Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

29 Tháng Ba 2024

Hợp tác xã… du lịch miệt xứ

Thứ Sáu 20/01/2023 | 09:30 GMT+7

VHO- Người dân xứ Cồn Sơn liên kết với nhau làm du lịch theo mô hình “tình làng nghĩa xóm”. Hộ nào cũng có vai trò trong chuỗi cung cấp dịch vụ, góp phần làm nên thương hiệu du lịch Cồn Sơn mới mẻ và nhiều triển vọng.

Du khách thích thú với những hình ảnh đậm chất miền Tây

Hợp tác xã… du lịch

Cô hướng dẫn viên Phan Thị Kim Hiện (Út Hiện) đón chúng tôi tại bến đò Cô Bắc. Dáng người nhỏ nhắn được ôm gọn trong tà áo bà ba duyên dáng, giọng nói miền Tây nhỏ nhẹ khiến chúng tôi có cảm tình với Hiện ngay từ đầu. Từ bến đò Cô Bắc nhìn ra, Cồn Sơn được bao bọc bởi tứ bề sóng nước và những rặng bần, đước ngời xanh trong nắng. “Cồn Sơn là vùng đất nổi giữa sông Hậu, dân địa phương còn gọi là cù lao, thuộc quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ. Người dân chúng tôi còn quê mùa, nhưng các anh chị sẽ thấy, đó chính là điều hấp dẫn của nơi này”, chỉ về phía Cồn Sơn xa xa, Út Hiện chia sẻ.

“Trước đây, xứ Cồn Sơn khó khăn lắm, do nằm biệt lập nên mãi đến năm 2014 mới được dùng dùng điện lưới. Và từ khi ấy, một số hộ bắt đầu manh nha làm du lịch sinh thái miệt vườn. Chị Lê Thị Bé Bảy là người ở cù lao nhưng làm văn hóa trên quận Bình Thủy đã hướng dẫn bà con liên kết làm du lịch cộng đồng. Mới đầu có chừng hơn chục gia đình cùng làm và thành lập HTX. Đến nay, HTX du lịch của Cồn Sơn đã có 32 hộ là thành viên chính thức và chừng 10 hộ là cộng tác viên, cung cấp thêm các loại rau, trái cây, thủy - hải sản… để phục vụ du khách.

Chị Bé Bảy là người có công đem mô hình du lịch của nông dân Cồn Sơn giới thiệu với Hiệp hội Du lịch và Câu lạc bộ Lữ hành Cần Thơ. Từ đó, các tour, tuyến lữ hành về Cần Thơ, dọc sông Mekong có thêm một điểm đến với những sản phẩm trải nghiệm mới mang tên Cồn Sơn. Du khách được tham quan cách chăm sóc, nuôi cá bè, cho cá ăn…, đặc biệt, mô hình “cá lóc bay” khiến ai cũng thích thú. Để phục vụ du khách, chủ vườn phải tốn nhiều công sức để huấn luyện, hình thành cho chúng phản xạ với âm thanh, bằng cách chia nhỏ thức ăn hằng ngày, mỗi lần cho ăn là dùng kẻng gõ. Hoạt động này lặp đi lặp lại nhiều lần, khiến đàn cá hàng nghìn con tung mình lên không trung như “bay” để đớp mồi mỗi khi nghe thấy tiếng động.

Cồn Sơn không rộng, chỉ chừng 70 ha, nằm biệt lập giữa sông nước mênh mang, không gian yên tĩnh và trong lành, được phủ một màu xanh dịu mát của vườn cây trái xum xuê, giúp du khách tận hưởng những phút giây thư giãn, hít thở bầu không khí mát rượi, không tiếng còi xe hay khói bụi và ồn ào phố thị... Đất đai trên cồn quanh năm phù sa bồi đắp nên rất màu mỡ, nơi đây là xứ sở của chôm chôm, vú sữa, dâu Hạ Châu, các loại bưởi, quýt…

Út Hiện chia sẻ, đến Cồn Sơn vào khoảng tháng 3-5 âm lịch sẽ là mùa có nhiều trái cây chín nhất. Cảm giác được thưởng thức trái cây do chính tay mình hái ngay tại vườn thật sự tuyệt vời, du khách sẽ cảm nhận được đầy đủ hương vị thơm ngon và an toàn vì không có hóa chất.

