Rộn ràng không khí Tết ở làng bánh truyền thống

VHO- Những món bánh truyền thống như bánh thuẫn, bánh tráng, bánh in,... không thể thiếu trong ngày Tết của người Việt. Vì vậy, các làng nghề làm bánh truyền thống ở Quảng Ngãi đang tăng công suất để kịp cho ra lò những mẻ bánh phục vụ Tết.

Rộn ràng không khí Tết ở làng bánh truyền thống - Anh 1

Những chiếc bánh mì xốp vừa đưa từ lò nướng ra

Lò bánh Tết truyền thống Hải Vinh ở thôn Kỳ Thọ Bắc, xã Hành Đức, huyện Nghĩa Hành bắt đầu vào mùa bánh Tết từ  giữa tháng 11 âm lịch. Nhờ là nghề truyền thống từ đời ông bà để lại, cộng với kinh nghiệm gần 50 năm theo nghề làm bánh Tết, chị Vinh (chủ lò bánh Hải Vinh) đã tạo ra những sản phẩm của mình hương vị đặc trưng. Cùng với bánh mì xốp, đậu xanh, bắt đầu từ tháng 12 âm lịch lò bánh của chị Vinh còn làm thêm bánh thuẫn để phục vụ cho khách hàng.

Rộn ràng không khí Tết ở làng bánh truyền thống - Anh 2

Bánh ngon là phải chọn nguyên liệu tươi, sạch, bánh khi ăn xốp nhưng không bể

“Lò bánh đỏ lửa cả ngày lẫn đêm mới đủ hàng cung cấp ra thị trường. Mỗi ngày cơ sở sản xuất hơn 1.000 chiếc bánh. Để bánh ngon mình phải chọn nguyên liệu tươi, ngon, sạch, bánh khi ăn xốp nhưng không bể. Tết khách đặt hàng nhiều hơn, chủ yếu là khách ở các tỉnh phía Nam”, chị Vinh cho hay.

Rộn ràng không khí Tết ở làng bánh truyền thống - Anh 3

Nghề làm bánh tráng nổi tiếng ở xã Hành Trung, huyện Nghĩa Hành bán cho khách hàng trong và ngoài tỉnh

Ông Võ Bảo, một trong những người gắn bó lâu năm với nghề làm bánh tráng ở xã Hành Trung, huyện Nghĩa Hành cho biết, trước đây, ông làm bánh tráng theo cách thủ công, nhưng nhận thấy nhu cầu của thị trường ngày càng lớn, nên quyết định mua máy để phục vụ cho nghề, góp phần tăng năng suất, giảm sức lao động. Trung bình mỗi ngày lò bánh tráng của ông cho ra 10.000 – 15.000 bánh. Riêng thời điểm cuối năm, lượng bánh tăng lên gấp đôi. Bánh tráng của ông Bảo không chỉ bán ở trong tỉnh, mà còn xuất đi khắp các tỉnh phía Nam và Tây Nguyên. 

Rộn ràng không khí Tết ở làng bánh truyền thống - Anh 4

Rim gừng là khâu quan trọng nhất, suốt quá trình rim

Vào dịp Tết cơ sở sản xuất Mỹ Nhật ở thôn Điền Chánh, xã Nghĩa Điền, huyện Tư Nghĩa tập trung sản xuất mứt gừng. Chị Trần Thị Mỹ chủ cơ sở cho biết, làm mứt gừng rất nhọc, cần nhiều lao động, mọi người phải luôn tay. Mỗi người một việc vì mứt gừng trải qua rất nhiều công đoạn từ chọn gừng, cắt gừng, rửa gừng, luộc gừng, rim mứt, phơi mứt, đóng gói... Rim gừng là khâu quan trọng nhất, suốt quá trình rim, người thợ phải túc trực bên chảo để giữ độ lửa đều, đảo liền tay. Lửa quá nhỏ hay quá lớn cũng đều làm ảnh hưởng đến chất lượng của mẻ mứt. Đầu vụ, mỗi ngày cơ sở sản xuất 2 - 3 tạ mứt. Mứt gừng Mỹ Nhật có mặt khắp thị trường các tỉnh miền Trung, miền Nam và Tây Nguyên.

Rộn ràng không khí Tết ở làng bánh truyền thống - Anh 5

Lò bánh thuẫn gia truyền hơn 100 năm tuổi của gia đình ông Bùi Đình Phùng ở thôn Đông Thuận, xã Bình Trung, huyện Bình Sơn

Bánh thuẫn là bánh đặc sản truyền thống của tỉnh Quảng Ngãi, không thể thiếu trong các dịp Tết cổ truyền. Lò bánh thuẫn gia truyền hơn 100 năm tuổi của gia đình ông Bùi Đình Phùng ở thôn Đông Thuận, xã Bình Trung, huyện Bình Sơn đỏ lửa từ sáng sớm cho đến đêm khuya để kịp đúc bánh cho các đơn hàng trong dịp Tết cổ truyền. Theo ông Phùng, từ tháng 11 đến tháng 12 âm lịch, lò bánh của ông luôn đỏ lửa từ tờ mờ sáng cho đến đêm khuya, để kịp đơn hàng trong những ngày tết. Ngày thường lò bánh của ông sản xuất từ 4.000-5.000 cái, còn những ngày tết thì tăng lên gấp đôi từ 8.000-10.000 cái. Các đầu nậu đến cơ sở lấy bánh bỏ sỉ ở các chợ, tạp hóa trên địa bàn Quảng Ngãi, Quảng Nam, Bình Định và cả nước ngoài.

Rộn ràng không khí Tết ở làng bánh truyền thống - Anh 6

Bánh truyền thống là hương vị không thể thiếu trong ngày Tết

Các cơ sở làm bánh Tết truyền thống ở Quảng Ngãi luôn tất bật ngày đêm để cho ra lò những mẻ bánh thơm ngon, mang đậm hương vị truyền thống, cung ứng cho khách hàng gần xa dịp Tết đến, Xuân về.

NHƯ ĐỒNG

Ý kiến bạn đọc