Làm rõ những giá trị đặc sắc của di sản Mo Mường

VHO- “Mo Mường là một di sản văn hóa phi vật thể bao hàm nhiều giá trị văn hóa, lịch sử. Những áng sử thi trong Mo Mường phản ánh vũ trụ quan, thế giới quan, nhân sinh quan và đời sống xã hội của người Mường cổ. Các sinh hoạt của Mo Mường liên quan đến cả vòng đời một con người. Bởi vậy, việc bảo tồn và phát huy các giá trị đặc sắc của Mo Mường là rất quan trọng, nó cho ta ý thức về bản sắc và sự thân thuộc, nối quá khứ với hiện tại và tương lai”.

Làm rõ những giá trị đặc sắc của di sản Mo Mường - Anh 1

 Hội thảo “Mo Mường và các hình thức nghi lễ tín ngưỡng tương đồng trên thế giới”

 Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương đã nhấn mạnh điều này tại Hội thảo quốc tế “Mo Mường và những hình thức nghi lễ tín ngưỡng tương đồng trên thế giới” diễn ra tại Hòa Bình ngày 5.1.

Khẳng định giá trị văn hóa, lịch sử của Mo Mường

Mo Mường là một di sản văn hóa đặc biệt. Đến nay, Mo Mường đã được xác định là di sản văn hóa phi vật thể “đang sống” và là biểu đạt sống được truyền lại cho con cháu. Việc hiểu biết đúng đắn về giá trị của Mo Mường được coi như hiểu biết về một nền văn hóa cổ sơ của người Mường.

Việc tổ chức Hội thảo khoa học Quốc tế “Mo Mường và những hình thức nghi lễ tín ngưỡng tương đồng trên thế giới” mang ý nghĩa lớn lao, đồng thời cũng là những nội dung quan trọng trong việc thực hiện kế hoạch phối hợp xây dựng bộ hồ sơ khoa học về di sản văn hóa Mo Mường đệ trình UNESCO, qua đó tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò và những ý nghĩa to lớn của Mo Mường trong đời sống văn hóa tinh thần của người Mường nói riêng, và đối với sự phong phú của di sản văn hóa của dân tộc Việt Nam nói chung cũng như các nghi lễ tương đồng trên thế giới. Đồng thời, tiếp tục tuyên truyền sâu rộng tầm quan trọng và ý nghĩa của Mo Mường, nâng cao nhận thức của các cấp, ngành và cộng đồng xã hội về những giá trị văn hóa Mo Mường. Hội thảo đã nhận được sự quan tâm đông đảo các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà quản lý trong nước và quốc tế trên các lĩnh vực: Âm nhạc, lịch sử, văn hóa, dân tộc học, khảo cổ học, ngôn ngữ học... đến từ các nước Mỹ, Pháp, Áo, Hy Lạp, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Malaysia, Thái Lan, các Viện, các cơ quan Trung ương và các tỉnh, thành có liên quan.

NNND Bùi Văn Minh (xã Văn Sơn, Lạc Sơn, Hòa Bình) cho biết, Mo Mường là loại hình tín ngưỡng dân gian rất đặc biệt được thực hành trong tang lễ của người Mường. Đây là di sản văn hóa dân gian có tính nguyên hợp, được tạo nên từ ba thành tố chính: Môi trường diễn xướng; Lời Mo và Nghệ nhân Mo còn gọi là thầy Mo, hay Bố Mo... và công cụ hành nghề của các thầy Mo (Túi Khót). Trong đó lời Mo và nghệ nhân Mo tồn tại gắn liền với nhau. Ngày nay lời Mo được sưu tầm, ký tự hóa và in ra thành sách, nên rất thuận lợi cho việc tìm hiểu, nghiên cứu về Mo Mường. “Nói về Mo Mường thì hơn trăm năm nay các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước đều nghiên cứu rất nhiều. Là một nghệ nhân thực hành Mo Mường tôi thuộc nhiều lời Mo Mường và ít có điều kiện tiếp cận văn bản Mo Mường, song tôi thấy trong đó chứa đựng rất nhiều quan niệm về cuộc sống và tình yêu thương, những lời răn dạy nhân văn và ý nghĩa của người xưa đối với con người. Mo Mường là để diễn xướng trong đám tang, cho người chết thực chất là để cho người sống nghe, việc kể công ơn cha mẹ dưỡng dục được người xưa rất coi trọng và được kể rất xúc động qua Mo Kể Công Non Công Rét (Mo kể công ơn cha mẹ) và Mo Nhương ăn Nhương uống (Mo Cúng dâng cơm)”, nghệ nhân Bùi Văn Minh chia sẻ.

