Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

28 Tháng Ba 2024

Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt: Người khai sinh và thêm hai chữ “Du lịch” cho Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam

Thứ Bảy 21/01/2023 | 13:33 GMT+7

VHO- Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt (23.11.1923 - 23.11.2022) vừa qua, Đảng, Nhà nước ta, quê hương Vũng Liêm, Vĩnh Long và đồng bào cả nước đã tổ chức những chương trình, việc làm có ý nghĩa, thiết thực ngợi ca nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng; người có tầm nhìn chiến lược đối với những vấn đề hệ trọng của đất nước; người luôn lắng nghe, gần dân, sát dân, lo cho dân, tất cả vì dân, với tên thường gọi là Sáu Dân; kiến trúc sư của nhiều công trình mang tầm thế kỷ của đất nước. Đến nay, một số công trình, dự án đang tiếp tục hoàn thiện vẫn mang bóng dáng và dấu ấn của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt.

Thủ tướng Võ Văn Kiệt và các Phó Thủ tướng: Phan Văn Khải, Nguyễn Khánh, Trần Đức Lương họp bàn về quy hoạch chung chuỗi đô thị Miếu Môn - Xuân Mai - Hòa Lạc - Sơn Tây, trong đó có dự án Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, năm 1995 Ảnh: Tư liệu

Trở về cách đây 30 năm trước, khi đó những người dân của tỉnh Hà Tây, vùng đất Ba Vì, Sơn Tây không thể hình dung được sẽ có một đại lộ nối thẳng từ trung tâm Hà Nội về để mở mang, thức dậy một vùng đất cổ, giàu truyền thống văn hóa phía Tây Thủ đô, để đến ngày nay gọi là Đại lộ Thăng Long với dòng xe ngược xuôi như mắc cửi. Cũng có thể 20-30 năm nữa, khi Hà Nội đã đô thị hóa mạnh mẽ với thành phố trung tâm và đô thị vệ tinh, nhà cao tầng san sát, đường giao thông tầng thấp, tầng cao thì những khoảng cây xanh, sông hồ trở nên quý giá. Lúc đó, vùng núi Ba Vì và dưới đó là khoảng hơn 1.500 ha mặt nước, cây xanh của Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam ắt hẳn sẽ là “lá phổi xanh”, là nơi người dân tìm về mỗi cuối tuần để tận hưởng sự tĩnh lặng, trong lành của tự nhiên, để trải nghiệm nét văn hóa truyền thống của 54 dân tộc anh em như tìm về với bản sắc văn hóa, tìm về chính mình, để giới thiệu với du khách gần xa về văn hóa Việt Nam.

Về quá trình xây dựng và phát triển Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, cố GS.TS.KTS Hoàng Đạo Cung, nguyên Trưởng ban chuẩn bị đầu tư xây dựng Làng Văn hóa từng tâm sự: “Với Đảng, với đất nước, bác Kiệt là một nhà lãnh đạo kiệt xuất; riêng đối với Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, bác Kiệt là cha đẻ, vì Bác đã khai sinh và cầm tay dẫn dắt dự án từ những ngày đầu tiên”.

Ngược theo dòng thời gian, câu chuyện từ thủa khai sinh của ngôi Làng này hiện lên như những thước phim sống động về một con người luôn đau đáu với văn hóa dân tộc, có tầm nhìn và những quyết đoán mang tầm chiến lược trong thời điểm kinh tế còn khó khăn, bước đầu mở cửa hội nhập quốc tế, rất nhiều việc hối thúc trước mắt, mà nghĩ về văn hóa, dành cho văn hóa đến như thế.

