Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

29 Tháng Ba 2024

Mong muốn phục dựng di tích số 7 Lý Chính Thắng giữ được nét vốn có

Thứ Hai 24/10/2022 | 10:39 GMT+7

VHO- Đoàn công tác của Sở VHTT TP.HCM do Giám đốc Trần Thế Thuận làm trưởng đoàn vừa khảo sát thực tế tại di tích Sở Chỉ huy tiền phương Phân khu 6 trong chiến dịch Mậu Thân 1968 (di tích quốc gia nhà số 7 Lý Chính Thắng, quận 3, TP.HCM).

 Giám đốc Sở VHTT Trần Thế Thuận và đoàn công tác khảo sát thực tế tại Di tích Sở Chỉ huy tiền phương Phân khu 6 trong chiến dịch Mậu Thân 1968

Tại di tích nhà số 7 Lý Chính Thắng, Giám đốc Trần Thế Thuận đã ghi nhận và đánh giá cao việc di tích Sở Chỉ huy tiền phương Phân khu 6 trong chiến dịch Mậu Thân 1968 vẫn lưu giữ và trưng bày nhiều hình ảnh, tư liệu có giá trị. Di tích là sự thể hiện tấm lòng yêu nước của nhân dân nội thành và tinh thần dũng cảm, bất khuất của các cán bộ, chiến sĩ cách mạng, đặc biệt là lực lượng Biệt động thành trong xây dựng lực lượng và chiến đấu. Việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích, địa chỉ đỏ cách mạng này có hiệu quả không chỉ thể hiện tấm lòng “Uống nước nhớ nguồn”, tri ân những thế hệ đi trước, mà còn có giá trị về mặt văn hóa và khoa học, là một địa điểm để tham quan, học tập và nghiên cứu…

Theo đó, nhà số 7 Lý Chính Thắng (địa chỉ cũ là số 7 Yên Đỗ) là tiệm phở Bình, được ông Ngô Toại mua lại từ năm 1967 và ông lấy căn nhà của mình làm cơ sở bí mật của lực lượng bảo đảm chiến đấu Biệt động thành. Trong Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968, nơi đây được chọn đặt Sở chỉ huy tiền phương của Phân khu 6, là nơi phát lệnh tổng tiến công cho các đơn vị Biệt động thành và lực lượng nổi dậy nội thành, ghi lại dấu mốc lịch sử quan trọng của chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 tại Sài Gòn.

Theo hồ sơ di tích, nhà số 7 Lý Chính Thắng có hai khu vực bảo vệ: Khu vực bảo vệ I có diện tích 80m2; Khu bảo vệ II có diện tích 240m2 phạm vi là hai căn nhà liền kề. Hiện nay, nhà di tích số 7 Lý Chính Thắng vẫn do gia đình ông Ngô Toại trực tiếp quản lý và sử dụng, với 3 hộ gia đình đăng ký thường trú, cư ngụ tại đây, là các con, cháu của ông Ngô Toại (mất năm 2006) và bà Trần Thị My (mất năm 1987). Hiện trạng nhà di tích gồm 4 tầng: trệt, lửng, ba lầu, sân thượng. Gia đình tiếp tục sử dụng tầng trệt làm tiệm phở; tầng 2 bố trí làm nơi trưng bày bổ sung tại di tích sau khi di tích được xếp hạng; nơi ở và sinh hoạt của gia đình bố trí tại lửng, một phòng nhỏ ở tầng 2 và toàn bộ tầng 3 và tầng 4.

Thông tin với đoàn khảo sát, ông Ngô Văn Lập, đại diện gia đình cho biết, hiện di tích thường xuyên đón các đoàn và cá nhân đến tham quan, tìm hiểu, tuy nhiên khách chủ yếu chỉ tham quan tại khu trưng bày hiện vật chứ không dám đưa lên lầu vì các hạng mục đã xuống cấp nặng, thấm nước. Được biết, gia đình đã có nguyện vọng được hoán đổi nhà đất số 7 Lý Chính Thắng (nhà di tích) với nhà đất số 9 Lý Chính Thắng (thuộc sở hữu Nhà nước, đang để trống). Sau thời gian dài bàn bạc các phương án, hiện TP.HCM đã chấp nhận kiến nghị của gia đình về việc hoán đổi nhà đồng thời hỗ trợ thêm cho gia đình 5 tỉ đồng để sửa chữa lại nhà số 9 và ổn định cuộc sống. Đến nay TP.HCM cũng đã tạm ứng 2 tỉ đồng để giải quyết khó khăn trước mắt theo kiến nghị của gia đình. Các phần việc còn lại, bao gồm dự toán để sửa chữa căn nhà số 9 Lý Chính Thắng cũng đang được cơ quan liên quan tiến hành. Căn nhà số 9 đang được Bộ Tư lệnh TP.HCM xin kinh phí và đang sửa chữa.

Tại buổi làm việc với đoàn công tác Sở VHTT, ông Lập cũng trình bày sẽ trao đổi với đơn vị thi công mong muốn những vật dụng như lan can, cửa kéo,… theo kiến trúc xưa của căn nhà số 9 sẽ được giữ lại để trưng dụng cho căn nhà số 7, bởi hai căn nhà được xây dựng cùng thời điểm. Trước những vấn đề này, Giám đốc Trần Thế Thuận đồng tình với ý kiến của ông Lập và gia đình, đồng thời mong mỏi sự góp ý chỉ dẫn của ông Lập và cho biết sẽ liên hệ với Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTTDL) đề nghị phối hợp để di tích giữ được nét trung thực vốn có từ xưa. “Sau này khi mình phục dựng lại di tích thì phải đảm bảo yếu tố trung thực, theo hình dạng vốn có ban đầu của cơ sở cách mạng. Không hy vọng việc phục dựng sẽ giống hoàn toàn như xưa, nhưng ít nhất cũng tạo được một không gian đủ để gợi lại ký ức của di tích trước đây, để các thế hệ đến tham quan, tìm hiểu có thể hình dung được một địa điểm ghi dấu mốc lịch sử quan trọng của chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 tại Sài Gòn”, ông Thuận nhấn mạnh. 

THÙY TRANG

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top