Con đò nhỏ chở chúng tôi chạy dọc theo những con kênh, rạch chằng chịt, băng qua những cây cầu khỉ với cảm giác… rất miền Tây. Út Hiện đưa đoàn ghé nhà má Bàn Thị Xiếu để xem má làm bánh phu thê. Ở cái tuổi gần 80, má còn khỏe mạnh và rất vui vẻ. Má Xiếu tỉ mỉ hướng dẫn chúng tôi làm bánh và sau đó sẽ thưởng thức hương vị thơm ngon của món bánh có cái tên hết sức đặc biệt này.

Tiếp đó, chúng tôi ghé nhà Công Minh. Ở đây, bác Bảy Muôn đã có gần nửa thế kỷ kinh nghiệm làm hơn 50 loại bánh dân gian, nổi bật là món bánh kẹp cuốn đã giành huy chương bạc tại Lễ hội làm bánh dân gian Nam Bộ lần thứ 5.2016. Bác Bảy bày cho chúng tôi cách đổ bột vào khuôn, trở bánh, lấy bánh ra rồi cuộn thành ống. Phải thao tác cuộn thật nhanh, nếu không, bánh cứng lại không cuộn được nữa… Du khách có thể tham gia vào mọi công đoạn từ chuẩn bị nguyên liệu, nhào bột, tự tay chế biến ra những chiếc bánh thơm ngon, đẹp mắt, đậm chất Nam Bộ. Sau khi làm bánh, khách ngồi chờ ít phút để hấp, luộc rồi thưởng thức.

Từ một làng quê, Cồn Sơn trở thành điểm du lịch nổi tiếng

Bữa cơm… hợp tác xã

Đến với Cồn Sơn, du khách được hòa mình với cuộc sống thiên nhiên hoang dã, trải nghiệm cuộc sống của người nông dân qua các hoạt động mò cua, bắt ốc, tát mương bắt cá… Sau nhiều giờ lặn ngụp, lấm lem bùn đất, thành quả thu được là những con cá tươi roi rói được chế biến tại chỗ với nguyên liệu sẵn có trong vườn, thành những món đồng quê tuyệt vời như cá nướng rơm hay bẹ chuối, ốc nướng, gỏi tép bông điên điển...

Khi cái nắng bắt đầu gay gắt và những bước chân cũng đã thấm mệt, Út Hiện thông báo đã đến giờ nghỉ ngơi và ăn trưa. Bữa trưa ở đây sẽ rất đặc biệt, mỗi hộ trong HTX sẽ phụ trách một món, làm nên thực đơn phong phú của một bữa cơm. Tính cộng đồng thể hiện rất rõ khi khách được thưởng thức những món ăn do nhiều nhà nấu, như món ếch xào của nhà Chín Nhỏ; canh - lẩu cua đồng, cá lóc nướng trui của nhà Song Khanh; lẩu ốc, bồ câu nước dừa của nhà Năm Công; bánh xèo, bánh khọt từ nhà Công Minh… Mỗi hộ có một cách nấu nướng riêng, một sản vật riêng và chẳng mấy chốc bàn ăn đã tươm tất, với thật nhiều màu sắc, hương vị dân dã, đượm tình sông nước... Trong bữa ăn, Út Hiện xăng xái giới thiệu từng món mà không ít người trong chúng tôi lần đầu được nếm. Rồi cô cất tiếng ca những bài hát “đậm chất” miền Tây. Giữa trưa thinh không, tiếng hát ngân lên bay bổng càng khiến cho du khách thêm thấm cái tình chan chứa của con người sông nước chất phác, hồn hậu mà làm say lòng du khách.

Nói về việc phát triển du lịch bền vững, chị Bé Bảy cho biết, ngoài việc xây dựng mô hình cụ thể, chị còn kêu gọi bà con giữ gìn vệ sinh môi trường, cảnh quan xung quanh nhà và đường làng, ngõ xóm; giữ gìn nét đẹp của đời sống văn hóa địa phương. Sắp tới, Cồn Sơn sẽ hướng tới thực hiện du lịch không túi nilon. Hiện nơi đây đang xây dựng những sản phẩm truyền thống đạt tiêu chí của chương trình OCOP, trong đó có việc khôi phục nghề truyền thống; tổ chức xây dựng nhà cộng đồng trưng bày những sản vật đặc sắc của địa phương.

Vậy là trong dòng văn hóa sông nước miền Tây, đã thấy có một dáng nét văn hóa Cồn Sơn, rất riêng và đặc sắc…

 

THANH LƯƠNG

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
3031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top