Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

29 Tháng Ba 2024

Hội chữ Xuân Quý Mão 2023 tưng bừng trở lại: Nét chữ gửi gắm những ước nguyện tốt lành

Thứ Hai 16/01/2023 | 11:44 GMT+7

VHO-  Háo hức đến với Hội chữ Xuân Quý Mão 2023 sau 2 năm vắng bóng, từ sớm 15.1 (24 tháng Chạp), khu vực Hồ Văn thuộc di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã rộn rã thanh âm và những sắc màu rực rỡ trên từng bức thư pháp. Hội chữ Xuân Quý Mão 2023 khai mạc, mở ra một không gian đậm nét văn hóa truyền thống tại di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

 Gian hàng của nghệ nhân Hồng Chi

Phó Giám đốc Sở VHTT Hà Nội Trần Thị Vân Anh cho biết, trong những năm gần đây, Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu - Quốc Tử Giám tổ chức Hội chữ Xuân vào dịp Tết Nguyên đán tại khu vực Hồ Văn thuộc di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Hội chữ Xuân đang định hình thành một sự kiện văn hóa thu hút đông đảo người dân Thủ đô và các khu vực lân cận đến tham quan.

Không gian đón Tết đặc biệt

Hội chữ Xuân năm nay được tổ chức sau hai năm đại dịch Covid-19 phải tạm dừng hoạt động, dự án phục dựng Phương đình và tôn tạo gò Kim Châu hoàn thành tạo nên một diện mạo mới của không gian Hồ Văn. Bà Trần Thị Vân Anh nhấn mạnh, thực hiện chủ trương của TP Hà Nội về phát triển công nghiệp văn hóa và hưởng ứng tham gia mạng lưới các thành phố sáng tạo, Hội chữ Xuân Quý Mão 2023 được chuẩn bị chu đáo nhằm tạo ra một sân chơi lành mạnh để 50 người viết thư pháp Hán - Nôm và quốc ngữ sáng tạo, mang đến cho công chúng những bức thư pháp đẹp, với nhiều ước nguyện tốt lành.

Hội chữ Xuân năm nay còn có sự góp mặt của nhiều làng nghề thủ công truyền thống (giấy dó, tơ lụa, sơn mài, gốm sứ...) cùng nhiều trò chơi dân gian; chương trình biểu diễn hát nghệ thuật truyền thống và lễ hội thả đèn Hoa Chữ tại Hồ Văn. Đặc biệt, du khách được chiêm ngưỡng Triển lãm thư pháp gồm 40 tác phẩm thư pháp xuất sắc, sáng tác theo chủ đề “Sư đạo tôn nghiêm” nhằm tôn vinh truyền thống tôn sư trọng đạo, khích lệ tinh thần học tập, vươn lên của thế hệ trẻ và góp phần từng bước nâng cao trình độ thẩm mỹ, hiểu biết về nghệ thuật thư pháp của người viết chữ cũng như công chúng Thủ đô. Theo TS Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Trưởng BTC Hội chữ Xuân Quý Mão 2023, với chủ đề “Sư đạo tôn nghiêm”, BTC mong muốn tri ân những thế hệ nhà giáo mẫu mực của đất nước trong suốt chiều dài lịch sử. Đây cũng là thông điệp nhắc nhở các bạn trẻ biết quý trọng những giá trị truyền thống tốt đẹp của cha ông, trong đó có truyền thống “Tôn sư trọng đạo”.

