Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

28 Tháng Ba 2024

Giải thưởng Âm nhạc năm 2022: Người trẻ mạnh dạn sáng tác theo ngôn ngữ phóng khoáng

Thứ Tư 28/12/2022 | 10:44 GMT+7

VHO- “Nhiều tác giả trẻ đã mạnh dạn viết theo ngôn ngữ phóng khoáng, kết hợp đa dạng, có sáng tạo, tìm tòi, thể hiện tính độc lập, tự tin… Điều quan trọng nhất là họ phải thấy được rằng, sứ mệnh sáng tạo là luôn luôn tìm đến những điều mới, luôn luôn khát khao vươn tới những giá trị mới. Từ những điều này, chúng ta mới có thể nối tiếp truyền thống cha ông để mỗi nhạc sĩ là một giọng nói, một tư duy âm nhạc, nhằm mang lại những tác phẩm đi cùng năm tháng xanh mãi với thời gian”.

Ca sĩ trẻ Sèn Hoàng Mỹ Lam biểu diễn trong chương trình

 PST.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân đã nhận xét như vậy trong lễ trao giải thưởng Giải thưởng Âm nhạc năm 2022 diễn ra mới đây tại Hà Nội do Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức với sự tham gia của đông đảo giới văn nghệ sĩ nước nhà.

Mảng ca khúc vẫn độc chiếm giải thưởng âm nhạc

Năm 2022, giới âm nhạc Việt Nam đã ghi nhiều dấu ấn, thành tích, sáng tạo âm nhạc mới với những đề tài đa dạng về tình yêu đất nước, con người Việt Nam, về Đảng và Bác Hồ kính yêu... được các nhạc sĩ, đặc biệt là các nhạc sĩ trẻ gửi vào cuộc sống với những tình cảm trân trọng.

Thiếu tướng, nhạc sĩ Nguyễn Đức Trịnh, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam nhấn mạnh, ngay từ những bước đi đầu tiên, dòng âm nhạc cách mạng đã trở thành vũ khí sắc bén, tạo nên sức mạnh tinh thần to lớn, đóng góp tích cực vào hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống ngoại xâm với những âm hưởng hào hùng còn vang vọng mãi tới hôm nay và mai sau. Bước vào thời kỳ mới, tiếp tục sự nghiệp sáng tạo của thế hệ nhạc sĩ đi trước, lớp nhạc sĩ kế cận và các nhạc sĩ trẻ vẫn duy trì định hướng “Đề cao chủ nghĩa yêu nước và nhân văn, gắn bó với dân tộc, nỗ lực phản ánh chân thật cuộc đấu tranh cách mạng và lao động sáng tạo của nhân dân”.

BTC Giải thưởng Âm nhạc năm 2022 đã nhận được 261 tác phẩm của 261 tác giả là hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam từ khắp các tỉnh, thành trên cả nước gửi về tham dự. Cụ thể: Thanh nhạc có 199 tác phẩm; ca khúc thiếu nhi 19 tác phẩm; Giao hưởng 6 tác phẩm; Thính phòng 5 tác phẩm; Hợp xướng và Acappella 12 tác phẩm; Ca khúc nghệ thuật 6 tác phẩm; Chương trình biểu diễn 6 và 9 công trình lý luận, gồm sách biên soạn và các tập bài báo về âm nhạc. Hội đồng xét Giải thưởng Âm nhạc Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã chọn ra 76 tác phẩm để trao 6 giải A, 19 giải B, 23 giải C, 22 giải khuyến khích và 2 chương trình biểu diễn xuất sắc.

Ở thể loại ca khúc thiếu nhi, 1 giải A thuộc về tác phẩm Chúng em yêu Bác Hồ Chí Minh của tác giả Tạ Duy Tuấn (Hà Nội). Ở mảng khí nhạc, thể loại nhạc giao hưởng không có tác phẩm được giải A, B, C; Hội đồng nghệ thuật trao giải khuyến khích cho 2 tác phẩm. Thể loại hợp xướng không có giải A; Hội đồng nghệ thuật trao 1 giải B, 2 giải C và 4 giải khuyến khích cho các tác phẩm chất lượng. Thể loại nhạc thính phòng không có giải A, B; Hội đồng nghệ thuật trao 1 giải C, 1 giải khuyến khích. Ca khúc nghệ thuật có 2 tác phẩm được trao giải C, 1 tác phẩm được trao giải khuyến khích.

Giải Chương trình biểu diễn nghệ thuật xuất sắc được trao cho chương trình đêm nhạc Tổ quốc tôi của Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) và Cánh chim biển của Phạm Nguyễn (Hải Phòng).

