Lời thoại trong phim truyền hình Việt: Tiếng lóng đang trở thành mốt?

VHO- Có thể nói, phim truyền hình là sự tái hiện, mô phỏng những điều bình thường trong cuộc sống, càng gần gũi bao nhiêu, tác phẩm càng dễ đi vào lòng khán giả bấy nhiêu. Tuy nhiên, đôi khi vì lời thoại quá đời, quá thô đến mức “trần trụi” mà một số bộ phim khiến người xem khó chịu vì gây ảnh hưởng đến sự trong sáng của tiếng Việt.

Lời thoại trong phim truyền hình Việt: Tiếng lóng đang trở thành mốt? - Anh 1

 “Người phán xử tiền truyền” bị phản ứng vì lời thoại quá trần trụi

 Hiện thực không có nghĩa là tục tĩu

Cách chiếm trọn cảm tình của công chúng từ trước đến nay là các bộ phim phải có được những câu thoại ngắn, tác động tích cực và tạo “trend” trên các diễn đàn cũng như ngoài đời sống. Thực tế, trong quá khứ cách làm này đã từng rất hiệu quả khi khán giả ấn tượng với câu nói “Tôi thề! Tôi hứa! Tôi đảm bảo” của nhân vật Mạnh “quặp” (NSƯT Đức Khuê đóng) trong phim Lập trình cho trái tim (VTV3); hay “Không nên hoãn cái sự sung sướng đó lại” của nhân vật Chu Văn Quềnh (cố NSƯT Hán Văn Tình thủ vai) trong phim Đất và người (VTV1)...

Dù có nhiều câu thoại “chất” nhưng phim truyền hình Việt Nam lại ít duy trì được phong độ khi ngày càng vắng bóng những lời thoại đắt, dí dỏm và ý nghĩa, trong khi nhan nhản những câu nói nhảm, nhàm, vô nghĩa, phản cảm... Nhẹ thì lời thoại chưa phù hợp với vị trí xã hội, lứa tuổi của nhân vật trong phim, nặng hơn thì chứa đựng ngôn từ thô tục, phản cảm. Có thể dẫn chứng bộ phim chính luận Bí thư Tỉnh ủy (VTV1) từng gây chú ý của khán giả khi phản ánh rõ nét cuộc sống một thời chưa xa. Ngôn ngữ trong phim là ngôn ngữ bình dân, gắn liền với lời ăn, tiếng nói của tầng lớp nông dân vùng trung du Bắc Bộ. Thế nhưng, khán giả khó chấp nhận đối với từ “đếch” được một ông Bí thư Tỉnh ủy mang đi dùng khắp nơi.

Không chỉ Bí thư Tỉnh ủy, gần đây nhất, bộ phim Ga-ra hạnh phúc phát sóng trên VTV3 dù để lại nhiều ấn tượng tốt trong lòng khán giả với nhân vật Trung Trâu và nhiều câu thoại hài hước, dí dỏm, nhưng có lẽ bộ phim sẽ trọn vẹn hơn nếu các nhân vật không thản nhiên phát ngôn những câu tiếng lóng hay lối xưng hô được cho là khá bất lịch sự.

Ngoài tiếng lóng, nguy hiểm hơn cả, để bộ phim của mình đời nhất có thể, một số đạo diễn, biên kịch còn “tháo khoán” cho diễn viên tự do văng tục, chửi thề trên phim. Điển hình nhất phải kể đến Người phán xử tiền truyện. Trong phim, các nhân vật có kiểu xưng hô, giao tiếp đậm chất “dân anh chị”, thậm chí chửi bậy để diễn tả sự phủ định. Sau khi phim lên sóng, nhiều người đã phản ứng gay gắt bởi Người phán xử tiền truyện dù không phát trực tiếp trên truyền hình nhưng vẫn là bộ phim do VTV sản xuất và được phát trên nền tảng số của nhà đài. Vẫn biết phim có yếu tố “giang hồ” nhạy cảm, thế nhưng làm thế nào để tiết chế nhưng vẫn phản ánh đúng, đủ hiện thực là điều ê kíp sáng tạo cần phải tính toán và cân nhắc kỹ lưỡng.

Các giá trị văn hóa là “barie” cho nghệ thuật

Trao đổi với Văn Hoá, PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội cho biết, một trong những yêu cầu đối với nghệ thuật là phải gần gũi với cuộc sống, thậm chí là thể hiện chân thật cuộc sống. Chính vì thế, nhiều tác giả đã dùng bút pháp tả thực khá “trần trụi” trong các tác phẩm nghệ thuật của mình. Tuy nhiên, cũng có một sự thật khác là nghệ thuật phải luôn phù hợp với hoàn cảnh xã hội cụ thể, hay nói cách khác là bị chi phối bởi các giá trị văn hóa nhất định. “Nói như vậy để thấy, đưa cuộc sống vào nghệ thuật phải tế nhị, làm sao để vừa gần gũi, vừa thể hiện được chức năng tốt đẹp của nghệ thuật là tôn vinh chân - thiện - mỹ, giúp hình thành nên những đức tính tốt đẹp của mỗi cá nhân và toàn xã hội. Việc có những từ ngữ dung tục, tiếng lóng không phù hợp sẽ tạo ra hiệu ứng xấu, đặc biệt là cho giới trẻ. Với sự phát triển của mạng xã hội, những điều tiêu cực đó sẽ lây lan rất nhanh và làm vẩn đục môi trường văn hóa cũng như sự trong sáng của tiếng Việt”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn nêu.

Để hạn chế tình trạng trên, PGS.TS Bùi Hoài Sơn nêu rõ, cần có những giải pháp mang tính tổng thể để hiện tượng này không hoặc không thể xuất hiện, tác động xấu đến công chúng. “Đầu tiên là cần có nhận thức đúng về tác động tiêu cực của việc lạm dụng ngôn ngữ dung tục trên truyền hình nói riêng và nghệ thuật nói chung. Khi tất cả các bên liên quan, từ đơn vị quản lý, người sản xuất, nghệ sĩ cho tới công chúng đều nhận thức được điều đó, họ sẽ có những hành động cụ thể khiến các hiện tượng này không xuất hiện, từ đó, tạo một “hệ miễn dịch” cho các sản phẩm nghệ thuật. Hơn nữa, chúng ta cần có những quy định cụ thể để xử phạt các hành vi đưa nội dung không phù hợp với thuần phong mỹ tục trên các phương tiện truyền thông, đặc biệt là mạng xã hội. Cùng với đó, công tác tuyên truyền những tấm gương người tốt, việc tốt phải được đẩy mạnh; lấy cái đẹp dẹp cái xấu để hình thành nên môi trường văn hóa, nghệ thuật lành mạnh và thật sự bổ ích”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn nhận định. 

 ĐÌNH TOÁN

Ý kiến bạn đọc