Đốc giáo Nhân Mỹ học đường, Phó BTC Hội chữ Xuân Quý Mão 2023, TS Lê Trung Kiên cũng chia sẻ, chủ đề này sẽ là định hướng cho các nội dung triển lãm, hội chữ và các hoạt động văn hóa, văn nghệ, trưng bày… Trong các thời kỳ của lịch sử dân tộc Việt Nam, vai trò của người thầy luôn được trân trọng, đề cao trong xã hội, đóng vai trò truyền trao tri thức, định hướng nhân cách cho các thế hệ học trò - những chủ nhân tương lai của đất nước. Chủ đề “Sư đạo tôn nghiêm” được thể hiện xuyên suốt các hoạt động của Hội chữ Xuân Quý Mão và 40 bức thư pháp được trưng bày trong triển lãm cùng tên. Đỗ Phương Linh, sinh viên Khoa Chính trị học, Đại học KHXH&NV Hà Nội chia sẻ: “Cùng với các bạn đến Văn Miếu - Quốc Tử Giám từ sớm, chúng em cảm nhận được không khí háo hức, rộn ràng sắc xuân ở đây. Đặc biệt, chủ đề Hội chữ “Sư đạo tôn nghiêm” rất ý nghĩa và mang đến cho thế hệ trẻ nhiều cảm xúc, nhiều bài học về đạo học, về những giá trị cần gìn giữ, tôn vinh trong cuộc sống”.

Gắn với phát huy giá trị Hồ Văn và đảo Kim Châu, tại Hội chữ diễn ra triển lãm 40 tác phẩm thư pháp trên đảo Kim Châu mới phục dựng. Du khách có thể ra tham quan đảo và thưởng lãm các tác phẩm thư pháp đặc biệt này.

 Trình diễn thư pháp Hán - Nôm và quốc ngữ

Những nét chữ thăng hoa

Để tạo điều kiện thuận lợi cho du khách đến xin chữ đầu Xuân năm mới, các gian lều viết chữ của 50 ông đồ vẫn được bố trí tại khu vực sân phía trước. Năm mươi ông đồ đến từ các CLB thư pháp đã được khảo tuyển kỹ lưỡng từ năm 2021 nhưng do tình hình dịch bệnh, Hội chữ Xuân năm 2021 không tổ chức được, kết quả được bảo lưu đến Hội chữ Xuân năm 2023.

“Ông đồ” Trần Võ Hiệp, Phó Chủ nhiệm CLB Thư pháp Việt Tâm Bút chia sẻ, kể từ khi Hội chữ Xuân được tổ chức ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám, cứ đến hẹn lại lên, năm nào anh cũng tham gia. Nghệ nhân cho biết: “Tham gia viết chữ tại Hội chữ Xuân cảm xúc lúc nào cũng vui, nhất là sau 2 năm Covid-19 thì đến Xuân Quý Mão, chúng tôi mới được góp mặt tại sự kiện văn hóa này. Những nghệ nhân, người viết chữ thư pháp như chúng tôi cảm nhận được rất nhiều cảm xúc đặc biệt mỗi khi được góp mặt trong không gian của Hội chữ. Đó là cảm xúc được mang những giá trị văn hóa truyền thống lan tỏa đến mọi người dân, hòa cùng không khí khi đất nước vào một mùa Xuân mới”. “Ông đồ” Trần Võ Hiệp cũng bộc bạch tâm trạng phấn khởi, hào hứng: “Sống bằng nghề thư pháp nên trong suốt hai năm Covid-19, dù không được tham gia Hội chữ Xuân thì tôi vẫn hoạt động thường xuyên tại nhà, viết chữ thư pháp quanh năm. Thế nhưng, không gian của những nét chữ và cảm xúc thăng hoa ở những sân chơi văn hóa dành cho cả người viết chữ và người xin chữ như thế này thì không gì có thể thay thế được”.

