Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

29 Tháng Ba 2024

Thiếu chương trình truyền hình dành cho người cao tuổi: Thiệt thòi cho tuổi xế chiều

Thứ Sáu 07/10/2022 | 09:18 GMT+7

VHO- Thực tế ở Việt Nam hiện nay, chương trình truyền hình chủ yếu được sản xuất dành cho lớp trẻ, có thể nói là “đếm không xuể”, trong khi các chương trình dành cho người cao tuổi chỉ... vỏn vẹn vài show. Mảng phim truyền hình cũng ghi nhận tình cảnh tương tự. Nhiều ý kiến cho rằng, việc thiếu vắng chương trình giải trí cho “các cụ” trên truyền hình là thiệt thòi lớn của những người đang ở độ tuổi “xế chiều”.

Chương trình truyền hình dành cho người cao tuổi luôn lan tỏa những giá trị nhân văn tốt đẹp Ảnh: HTV

 Hay… nhưng hiếm

Dù chỉ đếm chưa hết đầu ngón tay, cũng không được truyền thông sôi nổi, gameshow, talkshow, phim truyền hình dành cho người cao tuổi vẫn nhận được sự yêu mến của khán giả bởi không chỉ mang tính giải trí mà còn lan tỏa giá trị nhân văn tốt đẹp. Có thể kể đến các chương trình: Cây cao bóng cả, Vui - Khỏe - Có ích, Tiếng hát mãi xanh, Vũ điệu vàng... hầu hết đều chuyển tải nguồn cảm hứng, động lực tích cực về luyện tập thể thao, lạc quan, sống vui, sống khỏe và sống đẹp cho người xem, nhất là khán giả cao tuổi. Cá biệt, có những chương trình khán giả xem tập nào cũng khóc vì những câu chuyện cảm động mà người lớn tuổi mang lại. Tình trăm năm (Đài Truyền hình TP.HCM) là điển hình khi đem đến các sắc màu tình yêu thời son trẻ của các cụ ông, cụ bà U70 trở lên. Những bí quyết hôn nhân bền vững, đúc kết từ sự đơn giản nhưng không phải ai cũng làm được đã được các cặp đôi U70-80 lan tỏa. Tình trăm năm nhắc nhở mọi người về những giá trị tốt đẹp của hôn nhân, tình yêu bất chấp thời gian, tuổi tác.

Ở mảng phim truyền hình, bộ phim Thông gia ngõ hẹp của Trung tâm Sản xuất phim truyền hình VFC (Đài Truyền hình Việt Nam) vừa lên sóng VTV3 đã thu hút sự chú ý của khán giả. Chuyện tình của đôi trẻ Phan và Linh chỉ là cái cớ để hai ông bố là ông Phúc (bố của Phan do NSƯT Chí Trung đóng) và ông Khôi (bố của Linh do NSND Trọng Trinh vào vai) đấu đá, trở thành trung tâm của bộ phim với những tình huống dở khóc, dở cười. Ngoài ra, phim có sự xuất hiện của nhân vật cao tuổi như cụ Thập (bà nội Phan, nghệ sĩ Tuyết Liên ở tuổi gần 80 thủ vai), tạo nên một thế giới tâm lý người lớn tuổi rất đáng theo dõi. Đặc biệt, phim lan toả thông điệp ý nghĩa ở nhân vật của nghệ sĩ Tuyết Liên: Dù có đanh đá, ghê gớm nhưng vẫn toát lên sự đáng yêu, đáng kính của một người bà luôn hết mực yêu thương con cháu.

Ghi dấu ấn nhờ những giá trị nhân văn nhưng các chương trình truyền hình dành cho người cao tuổi rất ít xuất hiện trên sóng truyền hình, chưa kể có show đã bị nhà đài dừng sản xuất chỉ sau một thời gian ngắn phát sóng. Trong khi đó, đối tượng người cao tuổi mới là những người thường xuyên theo dõi truyền hình do đang được hưởng sự an nhàn của tuổi già. Việc thiếu vắng những chương trình đặc thù đã khiến không ít cụ già rơi vào tình cảnh “dở khóc dở cười”, phải xem các chương trình giải trí có nhạc “xập xình” hay phim ảnh không phù hợp với độ tuổi của mình.

Cần hướng nhiều hơn đến những “cây cao bóng cả”

Có thể nói, người cao tuổi chưa được các nhà đài, đơn vị sản xuất quan tâm đúng mức trong sản xuất các chương trình, phim truyền hình. Điều này xuất phát từ áp lực phải “hút rating”. Tỉ suất người xem cao thì nhà đài cũng dễ thu về quảng cáo. Với việc tự chủ tài chính như hiện nay, quảng cáo được xem là mảnh đất màu mỡ để nhà đài thu về lợi nhuận. Những chương trình dành cho người cao tuổi với tính chất khó sôi động, kén người xem nên khó thu quảng cáo, thậm chí là không có quảng cáo.

Nhu cầu xem truyền hình của người cao tuổi rất lớn, nhưng oái oăm thay, các chương trình dành cho họ lại không có nhiều. Ngoài yếu tố rating, người trong giới nghề phải thừa nhận thiết kế nội dung show dành cho người cao tuổi rất khó nên những chương trình như vậy không đa dạng. Có được kịch bản, sản xuất xong, chương trình cũng không có độ phủ rộng vì không phải “gu” của đại đa số khán giả. Bên cạnh đó, những chương trình trên thường tập trung khai thác nội dung ứng xử tình huống trong cuộc sống hằng ngày của người cao tuổi nên tính chất cũng khó lôi cuốn. Do đó, “miếng bánh” truyền hình dành cho tuổi “xế chiều” bị nhà đài, đơn vị sản xuất ngó lơ, thậm chí bị coi là “khó nuốt”.

Để sản xuất những chương trình dành cho “các cụ” nhưng vẫn thu hút các thế hệ theo dõi, các bên cần khai thác tâm lý người già hiện nay thường thích xem truyền hình cùng con cháu. Nội dung những chương trình này cần có sự trẻ hoá nhưng vẫn không mất chất riêng để cả gia đình có thể cùng ngồi xem và cùng bàn luận. Hơn nữa, các chương trình về sức khỏe, du lịch, ca nhạc… cần được làm với chất lượng tốt hơn, đẩy mạnh tính tương tác giữa các thành viên trong gia đình. Như vậy sẽ hài hòa tất cả yếu tố, vừa đáp ứng được nhu cầu của khán giả lớn tuổi, vừa dễ “tương thích” hơn với mọi người.

Với riêng mảng phim truyền hình, trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Khải Anh, Phó Giám đốc VFC chia sẻ, nhận thức được việc thiếu vắng phim dành cho người cao tuổi, VFC vẫn đang nỗ lực mở rộng đối tượng khán giả, đa dạng dòng phim và hướng nhiều hơn đến những “cây cao bóng cả” trong xã hội. VFC đang đẩy mạnh khai thác, tạo nên “thế giới phim truyền hình” dành cho người cao tuổi cũng như thông điệp phim sẽ tăng cường sự kết nối các thế hệ trong gia đình. 

ĐÌNH TOÁN

 

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top