Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

29 Tháng Ba 2024

Xây dựng Trung tâm Phát hành và phổ biến phim trực tuyến: Đã sẵn sàng “mở kho” phim Việt

Thứ Hai 03/10/2022 | 10:33 GMT+7

VHO- Không nằm ngoài xu hướng phát triển của điện ảnh toàn cầu, điện ảnh Việt Nam đang tích cực phát triển các nền tảng chiếu phim trên không gian mạng. Chủ động xây dựng, phát triển cộng đồng người xem trên Internet kết hợp với các nền tảng phát triển điện ảnh, gắn với phát triển công nghiệp văn hoá, đề án xây dựng Trung tâm Phát hành và phổ biến phim trực tuyến đang được Cục Điện ảnh (Bộ VHTTDL) gấp rút hoàn thiện.

 “Con chim vành khuyên”, tác phẩm có giá trị đặc biệt trong lịch sử điện ảnh Việt

 Mô hình phát triển của những nền tảng phim trực tuyến “gặp thời” và làm mưa làm gió thời gian qua như Netflix cũng đang là chất xúc tác góp phần thúc đẩy xu hướng này phát triển tại Việt Nam. Trung tâm phát hành và phổ biến phim trực tuyến được kỳ vọng sẽ sớm thành hình, mở rộng cánh cửa để đưa “Nghệ thuật thứ 7” đến gần hơn với công chúng.

Kỳ vọng xóa nhòa khoảng trống phim Việt trên nền tảng số

Nếu thế giới có Netflix thì Việt Nam cũng đã có VTVgo, FPT Play, Galaxy Play, DANET... cùng nhiều trang phim thu hút được lượng lớn người truy cập. Sự phát triển của công nghệ giúp các tác phẩm điện ảnh đến với khán giả nhanh chóng, tạo ra diện mạo và phong cách thụ hưởng mới, đồng thời là con đường nhanh nhất để quảng bá hình ảnh đất nước, con người, văn hóa Việt Nam với bạn bè quốc tế.

Thành lập từ 1997, Netflix nổi lên như một hiện tượng dẫn đầu cho xu thế giải trí dựa trên nền tảng kỹ thuật số. Tới nay, dịch vụ này đã vươn tới 190 quốc gia và vùng lãnh thổ, cũng là thương hiệu “gặp thời” trong bối cảnh dịch bệnh. Tại Việt Nam, thời điểm tháng 4.2020, có tới hơn 3,5 triệu thiết bị cài đặt Netflix. Tiếp theo thành công của Netflix, Amazon cũng là nền tảng cung cấp nhiều ưu đãi, lôi kéo người dùng đăng ký kênh Amazon Prime. Thành công của các thương hiệu quốc tế phần nào đó đã khơi dậy mong muốn chúng ta cũng sẽ có những nền tảng khéo “chiều chuộng” mọi nhu cầu của công chúng; đưa những thước phim giá trị của điện ảnh Việt đến với người xem.

Tại Việt Nam, thị trường phim trực tuyến đang phát triển ngày càng nhanh chóng. Số liệu từ Bộ TT&TT tháng 11.2020 cho biết, chúng ta hiện có khoảng 35 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền trực tuyến, với 14 triệu thuê bao, tổng doanh thu đạt khoảng 9.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, trên các nền tảng này, danh sách phim Việt còn quá khiêm tốn so với phim Mỹ, Hàn, Trung...

Các phim điện ảnh do Nhà nước đầu tư sản xuất từ trước đến nay chỉ được phát hành chủ yếu thông qua phương thức truyền thống tại hệ thống rạp. Do không thể cạnh tranh với các phim thương mại, “bom tấn” nên chỉ trụ được một thời gian ngắn rồi sau đó gửi lưu trữ hoặc chỉ được chiếu lại trong dịp kỷ niệm, ngày lễ lớn. Điều này gây lãng phí nguồn ngân sách, công tác phát hành phim chưa được khai thác triệt để, trong khi các địa phương luôn trong tình trạng khan hiếm phim phục vụ.

Tại buổi làm việc gần đây về đề án Trung tâm phát hành và phổ biến phim trực tuyến, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng thẳng thắn chỉ rõ, dù đã có Luật Điện ảnh cũng như hệ thống các văn bản pháp luật, cơ chế chính sách khuyến khích của Nhà nước, nhưng điện ảnh Việt Nam chưa phát triển đáp ứng được nhu cầu của công chúng và tương xứng với tiềm năng. “Chúng ta thấy có một thực tế là hằng ngày người dân vẫn xem nhiều phim nước ngoài trên các nền tảng trực tuyến như Netflix, trong khi đó phim Việt lại ít được phổ biến trên những nền tảng này. Hàng trăm, hàng ngàn bộ phim chất lượng, những tác phẩm điện ảnh có giá trị sống cùng năm tháng nhưng do nhiều nguyên nhân vẫn chưa được đưa đến với rộng rãi công chúng…”, Bộ trưởng trăn trở. Đây cũng là một trong những xuất phát điểm để lãnh đạo Bộ VHTTDL chỉ đạo Cục Điện ảnh và các đơn vị chức năng khẩn trương xây dựng đề án “Trung tâm phát hành và phổ biến phim trực tuyến”.

 Trung tâm Phát hành và phổ biến phim trực tuyến ra đời sẽ đưa những tác phẩm điện ảnh Việt Nam từ trong kho lưu trữ đến với đông đảo công chúng

“Người Việt yêu phim Việt”

Theo số liệu điều tra, con số gần 600 triệu người đăng ký dịch vụ xem phim trực tuyến trong năm 2021 cho thấy sự “lên ngôi” của nền tảng này. Giới chuyên gia và các nhà đầu tư nhận định, dịch vụ phát trực tuyến sẽ thay đổi đáng kể từ năm 2022 nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dùng.

