Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

29 Tháng Ba 2024

Dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) đã được tiếp thu nghiêm túc, thể chế hoá được quan điểm của Đảng về xây dựng gia đình tiến bộ, ấm no, hạnh phúc

Thứ Tư 26/10/2022 | 18:44 GMT+7

VHO - Phát biểu kết luận phiên thảo luận về dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, nhiều ý kiến đánh giá cao cơ quan trình cũng như cơ quan thẩm tra về tinh thần trách nhiệm, khẩn trương, phối hợp chặt chẽ trong quá trình soạn thảo, nghiêm túc, tiếp thu nhiều ý kiến góp ý. Đã có 17 ý kiến phát biểu, 1 ý kiến tranh luận và còn 19 đại biểu đăng ký phát biểu tại phiên thảo luận về dự án Luật được dư luận xã hội, cử tri và Nhân dân quan tâm này.

 

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành phiên thảo luận chiều 26.10

Dự thảo Luật cơ bản đáp ứng được mục tiêu đặt ra

Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thuý Anh cho biết, qua quá trình tiếp thu, chỉnh lý và hoàn thiện dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, dự thảo Luật đã cơ bản đáp ứng được mục tiêu đặt ra.

Theo đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà (Hà Nội), bạo lực gia đình là vấn đề nhức nhối của xã hội. Để phòng chống bạo lực gia đình có hiệu quả, nhiệm vụ đầu tiên và quan trọng là phải xác định cho đúng, đủ hành vi bạo lực gia đình. Góp ý vào điều 3 quy định về hành vi bạo lực gia đình, đại biểu này cho rằng dù đã qui định 15 nhóm hành vi bạo lực gia đình nhưng nếu tham chiếu qui định bộ luật hình sự, vẫn còn thiếu 5 nhóm hành vi như là các hành vi xâm phạm quyền tự do con người; dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực với các thành viên gia đình; ngăn cản, ép buộc thành viên gia đình thực hiện quyền tự do tôn giáo tín ngưỡng; cản trở quyền thực hiện quyền tự do ngôn luận, báo chí, thông tin; cản trở tham gia các hoạt động về văn hoá, thông tin, thể dục thể thao; các hành vi gây áp lực thường xuyên về tâm lý, kích động tình dục, ép buộc thành viên gia đình làm việc nặng nhọc, tiếp xúc chất độc hại, làm những việc trái pháp luật…

Đại biểu Trương Thị Ngọc Ánh (Cần Thơ) cho rằng, bạo lực gia đình có nhiều nguyên nhân trong đó chủ yếu đến từ các nguyên nhân về kinh tế, quan điểm trọng nam kinh nữ. Góp ý cho điều 6 về chính sách của Nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình, đại biểu Ánh đề nghị bổ sung các chính sách tạo việc làm, thực hiện các biện pháp đảm bảo bình đẳn giới, xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh…

Đó là, bảo đảm thể chế hóa kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng để “phát triển gia đình hạnh phúc, bền vững và thực hiện phòng, chống bạo lực gia đình toàn diện, khả thi, hiệu quả”, tiếp tục hoàn thiện thể chế về công tác phòng, chống bạo lực gia đình theo hướng tăng cường các biện pháp bảo vệ các quyền con người theo Hiến pháp 2013, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của các thiết chế nhà nước, xã hội cũng như vai trò của gia đình trong phòng, chống bạo lực gia đình, góp phần gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình, dân tộc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới.

Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thuý Anh trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật

Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội cũng cho biết, so với Luật hiện hành, dự thảo Luật có 5 nhóm điểm mới như với phương pháp tiếp cận dựa trên quyền con người và lấy người bị bạo lực gia đình làm trung tâm, sửa đổi, bổ sung các hành vi bạo lực gia đình; sửa đổi, bổ sung nhóm đối tượng được áp dụng tương tự (Điều 3); bổ sung quy định để tăng tính khả thi áp dụng Luật đối với người nước ngoài cư trú ở Việt Nam (khoản 3 Điều 22). Hay như việc thực hiện phòng ngừa bạo lực gia đình chủ động, trong phòng có chống, trong chống có phòng: sửa đổi, bổ sung quy định về thông tin, truyền thông, giáo dục (Điều 7, 13, 14 và Điều 15); rà soát, bổ sung nội dung tư vấn, bổ sung đối tượng cần tập trung tư vấn và quy định trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã trong việc bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng trong phòng, chống bạo lực gia đình đối với người thực hiện tư vấn ở cộng đồng (Điều 16); sửa đổi quy định về hòa giải trong phòng, ngừa bạo lực gia đình nhằm tránh lợi dụng hòa giải để trốn tránh xử lý hành chính hoặc hình sự (Điều 17, 18); bổ sung “Đường dây quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình” là địa chỉ tiếp nhận tin báo, tố giác về bạo lực gia đình, bổ sung quy định về trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã trong xử lý tin báo, tố giác về bạo lực gia đình (Điều 19, 20); bổ sung quy định về sử dụng âm thanh, hình ảnh về vụ việc bạo lực gia đình (Điều 21)... Điểm mới nữa là sửa đổi, bổ sung các biện pháp bảo vệ, hỗ trợ, xử lý vi phạm trong phòng, chống bạo lực gia đình để khắc phục những bất cập của Luật hiện hành, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn; khuyến khích xã hội hóa công tác phòng, chống bạo lực gia đình, đồng thời nâng cao trách nhiệm của Nhà nước trong bố trí nguồn lực cho phòng, chống bạo lực gia đình để hướng tới xây dựng và phát triển các cơ sở trợ giúp về phòng, chống bạo lực gia đình hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng thay mặt cơ quan soạn thảo tiếp thu, giải trình các ý kiến

Nghiêm túc tiếp thu, xử lý, hoàn thiện dự thảo Luật

Cảm ơn các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng cho biết, thông qua thảo luận, các đại biểu đều đồng tình rằng dự thảo luật đã được nghiêm túc tiếp thu, xử lý so với kỳ họp thứ 3. Lần sửa đổi Luật này cũng đã tiếp cận, hoàn thành được 4 mục tiêu lớn trong đó mục tiêu xuyên suốt, bao trùm là thể chế hoá quan điểm của Đảng, nhất là Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13 và Chỉ thị 06 của Ban Bí thư về xây dựng gia đình tiến bộ, ấm no, hạnh phúc.

“Dự thảo Luật sửa đổi là sự thể chế hoá sâu hơn về quyền con người, quyền công dân, xây dựng và phát triển gia đình, bảo vệ các đối tượng yếu thế ngay trong mỗi gia đình; bảo đảm thiết lập các nguyên tắc và biện pháp phù hợp với điều kiện chính trị, kinh tế, xã hội của Việt Nam, đã được quy định trong Hiến pháp năm 2013. Việc sửa đổi dự thảo Luật cũng đã bám sát thông lệ quốc tế và các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia để không trái với tiến trình hội nhập và khắc phục những bất cập của bộ luật cũ”, Bộ trưởng phát biểu và cho biết cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu, nghiên cứu thấu đáo các nhóm vấn đề mà các đại biểu đã nêu ý kiến.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cảm ơn các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu

Đó là nhóm vấn đề về các chính sách với nhóm người yếu thế, các đại biểu mong muốn có sự quan tâm hơn về nhóm người yếu thế trong đó có trẻ em. Đây là chủ trương xuyên suốt, cũng là điều trăn trở trong suốt quá trình xây dựng dự thảo Luật và đã mở rộng hơn so với các nhóm đối tượng yếu thế khác. “Cơ quan soạn thảo sẽ phối hợp với cơ quan thẩm tra để làm rõ hơn vấn đề này”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nói.

“Nhóm vấn đề thứ hai mà đại biểu đề cập, đó là mong muốn quản lý tốt hơn nguồn tài chính được cấp, trong đó có đại biểu mong muốn giải quyết và làm rõ về cơ quan quản lý nguồn vốn này. Ngoài việc theo luật thì trong quá trình xây dựng chúng tôi cũng thấy rằng, nếu xây dựng đề xuất trình Quốc hội về cơ chế quỹ tài chính ngoài ngân sách thì không phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước hiện nay, mà áp dụng theo cơ chế quỹ xã hội, quỹ từ thiện thì pháp luật hiện hành đã quy định rất rõ, như Nghị định 93/2019. Vì vậy, chúng tôi thấy rằng, không nhất thiết phải quy định thêm về vấn đề quản lý các nguồn không phải từ ngân sách”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng phát biểu.

