Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

28 Tháng Ba 2024

Kết nối thế giới với Văn học, Tình yêu và lòng Nhân ái

Thứ Tư 12/10/2022 | 10:17 GMT+7

VHO- “Làm thế nào để văn học Việt Nam được bạn đọc thế giới biết đến nhiều hơn? Làm thế nào để tâm hồn người Việt, thông qua tác phẩm văn học, được thấu hiểu?...” Xuất phát từ những tâm tư đó, Nhóm nữ dịch giả Hà Nội đã cùng nhau tình nguyện đảm nhận sứ mệnh dịch thuật và xuất bản văn học với mục tiêu: Kết nối thế giới với Tình yêu và lòng Nhân ái, kết nối mọi người thông qua Văn học.

 Mạch thơ xuyên suốt trong “Ngũ sắc ánh sáng” là tình yêu cuộc sống, tình yêu con người và niềm tự hào về đất nước, về dân tộc Việt Nam

 Nhân dịp tập thơ Ngũ sắc ánh sáng của Nhóm xuất bản ở Canada, chúng tôi có cuộc phỏng vấn Thiếu tá, nhà văn Phạm Vân Anh, Hội viên Hội nhà văn Việt Nam, thành viên Nhóm nữ dịch giả Hà Nội.

Thưa nhà văn, cảm nhận của chị thế nào khi biết tin thơ mình được xuất bản ở nước ngoài?

- Thiếu tá, nhà văn Phạm Vân Anh: Cảm xúc trong tôi là vô cùng hưng phấn và tự hào, bởi đây là tác phẩm chung đầu tiên được xuất bản mà Nhóm nữ dịch giả Hà Nội đóng vai trò vừa là tác giả, vừa là dịch giả. Trong những năm gần đây, cả nhóm đã thống nhất ưu tiên hoạt động dịch thuật để có thể giới thiệu khoảng 100 tác giả Việt Nam trên các tạp chí văn học của nước ngoài, đồng thời cũng đã dịch và hỗ trợ xuất bản gần 30 tập thơ, thơ, truyện ngắn, bút ký, tiểu thuyết Việt Nam tại các nước. Sau gần 3 năm, chúng tôi cảm thấy đã đến lúc cần xuất bản tác phẩm của chính mình, để lưu dấu một kỷ niệm đẹp giữa các thành viên trong nhóm, cũng như muốn giới thiệu cho các nhà văn nước ngoài biết về những sáng tác của các thành viên với tư cách là “người sáng tạo”.

 Các bài trong tập thơ này đều được sáng tác bằng tiếng Việt rồi dịch sang tiếng Anh hay có cả tác phẩm sáng tác bằng tiếng Anh, thưa chị?

- Ngũ sắc ánh sáng - 5 sights of light gồm một số bài thơ được tuyển chọn trong số hàng trăm tác phẩm mà Nhóm đã công bố nhiều năm qua. Với 120 bài thơ được đưa vào tuyển tập, có 1/5 trong số đó là chúng tôi sáng tác trực tiếp bằng tiếng Anh, số còn lại là các thành viên dịch từ bản tiếng Việt.

Do dịch tác phẩm của chính mình nên chúng tôi có nhiều thuận lợi hơn bởi không mất thời gian tư duy và cảm nhận ý tưởng, câu thơ của người khác. Việc lựa chọn ý biểu đạt cũng dễ dàng quyết định hơn vì đôi khi sẽ phải chọn một ý trọng tâm nhất để chuyển ngữ, do tiếng Anh không có nhiều từ đồng âm khác nghĩa hoặc cách ẩn dụ trong câu như tiếng Việt.

Các bài thơ được viết rải rác nhiều năm hay mới viết gần đây, thưa chị?

- Khi đưa ra ý tưởng về tuyển tập thơ Ngũ sắc ánh sáng, Nhóm thống nhất sẽ lựa chọn những sáng tác trong khoảng 5 năm gần đây. Bởi chúng tôi xác định lần đầu “chạm ngõ” văn học thế giới thì cần có sự tiệm cận về văn hóa và tư duy, để các bạn văn thông qua bản dịch có thể hiểu và đồng cảm với tâm hồn, cách lập tứ thơ, sử dụng ngôn từ và thi pháp. Mạch thơ xuyên suốt và có tính đồng điệu giữa cả 5 tác giả là tình yêu cuộc sống, tình yêu con người và niềm tự hào về đất nước, về dân tộc Việt Nam.

Nhóm Nữ dịch giả Hà Nội được thành lập với mục đích gì?