Nếu như các nền tảng nước ngoài có điểm mạnh là kho phim phong phú với nhiều tác phẩm chất lượng thì những nền tảng thuần Việt lại tạo sự khác biệt với việc sở hữu các tựa phim Việt chiếu rạp bản quyền, phim Việt độc quyền và nhiều phim nước ngoài phù hợp với thị hiếu khán giả trong nước. “Phim chiếu rạp Việt Nam luôn khó tiếp cận hơn các phim được sản xuất tại nước ngoài, nên nếu muốn xem lại một bộ phim chiếu rạp từng đình đám như Bố già, Lật mặt: 48H, Tiệc trăng máu... thì người dùng hoàn toàn có thể tìm được khi ứng dụng Trung tâm phát hành và phổ biến phim trực tuyến được chính thức sử dụng…”, Giám đốc Trung tâm Chiếu phim quốc gia Nguyễn Danh Dương nêu.

Với vai trò nhà sản xuất, bà Trần Thị Bích Ngọc nhấn mạnh, phát hành phim trên nền tảng trực tuyến đã thay đổi đáng kể những năm qua, đặc biệt sau đại dịch Covid-19. Trước đây, một bộ phim được đưa lên nền tảng trực tuyến sau khoảng 6 tháng từ ngày chiếu rạp, nhưng hiện nay đã giảm xuống còn 1-2 tháng, thậm chí phát hành ngay khi bộ phim giảm dần tần suất chiếu, như trường hợp Em và Trịnh trên nền tảng Galaxy Play. “Bên cạnh đó, Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ người sử dụng Intetnet cao trong khu vực, với hơn 70% dân số sử dụng mạng xã hội, đứng thứ 12 trên thế giới về tỷ lệ tăng trưởng người sử dụng mạng xã hội giai đoạn 2021-2026. Nền tảng hạ tầng Internet ở Việt Nam khá ổn định, là nhân tố tốt và tạo nền tảng vững chắc cho phát triển phổ biến phim, các hoạt động nghệ thuật trực tuyến…”, bà Trần Thị Bích Ngọc nhấn mạnh.

PGS.TS Đỗ Lệnh Hùng Tú, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, cần sớm hoàn thiện để trình phê duyệt Đề án xây dựng Trung tâm phát hành và phổ biến phim trực tuyến. Đề án sẽ có tính thực tiễn cao khi được sự quan tâm mang tính chiến lược và nguồn lực đầu tư của nhà nước; đồng thời cần có sự vận hành của các chuyên gia công nghệ thông tin, phối hợp chặt chẽ với các nhà điện ảnh trong các lĩnh vực phát hành, lưu trữ, phổ biến, quảng cáo, mỹ thuật truyền thông đa phương tiện…

Theo Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành, Trung tâm Phát hành và phổ biến phim trực tuyến sau khi ra đời sẽ là địa chỉ phát hành, phổ biến, kinh doanh và lưu trữ các tác phẩm điện ảnh Việt Nam và nước ngoài; là Trung tâm chính thống của nhà nước để phát hành và phổ biến phim Việt Nam gồm các thể loại phim truyện, phim tài liệu, hoạt hình...; trở thành nơi lưu trữ và cung cấp nguồn phim do Nhà nước đầu tư đặt hàng sản xuất cho các Trung tâm Văn hoá - Điện ảnh địa phương phục vụ nhiệm vụ chính trị. Cung cấp tối đa 100 giờ phim/năm, trong đó phim Việt Nam 80 giờ/năm…

Khát vọng “mở kho” phim Việt và bắc cầu kết nối đến với khán giả, theo mục tiêu mà Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đã đặt ra “Người Việt yêu phim Việt” đang từng ngày từng giờ dần hiện hữu, khi hình hài Trung tâm Phát hành và phổ biến phim trực tuyến được phác thảo ngày càng rõ nét hơn. Không chỉ là sự trông đợi của giới nghề, mà với công chúng, sự ra đời của Trung tâm sẽ là không gian lý tưởng, nơi nhân lên niềm tự hào của khán giả yêu phim Việt khi mỗi ngày họ đều có thể thưởng thức những thước phim vô giá, bất cứ khi nào và từ bất cứ nơi đâu… 

 Chúng ta thấy có một thực tế là hằng ngày người dân vẫn xem nhiều phim nước ngoài trên các nền tảng trực tuyến như Netflix, trong khi đó phim Việt Nam lại ít được phổ biến trên những nền tảng này. Hàng trăm, hàng ngàn bộ phim chất lượng, những tác phẩm điện ảnh có giá trị sống cùng năm tháng nhưng do nhiều nguyên nhân vẫn chưa được đưa đến với rộng rãi công chúng…

(Bộ trưởng NGUYỄN VĂN HÙNG )

 

 Mục tiêu mà Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đã đặt ra “Người Việt yêu phim Việt” đang từng ngày từng giờ hiện hữu, khi hình hài Trung tâm Phát hành và phổ biến phim trực tuyến được phác thảo ngày càng rõ nét hơn. Không chỉ là sự trông đợi của giới nghề, mà với công chúng, sự ra đời của Trung tâm sẽ là không gian lý tưởng, nơi nhân lên niềm tự hào của khán giả yêu phim Việt khi mỗi ngày họ đều có thể thưởng thức những thước phim vô giá, bất cứ khi nào và từ bất cứ nơi đâu…

 PHƯƠNG ANH; ảnh: TRẦN HUẤN - T.L

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top