Ninh Thuận: Bất an bên đập sông Dinh mùa mưa lũ

VHO- Hơn 3 năm nay, 24 hộ dân ở thôn An Thạnh 1, xã An Hải, huyện Ninh Phước (Ninh Thuận) luôn sống trong tâm trạng bất an bởi nhà cửa bị hư hỏng nghiêm trọng do việc thi công đập hạ lưu sông Dinh gây ra. Hệ lụy lớn là vậy nhưng chủ đầu tư bàng quan và phó mặc số phận những người dân nơi đây trong mùa mưa bão.

Ninh Thuận: Bất an bên đập sông Dinh mùa mưa lũ - Anh 1

Nhiều nhà dân sống gần bờ đập hạ lưu sông Dinh bị hư hỏng nặng

 Không biết đổ sập xuống lúc nào

Chúng tôi đến thôn An Thạnh 1 để ghi nhận tình trạng nhiều ngôi nhà bị hư hỏng do việc thi công đập sông Dinh gây ra. Thời điểm này, Ninh Thuận đã bước vào mùa mưa, nhưng một số gia đình không có điều kiện sửa chữa nên đành mặc cho nước mưa thấm dột, tràn vào trong nhà. Người dân phản ánh, mỗi khi có gió mạnh thì nhà rung lắc vô cùng nguy hiểm. Hơn 3 năm qua, các ngành các cấp đã nhiều lần xuống chụp ảnh, ghi nhận hiện trường, kiểm kê, rồi... để đấy.

Gia đình bà Võ Thị Kim Chi sống gần cạnh con đập. Bà kể, từ khi đập sông Dinh xây dựng, căn nhà mới xây của gia đình bà xuất hiện chi chít vết nứt. Chỉ tay về hướng đập hạ lưu sông Dinh cách đó vài chục mét, bà Chi bức xúc: “Khi đập xây xong thì căn nhà của tôi và nhà tình thương của ba tôi nứt toác ra hàng chục vết lớn. Mỗi khi mưa gió, hai căn nhà rung lên bần bật, tôi phải đưa ba sang nhà hàng xóm trú tạm cho an toàn”.

Cách nhà bà Chi khoảng 10 mét, nhà anh Võ Thanh Tùng cũng trong tình trạng tương tự. “Vết nứt dài và rộng nên mỗi khi mưa là nước hắt hết vào nhà. Chúng tôi cũng đã ý kiến nhiều lần nhưng đến nay vẫn chưa thấy cơ quan nào đến khắc phục hậu quả”, anh Tùng cho biết.

Cách đập hạ lưu sông Dinh chỉ vài bước chân, căn nhà của bà Hà Thị Đỏ bị ảnh hưởng nặng nhất. Phần mái nhà đã gãy gục kèm theo đó là những vết nứt lớn kéo dài. “Lúc họ thi công đập hạ lưu sông Dinh, khu vực này rung chuyển mạnh, nhiều lần chúng tôi phải tháo chạy vì tưởng nhà sập xuống đến nơi. Gia đình tôi toàn người lớn tuổi, luôn sống cũng thấp thỏm lo sợ không biết nó đổ ụp lúc nào. Hơn 3 năm qua có nhiều đoàn xuống kiểm tra, ghi nhận thực tế nhưng đến giờ cũng chẳng thấy đâu. Nhà tôi không có điều kiện kinh tế nên không thể sửa nhà được, một căn phòng phải đóng cửa bỏ hoang không ai dám ở vì phần mái đã hỏng hoàn toàn”, bà Đỏ nói.

Sát vách nhà bà Đỏ là căn nhà của bà Hà Thị Phước cũng “bi đát” không kém. “Chờ đền bù lâu quá nên gia đình tôi phải bỏ tiền túi ra mua keo dán tường, xi măng để trám tạm những vết nứt, không thì mưa gió trong nhà ướt không khác gì ngoài sân”, bà Phước cho biết.

Chây ì hỗ trợ, đền bù cho dân

Ông Hồ Thanh Phong, Phó Chủ tịch UBND xã An Hải cho biết, hơn 3 năm qua, hơn hai chục hộ dân đã liên tục kiến nghị vấn đề trên nhưng đến nay vẫn chưa nhận được đền bù, đây là sự thiệt thòi lớn đối với bà con. “UBND xã đã đi khảo sát, lập dự toán để trình các cấp. Địa phương cũng mong muốn các ngành, các cấp và chủ đầu tư, nhà thầu sớm quan tâm hỗ trợ bà con sửa chữa nhà cửa, khắc phục hậu quả”, ông Phong nói.

Liên quan đến vấn đề này, ông Lại Nguyễn Vĩnh Phúc, Trưởng phòng Kế hoạch kỹ thuật Chi cục Thủy lợi cho biết: Dự án đập hạ lưu sông Dinh do Chi cục Thủy lợi làm chủ đầu tư và các liên danh nhà thầu gồm: Công ty cổ phần 389 Group chi nhánh Hà Nội, Công ty cổ phần Hassi Việt Nam và Công ty cổ phần cầu 14. Trong quá trình thi công, dự án đã gây ảnh hưởng đến nhiều nhà dân trong vùng. Chi cục đã thương lượng, bồi thường cho hơn 40 hộ, riêng 24 hộ còn lại đến nay vẫn chưa đồng ý với phương án bồi thường.

Ông Lại Nguyễn Vĩnh Phúc thông tin thêm: “Chúng tôi đã nhiều lần mời các đơn vị liên quan đến làm việc trực tiếp và liên tục gửi văn bản yêu cầu sớm bồi thường cho 24 căn nhà bị hư hỏng. Tuy nhiên, đã hơn 3 năm trôi qua, các đơn vị này vẫn chưa có động thái gì. Trước những kiến nghị, bức xúc kéo dài của người dân, chúng tôi đã thuê đơn vị tư vấn độc lập đánh giá, xác định số tiền bồi thường là hơn 1,2 tỉ đồng. Mới đây, qua buổi làm việc trực tiếp, các đơn vị thi công cam kết trong quý IV năm 2022 sẽ chi trả đền bù”. 

Đập hạ lưu sông Dinh có vốn đầu tư hơn 691 tỉ đồng bằng nguồn vốn dự phòng ngân sách Trung ương. Công trình được xây dựng với quy mô đập ngăn nước 6 khoang điều tiết, mỗi khoang rộng 37,8m; âu thuyền rộng 6,2m, dài 21m giúp tàu thuyền du lịch qua lại, kết hợp làm cống xả cân bằng, đảm bảo giảm chênh lệch cột nước trước khi vận hành cửa van chính.

Mặt đập kết hợp làm cầu đường giao thông với 4 làn ôtô, 2 làn đi bộ, nối tiếp hai bên bờ sông Dinh thuộc phường Tấn Tài, TP Phan Rang - Tháp Chàm ở phía Bắc và xã An Hải, huyện Ninh Phước ở phía Nam. Đập hạ lưu với tính năng ngăn mặn khi thủy triều dâng, giữ ngọt bổ sung nguồn nước sinh hoạt, sản xuất lưu vực sông Dinh, thích ứng với biến đổi khí hậu, đồng thời tạo bước đột phá cho phát triển đô thị, du lịch, mạng lưới giao thông của tỉnh.

XUÂN HƯỚNG

Ý kiến bạn đọc