- Ý tưởng thành lập Nhóm là từ Nhà văn Kiều Bích Hậu, Ủy viên hội đồng văn học dịch của Hội Nhà văn Việt Nam. Xuất phát từ công việc tại Ban Đối ngoại, nhà văn Kiều Bích Hậu nhận thấy cần phải có nhiều hơn những hoạt động giao lưu văn học với bạn bè các nước. Bản thân chị cũng đã nhiều năm bền bỉ dịch tác phẩm cho bạn, đăng tải trên các báo, tạp chí văn học Việt Nam để đem lại niềm vui cũng như tạo dựng thiện cảm của họ. Đồng thời vận động họ hỗ trợ, giới thiệu, kết nối để có thể đăng tải tác phẩm của các nhà văn Việt Nam trên các ấn phẩm văn học tại đất nước họ hoặc hoặc các nền tảng văn chương quốc tế.

Khi nhận được sự ủng hộ của các nhà văn nước ngoài, trước khối lượng công việc khá lớn, nhà văn Kiều Bích Hậu đã kết nối để có thêm người đồng hành. Lúc đầu, nhóm làm việc ngẫu hứng với tư cách là cộng tác viên của nhà văn Kiều Bích Hậu. Nhưng sau đó, chúng tôi nhận thấy cần phải làm việc nghiêm túc hơn, cần có kế hoạch, sự thống nhất và tận dụng được tối đa các thế mạnh của từng người. Vậy là chúng tôi quyết định đặt tên nhóm là Hanoi Female Translators (Nhóm nữ dịch giả Hà Nội).

Vậy trong quá trình hoạt động, nhóm có gặp khó khăn gì không?

- Chúng tôi gặp nhiều khó khăn, bởi các thành viên không thể dành trọn vẹn thời gian để làm công việc “vác tù và hàng tổng” này. Nhưng rồi chúng tôi tự động viên nhau cố gắng và thực tế là trong suốt hai năm qua, chúng tôi đã nỗ lực vượt bậc, thậm chí dừng lại những kế hoạch cá nhân để vun vén cho việc chung. Ngay cả kinh phí để duy trì các hoạt động giao lưu, đón tiếp các nhà văn nước ngoài đến thăm Việt Nam, dịch và xuất bản sách cho các tác giả nước ngoài tại Việt Nam hay các hoạt động truyền thông khác cũng đều do nhóm tự chủ và có thêm sự ủng hộ của một số nhà hảo tâm.

Cũng đã có những ý kiến dò xét, thắc mắc do chưa hiểu cách làm của chúng tôi khiến đôi lúc cũng chạnh lòng, nhưng khi nhận được những dòng chân thành từ Nhà văn Nga Alexander Konstantin Kabishev, người sáng lập và đứng đầu dự án văn hóa và sáng tạo quốc tế DEMO GOG, Tổng biên tập tạp chí Humanity thì chúng tôi phấn chấn trở lại và thấy con đường đang đi là đúng hướng. Anh viết rằng: “Qua thơ văn Việt Nam, tôi thấy chúng ta lại khá gần gũi nhau trong những giá trị về tinh thần và văn hóa. Tôi còn biết Việt Nam có sự ấm áp về khí hậu và tình cảm con người... Người Việt chính là biển tài năng và dòng suối trong trẻo của tư tưởng nhân đạo hiện đại”. Và càng vui hơn khi hành trình của nhóm chúng tôi đã có thêm những bạn trẻ, các dịch giả nổi tiếng trong và ngoài nước đồng hành.

Chị nhận xét thế vào về cá tính 5 nữ sĩ tham gia tập thơ này và cách 5 cá tính kết hợp với nhau?

- Nhóm chúng tôi gồm 5 thành viên chính thức: Kiều Bích Hậu, Đỗ Mai Hòa, Khánh Phương, Võ Thị Như Mai, Phạm Vân Anh. Trừ nhà văn Kiều Bích Hậu hiện công tác tại Hội Nhà văn Việt Nam, còn các thành viên khác đều làm những công việc ít liên quan đến văn học như nhà thơ Đỗ Mai Hòa là doanh nhân, nhà văn Khánh Phương công tác tại báo Xây dựng, nhà thơ Võ Như Mai là một giáo viên tại Australia, còn tôi là một quân nhân công tác tại Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng.

Chúng tôi làm các công việc khác nhau trong môi trường khác nhau, độ tuổi cũng chênh lệch nhau nên không tránh khỏi có nhiều khác biệt về cá tính, phương pháp làm việc. Song chúng tôi đã vượt qua được những khác biệt đó bằng tình yêu văn chương và sự chia sẻ, cảm thông, yêu thương, trân trọng lẫn nhau. Và cả những ưu, khuyết điểm của các thành viên cũng bổ khuyết cho nhau và tạo cho chúng tôi có thêm nhiềm tiềm năng hỗ trợ lẫn nhau trong dịch thuật, sáng tác văn học cũng như trong cuộc sống. 

 HỒNG MINH (Thực hiện)

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top