Khi người Hàn Quốc sống vội

VHO- Tốc độ là thứ ám ảnh đối với người Hàn Quốc và có thể trở thành cú sốc văn hóa đối với những người nước ngoài lần đầu tiên đến xứ Kim chi.

Khi người Hàn Quốc sống vội - Anh 1

 Văn hóa ppalli ppalli đã ăn sâu vào đời sống, xã hội Hàn Quốc Ảnh: YONHAP

Trong thang máy của các tòa nhà cao tầng ở Hàn Quốc, nút đóng cửa luôn bị mòn khá nhiều vì mọi người không có ý định chờ đợi dù chỉ 1-2 giây. Tại trạm xe buýt, xe chưa đến nhưng hành khách dồn ra sát đường xếp hàng, cầm sẵn thẻ để thanh toán. Còn trên xe, nhiều người rời khỏi ghế, bước ra cửa đợi nếu muốn xuống ở trạm tiếp theo.

Văn hóa ppalli ppalli (có nghĩa là nhanh chóng, vội vàng) thường dùng để thúc đẩy người khác làm việc gì đó càng nhanh càng tốt, đã ăn sâu vào xã hội Hàn Quốc. Nhiều chuyên gia cho rằng, nét văn hóa này bắt nguồn từ quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa nhanh chóng trong những năm 1950. Trong bối cảnh hậu chiến tranh, tốc độ thường đồng nghĩa với tính hiệu quả và là cơ sở cho sự phát triển xã hội. Tuy nhiên, theo thời gian, văn hóa vội vàng có thể trở nên cực đoan, dẫn đến sự cẩu thả, bỏ qua các giá trị quan trọng hơn, ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần.

Có nhiều ý kiến tranh luận về nguồn gốc của văn hóa sống vội tại Hàn Quốc. Một trong những quan điểm phổ biến nhất liên quan đến quá trình nhảy vọt về kinh tế, từ đất nước nghèo khó thành cường quốc kinh tế. Trong nhiệm kỳ của mình từ năm 1963 - 1979, cựu Tổng thống Park Chung Hee đã truyền tinh thần lao động hăng say vào các doanh nghiệp và cuộc sống hằng ngày của người dân Hàn Quốc. Ông đặt ra các mục tiêu đầy tham vọng như đạt được 10 tỉ USD xuất khẩu, hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông trên toàn quốc và biến chúng thành hiện thực. Ví dụ, xuất khẩu của Hàn Quốc chỉ đạt 100 triệu USD vào năm 1964, nhưng đã tăng lên 10 tỉ USD vào năm 1977, trước thời hạn 3 năm. Chính quyền chỉ mất hai năm rưỡi để hoàn thành đường cao tốc Gyeongbu, tuyến đường nối thủ đô với cực nam Busan vào năm 1968. “Thời điểm mà văn hóa ppalli ppalli trở thành quy tắc ứng xử của người Hàn Quốc là những năm 1960 khi kế hoạch phát triển kinh tế được chính phủ đẩy mạnh sau chiến tranh”, Kang Jun-man, giáo sư tại Đại học Quốc gia Jeonbuk cho biết.

Hiện đại hóa góp phần thúc đẩy, nhưng không phải là nguồn gốc của văn hóa sống vội. Vua Sejong, quốc vương thứ tư của vương triều Joseon có công tạo ra chữ viết của Hàn Quốc, đã viết về xu hướng này trong biên niên sử: “Người dân của chúng ta có xu hướng vội vàng vào mọi dịp, vì vậy dẫn đến thiếu chính xác. Làm thế nào chúng ta có thể chế tạo mái ngói tốt, không bị mưa lớn phá hủy?”.

Isabella Bird Bishop, nhà thám hiểm và nhà văn người Anh, cũng ghi nhận sự nhanh nhẹn trong học tập của người Hàn. “Các giáo viên nước ngoài sẵn sàng nói về sự nhạy bén và khả năng nhận thức nhanh, cũng như tài năng tiếp thu ngôn ngữ của người Hàn”, bà viết trong cuốn sách Korea and Her Neighbors được xuất bản năm 1897.

Ngày nay, văn hóa ppalli ppalli tồn tại trong hầu hết lĩnh vực, từ công nghệ cho đến giao hàng. Người Hàn Quốc đặc biệt thiếu kiên nhẫn với tốc độ Internet chậm, vì nó cản trở việc trao đổi nhanh chóng như thông tin liên lạc, chuyển khoản ngân hàng, mua sắm và rất nhiều tác vụ khác hiện được thực hiện thông qua thiết bị di động.

Khi KakaoTalk, ứng dụng nhắn tin di động được hơn 90% dân số Hàn Quốc sử dụng, gặp sự cố trong giây lát, người dùng sẽ nhanh chóng chuyển sang các kênh mạng xã hội khác để khiếu nại, thường đưa “KakaoTalk error” lên top cụm từ thịnh hành. Nhu cầu về tốc độ cũng thúc đẩy sự phổ biến của kết nối Internet không dây và băng thông rộng, khiến Hàn Quốc được mệnh danh là “một trong những quốc gia có tốc độ Internet nhanh nhất thế giới”. Hàn Quốc cũng là nước đầu tiên triển khai mạng 5G, mặc dù tốc độ và chất lượng tổng thể của mạng kém hơn so với quảng cáo ban đầu.

Dịch vụ giao hàng ở xứ Kim chi cũng được kỳ vọng tuân theo văn hóa sống vội. Dù đặt món ăn phức tạp hay xa xôi, người Hàn vẫn hy vọng có thể nhận được trong vòng 30 phút.

Trong lĩnh vực mua sắm trực tuyến, mất hơn hai ngày để nhận một gói hàng đã thử thách sự kiên nhẫn của nhiều khách hàng Hàn Quốc. Các trang thương mại điện tử nổi tiếng như Coupang và Market Kurly đều giới thiệu hình thức giao hàng trong ngày hoặc giao vào sáng sớm.

Xu hướng ppalli ppalli có thể đã giúp Hàn Quốc phát triển với tốc độ nhanh chóng, nhưng cũng làm phát sinh nhiều sự cố tai hại. Nhiều chuyên gia cho rằng, vụ sập trung tâm mua sắm Sampoong vào năm 1995, khiến 502 người thiệt mạng và hơn 900 người bị thương và vụ sập cầu Seongsu vào năm 1994, cuốn theo nhiều ôtô, xe tải và xe buýt, đều có nguyên nhân một phần do vội vàng dẫn đến cẩu thả.

Sau một loạt các sự cố bi thảm trong đó văn hóa vội vàng đóng một vai trò nhất định, các nhà lãnh đạo chính trị và kinh doanh, ít nhất trong các bài phát biểu công khai của mình, đã ít tập trung vào tốc độ mà nhấn mạnh tầm quan trọng của sự tỉ mỉ và chính xác, đặc biệt trong những năm 2000. 

 CHI MAI

Ý kiến bạn đọc