Một gian hàng đặc biệt, một “ông đồ” rất đặc biệt đã khiến gian hàng của thư pháp gia đến từ nước Pháp Jean - Sébastien GRILL (nghệ danh tiếng Việt là Trường Giang) trở thành một trong những điểm dừng chân đông đúc tại Hội chữ Xuân Quý Mão. Jean - Sébastien GRILL chia sẻ, nghệ thuật thư pháp là một phương pháp có ý nghĩa rất quan trọng đối với nhiều quốc gia. “Học mỹ thuật, yêu mến đất nước Việt Nam từ lâu, tôi đã kết nối, giao lưu với các thư pháp gia ở đây và yêu mến, gắn bó với nghệ thuật viết thư pháp. Đến với Hội chữ Xuân cũng là hình thức quảng bá văn hóa Việt Nam đến với du khách châu Âu về một đất nước Việt Nam hòa bình, hiếu khách”, Jean - Sébastien GRILL cho biết. Cũng như tâm trạng của gần 50 “ông đồ” Việt Nam đến với Hội chữ Xuân Quý Mão 2023, Jean - Sébastien GRILL bày tỏ sự háo hức khi được tham gia một hoạt động đậm nét bản sắc văn hóa của người Việt: “Tôi rất vui khi có nhiều em nhỏ, nhiều người dân dừng chân tại gian hàng của tôi để xin chữ. Có thể họ tò mò vì tôi là người nước ngoài chăng? Nhưng dù sao cũng thật tuyệt khi sau thời gian Covid-19, tôi được di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám mời tham dự sự kiện đặc biệt này. Thú thật là tôi cũng hơi… run vì không biết du khách có thích nét chữ của tôi hay không. Tôi sẽ cố gắng thật nhiều. Và xin gửi tới tất cả mọi người hai chữ “Bình an” nhân dịp đầu năm mới”.

Hội chữ Xuân Quý Mão 2023 diễn ra tại không gian Hồ Văn (di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội) được kỳ vọng thu hút du khách đến chiêm ngưỡng Ảnh: MINH AN

Gian hàng của nghệ nhân Hồng Chi (Hà Nội) từ sớm đã có người đến xin chữ. “Mở hàng” với chữ “An” cho một cô gái trẻ, nghệ nhân Hồng Chi hào hứng, đã nhiều năm nay ông góp mặt tại Hội chữ Xuân, đã viết không biết bao nhiêu bức thư pháp mực Tàu, giấy đỏ phục vụ người dân. 2 năm Covid-19, Văn Miếu - Quốc Tử Giám ngày Xuân vắng vẻ nên lần trở lại năm nay, Hội chữ Xuân thực sự đã mang đến cho người tham gia những cảm xúc vô cùng đặc biệt. Những ước nguyện vẹn toàn được gửi gắm vào từng nét chữ, từng bức thư pháp được các nghệ nhân tài hoa thể hiện như những tác phẩm nghệ thuật đích thực. Thầy đồ Nguyễn Thiên Thuyết (Mỹ Đức, Hà Nội) cũng bộc bạch: “Chúng tôi đã mong chờ ngày quay trở lại với Hội chữ Xuân từ lâu và mong rằng, bầu không khí Tết đến Xuân về sẽ luôn lan tỏa, để những nghệ nhân cho chữ sẽ có thật nhiều cơ hội được phục vụ người xin chữ, được gửi gắm những ước vọng và thông điệp về cuộc sống tốt lành qua từng bức thư pháp”.

Bầu không khí “Bày mực Tàu giấy đỏ. Bên phố đông người qua…” tiếp tục diễn ra từ nay đến 29.1. Riêng 30 Tết, Hội chữ Xuân mở cửa đón Giao thừa đến 2h sáng hôm sau. Các ngày mùng 1, mùng 2 và mùng 3 Tết, Hội chữ Xuân mở cửa đến 22h. 

 Chúng tôi đã mong chờ ngày quay trở lại với Hội chữ Xuân từ lâu và mong rằng, bầu không khí Tết đến Xuân về sẽ luôn lan tỏa, để những nghệ nhân cho chữ sẽ có thật nhiều cơ hội được phục vụ người xin chữ, được gửi gắm những ước vọng và thông điệp về cuộc sống tốt lành qua từng bức thư pháp.

(Thầy đồ NGUYỄN THIÊN THUYẾT, Mỹ Đức, Hà Nội)

 

BẢO NGÂN

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top