Phát hiện và điều trị sớm các bệnh về sức khỏe tâm thần

VHO- Bà N.T.V đến phòng khám chuyên khoa Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Xây dựng, Hà Nội) để khám vì chứng mất ngủ lâu ngày. Bà V cho biết, mỗi tuần bà có khoảng 3-4 ngày đêm không thể ngủ được dù gia đình không có vấn đề gì.

Phát hiện và điều trị sớm các bệnh về sức khỏe tâm thần - Anh 1

TS Nguyễn Doãn Phương động viên các bệnh nhân điều trị

Với những trường hợp này, TS.BS Nguyễn Doãn Phương, Phó Chủ tịch Hội Tâm thần Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Sức khỏe Tâm thần Bệnh viện Bạch Mai cho biết, bệnh nhân có biểu hiện rối loạn lo âu, cần có thời gian để tìm hiểu, đi vào tâm tư, tình cảm để bệnh nhân chia sẻ mới có thể phát hiện được nguyên nhân sâu sa. Hiện nay, Bệnh viện Xây dựng đang điều trị cho nhiều bệnh nhân có dấu hiệu mất ngủ lâu ngày, và nặng hơn là các bệnh nhân có các vấn đề về sức khỏe tâm thần. “Người dân rất quan tâm đến sức khỏe tâm thần nhưng họ không biết đấy là bệnh lý của tâm thần mà thường xuyên đến các chuyên khoa khác. Bệnh lý tâm thần thường lồng ghép với các bệnh khác như thần kinh, tiêu hóa, tim mạch, nội tiết, đái tháo đường... Do đó khi bệnh nhân đến các chuyên khoa khác, mà thầy thuốc chưa đủ kinh nghiệm để phát hiện ra đó là bệnh lý của tâm thần”, TS Nguyễn Doãn Phương cho hay.

Cũng theo nguyên Viện trưởng Viện Sức khỏe Tâm thần, chăm sóc sức khỏe tâm thần là một vấn đề quan trọng vì căng thẳng, lo âu, stress hầu như đến với tất cả mọi người, ở mọi lứa tuổi, từ em bé mới sinh, đến lớp 1, cấp 2, cấp 3, đại học và đi làm. Cuộc sống tác động tới từng cá nhân và tất cả chúng ta đều stress, thông thường thì mỗi người tự điều chỉnh và thích nghi với stress nhưng có trường hợp diễn ra thường xuyên, kéo dài thì họ không chịu đựng được và trở thành bệnh lý rất nguy hiểm. “Tôi đã tiếp xúc với nhiều cặp cha mẹ mà họ than vãn rằng con cái họ, lì bướng, không ngoan, không chịu học hành, không nghe theo chỉ dẫn của bố mẹ... Sau khi nhẫn nại lắng nghe, tôi đã chỉ cho họ thấy, vấn đề không phải ở đứa trẻ mà chính các bậc phụ huynh. Bởi mỗi khi trẻ thất bại, mắc sai lầm thì đáng lẽ phải phân tích, sửa chữa để con trưởng thành thì bố mẹ lại nhiếc móc, dày vò trẻ, khiến nhiều đứa trẻ có thái độ oán hận bố mẹ. Có những đứa trẻ học hành không tiến bộ, không tập trung nên tìm thầy giáo dạy giỏi để dạy cho con mình, nhưng cũng không cải thiện được và lại cho là lỗi của đứa trẻ. Trong khi chỉ cần mời những anh chị gia sư cùng thế hệ để đi sâu vào tình cảm của cháu bé có thể động viên cháu, giúp cháu lấy lại kiến thức gốc đã mất để cháu tự tin hơn. Hầu hết các gia đình đều có vấn đề liên quan dạy dỗ trẻ, khi không được như ý muốn thì căng thẳng, stress và làm cho đứa trẻ cũng bị căng thẳng theo. Nhiều người đưa trẻ đi khám sức khỏe tâm thần nhưng chính cha mẹ cũng cần phải đi khám”, TS Phương bình luận.

Nhân ngày Sức khỏe tâm thần thế giới 10.10, TS Nguyễn Doãn Phương nhắn nhủ, mỗi người hãy bớt căng thẳng, lo lắng vấn đề “cơm áo gạo tiền”, mà hãy quan tâm đến con cái và những người xung quanh, nếu không chúng ta phải đối mặt với những hậu quả khôn lường mà đến khi muộn rồi mới biết.

QUỲNH HOA

Ý kiến bạn đọc