Ngày Xuân, lại phải nói chuyện không vui…

VHO- Thực thi nghiêm bảo vệ tác quyền trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật (VHNT) không những giúp phát triển kinh tế đất nước mà còn tạo động lực sáng tạo trong giới văn nghệ sĩ, nhất là khi chúng ta đang nỗ lực tạo dựng một thị trường VHNT lành mạnh, tiền đề để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Tuy nhiên...

Ngày Xuân, lại phải nói chuyện không vui… - Anh 1

Vụ tranh chấp bản quyền vở diễn thực cảnh “Ngày xưa” (tên gọi khác Thuở ấy xứ Đoài) của đạo diễn Việt Tú và vở “Tinh hoa Bắc Bộ” của Công ty CP Tuần Châu đã khiến các nghệ sĩ quyết liệt hơn trong việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ Ảnh: BTC

Loay hoay

Mặc dù Việt Nam đã tham gia 2 Hiệp ước của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) về quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường mạng là Hiệp ước về quyền tác giả (WCT) và Hiệp ước về cuộc biểu diễn và bản ghi âm (WPPT); “bắt tay” với các “ông lớn” mạng xã hội như Facebook, YouTube... nhưng việc ngăn chặn hành vi vi phạm bản quyền tại nước ta chưa thật sự triệt để.

Theo nhà thơ Đoàn Văn Mật, Trưởng ban Thơ (Tạp chí Văn nghệ Quân đội), trong văn học, vi phạm bản quyền diễn ra khá phổ biến. Nhiều vụ việc còn đó những tranh cãi chưa có hồi kết. Đáng lo hơn cả, có vụ việc vi phạm trắng trợn đến mức không xin phép mà vẫn sử dụng, hưởng lợi bất hợp pháp tác phẩm của cố tác giả mà chưa được sự đồng ý của gia đình họ. Vi phạm bản quyền không chỉ là vấn đề về pháp luật mà đó còn là vấn đề đạo đức. “Đôi khi trong văn học, một tác phẩm được nhà văn, nhà thơ cho ra đời không vì mục đích tài chính mà để lan tỏa những giá trị tốt đẹp, hướng con người đến chân - thiện - mỹ. Chính tác giả không đem tác phẩm của mình ra kinh doanh nhưng những kẻ xấu lại ngang nhiên sử dụng tác phẩm đó để thu lợi. Đó là hành vi không thể chấp nhận. Tôi rất mong các chế tài xử lý cần được thực hiện nghiêm để những kẻ trục lợi bất chính trên sức lao động không còn lộng hành nữa”, nhà thơ Đoàn Văn Mật thể hiện sự bức xúc.

Đồng quan điểm, nhà thơ Lê Thiếu Nhơn, Ủy viên BCH Hội Nhà văn TP.HCM, Ủy viên Hội đồng Thơ, Hội Nhà văn Việt Nam cho rằng, vi phạm bản quyền trong văn học xưa nay vẫn rất nan giải. Nếu tiếp tục để lâu dài sẽ gây ra nhiều hệ lụy: “Tôi lấy ví dụ hiện nay, nhiều tác giả lựa chọn báo chí là kênh phát hành các tác phẩm của mình. Ngoài báo giấy, nhiều cơ quan báo chí đều có báo điện tử phát hành cùng lúc. Vì thế đa phần các sáng tác văn học ở báo giấy thế nào thì khi lên báo điện tử sẽ giống hệt như vậy. Đây chính là mảnh đất màu mỡ cho những ai có ý định ăn cắp bản quyền. Ăn cắp ý tưởng thì khó phát hiện hơn nhưng ăn cắp y nguyên thì cũng không thiếu. Các trang web, diễn đàn sau đó được vô tư lập ra, chỉnh sửa, “tam sao thất bản” truyền đi khắp nơi. Nhiều nhà văn rất nản chí khi thấy tác phẩm của mình bị xâm phạm. Để giải quyết vấn nạn này, ngoài công cụ pháp luật, tôi nghĩ phụ thuộc nhiều vào hiểu biết và lương tâm”.

Ngoài sự bức xúc, nhiều tác giả khác còn thể hiện sự bất lực khi phát hiện “đứa con tinh thần” của mình bị sử dụng mà không có bất cứ sự cho phép nào từ phía chủ sở hữu. Đơn cử như trường hợp cụ thể của TS Vũ Dương Thúy Ngà, nguyên Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ VHTTDL): “Khi phát hiện những tác phẩm của mình bị vi phạm bản quyền, tôi rất buồn. Mức độ vi phạm cũng ở nhiều cấp khác nhau. Có những trường hợp lấy bài của tôi, thêm thắt một chút để biến thành bài của họ. Nhưng cũng có khi lấy nguyên văn. Trường hợp khác thì xuất bản tác phẩm của tôi mà không hề hỏi ý kiến hay không hề thông báo. Tôi coi đây là sự xúc phạm với tác giả”. Cũng theo TS Vũ Dương Thúy Ngà, sách hiện nay cũng bị vi phạm bản quyền rất nhiều và tinh vi. Nhiều lần bà cùng những đồng nghiệp không khỏi giật mình vì nếu nhìn qua không thể phân biệt nổi sách gốc và sách vi phạm.

Thực tế tình trạng vi phạm bản quyền còn “muôn hình, vạn trạng” và diễn ra khá thường xuyên. Trớ trêu như trường hợp của nhạc sĩ Giáng Son bị báo cáo vi phạm bản quyền trên môi trường số khi đăng tải chính tác phẩm của mình. Sao chép tranh trái phép cũng đang là vấn đề khiến nhiều họa sĩ đau đầu.