Qua quá trình quan sát, tham dự và sưu tầm, nghệ nhân ưu tú Bùi Huy Vọng thấy rằng, Mo Mường là loại hình thực hành nghi lễ tín ngưỡng dân gian cơ bản chỉ diễn ra trong đám tang của người Mường. Dấu hiệu dễ nhận ra Mo Mường là khi các thầy Mo thực hành nghi lễ trong đám tang. Đây cũng là môi trường thực hành diễn xướng Mo Mường. Các hình thức Mo Mường biểu hiện rất đặc trưng, không lẫn vào các nghi lễ khác, cơ bản có hai loại là Mo đơn một thầy Mo và Mo Dun có ba thầy Mo cùng thực hiện. Trang phục thầy Mo Mường đặc biệt là mũ có sừng, một loại mũ đặc biệt. Khi thực hành Mo Mường nghi thức đi liền cùng lễ thức, nghi lễ Mo nào thì có lễ thức của Mo đó. Túi Khót là đồ tế khí không thể thiếu của thầy Mo Mường, nó được bày ra, được đánh thức phần hồn để phò trợ thầy Mo thực hiện nghi lễ.

Lời Mo Mường có dung lượng đồ sộ và là “Bộ Bách khoa thư” dân gian về dân tộc Mường được thể hiện và diễn xướng trong tang lễ của người Mường. Cái gì có trong người Mường đều có trong Mo Mường.

Làm rõ những giá trị đặc sắc của di sản Mo Mường - Anh 2

 Người Mường thường sử dụng Mo trong các nghi lễ

Phản ánh sự đa dạng văn hóa trên toàn thế giới

Nhằm giới thiệu và quảng bá những giá trị đặc sắc của di sản Mo Mường ra thế giới thông qua các học giả, những nhà nghiên cứu âm nhạc quốc tế cũng như nhằm mở rộng thông tin về các hình thức nghi lễ tín ngưỡng tương đồng với di sản Mo Mường hiện có trên thế giới, tại hội thảo các nhà khoa học quốc tế đã có phần nội dung trao đổi chú trọng nhiều đến việc giới thiệu các hình thức nghi lễ tín ngưỡng tương đồng với Mo Mường trên thế giới đặt trong mối quan hệ so sánh với di sản Mo Mường.

Đây là những cứ liệu so sánh quan trọng cho quá trình lập hồ sơ di sản Mo Mường đệ trình UNESSCO ghi danh trong Danh mục di sản văn hóa phi vật thể. GS.TS Wolfgang Mastnak, Đại học Âm nhạc và Sân khấu Munich (Đức) cho biết, lễ tang của người Mường ở Việt Nam có truyền thống lâu đời. Nó mang ý nghĩa “sống còn” đối với bản sắc văn hóa của người Mường, mang tính chân thực và có giá trị cao trong việc nghiên cứu đa văn hóa về các tập tục cổ xưa và thực hành nghi lễ tôn giáo. Tuy nhiên, ở phương Tây rất ít người biết về Mo Mường. Thể loại dân tộc học phức tạp này khó được người phương Tây nghiên cứu bởi không có nhiều tài liệu cùng với những thông tin trong các lĩnh vực liên quan về Mo Mường được dịch ra tiếng Anh ngoại trừ chuyên luận của Lê Văn Lợi (2018) viết về truyền thống tâm linh trong đời sống của các dân tộc thiểu số phía Bắc miền núi Việt Nam hoặc nghiên cứu so sánh của Nina Grigoreva (2015) về sử thi thần thoại Đẻ đất đẻ nước của người Mường.

