Xung quanh chiếc ấn "Hoàng đế chi bảo" sắp đưa ra đấu giá?

VHO- Thông tin chiếc ấn quan trọng nhất và là biểu tượng cho hoàng đế là ấn “Hoàng đế chi bảo” (Ấn của hoàng đế) mà vị vua cuối cùng của triều Nguyễn trao cho đại diện chính quyền cách mạng tại Ngọ Môn (Huế) vào năm 1945 sắp được đưa ra đấu giá tại Paris, đang lan truyền trong giới nghiên cứu, sưu tầm trong nước.

Có lẽ đây là chiếc ấn bằng vàng ròng mà vua Bảo Đại đã trao lại cùng một thanh kiếm cho đại diện Chính phủ lâm thời vào chiều ngày 30.8.1945 tại Ngọ Môn? Theo một số nhà nghiên cứu, trong các bảo tỷ của nhà Nguyễn, đây là chiếc ấn duy nhất có dáng con rồng cuộn tròn ra phía trước cổ, nên nhìn khó có thể nhầm với các quả ấn khác cùng quy cách.

Xung quanh chiếc ấn

 Hình ảnh chiếc ấn “Hoàng đế chi bảo”

“Lý lịch” chiếc ấn đặc biệt

Những ngày gần đây, nhiều nhà nghiên cứu và giới sưu tầm cổ vật trong nước lan truyền thông tin, ngày 30.10 tới đây chiếc ấn “Hoàng đế chi bảo” được đúc dưới thời Minh Mạng là chiếc ấn quan trọng nhất, mang biểu tượng cho hoàng đế sẽ được đưa ra đấu giá tại Pháp, đồng thời kêu gọi các “Mạnh Thường Quân” quan tâm để mang bảo vật này hồi hương sau bao năm thất lạc...

Vậy chiếc ấn này có gì đặc biệt ngoài giá trị như là một bảo vật quốc gia? Theo TS Phan Thanh Hải, ấn “Hoàng đế chi bảo” chính là chiếc ấn vàng mà vị vua cuối cùng của triều Nguyễn đã trao cho đại diện chính quyền cách mạng tại Ngọ Môn. Cũng theo vị TS này, dưới thời Nguyễn, bảo tỷ có hơn trăm chiếc, riêng dưới thời của hai hoàng đế đầu triều là Gia Long (1802-1820) và Minh Mạng (1820-1841) đã có đến hơn 20 chiếc; mỗi chiếc đều có công năng và ý nghĩa riêng. Đặc biệt, trong 20 chiếc bảo tỷ đúc giai đoạn đầu thời Nguyễn, có 6 chiếc đúc thời Gia Long và 14 chiếc đúc dưới thời Minh Mạng. Và chiếc ấn quan trọng nhất, chiếc ấn biểu tượng cho hoàng đế là ấn “Hoàng đế chi bảo”.

Xung quanh chiếc ấn

“Ấn “Hoàng đế chi bảo” được đúc bằng vàng ròng vào ngày mùng 4 tháng 2 năm Minh Mạng thứ 4 (tức ngày 15.3.1823). Đây là chiếc kim bảo lớn và đẹp nhất của triều Nguyễn. Theo ảnh tư liệu mà chúng tôi hiện có, ấn đúc hình vuông, quai ấn là một con rồng uốn khúc (rồng đoanh), đầu ngẩng cao, mắt nhìn thẳng về phía trước. Đỉnh đầu rồng khắc hình chữ vương; kỳ (vây lưng) dựng đứng; đuôi cũng dựng đứng, vây đuôi uốn cong về phía trước; 4 chân rồng đúc rõ 5 móng, tư thế chống chân xuống mặt ấn rất vững vàng. Mặt dưới của ấn khắc 4 chữ triện “Hoàng đế chi bảo”. Mặt trên của ấn, phía 2 bên quai khắc nổi 2 dòng chữ: “Minh Mạng tứ niên nhị nguyệt sơ tứ nhật cát thời chú tạo” (Đúc vào giờ tốt ngày mồng 4 tháng 2 năm Minh Mạng thứ 4). “Thập thành hoàng kim, trọng nhị bách thập lạng cửu tiền nhị phân”. (Đúc bằng vàng, trọng lượng 280 lạng 9 chỉ 2 phân - Nếu tính 27 lạng tương đương 1 kg, thì chiếc ấn này nặng khoảng 10,7 kg)”, TS Phan Thanh Hải viết.

Xung quanh chiếc ấn

Về chiếc ấn này, trong hồi ký của mình, ông Trần Huy Liệu, Trưởng đoàn đại diện Chính phủ lâm thời đã viết: “Khi tiếp nhận thanh kiếm của Bảo Đại dâng lên thì không có gì đáng kể. Nhưng khi tiếp nhận chiếc ấn vàng, tôi đã phải chịu đựng sức nặng bất ngờ của cái ấn. Chiếc ấn nặng tới 7 ki-lô-gam vàng! Khi giơ hai tay đỡ cái ấn, tôi có ngờ đâu nó nặng đến thế nên không chuẩn bị tư thế từ trước. Tuy vậy khi chiếc ấn nặng trĩu đã nằm trong tay, tôi phải cố gắng vận dụng hết sức bình sinh để chống đỡ, không để nó trĩu xuống, nhất là đừng để người tôi khỏi nghiêng ngả, vì tư thế của tôi lúc ấy có phải thuộc riêng của tôi đâu, mà là tư thế của một vị đại diện Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đương làm một việc rất quan trọng trong giờ phút lịch sử. Cũng may là tôi đã làm tròn trách nhiệm “nặng nề” ấy”.

