Trưng bày những tác phẩm nghệ thuật của vua Hàm Nghi sáng tác trong thời gian lưu đày

VHO- Ngày 25.12, ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết, nhiều hiện vật cùng các tác phẩm nghệ thuật của vua Hàm Nghi đã được hỗ trợ chuyển từ Pháp về Huế để trưng bày nhân dịp kỷ niệm 80 năm ngày mất của vị vua này. Trong đó, có bức tranh gốc “Lac des Alpes” (Hồ trên dãy núi Alpes) do vua Hàm Nghi sáng tác trong thời gian bị lưu đày, khoảng từ năm 1900-1903, được giới chuyên môn đánh giá cao.

 

Trưng bày những tác phẩm nghệ thuật của vua Hàm Nghi sáng tác trong thời gian lưu đày - Anh 1

 Đại sứ Việt Nam tại CH Pháp Đinh Toàn Thắng nhận bức tranh gốc “Lac des Alpes” do một người Pháp (xin giấu tên) trao tặng cho Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế Ảnh: ĐQS

Bức tranh cao khoảng 30cm, dài 45cm, vẽ về phong cảnh của một vùng quê ở châu Âu. Tác phẩm này do một người Pháp là hậu duệ của vua Hàm Nghi trao tặng cho Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế thông qua Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp. Trước đó, ngày 18.12, Đại sứ Đinh Toàn Thắng đã thay mặt Trung tâm tiếp nhận tác phẩm này và hỗ trợ vận chuyển về Huế. Theo ông Hoàng Việt Trung, tác phẩm nghệ thuật này sẽ được giới thiệu đến công chúng tại Không gian trưng bày “Vua Hàm Nghi, cuộc đời và nghệ thuật” sẽ được tổ chức vào ngày 10.1.2023 sắp tới tại Nhà Tế Tửu, Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế.

Cũng trong dịp trưng bày này, Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế sẽ giới thiệu nhiều hình ảnh về cuộc đời của vua Hàm Nghi từ khi lên ngôi, giai đoạn chống Pháp, giai đoạn lưu đày lại Alger, cùng 31 bản sao các tác phẩm nghệ thuật là tranh, tượng do vua Hàm Nghi sáng tác ở Alger. Ngoài bức tranh gốc “Lac des Alpes”, còn có chiếc hộp màu bạc có chứa nắm đất lấy từ mộ của vua Hàm Nghi tại Pháp do một du khách dâng tại gian thờ Hoàng đế Hàm Nghi ở Thế Miếu (Đại Nội Huế); cuốn sách giấy Tôn lăng tự khí ghi Hàm Nghi nguyên niên với nội dung kê khai đồ tự khí tại điện Chấp Khiêm; ấn Từ Dũ Thái hoàng Thái hậu chi bảo đúc vào năm 1885 thời Hàm Nghi để tấn phong cho bà Từ Dũ (bản phục chế do Nghệ nhân Nhân dân Trần Độ thực hiện)… Ngoài nội dung trưng bày trực quan, du khách còn được tìm hiểu, khám phá thông qua thiết bị trình chiếu cảm biển không dây về các thông tin, hình ảnh, video clip giới thiệu về cuộc đời của vua Hàm Nghi.

Dự kiến trong đợt trưng bày này, bà Amandine Dabat, hậu duệ đời thứ 5 của vua Hàm Nghi sẽ trở về Huế tham dự. Bà Amandine Dabat, bác sĩ Gerard Chapuis, người đã mua được bức tranh “Chiều tà” của vua Hàm Nghi tại cuộc đấu giá năm 2010, cùng Viện Viễn đông Bác cổ Pháp, Hội Nghiên cứu và Phát triển di sản văn hóa Huế đã hỗ trợ Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế trong quá trình sưu tầm tư liệu về vua Hàm Nghi.

S.THÙY

Ý kiến bạn đọc