Đằng sau những lần về với Por

VHO- Đội tuyên truyền chiếu bóng lưu động chúng tôi vội vàng về với Por vì ai nấy cũng đều ham lắm để được nắm những đôi bàn tay nhỏ xíu, gầy guộc, đen nhẻm chai sạn, và khao khát nhìn sâu thẳm vào đôi mắt ngây thơ của những em bé khi bắt gặp người lạ về Por.

Đằng sau những lần về với Por - Anh 1

 Đội đã khắc phục những khó khăn để đưa phim đến với các em học sinh ở vùng giáp ranh biên giới

Chúng tôi đặt chân đến Por (Por là tiếng của người S’tiêng được hiểu là thôn, bản, ấp) giáp ranh biến giới của huyện Bù Đốp (Bình Phước) vào những ngày cuối năm khi cơn mưa lác đác bắt đầu nặng hạt. Khung cảnh vội vàng nhưng bình thản, bởi ở những nơi giáp biên giới vào mùa này, mưa, nắng bất chợt. Vài tia nắng muộn, tranh thủ len lỏi dưới tán cây vẫn còn loang loáng nước.

Những chuyến đi về với Por

Cả đội, như bao lần vẫn vậy trên một chiếc xe bán tải “không thể cũ hơn”, năm người cùng với lỉnh kỉnh những dụng cụ, máy móc, đôi khi còn là mùng mền, chiếu gối, vài ba gói thức ăn khô, và không thể thiếu được món đặc sản “mì gói”. Tất cả đều được chuẩn bị sẵn để phục vụ chuỗi ngày chiếu phim lưu động ở các Por, nơi có nhiều người S’tiêng sinh sống. Anh đội trưởng ngoài 50 tuổi lơ đễnh kéo cửa xe khiến nó kêu loạt soạt, anh đưa tay ra hứng vài giọt nước còn sót lại sau cơn mưa vội với vẻ mặt vô cùng thích thú: “Mưa gì mà nhẹ nhàng y hệt như người ở Por vậy”.

Gần 20 năm, các anh trong Đội chiếu phim đã đi qua biết bao con đường, ăn cơm bụi, ngủ nhà Rông, khó khăn, vất vả, nếu ghi chép lại thì e rằng có thể làm được cả phim tài liệu dài tập. Nhưng điều ấy không thấm tháp vào đâu so với việc chiếc xe “ford đời cũ” hì hục, ì ạch “bươn” lên những con dốc. Chúng tôi thường ví von “đường về Por cũng không khác gì đường Trường Sơn là mấy”. Anh Phương, là thành viên của đội vừa kiêm luôn tài xế, không hiểu bằng cách nào đó thuộc tất cả những con đường về Por như thể anh là người “bản địa”. Từ đường nhựa, đến bê tông hay đường đất anh đều nằm lòng. Bởi đi gần 100 km về Por, anh không phải hỏi thăm đường hay dùng “google map” dù chỉ một lần. Trong những lần đi chiếu phim dài ngày, địa điểm mà chúng tôi đến là nhà Rông, nơi sinh hoạt cộng đồng của người S’tiêng. Những ngày này, ở các Por náo nhiệt hơn hẳn. Bắt đầu từ chiếc xe cà tàng của trưởng Por Nê, từ mấy hôm trước cả Por đã râm ran câu chuyện sắp có đợt chiếu phim của Đội chiếu bóng lưu động về.

Đằng sau những lần về với Por - Anh 2

Những vị khán giả nhỏ tuổi nhất luôn đúng giờ và đông nhất của Đội

Những bộ phim giải trí cho trẻ nhỏ như phim hoạt hình Trạng Tí, Trí khôn của ta đây, Tấm cám,… đến những bộ phim về Bác Hồ, phim tài liệu, phim về cách mạng. Tất cả đã trở thành chủ đề của những câu chuyện ở khắp các ngõ ngách Por. Từ người lớn, đến già làng và trẻ nhỏ đều rất háo hức. Đây cũng là dịp để những người trong Por gặp gỡ, giải trí sau chuỗi ngày mưu sinh vất vả. Nó giống như một “cái cớ” chính đáng để họ được gặp nhau, đôi khi còn là những câu chuyện thường ngày mà họ chưa có dịp nào để kể cho nhau nghe. Những điều tưởng chừng như giản đơn nhưng với họ không dễ chút nào… Những ngày này, không chỉ người dân trong các Por phấn khởi, vui mừng mà ngay cả những cô, bà, chị bán hàng rong lúc nào cũng nở nụ cười vì bán đắt hàng, rao không ngớt lời. Tiếng rao làm nhộn nhịp cả một góc Por và trở thành điều quen thuộc của người S’tiêng mỗi khi có Đội chiếu phim về. Ở đây, những người trẻ thường kết hôn sớm, họ sinh con đẻ cái rồi gửi lại cho bậc sinh thành để đi nơi khác lập nghiệp. Lâu lâu họ mới về thăm mấy đứa nhỏ. Trẻ con ở đây cứ như cây dại mà lớn lên, miếng ăn, cái mặc, sự vất vả bủa vây tất cả…

Như thường lệ, mỗi lần đến Por, anh đội trưởng của đội lại tất tưởi đi hết xe bán hàng của chị bánh tráng trộn, rồi đi qua chú bán bò viên chiên, và sau cùng là cửa hàng tạp hóa. Trên khuôn mặt hồ hởi của mình, anh vừa đi, vừa đưa hai tay chất đầy những món hàng vừa mua được nhìn một cách sung sướng, như thể chính mình là mới là người muốn ăn chúng. Anh mang đồ mua được, chia cho từng em nhỏ ở Por, ánh mắt nhìn chăm chú theo từng hành động của anh đội trưởng và không quên Orl gun (cảm ơn) khi có người cho mình đồ ăn. Trước giờ chiếu phim bao giờ cũng là hình ảnh quen thuộc này, mỗi thành viên trong đội cố bớt chút kinh phí để kêu gọi những “khán giả” đến xem phim của mình và đúng thật, những vị khán giả ấy đã có mặt rất đông và luôn đúng giờ. Chính vì vậy mà mỗi lần đi chiếu đều có lượng khán giả nhất định cùng những kỷ niệm đẹp trong những năm tháng làm nghề, dù rất vất vả.