Xung quanh chiếc ấn

 Tháng 3.1952, thực dân Pháp tổ chức nghi lễ để trao lại ấn kiếm cho Bảo Đại trên cương vị là “Quốc trưởng” Ảnh tư liệu của P.T.H

Chiếc ấn “lưu lạc” rồi... hiện ra

Một câu hỏi đặt ra là, vậy sau khi trao tượng trưng cho đại diện Chính phủ lâm thời bộ ấn kiếm này, thì vì sao hiện nay lại có thông tin chiếc ấn “Hoàng đế chi bảo” sắp được đưa ra đấu giá tại Pháp? Xung quanh vấn đề này hiện vẫn còn nhiều giả thiết khác nhau, khó có thể kiểm chứng một cách chính xác. Hiện vẫn tồn nghi ít nhất hai giả thiết.

Một là, sau khi Bảo Đại thoái vị, ấn và kiếm được mang ra Hà Nội. Cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ, vào ngày 28.2.1952, trong khi đào móng ngôi nhà đổ nát của ông Hà Đô ở làng Nghĩa Đô, vốn là một xưởng in tiền của Việt Minh từng bị phá hủy năm 1947, lính Pháp đã tìm thấy ấn và kiếm trong hai hộp kẽm. Còn theo nguồn tư liệu của TS Phan Thanh Hải thì, “khi Pháp quay trở lại xâm lược Thủ đô, cuối năm 1946, đơn vị làm nhiệm vụ cất giữ bộ ấn kiếm trên đã đem giấu chúng vào vách một ngôi chùa cổ ở ngoại thành Hà Nội, trước khi rút lên Việt Bắc. Nhưng trớ trêu thay, sau đó, khi lính Pháp đập phá chùa để lấy gạch xây đồn bốt, chúng lại phát hiện ra bộ ấn kiếm trên”.

Theo tư liệu hiện có, nhiều nhà nghiên cứu cho biết: Sau khi lấy được bộ ấn kiếm trên, ngày 3.3.1952, Pháp đã tổ chức một nghi lễ khá long trọng tại “Hoàng triều cương thổ” để trao lại ấn kiếm cho Bảo Đại không phải trên cương vị “Đại Nam hoàng đế”, mà là “Quốc trưởng” của một chính phủ mới được vội vã dựng nên. Hiện nay, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế vẫn còn lưu trữ được một tập ảnh chụp lại buỗi lễ “trọng thể” này. Năm 1953, để bảo vệ cho bộ ấn kiếm trên được an toàn, ông Bảo Đại đã ủy quyền cho thứ phi là bà Mộng Điệp mang chúng sang Pháp, trao cho hoàng hậu Nam Phương và hoàng tử Bảo Long. Sau khi bà Nam Phương mất (năm 1963), bộ ấn kiếm này do Bảo Long quản lý và ông đã gửi chúng tại két sắt của Ngân hàng châu Âu (Union des Banques Européennes). Sau khi cựu hoàng Bảo Đại qua đời, quyền quản lý bộ ấn kiếm trên thuộc về bà Monique Baudot, người vợ cuối cùng có hôn thú của cựu hoàng. Từ đó, không còn tin tức gì về quả ấn “Hoàng đế chi bảo” này nữa.

Trao đổi thêm với chúng tôi, TS Phan Thanh Hải cho biết căn cứ hình ảnh chiếc ấn đang lan truyền trên một số trang thông tin nước ngoài và đối chiếu với tư liệu, hình ảnh hiện có mà cụ thể ở đây là hình dáng, hoa văn, chữ khắc... thì đó là chiếc ấn “Hoàng đế chi bảo”. Vấn đề cần tiếp tục xác minh thêm, liệu chiếc ấn đó có phải sắp được mang ra đấu giá tại Pháp. Còn TS Phạm Quốc Quân, Ủy viên Hội đồng giám định cổ vật, nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, đồng chủ biên cuốn sách Kim ngọc Bảo tỷ của Hoàng đế và Vương hậu triều Nguyễn Việt Nam cho hay, dưới thời Minh Mạng có chiếc ấn “Hoàng đế chi bảo”. Cuốn sách Kim ngọc Bảo tỷ của Hoàng đế và Vương hậu triều Nguyễn Việt Nam do Bảo tàng phát hành nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội cũng có đề cập thông tin về chiếc ấn này. “Tôi cũng có nghe thông tin chiếc ấn sắp được đưa ra đấu giá tại Pháp nhưng chưa biết được cụ thể như thế nào, và có phải ấn “Hoàng đế chi bảo” hay không. Xung quanh thông tin về quả ấn này hiện đang tồn tại nhiều giả thiết, chưa có điều kiện để kiểm chứng”, TS Quân nói.

Nếu chiếc ấn được đưa ra đấu giá thì giá trị của nó sẽ như thế nào, một số nhà nghiên cứu, sưu tầm cổ vật cho biết, ngoài giá trị cân nặng hơn 10kg vàng thì chiếc ấn còn chứa đựng yếu tố quyền lực chính trị, vì thế chiếc ấn “Hoàng đế chi bảo” sẽ có giá hàng trăm tỉ đồng? .

 LÂM SƠN

Ý kiến bạn đọc