Nhóm vấn đề thứ ba, là trách nhiệm của công an xã được ghi trong Điều 24 và khoản 3 Điều 20. Bộ trưởng nêu thực tế, hiện nay lực lượng công an xã đa số là công an chính quy: “Trong chức năng, nhiệm vụ của công an, chúng tôi thấy rằng khi làm việc với Bộ Công an thì chức năng về phòng ngừa xã hội và phòng ngừa nghiệp vụ là 2 vấn đề lớn của ngành công an đang triển khai. Biện pháp này chính là hình thức về phòng ngừa xã hội và cũng chỉ áp dụng đối với trường hợp bạo lực gia đình do công an xử lý, cụ thể ở đây người bị bạo lực là trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật, với mục đích là làm rõ thông tin các vụ việc, chưa phải xử lý hành chính hay xử lý hình sự. Chúng tôi sẽ nghiên cứu sâu hơn ý kiến này”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Các đại biểu góp ý kiến cho dự thảo Luật

Nhóm vấn đề thứ tư về các đối tượng được áp dụng như thành viên của gia đình, quy định tại khoản 2 Điều 3, theo Bộ trưởng, đây là nhóm đối tượng đã ly hôn, ly thân, có quan hệ gia đình trước đây, lâu nay vẫn vi phạm nhưng đang có một khoảng trống. Vì vậy, phải đưa nhóm đối tượng này vào để áp dụng tương tự như thành viên của gia đình.  Điều này cũng không sai với các quy định hiện hành.

Nhóm vấn đề thứ năm là biện pháp hỗ trợ xử lý bạo lực gia đình. Ở đây có 3 biện pháp mới, gồm: Yêu cầu người có hành vi bạo lực gia đình đến trụ sở công an cấp xã giáo dục, hỗ trợ chuyển đổi hành vi bạo lực, thực hiện phục vụ công việc cộng đồng. Bộ trưởng nói: “Các đại biểu cho rằng việc này phải nên cân nhắc, cơ quan soạn thảo cùng với cơ quan chủ trì thẩm tra sẽ nghiên cứu vấn đề này, nhưng phải nhìn thấy ở góc độ chúng ta sẽ lựa chọn các biện pháp giữa góp ý phê bình trong cộng đồng dân cư hay thực hiện nhiệm vụ phục vụ cộng đồng. Vừa có ý nghĩa giáo dục tự nguyện, đồng thời thể hiện mục tiêu giúp đỡ người có hành vi bạo lực gia đình nhận thức được hành vi sai trái của mình để khắc phục và hoàn thiện”...

Ngay sau phiên họp thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thuý  Anh và Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đã chủ trì buổi làm việc để tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu để hoàn thiện dự thảo Luật, trình Quốc hội thông qua vào ngày 4.11.

 

 Nhiều đại biểu Quốc hội đánh giá cao cơ quan trình cũng như cơ quan thẩm tra về tinh thần trách nhiệm, khẩn trương, phối hợp chặt chẽ trong quá trình soạn thảo, nghiêm túc, tiếp thu nhiều ý kiến góp ý. Ảnh: Thu Sâm

Trong phiên thảo luận, các đại biểu đã tập trung thảo luận về các hành vi bạo lực gia đình; yêu cầu người có hành vi bạo lực gia đình đến trụ sở Công an cấp xã nơi xảy ra vụ việc bạo lực gia đình (Điều 24); về biện pháp cấm tiếp xúc theo quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã và Tòa án và giám sát việc thực hiện cấm tiếp xúc (Điều 25, 26 và Điều 27); góp ý, phê bình trong cộng đồng dân cư đối với người có hành vi bạo lực gia đình (Điều 32); về việc bổ sung biện pháp “thực hiện công việc phục vụ cộng đồng” (Điều 33).

 

THU SÂM; ảnh: TRẦN HUẤN

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
3031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top