Hội An: Khai mạc Lễ hội văn hóa “Tinh hoa Trà Việt”

VHO- Tối ngày 30.12, Lễ hội văn hóa Trà lần đầu tiên được tổ chức tại TP Hội An, tỉnh Quảng Nam đã chính thức khai mạc tại Khu phố cổ, thu hút rất đông du khách cùng người dân tới thưởng trà, tìm hiểu về tinh hoa văn hóa trà Việt.

Hội An: Khai mạc Lễ hội văn hóa “Tinh hoa Trà Việt” - Anh 1

Chương trình nghệ thuật khai mạc lễ hội “Tinh hoa Trà Việt - Hội An 2022” 

Lễ hội văn hóa Trà Việt Nam lần thứ nhất 2022 với chủ đề “Tinh Hoa Trà Việt”, diễn ra tại Hội An từ ngày 30.12.2022 đến 1.1.2023 với rất nhiều hoạt động tôn vinh văn hóa trà Việt. Qua đó, hướng đến xây dựng lễ hội thường niên, tạo thêm sản phẩm du lịch mới kết hợp với du lịch văn hóa, ẩm thực, nghỉ dưỡng của Hội An. 
Sự kiện do UBND TP. Hội An phối hợp với Công ty TNHH Thảo Bách Việt lần đầu tiên tổ chức với mong muốn giới thiệu đến du khách, công chúng các loại Trà, Nhà sản xuất trà, các nghệ nhân, các Trà thất, các nét đặc sắc về văn hoá Trà Việt Nam. Từ đó Sưu tập, gìn giữ, giới thiệu, phát triển các loại trà, vùng trà, … của Việt Nam và góp phần từng bước gìn giữ, tiếp nối, phát triển văn hoá trà Việt. 

Hội An: Khai mạc Lễ hội văn hóa “Tinh hoa Trà Việt” - Anh 2

Du khách thưởng trà tại không gian nhà cổ Hội An

Từ trước giờ khai mạc, rất đông du khách và người dân đã đến thưởng trà, tìm hiểu về văn hóa trà tại các điểm thưởng trà ở phố cổ, các điểm Bảo tàng Văn hóa Dân gian, Bảo tàng Nghề y Hội An, các ngôi nhà cổ trong phố cổ. 
Lễ hội diễn ra tập trung tại một số trục đường trung tâm trong khu phố cổ, tại không gian các ngôi nhà cổ với 10-15 điểm thưởng thức, giới thiệu các loại trà xanh, trà dân gian, trà lễ hội. 
Chương trình nghệ thuật khai mạc với 2 phần, phần 1 chủ đề “ Cội nguồn hương sắc”, phần 2 chủ đề “Hương trà bay xa” đã đưa du khách, khá giả đi vào không gian làng quê Việt Nam, hình ảnh cô gái hái chè bên nương chè xanh ngát,…Từ đó , hiểu hơn về câu chuyện thưởng trà của người Việt. 
Từ xưa đến nay, trà được người Việt dùng quanh năm, suốt tháng. Chén trà đã là khởi đầu cho những cuộc gặp gỡ, hàn huyên. Văn hóa thưởng trà như một dòng chảy xuyên suốt, thấm đẫm vào cuộc sống, tâm hồn người Việt. 

Hội An: Khai mạc Lễ hội văn hóa “Tinh hoa Trà Việt” - Anh 3

Các tiết mục khai  mạc mang đậm hương sắc của câu chuyện trà Việt

Ông Nguyễn Văn Lanh- Phó Chủ tịch UBND TP Hội An cho biết sự kiện nhằm góp phần tôn vinh giá trị lịch sử và nét văn hóa đặc sắc về trà và sản phẩm liên quan đến trà Việt; là nơi giao lưu học hỏi, trao đổi giữa các làng nghề trà, nghệ nhân trà, đơn vị cung cấp sản phẩm về trà và các sản phẩm văn hóa khác liên quan đến trà như: Trà cụ, ẩm thực, … đến với công chúng và du khách trong, ngoài nước. Qua đó, hướng đến xây dựng Lễ hội thường niên tạo ra sản phẩm du lịch mới kết hợp với du lịch văn hóa, ẩm thực, nghỉ dưỡng đặc sắc của đô thị cổ Hội An và Quảng Nam, góp phần giữ gìn và tiếp nối, phát triển văn hóa trà Việt.
 “Hội An kỳ vọng thông qua Lễ hội lần này sẽ phát huy được sự đặc sắc, đa dạng trong văn hóa trà Việt, qua đó, góp phần quảng bá văn hóa trà Việt, trước hết lan tỏa ngay chính trong lòng Di sản văn hóa thế giới Hội An. Lâu dài hơn, hy vọng sẽ xây dựng lễ hội thường niên, từ đó tạo thêm sản phẩm văn hóa du lịch trà Việt trong lòng phố cổ, để văn hóa trà sẽ lan tỏa ở các điểm đến trong lòng phố cổ, đi vào công tác lễ tân ngoại giao, thành nếp thưởng thức trà Việt trong từng gia đình, ở từng người dân phố cổ…”, ông Lanh chia sẻ. 
Là sự kiện nhằm tôn vinh giá trị văn hóa, lịch sử và tạo ra nét mới trong sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng của Hội An và Quảng Nam. Đồng thời cũng là một hoạt động hưởng ứng Năm Du lịch quốc gia- Quảng Nam 2022. 

