Cô giáo trẻ bám thân cây​​​​​​​ vượt suối đến lớp

VHO- Trong những ngày mưa bão vừa qua, trên mạng xã hội Facebook truyền đi hình ảnh một cô giáo vùng cao Nam Trà My (Quảng Nam) dầm mưa, bám chặt vào một thân cây, nhích từng chút một để vượt qua dòng suối chảy xiết. Cộng đồng bày tỏ lo lắng, xót xa cho cô giáo trẻ đã không quản nguy hiểm đến tính mạng để mang con chữ đến với học sinh nghèo.

Cô giáo trẻ bám thân cây​​​​​​​ vượt suối đến lớp - Anh 1

 Cô Tý bám thân cây vượt suối đến lớp

 Cô gái trong bức ảnh gây xúc động là Nguyễn Thị Tý (30 tuổi, trú xã Trà Mai), hiện đang là giáo viên phụ trách lớp mầm non ở điểm trường nóc Ông Bình, thôn 3, xã Trà Dơn, huyện Nam Trà My. Cô Tý chia sẻ, bức ảnh được ghi lại vào thứ Hai đầu tuần ngày 10.10, khi cô từ nhà lên lại điểm trường. Đã hơn một tuần trôi qua, nhưng cô vẫn còn cảm giác ớn lạnh khi nhớ lại chuyến băng rừng, vượt suối đầy hiểm nguy. “Như thường lệ, tôi rời nhà từ rạng sáng, chạy xe máy từ xã Trà Mai lên đến trung tâm xã Trà Dơn. Từ đây, tôi sẽ lội bộ khoảng 2 tiếng để đến điểm trường ở nóc Ông Bình. Đó là cách duy nhất để đi vào”, cô Tý kể.

Hôm ấy, sau khi để xe máy lại ở trung tâm xã Trà Dơn, cô Tý cùng thầy Nguyễn Văn Nhân, giáo viên phụ trách lớp ghép 1 - 2 ở điểm trường cùng đi bộ, băng rừng đến lớp. Do hôm ấy trời mưa tầm tã, mặt đường lầy lội, trơn trượt rất khó di chuyển nên hai người phải dò dẫm chống gậy, ngón chân bấm thật chặt xuống đất để giữ vững từng bước một. Quãng đường vào điểm trường phải vượt qua 3 con suối, bình thường không quá sâu, nhưng vào những ngày mưa to, con suối trở nên hung dữ, nước dâng cao, chảy xiết, ít người dám lội qua.

Lúc mới đến con suối thứ nhất, hai thầy cô đã thoáng lưỡng lự. “Thời điểm ấy, quả thật tôi cứ phân vân, nửa muốn quay về lại trung tâm chờ mưa ngớt, nửa lại thấy thương học trò nên muốn đi tiếp. Rốt cuộc, nghĩ tới các em chắc đang ngóng thầy cô lên, chúng tôi đã cố gắng vượt qua nỗi sợ hãi kiếm cách qua suối”, cô Tý tâm sự.

Cô giáo trẻ bám thân cây​​​​​​​ vượt suối đến lớp - Anh 2

 Cô Tý và các em học sinh ở nóc Ông Bình Ảnh: NVCC

Khi thấy cây gỗ chò bắc ngang đoạn ngập sâu, cô Tý và thầy Nhân lần lượt bám chặt vào thân cây, nhích từng centimet để vượt suối. Trong lúc cô Tý đang di chuyển, thầy Nhân đã dùng điện thoại chụp ảnh làm kỷ niệm. Con suối thứ hai nước cạn hơn nên thầy cô dễ dàng lội qua. Đến con suối cuối cùng, hai người phải ngồi đợi hơn 4 tiếng đồng hồ chờ mưa tạnh, nước chảy bớt xiết thì mới dám vượt để đến lớp. Bây giờ xem lại bức hình, cô Tý cũng không hiểu vì sao khi ấy lại có thể can đảm đến thế. “Tôi và thầy Nhân chỉ nghĩ đơn giản là cố gắng đến trường với các con sớm nhất”, cô Tý kể.

Được biết, đây là năm thứ 5 cô Tý dạy ở xã Trà Dơn. Hai năm đầu, lúc mới ra trường, cô được phân công đứng lớp ở nóc Ông Phụng. Quãng đường đến với học trò cũng không hề “kém cạnh” điểm trường nóc Ông Bình hiện tại.

Anh T.Huỳnh, trưởng một nhóm thiện nguyện ở Quảng Nam, thường xuyên có những chương trình hỗ trợ xây dựng lớp học kiên cố cho những điểm trường ở các thôn, nóc ở miền núi Quảng Nam chia sẻ: “Ở nơi này thường chỉ có 1 lớp mầm non và 1 lớp học ghép lớp 1-2, lên lớp 3 các em sẽ về học bán trú tại các điểm trường ở xã trung tâm. Thầy cô giáo vừa dạy học vừa kiêm bảo mẫu chăm sóc trẻ. Mùa khô thì có thể tranh thủ chạy đi chạy về trong ngày, nhưng vào mùa mưa có khi thầy cô mắc kẹt lại hàng tuần. Mỗi khi có chương trình hỗ trợ xây lớp học, các anh em trong đội thiện nguyện đến nơi khảo sát, đi một chuyến đã thấy hãi hùng. Vì thế, họ rất cảm phục và thương các thầy cô giáo trẻ, bởi phải có tấm lòng yêu thương các con lắm mới có thể đi về như thế bao năm trời để bám lớp. Chỉ mong đường giao thông được mở vào tới tận các nóc ở vùng sâu vùng xa để giáo viên và bà con đi lại đỡ vất vả”.

Có lẽ, anh Huỳnh, cô Tý, thầy Nhân cũng như bao thầy cô giáo đang miệt mài cống hiến sức trẻ vì sự nghiệp giáo dục ở những nơi vùng sâu vùng xa, miền núi khó khăn đều đang khát khao một điều như thế. 

 THU HOÀI

Ý kiến bạn đọc