Vẫn tiếp tục cuộc hành trình

Ngồi bên cạnh người viết là Thị Mây, một bé gái 9 tuổi, với mái tóc xoăn màu hung vàng, đậm nét riêng biệt của người S’tiêng. Cô bé với thân hình gầy, nước da đen nhẽm, đôi mắt to nhìn chăm chăm vào xiên bò viên và ăn rất ngon, món ngon mà bất cứ đứa trẻ nào ở lứa tuổi nàu đều thích thú. Có thể do quá muốn ăn nên bàn tay dính đầy thức ăn, thấy cô bé có ý định “vân vê” vạt áo của mình, chúng tôi liền nắm tay Mây đề nghị được giúp đỡ bằng khăn giấy. Đôi bàn tay gầy guộc, lòng bàn tay chai sạn. Một đứa bé chưa tròn 10 tuổi như Mây đã phải làm những công việc gì khiến đôi bàn tay trở nên thô ráp đến vậy. Nhà của Mây lọt thỏm phía trong Por, cha mẹ Mây đi làm ăn xa, nghe nói đâu mãi tận Lâm Đồng, Mây và một đứa em gần 2 tuổi ở với dì và bà ngoại. Hằng ngày Mây trông em, làm việc nhà và hơn cả là phải oằn mình với chiếc xe đạp cọc cạch trên con đường gập ghềnh để đến trường. Giờ thì chúng tôi đã hiểu đôi bàn tay của Mây, và bất giác siết nhẹ tay của cô bé với một cảm xúc nặng lòng.

Đằng sau những lần về với Por - Anh 3

 Những khán giả đặc biệt luôn thủy chung với chiếu phim lưu động

Có lẽ những khó khăn của công việc đưa phim về với các Por, nơi có nhiều người dân tộc thiểu số ở vùng biên giới, miền núi ở địa phương nào cũng có những khó khăn, hạn chế. Và việc mang phim về những nơi này luôn được ưu tiên hàng đầu của những người làm ngành văn hóa. Phải những ai đã từng trải qua những cung đường, chứng kiến cuộc sống của người đồng bào thì mới có thể thấu hiểu và tường tận ý nghĩa của việc đưa phim về với Por, như việc chúng tôi vẫn làm và các bạn đồng nghiệp ở những nơi khác vẫn miệt mài với công việc của mình. Ở Bình Phước, có lẽ không phải “cõng phim” như nhiều địa phương ở vùng núi Tây Bắc hay Bắc Bộ, nhưng để vượt những con đường ngoằn ngoèo để về được với các Por là điều chưa bao giờ là dễ dàng. Thông thường, Đội sẽ được chia thành 3 đội nhỏ, chiếu ở 3 địa điểm khác nhau. Bây giờ, trang thiết bị hiện đại nên thuận tiện hơn rất nhiều. Nếu so với 10 năm trước thì hiện tại đời sống của bà con nơi biên giới đã có sự thay đổi, đã có tivi, có internet, có nhiều thiết bị điện tử thông minh, nhưng vẫn có rất nhiều nơi thích được xem chiếu bóng. Đôi khi đó là những thói quen từ thời nghèo khó, từ thời “ông bà chưa có tivi”. Đến nay những con người ở các Por vẫn một mực thủy chung với chiếu phim lưu động. Họ không quên được những lúc khó khăn, không biết đến văn hóa, phim ảnh thì những người làm nghề chiếu bóng đã đưa “văn hóa” về với họ, với tất cả những con người ở Por. Chính vì vậy, khi về với Por, cả Đội luôn thấy thân thương và quên luôn những lần vất vả đêm khuya, mưa gió.

Anh Đội trưởng của chúng tôi đã dành gần như hơn nửa cuộc đời mình cho công việc này. Và đến bây giờ anh vẫn tiếp tục “cho đến khi không còn làm được nữa thì thôi”. Đó là câu nói quen thuộc của anh, mỗi khi muốn động viên cho các thành viên trong đội tạm quên đi những vất vả, để gắn bó và yêu nghề hơn. Bất kể khi nào, các Por còn cần thì chúng tôi sẽ vẫn tiếp tục cuộc hành trình của mình. Chúng tôi không dám nhận mình là “sứ giả văn hóa”, mà chỉ là những người với sự nhiệt tình, trách nhiệm và say mê công việc, đưa đến Por những văn hóa văn minh, tuyên truyền những điều hay lẽ phải, những điều nên và không nên làm. Giúp người dân có thể hiểu đúng đắn về đường lối của Bác Hồ, của Đảng và Nhà nước. Giúp họ một phần nào đó có thể hiểu được nghĩa vụ và trách nhiệm đối với bản thân, gia đình và đất nước.

Cứ như vậy, mỗi lần về với Por luôn khiến chúng tôi tha thiết hơn với công việc mình đang làm, và thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn. 

TRANG HƯƠNG 

Ý kiến bạn đọc