Hội An: Khai mạc Lễ hội văn hóa “Tinh hoa Trà Việt” - Anh 4

Đại diện lãnh đạo TP Hội An tặng hoa cho các nhà tài trợ, nghệ nhân tham gia Lễ hội 

Từ lâu, Trà được biết như một nét văn hóa truyền thống của người dân Việt Nam, mang một vẻ đẹp rất riêng biệt, thể hiện rất rõ đời sống sinh hoạt mộc mạc của người Việt. Thưởng trà là một nghệ thuật, tổng hoà được sự tinh tế, tao nhã trong từng thao tác. Chính vì vậy, người Á Đông thường quan niệm rằng thưởng trà chính là đang đào sâu văn hoá để tìm đến sự tĩnh tại và bình yên trong tâm hồn.
Không phải ngẫu nhiên mà Lễ hội “Tinh hoa Trà Việt” lần đầu tiên lại được tổ chức tại phố cổ Hội An. Thương cảng cổ Hội An từng là nơi xuất sản vật trà, chè ra thế giới, thói quen thưởng trà chừng cũng đã định hình cùng nếp sinh hoạt thường ngày. Có lẽ vì thế mà mạch sống đã kết thành những bài tình ca nơi phố Hội.
Mấy trăm năm qua, sức sáng tạo của cộng đồng trong quá trình giao lưu, tiếp biến văn hóa đã làm nên “Hương sắc Hội An”. Trong quá trình đó, người phố Hội  chắt chiu từng vị ngọt đắng để dâng cho đời trái ngọt, hương thơm.

Hội An: Khai mạc Lễ hội văn hóa “Tinh hoa Trà Việt” - Anh 5

Thưởng trà tại không gian nhà cổ Hội An 

Ở Hội An từng có các hãng trà sản xuất, chế biến và xuất khẩu đi các nước trên thế giới. Hiện TP Hội An vẫn còn lưu giữ các hiện vật, chứng từ liên quan.
Theo Tập Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn, năm 1776, ghi chép về văn hóa sinh hoạt của xứ Đàng Trong và tại Hội An  : " Quan viên lớn nhỏ không ai là không có nhà cửa chạm gọt, tường vách gạch đá, the màn trường đoạn, đồ đạc đồng thau, bàn ghế gỗ đàn, gỗ trắc, chén mâm đồ sứ, đồ hoa, yên cương vàng, bạc, y phục gấm vóc, chiếu đệm mây hoa, phú quý phong lưu. Binh sĩ đều ngồi trên chiếu mây, dựa quả tựa hoa, ôm lò hương cổ, HÃM CHÈ HẢO HẠNG, uống chén sứ bịt bạc, đĩa bát thì không cái gì là không phải hàng Bắc. Đàn bà con gái đều mặc áo the và hàng hoa, coi vàng bạc như cát, thóc gạo như bùn, xa xỉ rất mực".
Mặc dù Quảng Nam không phải là xứ sản xuất trà lớn của Việt Nam, tuy nhiên hơn 400 năm trước, nơi đây người dân đã biết dùng trà để uống và chữa một số bệnh về dạ dày. Bên cạnh đó, Xứ Quảng từng là Trung tâm giao thương thế giới với các quốc gia có văn hóa trà nổi tiếng như Trung Quốc, Nhật Bản và một số quốc gia khác và chính những quốc gia đó đã đặt hàng đồ gốm làm trà cụ từ khu vực miền Trung Việt Nam và xuất khẩu qua thương cảng Hội An. Ở Hội An từng có các hãng trà sản xuất, chế biến và xuất khẩu đi các nước trên thế giới. Hiện nơi đây vẫn còn lưu giữ các hiện vật, chứng từ liên quan.
Không gian cổ kính, lịch sử của phố cổ Hội An chính là không gian đặc biệt, phù hợp cho việc thưởng trà, thư giãn, tĩnh tâm tìm về chiều sâu quá khứ, chiều sâu văn hóa của vùng đất đặc biệt này. 

Hội An: Khai mạc Lễ hội văn hóa “Tinh hoa Trà Việt” - Anh 6

Chương trình nghệ thuật khai mạc đem lại ấn tượng cho khán giả 

Tham dự lễ hội “Tinh hoa Trà Việt” có sự góp mặt của 35 địa phương, tỉnh, thành, doanh nghiệp nổi tiếng với đặc sản trà như Thái Nguyên, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Lâm Đồng, Nghệ An, Lào Cai, Lạng Sơn, Hà Giang, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Yên Bái, Sơn La, Điện Biên,…Đại diện các hiệp hội liên quan ẩm thực trà, doanh nghiệp du lịch, lữ hành một số địa phương; các nghệ nhân, cơ sở sản xuất về trà và các sản phẩm liên quan đến trà. 

Các hoạt động của sự kiện diễn ra từ ngày 30.12.2022 đến ngày 1.1.2023: Trình diễn, giao lưu giữa các nhà trà, nghệ nhân với du khách; giới thiệu các sản phẩm trà trên mọi vùng miền tổ quốc; các show trình diễn vể trà như Thiền trà, Trà Cung Đình, Trà Tây Bắc… Cùng với đó là lễ dâng trà đầu năm, tiệc trà giao lưu chúc mừng năm mới…

KHÁNH CHI

Ý kiến bạn đọc