Triển lãm “Sản phẩm sơn mài Việt Nam”

VHO-Sáng 28.11, tại Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông đã dự Triển lãm “Sản phẩm sơn mài Việt Nam”.

Sự kiện do Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm phối hợp với Sở VHTT Thành phố Đà Nẵng, Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng, các hiệp hội làng nghề tổ chức, nhằm đẩy mạnh giao lưu, quảng bá thương hiệu quốc gia thông qua việc giới thiệu các sản phẩm, tác phẩm sơn mài Việt Nam. Khuyến khích các doanh nghiệp, làng nghề, nghệ sĩ, nghệ nhân chế tác, sáng tác các sản phẩm, tác phẩm sơn mài trở thành những sản phẩm hàng hóa tiêu thụ ở trong nước và quốc tế. 

Triển lãm “Sản phẩm sơn mài Việt Nam” - Anh 1

Thứ trưởng Tạ Quang Đông cắt băng khai mạc Triển lãm

Triển lãm trưng bày hơn 100 sản phẩm và bộ sản phẩm sơn mài đặc sắc được Ban Tổ chức, Hội đồng nghệ thuật tuyển chọn từ hơn 300 sản phẩm, bộ sản phẩm sơn mài của nhiều họa sĩ, nghệ nhân và các hội viên làng nghề trong cả nước. Các tác phẩm sử dụng các vật liệu truyền thống của nghề sơn như sơn then, sơn cánh gián làm chất kết dính, cùng các loại son, bạc thếp, vàng thếp, vỏ trứng, vỏ trai… tạo nên sự phong phú, đa dạng về hình thức, thể hiện tính thẩm mỹ cao, sự tỉ mỉ, tinh xảo của sơn mài Việt Nam.

Tham dự Triển lãm, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông đã gửi lời chúc mừng đến các nghệ nhân, họa sĩ và công chúng yêu văn hóa, nghệ thuật tại thành phố Đà Nẵng. Hiện Việt Nam có nhiều ngành nghề thủ công truyền thống lâu đời khác nhau như nghề đúc đồng, nghề nặn gốm, nghề đan mây tre, nghề sơn cổ truyền, nghề điêu khắc đá, nghề chạm gỗ, nghề dệt lụa, nghề thêu, nghề chạm bạc..., những nghề này có lịch sử phát triển huy hoàng, rực rỡ. Trải qua quá trình tồn tại lâu dài, các nghề thủ công truyền thống đã trở thành nét đẹp đặc trưng, đặc biệt trong kho tàng di sản văn hóa dân tộc Việt Nam.

Triển lãm “Sản phẩm sơn mài Việt Nam” - Anh 2

Tham quan gian trưng bày các sản phẩm sơn mài

Thứ trưởng Tạ Quang Đông chia sẻ: “Trong bối cảnh xã hội còn thiếu thốn, khó khăn về mọi mặt, tuy nhiên các họa sĩ, nghệ nhân trong ngành đã dày công tòi thêm về chất liệu, màu sắc và kỹ thuật, để sáng tác, chế tác nhiều tác phẩm, sản phẩm đặc sắc có giá trị nghệ thuật cao. Chương trình triển lãm lần này nằm trong chiến lược phát triển ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đồng thời mang mục đích xây dựng thương hiệu quốc gia trong lĩnh vực mỹ thuật, nhiếp ảnh do Bộ VHTTDL chỉ đạo. Với sự độc đáo của loại hình nghệ thuật này, ngành sơn mài cần khai thác triệt để hơn nữa các tiềm năng, lợi thế, lực lượng nghệ nhân hoạt động trong nghề sơn mài cần có nhiều sáng tạo hơn để đưa nghệ thuật sơn mài Việt Nam ngày càng lớn mạnh góp phần vào kho tàng nghệ thuật của thế giới”, Thứ trưởng đề nghị.

Triển lãm “Sơn mài truyền thống Việt Nam” tại Đà Nẵng là một hoạt động nằm trong Đề án Quảng bá thương hiệu quốc gia “Nghệ thuật sơn mài Việt Nam”. Qua đó đẩy mạnh giao lưu, chú trọng quảng bá thương hiệu quốc gia thông qua việc giới thiệu các sản phẩm, tác phẩm sơn mài Việt Nam. Khuyến khích các doanh nghiệp, làng nghề, nghệ sĩ, nghệ nhân chế tác, sáng tác các sản phẩm, tác phẩm sơn mài trở thành những sản phẩm hàng hóa tiêu thụ ở trong nước và quốc tế. Phát triển thị trường văn hóa, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế. 

Triển lãm  diễn ra đến hết ngày 4.12 năm 2022 tại Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng, TP. Đà Nẵng.

NGỌC HÀ

Ý kiến bạn đọc