Thể loại Lý luận, Hội đồng nghệ thuật trao 1 giải B cho tác phẩm Từ điển giải thích thuật ngữ âm nhạc của tác giả Nguyễn Bách (TP.HCM) và 1 giải C, 2 giải khuyến khích.

Thể loại báo chí, giải A thuộc về tác phẩm 13 bài báo viết về âm nhạc của tác giả Phan Thuận Thảo (Thừa Thiên Huế). Ngoài ra, Hội đồng nghệ thuật còn trao 1 giải B và 1 giải C cho các tác phẩm báo chí chất lượng.

Thể loại khí nhạc và công trình lý luận phê bình còn mờ nhạt

Nhận xét về giải thưởng năm nay, PST.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Giải thưởng Âm nhạc năm 2022 cho biết, số lượng ca khúc dự giải năm nay nhiều hơn năm ngoái, có nhiều khởi sắc về chất lượng, đặc biệt về khâu dàn dựng tác phẩm và sự đóng góp của các ca sĩ, nhạc công, phòng thu. Thể loại tuy đa dạng song rất cần có những khám phá mới trong các sáng tác của từng nhạc sĩ. Nhiều tác phẩm còn dễ dãi trong bút pháp, sử dụng ngôn ngữ thông dụng đương đại nhưng vẫn cần sự sáng tạo riêng biệt điều mà tạo nên cá tính nhạc sĩ. Về thể loại khí nhạc (Giao hưởng, Thính phòng, Hòa tấu, Hợp xướng, Romance, chương trình DVD), nhìn chung còn một số tổng phổ viết chưa đạt vì chưa hiểu kỹ về dàn nhạc giao hưởng và tính năng nhạc cụ. Một số tác phẩm phối các bè lỏng, chênh hòa thanh hoặc xếp bè rỗng, hòa thanh chủ yếu đồng âm…

Về thể loại như Hợp xướng, ca khúc Nghệ thuật thì chủ yếu là đồng ca. Một số tác phẩm cấu trúc không rõ ràng, với lối viết quá cũ, tiết tấu đơn giản, thiếu cảm xúc (âm nhạc trên máy) rất khó có thể phát triển và tồn tại trong khí nhạc đương đại; có một số tác phẩm đương đại nhưng chưa rõ về hình tượng âm nhạc, thiếu tính chuyên nghiệp…

Đối với chương trình nghệ thuật biểu diễn DVD chủ yếu để phục vụ truyền hình, phóng sự truyền hình, một số tác phẩm còn chưa đúng tinh thần chương trình biểu diễn âm nhạc. Ngoài ra, một số đề tài đã có tính dân tộc, đậm nét âm nhạc truyền thống, biết tìm tòi cái mới mẻ, có sự kết hợp khá tốt giữa âm nhạc phương Tây và âm nhạc truyền thống, biết kế thừa nguồn gốc âm nhạc cha ông, tiếp thu một cách có chọn lọc những bút pháp, những thành tựu của âm nhạc thế giới, nhưng còn hạn chế về hòa âm, phối khí, tạo hiệu quả với thể loại nhạc không lời.

Về các công trình về lý luận phê bình, có những cuốn sách được biên soạn công phu, hình thức trình bày đẹp. Tuy nhiên, phần nội dung một số còn dàn trải, phần lý luận chưa đạt tới mức độ chuyên sâu. Đơn cử như cuốn sách Trò chơi âm nhạc dành cho trẻ em, cung cấp cho hệ thống giáo dục nhiều trò chơi phong phú, hấp dẫn, nhiều bài hát thiếu nhi, tuy nhiên cuốn sách thể hiện hàm lượng âm nhạc còn mỏng, chưa thể hiện rõ hoặc có sách chỉ mang giá trị cung cấp tư liệu cho chuyên ngành biểu diễn nhạc cụ dân tộc…

“Quán triệt tinh thần của Hội nghị Văn hóa toàn quốc vào ngày 24.11.2021 mà ở đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”, cũng như đặt vị trí của văn nghệ sĩ là thành phần tinh túy nhất của văn hóa, điều đó đối với chúng ta là vô cùng thấm thía. Chúng ta phải triển khai được những quyết định, nghị quyết của Đảng trong lĩnh vực văn hóa và đưa vào trong lĩnh vực âm nhạc. Muốn làm được điều này, tôi cho rằng giới âm nhac, nhất là những người trẻ phải cố gắng tăng cường thâm nhập thực tế ngày hôm nay”, PST.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân nhấn mạnh. 

THANH NGỌC

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top