Các ngành công nghiệp văn hóa khó phát triển nếu

Chia sẻ với Văn Hóa về vấn nạn xâm phạm bản quyền các tác phẩm VHNT, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình VHNT Trung ương nhận định, Việt Nam là một trong những quốc gia chưa thực hiện nghiêm vấn đề bản quyền, đặc biệt là trong lĩnh vực VHNT. Chính hành vi vi phạm pháp luật về bản quyền của những kẻ xấu đang gây thiệt hại nặng nề cho kinh tế đất nước, làm thui chột sức sáng tạo của văn, nghệ sĩ. “Có những kẻ vi phạm là cố tình, vì lợi ích cá nhân mà sẵn sàng vi phạm pháp luật. Nhưng cũng có những người vi phạm vì vô ý, chưa hiểu biết rõ. Dù ở cấp độ nào, chúng ta vẫn cần có những giải pháp xử lý hợp tình, hợp lý để làm gương. Nếu không làm nghiêm, những kẻ chuyên xâm phạm bản quyền vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật, lợi dụng chất xám của người khác để thu lợi bất chính”, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ nêu rõ.

PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ cũng nêu rõ dù xử phạt là cần thiết nhưng cũng không nên lạm dụng, coi đây là “đòn roi” để “sát phạt” những người vi phạm: “Cùng với chế tài xử lý, chúng ta cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục các quy định về Luật Sở hữu trí tuệ, sắp tới có thể sẽ là Nghị định về hoạt động văn học. Thực tế, những người vi phạm bản quyền đều có trong tay những công cụ giúp đưa tác phẩm VHNT đến với công chúng. Nhưng cách họ dùng công cụ đó đang sai khiến mình trở thành những người vi phạm pháp luật. Việc của chúng ta là tuyên truyền để họ hiểu, cùng lan tỏa những tác phẩm VHNT mang giá trị tốt đẹp trên tinh thần tuân thủ pháp luật về bản quyền”.

Nêu lên tầm quan trọng của thực thi bản quyền trong lĩnh vực VHNT, PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội khẳng định: “Bản quyền rất quan trọng đối với sự phát triển VHNT của đất nước. Các ngành công nghiệp văn hóa khó có thể đi lên nếu công tác bảo vệ bản quyền không được thực thi nghiêm ngặt. Nếu bản quyền được bảo vệ, văn nghệ sĩ sẽ có thêm cơ hội để sống tốt bằng chính tài năng, cống hiến, tâm huyết của mình đối với những sản phẩm nghệ thuật của họ. Bằng không, họ sẽ phải tìm thêm kế sinh nhai, không tập trung cho lĩnh vực tài năng của mình. Bảo vệ bản quyền còn giúp chúng ta hình thành một thị trường VHNT lành mạnh, tạo điều kiện thuận lợi cho các tài năng sáng tạo, các sản phẩm nghệ thuật được bảo vệ và phát huy giá trị”.

Ngoài ra, PGS.TS Bùi Hoài Sơn đề xuất cần chú trọng phát triển, mở rộng hơn nữa quy mô, hoạt động của các cơ quan, tổ chức bảo vệ bản quyền: “Chúng ta cần có một vài vụ xử phạt mang tính làm gương. Từ đó, có tác dụng tuyên truyền, giáo dục, răn đe. Bảo vệ bản quyền không phải việc của chỉ riêng cơ quan quản lý nhà nước hay các tổ chức liên quan mà cần sự chung tay của cả xã hội. Nghệ sĩ có thể là những người đứng ra tiên phong. Hơn thế nữa, tôi nghĩ chúng ta cần có thêm các trung tâm bảo vệ quyền tác giả đủ mạnh, có nhiều công cụ pháp lý, sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng, các hiệp hội. Câu chuyện bảo vệ bản quyền của chúng ta cũng vì thế được thực hiện tốt hơn”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn nói.

Để quyền tác giả được tôn trọng, theo kinh nghiệm của các chuyên gia trên thế giới nêu ra, cần đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức người dân trong việc thực thi Luật Sở hữu trí tuệ. Ở một số nước trên thế giới, vấn đề về bản quyền được đưa vào hệ thống trường học từ cấp tiểu học trở lên. Còn ở nước ta, theo TS Vũ Dương Thúy Ngà, để hạn chế tình trạng vi phạm bản quyền cần thực hiện đủ các giải pháp hoàn thiện về thể chế, hệ thống pháp luật, có cơ chế giám sát hiệu quả và thực hiện công tác tuyên truyền rộng rãi từ gia đình, trường học và toàn xã hội. TS. Vũ Dương Thúy Ngà cũng cho rằng, sự chủ động của chính các tác giả cũng là một yếu tố vô cùng quan trọng: “Các tác giả có thể bảo vệ bản quyền của mình, quản lý quyền sở hữu tài sản trí tuệ của mình bằng cách đăng ký bảo hộ bản quyền sẽ hạn chế được tình trạng vi phạm bản quyền”.

“Cùng với chế tài xử lý, chúng ta cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục các quy định về Luật Sở hữu trí tuệ, sắp tới có thể sẽ là Nghị định về hoạt động văn học. Tuyên truyền để họ hiểu, cùng lan toả những tác phẩm VHNT mang giá trị tốt đẹp trên tinh thần tuân thủ pháp luật về bản quyền”.

(PGS.TS NGUYỄN THẾ KỶ)

 

ĐÌNH TOÁN

Ý kiến bạn đọc