Khoảng những năm 1988-1989, bắt đầu hình thành ý tưởng xây dựng một khu văn hóa các dân tộc ở Hà Nội, với hình dung khoảng vài chục nhà sàn kiểu dân tộc, có ca múa nhạc, ẩm thực dân tộc... Với quy mô như vậy, lúc đầu Làng định làm ở vườn Bách Thảo, sau đó Viện Thiết kế công trình văn hóa phác thảo sơ bộ và đề xuất địa điểm trên đường vào phủ Tây Hồ với quy mô khoảng mấy hécta, nhằm vào dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ý tưởng đó trình lên Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Là người đi nhiều, có nhãn quan rộng, Thủ tướng đã chỉ đạo phải làm cho xứng tầm với văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Quy hoạch chung Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam năm 1997

Đến giữa năm 1993, Chính phủ bố trí cho Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) kinh phí chuẩn bị đầu tư; Bộ thành lập Ban Chuẩn bị đầu tư xây dựng Làng Văn hóa. Một số địa điểm được Ban Chuẩn bị đầu tư cân nhắc như Phú Thượng, đầm Vân Trì… và đề xuất địa điểm quanh hồ Đồng Quang, Sóc Sơn để báo cáo với Bộ Văn hóa - Thông tin và UBND TP Hà Nội. Tháng 9.1993, Chính phủ tổ chức cuộc họp về địa điểm xây dựng Làng Văn hóa, chỉ đạo có nhiều lý do không làm Làng Văn hóa ở Sóc Sơn và nghiên cứu về phía Ba Vì, tỉnh Hà Tây, do đây là khu vực được định hướng phát triển du lịch.

Trong vòng một tháng sau đó, Ban Chuẩn bị đầu tư khảo sát nhiều địa điểm ở tỉnh Hà Tây và đề xuất vùng đồi gò phía Nam hồ Đồng Mô. Các đồng chí lãnh đạo Bộ Văn hóa - Thông tin cũng thống nhất và mời Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh lên xem xét địa điểm. Tại đây, sau khi đứng trên đồi cao quan sát, Phó Thủ tướng khen địa thế đẹp và xứng đáng để làm Làng Văn hóa.

Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt: Nhà lãnh đạo có tầm nhìn sâu rộng về văn hóa

Theo GS.TS Tạ Ngọc Tấn, nguyên Giám đốc Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, không chỉ quan tâm phát triển về kinh tế, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt còn là nhà lãnh đạo có tầm nhìn sâu rộng về văn hóa. Đại học Quốc gia, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam… được xây dựng là những minh chứng cho tâm huyết của cố Thủ tướng trong tổ chức thực hiện các chủ trương của Đảng về giáo dục và đào tạo; về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Bên cạnh đó, ông còn là người phấn đấu không mệt mỏi vì khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong thời kỳ đổi mới.

Khi bắt tay vào chuẩn bị, ngoài địa điểm thì bài toán đặt ra là quy mô như thế nào, đường giao thông ra sao khi ta lần đầu tiên đầu tư một ngôi làng đặc biệt như vậy. Nhờ sự hỗ trợ của một số chuyên gia Malaysia và Singapore, các báo cáo phân tích đánh giá, đề xuất quy mô được Ban Chuẩn bị đầu tư phác họa rất khẩn trương trong vòng một tháng. Những khó khăn về hạ tầng, chủ yếu là tiếp cận giao thông của địa điểm nếu từ Quốc lộ 6 qua Xuân Mai hay Quốc lộ 32 qua Sơn Tây đều không thuận tiện, được Thủ tướng tháo gỡ, chỉ đạo sẽ mở một đường cao tốc mới đi thẳng từ Láng lên Hòa Lạc, chính là Đại lộ Thăng Long ngày nay.

Trên cơ sở hoàn thiện các điều kiện cơ sở, xác định, ngày 15.3.1995, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 156/QĐ-TTg đồng ý địa điểm xây dựng Làng Văn hóa tại phía Nam hồ Đồng Mô, Ngải Sơn, Sơn Tây, Hà Tây. Các công việc tiếp theo được tiến hành như xây dựng đề cương mô hình, quy hoạch Làng Văn hóa. Vấn đề gặp phải lúc này là quy hoạch sao cho hài hòa giữa văn hóa và các điều kiện tự nhiên của địa điểm, tái hiện được cảnh quan, văn hóa đặc trưng của đất nước, 54 dân tộc Việt Nam. Được sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Bộ Văn hóa - Thông tin, Ban Chuẩn bị đầu tư đã tổ chức cuộc thi trưng cầu ý tưởng quy hoạch triển lãm tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hà Tây…, với hàng trăm bản thiết kế, mô hình, thu hút được sự quan tâm, góp ý của các nhà khoa học, chuyên gia lịch sử, văn hóa và đông đảo người dân. Đây cũng là một trong những cuộc triển lãm lấy ý kiến lớn đầu tiên về quy hoạch, kiến trúc thời kỳ đầu đổi mới.

Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam nhìn từ trên cao Ảnh: Nam Nguyễn

Sau hơn 2 năm xây dựng quy hoạch, tiếp thu các ý kiến để hoàn thiện, Bộ Văn hóa - Thông tin phối hợp với UBND tỉnh Hà Tây trình Thủ tướng Chính phủ đồ án quy hoạch tổng thể. Dấu mốc trong quá trình này là ngày 21.8.1997, Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt ký phê duyệt Quy hoạch tổng thể Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam tại Quyết định số 667/QĐ-TTg. Từ lúc hoàn thiện hồ sơ đồ án quy hoạch Làng đến lúc phê duyệt có nhiều thay đổi, điều chỉnh, bổ sung…, nhưng một trong những sự thay đổi mang tính căn cốt đó tên Làng. Theo chúng tôi được biết, chính Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã bổ sung hai chữ “Du lịch” vào tên gọi Làng Văn hóa, để nêu rõ ý tưởng là một khu văn hóa với phương thức hoạt động du lịch. Đây không đơn thuần là tên gọi mà đã xoay chuyển cả nội dung hình thức hoạt động của Làng. Ngay cả cụm từ “Văn hóa - Du lịch” cũng được dùng dấu gạch ngang “-” để phân cách, không phải bằng dấu phẩy “,” để thấy mối liên hệ gắn bó, cộng sinh giữa văn hóa với du lịch. Định hướng này hoàn toàn đúng đắn và ngày nay, mối quan hệ giữa văn hóa với du lịch của các dân tộc Việt Nam đã tiếp tục được khẳng định.

Không chỉ dừng lại ở quy hoạch, sự quan tâm của Thủ tướng Võ Văn Kiệt rất sát sao để các quy hoạch, dự án lớn khi triển khai có sự kết nối đồng bộ, bảo đảm đạt mục tiêu, yêu cầu, thể hiện tại các cuộc kiểm tra, làm việc tháo gỡ khó khăn ban đầu cho dự án. Điển hình là cuộc kiểm tra, làm việc của Thủ tướng cùng tất cả các Phó Thủ tướng: Phan Văn Khải, Nguyễn Khánh, Trần Đức Lương và nhiều Bộ trưởng tại hiện trường 3 dự án lớn trong cụm phía Tây Thủ đô là Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội và Khu công nghệ cao Hòa Lạc.

Có một thời gian, do những khó khăn của chủ quan, khách quan, việc đầu tư, xây dự án xây dựng Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam còn chậm tiến độ, việc hoạt động cục bộ vẫn tiếp tục điều chỉnh, hoàn thiện, nhưng ý nghĩa, mục tiêu xây dựng và hoạt động của Làng vẫn còn nguyên giá trị. Những khởi đầu của ngôi Làng này đã và sẽ mãi gắn với tên tuổi nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng, nhà nước ta - Thủ tướng Võ Văn Kiệt.

“Xây dựng Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam thành một trung tâm hoạt động văn hóa mang tính quốc gia, tập trung tái hiện, gìn giữ, phát huy và khai thác các di sản văn hóa truyền thống của 54 dân tộc anh em, giới thiệu với nhân dân trong nước và khách quốc tế; đáp ứng các nhu cầu vui chơi giải trí lành mạnh, hoạt động thể thao, dưỡng sinh, văn nghệ. Thông qua các hoạt động văn hóa, nghệ thuật có nội dung, hình thức phong phú, năng động, đa dạng, hấp dẫn và đậm đà bản sắc dân tộc, tiến hành việc giáo dục tình yêu thiên nhiên, đất nước, con người, nâng cao dân trí và hoàn thiện con người theo hướng chân, thiện, mỹ; đồng thời, đem lại nguồn thu, để tiến tới thu hồi một phần vốn, duy tu và phát triển Làng Văn hóa - Du lịch”.

(Trích Quyết định số 667/1997/QĐ-TTg ngày 21.8.1997 do Thủ tướng Võ Văn Kiệt ký về phê duyệt quy hoach tổng thể Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam)

NGUYỄN THANH SƠN

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top