ Huỳnh Thúc Kháng - Anh 2

Lãnh đạo Sở VHTTDL tỉnh thắp hương cụ Huỳnh Thúc Kháng tại Di tích Ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam Trung Bộ 

Trên cương vị Quyền Chủ tịch nước, cụ Huỳnh tham gia giải quyết kịp thời những vấn đề đối nội và đối ngoại theo phương châm “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” góp phần quan trọng trong điều hành bộ máy nhà nước. Khi cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ (tháng 12.1946), Chủ tịch Hồ Chí Minh cử cụ Huỳnh làm Đặc phái viên của Chính phủ đi kinh lý miền Trung để giải thích đường lối kháng chiến, kêu gọi toàn dân ủng hộ Chính phủ, ủng hộ cách mạng. Do tuổi cao, sức yếu và lâm bệnh nặng, cụ Huỳnh Thúc Kháng qua đời tại Quảng Ngãi vào ngày 21.4.1947 trong niềm tiếc thương vô hạn của đồng bào, cán bộ, chiến sĩ cả nước. Theo tâm nguyện của cụ, nhân dân đã an táng cụ trên đỉnh núi Thiên Ấn.

Dâng hương tưởng niệm 146 năm ngày sinh cụ Huỳnh Thúc Kháng - Anh 3
Dâng hương tưởng niệm 146 năm ngày sinh cụ Huỳnh Thúc Kháng - Anh 4

Mộ cụ Huỳnh Thúc Kháng trên đỉnh núi Thiên Ấn

Được biết, trong năm 2022, tỉnh Quảng Ngãi đã hoàn thành cải tạo, nâng cấp khu mộ cụ Huỳnh Thúc Kháng, đồng thời xây mới hệ thống sân vườn, đường nội bộ, vườn trồng cây lưu niệm để hút khách du lịch đến với di tích, nâng cao giá trị cảnh quan của khu di tích lịch sử cấp quốc gia.

NHƯ ĐỒNG

Ý kiến bạn đọc