Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

29 Tháng Ba 2024

Hơn 200 tin nhắn về tình trạng hành hạ, giết thịt chó, mèo

Thứ Năm 08/12/2022 | 22:49 GMT+7

VHO- Các chuyên gia đã chỉ ra tác động của việc buôn bán, giết thịt chó, mèo đối với sức khoẻ cộng đồng, cũng như khó khăn trong việc quản lý, đảm bảo an toàn cho người dân.

Ngày 8.12, tổ chức phúc lợi động vật toàn cầu (FOUR PAWS) đã tổ chức đối thoại với các bên hữu quan để trao đổi và thảo luận về các tác động của việc buôn bán thịt chó, mèo đối với sức khoẻ cộng đồng, phúc lợi động vật và cũng như hình ảnh của Việt Nam.

Lần đầu tiên diễn ra cuộc đối thoại giữa các bên liên quan về tình trạng buôn, bán thịt chó mèo

Đối thoại có sự tham gia của đại diện đến từ Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Cục y tế dự phòng (Bộ Y tế); UBND TP Hội An; Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội; Chi cục Chăn nuôi và Thú y  tỉnh Hà Tĩnh; Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam; Mạng lưới chương trình Một sức khoẻ các trường Đại học Việt Nam, và một số tổ chức quốc tế, công ty du lịch... Đại diện các bên đã thảo luận về các khía cạnh khác nhau của nạn buôn bán thịt chó, mèo, và đề xuất các bước đi tiếp theo cho Việt Nam để giảm thiểu rủi ro mà vấn nạn này có thể gây ra cho sức khỏe người dân.

Theo báo cáo của Chi cục Thú y Hà Nội, hiện nay TP có tổng đàn gia súc, gia cầm lớn, đứng tốp đầu cả nước. Tổng đàn chó, mèo nuôi là 438.390 con/ 243.543 hộ nuôi, trong đó tổng đàn chó là 385.514 con. Riêng tổng đàn chó, mèo tại các 12 quận là 50.708 con/ 41.544 hộ nuôi.

Trong những năm gần đây, trên toàn địa bàn TP không ghi nhận ổ dịch bệnh dại trên đàn chó, mèo. Tuy nhiên, theo thông tin từ CDC Hà Nội, năm 2019 TP không ghi nhận trường hợp nào tử vong vì bệnh dại. Nhưng từ năm 2020 – 2022 mỗi năm có 1 người tử vong vì chó dại cắn tại quận Cầu Giấy (năm 2020), quận Hoàng Mai (năm 2021) và huyện Mê Linh (năm 2022). Điều đáng nói là hầu hết chó cắn người bị dại đều là chó thả rông, chó lạ, chó mua về từ các tỉnh khác, không rõ nguồn gốc và không được tiêm phòng vắc xin dại. Một thực trạng nữa là có những nơi nhiều người nuôi với mục đích thương phẩm thì việc chấp hành tiêm phòng vắc xin dại là chưa triệt để, chưa thực hiện việc tiêm phòng bố sung khi nhập đàn. Người bị chó mèo cắn còn coi nhẹ việc tiêm phòng, tư vấn của y tế, cán bộ thú y.

Chiến dịch “Đây không phải là Việt Nam” hướng đến xóa bỏ hành vi hành hạ, giết thịt chó, mèo 

Tại buổi đối thoại, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam không thừa nhận việc giết mổ chó sử dụng với mục đích thực phẩm nhưng cũng không cấm việc sử dụng thịt chó, mèo làm thực phẩm và không quy định việc kiểm tra vệ sinh thú y, cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm đối với các cơ sở giết mổ và kinh doanh thịt chó nên công tác quản lý kinh doanh, giết mổ còn gặp nhiều khó khăn. Do đó, việc buôn bán thịt chó và mèo tiềm ẩn nhiều rủi ro, điển hình là sự liên quan trực tiếp và gián tiếp với bệnh dại, các loại virus, hoặc nguy cơ xuất hiện của mầm bệnh mới có thể dẫn đến đại dịch.

Kết quả khảo sát của Four Paws năm 2019 với hơn 400 người tại Hà Nội, TP HCM và Đà Nẵng cho thấy, 95% người trả lời cho rằng ăn thịt chó, mèo không phải là văn hóa của Việt Nam và 5% tin rằng đó là văn hóa của Việt Nam. Theo bác sĩ Karan Kukreja, Trưởng Chương trình Động vật đồng hành Đông Nam Á, nếu coi đó là nét văn hóa thì có những nét văn hóa cần thay đổi, vì có thể hợp với giai đoạn nào đó nhưng trong xu hướng phát triển, nếu có cơ hội thì thay đổi để phù hợp và văn minh hơn.

Hiện nay, một số TP đã cam kết chấm dứt nạn buôn bán thịt chó mèo như Hội An (Quảng Nam), trước đó là TP Siem Reap (Campuchia), và sắp tới sẽ mở rộng thêm một số TP khác như Hà Nội (TP vì hòa bình) và Hà Tĩnh (nơi trung chuyển buôn bán chó, mèo qua biên giới) và một TP tại Indonesia. Bác sĩ Karan Kukreja cho biết, Four Paws vừa ra mắt công cụ báo tin trực tuyến về nạn buôn bán chó mèo, tuy mới ra đời hơn 1 tháng nhưng đã nhận được hơn 200 tin nhắn của người dân báo về việc chó, mèo bị hành hạ, hoặc bị buôn, bán. Điều này cho thấy nhận thức của người dân đã được nâng cao và thể hiện bằng hành động để phản đối nạn buôn bán thịt chó mèo. ““Đây không phải là Việt Nam” là tiêu đề của chiến dịch hướng đến chấm dứt nạn buôn bán, ăn thịt chó, mèo ở Việt Nam. Từ “Đây” gắn với những hình ảnh chó, mèo bị nhốt trong chuồng để chờ giết, mổ hoặc bị hành hạ, giết làm thực phẩm. Và một ngày nào đó, Việt Nam sẽ xóa bỏ vấn nạn này”, Trưởng Chương trình Động vật đồng hành Đông Nam Á phát biểu.

N.KHANG

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
3031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top