Từ góc độ đa văn hóa, GS.TS Wolfgang Mastnak cho rằng, nghi lễ Mo Mường phù hợp với nhiều tiêu chí của UNESCO về di sản văn hóa phi vật thể như tương thích với quyền con người và sự tôn trọng văn hóa lẫn nhau, được chính chủ thể cộng đồng coi đó là một phần thiết yếu trong đời sống văn hóa của họ; là một di sản có sự đan xen gắn bó chặt chẽ giữa ý thức về bản sắc và trí nhớ của cộng đồng, bám rễ vào cộng đồng và tiếp tục được trao truyền, tái tạo. Về mặt này, Mo Mường cũng phản ánh sự đa dạng văn hóa trên toàn thế giới và minh chứng cho sự sáng tạo của con người. Cái chết là quy luật tất yếu mang tính toàn cầu của con người. Nghĩa tử là nghĩa tận, là văn hóa, là việc làm giải quyết nhu cầu cho cả người chết và người đang sống. Không có gì phải ngạc nhiên khi ở nhiều nơi, sự ra đi của người chết được coi như một cuộc hành trình đánh dấu sự rời khỏi thế giới thường nhật của những ràng buộc xã hội. Cuộc hành trình đó vừa cần thiết và vừa gian nan, đôi khi cần đến sự hỗ trợ đặc biệt của các chuyên gia nghi lễ đặc biệt như các thầy Mo.

Dẫn chứng về sự tương đồng giữa di sản Mo Mường với các nghi lễ gia đình ở Hàn Quốc, TS Laurel Kendall, Ban Nhân chủng học, Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Mỹ, cho rằng trong các hình thức nghi lễ gia đình Hàn Quốc, bao gồm tang lễ và thờ cúng tổ tiên mang ảnh hưởng mạnh mẽ của nghi thức gia đình Nho giáo được quy định trong sách hướng dẫn nghi lễ và được kết hợp với tập quán địa phương. Sự kiện có ý nghĩa rõ nét và công khai nhất trong lễ tang truyền thống của Hàn Quốc là hành trình đưa người chết đến ngôi mộ trên núi. Phong tục mô tả cuộc hành trình này là một chặng đường khó khăn được thể hiện bằng một bài ca hùng tráng về cuộc sống khó khăn của những người đã khuất. Những người còn sống sẽ bày tỏ sự đau xót bàng hoàng của họ đối với người chết. Một người con trai của người đã khuất đứng cạnh chiếc xe đòn khiêng quan tài dừng lại ở trên đường và tuyên bố rằng con không muốn để cha “đi lên núi”…

Hội thảo “Mo Mường và các hình thức nghi lễ tín ngưỡng tương đồng trên thế giới” đã cho thấy giá trị lịch sử, xã hội, văn học và nghệ thuật trong các câu chuyện ở phần Mo kể chuyện (Mo tiểu hay còn gọi là Mo Đẻ đất đẻ nước) và hiện trạng của di sản Mo Mường và một số loại hình thực hành nghi lễ tín ngưỡng tương tự trên thế giới, điều này góp phần hoàn thiện cơ sở dữ liệu khoa học cho việc xây dựng Hồ sơ quốc gia “Mo Mường” đệ trình UNESCO. Đặc biệt là những ý kiến từ phía cộng đồng dân tộc Mường thông qua các nghệ nhân Mo. Từ đó, tạo điều kiện để các học giả trong và ngoài nước được tiếp cận trực tiếp và trải nghiệm di sản Mo Mường nói riêng, văn hóa Mường nói chung; đồng thời, gắn kết trách nhiệm của cộng đồng dân tộc Mường - chủ thể sở hữu và nắm giữ di sản văn hóa Mo Mường vào quá trình xây dựng hồ sơ quốc gia về di sản văn hóa Mo Mường theo đúng tiêu chí, yêu cầu của UNESCO. 

 Nghi lễ Mo Mường phù hợp với nhiều tiêu chí của UNESCO về di sản văn hóa phi vật thể như tương thích với quyền con người và sự tôn trọng văn hóa lẫn nhau, được chính chủ thể cộng đồng coi đó là một phần thiết yếu trong đời sống văn hóa của họ; là một di sản có sự đan xen gắn bó chặt chẽ giữa ý thức về bản sắc và trí nhớ của cộng đồng, bám rễ vào cộng đồng và tiếp tục được trao truyền, tái tạo.

(GS.TS WOLFGANG MASTNAK)

 

MINH HÀ

Ý kiến bạn đọc