Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

29 Tháng Ba 2024

Vương vấn Tết xưa

Thứ Năm 19/01/2023 | 15:16 GMT+7

VHO- Chẳng hẹn mà nên, cứ sang đầu tháng Chạp là gió mùa đông bắc lại thao thiết thổi trên những ngọn cây xào xạc, để ai cũng nôn nao khi Tết sắp về. Đã sang cái Tết thứ 3 có sự hiện diện “con cô vy”, nhưng có lẽ năm nay khó khăn mới thực sự được “chỉ mặt đặt tên”. Tháng Chạp đã đến bên hiên, vậy mà phố xá ngoài kia vẫn “lặng như tờ”. Ai nấy bảo nhau, khó khăn đấy, Tết nhất chỉ qua loa thôi, “cúng cụ” là chính!

Tranh minh hoạ của hoạ sĩ Vũ Đình Tuấn

Trong cái lạnh hanh hao khô nẻ, mùi Tết, tuy thế, dường như đã dần đông đặc lại, dường như chỉ giơ tay ra là có thể nắm được nó, và dường như chỉ cần hòa vào dòng người đang hối hả là sẽ được đẫm mình vào không khí Tết đang len lỏi mọi ngóc ngách của cuộc sống, bất chấp những suy thoái, những sắc đỏ và những lao dốc…

Nhưng, cuộc sống hiện đại khiến mùi Tết dường như ngày càng khó nắm bắt. Thời bao cấp, cuộc sống khó khăn, thiếu thốn gấp mấy mươi lần bây giờ, Tết là chờ đợi mòn mỏi của trẻ thơ, là sự kiện rất đỗi đặc biệt, rất đỗi thiêng liêng với người lớn, để có gì là cũng phải “để dành đến Tết cúng cụ”, mọi sự đi xa cũng sẽ trở về trong ngày Tết, mọi hy vọng, phấn đấu cũng sẽ lấy mốc Tết mà hẹn, mà chờ, mà cố gắng.

Sang tháng Chạp, ngày như ngắn lại, ai nấy đều vội vã, ai nấy đều đếm ngược thời gian để hối hả thu xếp cho xong mọi việc. Đã bao năm rồi, dù tháng Chạp luôn ập đến một cách bất ngờ, và giữa cái cuống cuồng của những ngày sát Tết, tôi luôn có những khoảng lặng bồi hồi nhớ về bà nội và bố mẹ của tôi. Bà tôi đã đi vào thiên thu, nhưng cứ đến Tết, hình ảnh của bà trong tôi lại vẹn nguyên chưa bao giờ xưa cũ. Quanh năm bà tôi cặm cụi, tần tảo, bòn mót chăm con gà, con lợn, nhặt nhạnh sàng xảy từng hạt gạo, hạt đỗ để dành đến Tết. “Thế giới” bí ẩn và đầy hấp dẫn của bà nằm ở mấy chiếc thùng lương khô quân dụng, xếp gọn trong căn buồng nhỏ, luôn sạch sẽ, ngăn nắp, thứ nào vào thứ ấy. Đây thùng dựng dăm cân gạo nếp, kia bịch đỗ xanh mới phơi được vài nắng còn chưa nỏ hẳn, góc này túi bóng bì trắng ngà treo trên xà ngang… đó là cái ấm no bà dành dụm để “cúng cụ” và để cho chị em tôi có cái Tết đủ đầy.

Còn nhớ, những ngày đông tháng Chạp rét lắm, rét cắt da cắt thịt, cái rét cứ như thấm vào trong rồi dội ngược ra ngoài. Lũ trẻ chúng tôi đi học chòng vào bao nhiêu áo cũng vẫn run lên bần bật, thế mà sáng ngày ra bà tôi đã lọ mọ cắp mấy bó lá dong ra vòi nước công cộng rửa kỹ từng tàu rồi xếp ngay ngắn, bó lại và cắm vào thùng nước cho tươi. Bà cứ lặng lẽ rửa lá, vo gạo, đãi đỗ giữa âm u gió lạnh thấu xương và mưa phùn giăng kín. 28 âm lịch là nhà tôi gói bánh. Chao ôi, ngày gói bánh thực sự là ngày hội của lũ trẻ ngày ấy, chúng tôi nao nức đi học về là hò nhau ăn cơm thật sớm để đến tối gói bánh cùng bà và mẹ.

Bà tôi sẽ trải chiếc chiếu ra giữa nhà, một bức tranh rực rỡ sắc màu hiện ra, và bức tranh ấy bốc lên mùi Tết thơm ngào ngạt. Góc này là rá gạo trắng như bông, góc kia là những tàu lá xanh biêng biếc, bên cạnh là chiếc mâm con đựng đỗ xanh đồ chín, giã mịn, nắm thành từng nắm nhỏ, ở giữa là nồi thịt lợn ba chỉ rắc tiêu bột tỏa mùi mỡ thơm ngầy ngậy. Mẹ tôi gấp lá, xếp thành từng chiếc khuôn vuông vắn để bà gói bánh. Mấy chị em tôi lăng xăng xung quanh, lau lá dong, chọn lạt, nói cười rộn rã… Trước tiên bà sẽ múc một bát nếp đầy đổ vào khuôn lá, vun các góc cho thật đều rồi bẻ nửa nắm đỗ xanh phủ kín gạo, sau đó bà chọn hai miếng thịt xếp lên trên, tiếp tục rắc đỗ, gạo cho kín rồi bẻ lá gói thật chặt. Bà tôi xoắn lạt rất khéo, sợi lạt giang trong tay bà cứ mềm nuột như lụa, nhẹ nhàng xoay mấy vòng là đã ra hình chiếc bánh vuông vức, tinh tươm. Bà đặt hai chiếc bánh vào nhau rồi buộc thành một cặp, nhoáng cái 20 chiếc bánh vuông thành sắc cạnh, đều tăm tắp đã ngay ngắn trong nồi. Bà cháu tôi nổi lửa luộc bánh. Từ lúc ấy, mùi Tết kỳ diệu mới thực sự định hình rõ nét. Chúng tôi trải chiếu nằm quanh bếp, ngọn lửa hồng rực tỏa hơi ấm khắp gian bếp nhỏ. Nước trong nồi sôi ùng ục, tỏa ra mùi thơm ngây ngất của nếp, đỗ, thịt, lá dong quyện cùng nồi lá mùi già để ghé một bên. Thứ hương vị “thiêng” ấy sao giờ khó bắt gặp đến thế, nhưng nó như đã được ghi sâu trong tâm khảm, để đến giờ những sợi nhớ mỏng manh vẫn len lỏi vào từng tế bào khứu giác, đánh thức tâm trí tôi ngược về những ngày xưa cũ.

Lũ trẻ cứ gà gật bên bếp lửa, mắt đã díp chặt nhưng cố cưỡng để kiên nhẫn chờ cho bằng được lúc vớt bánh, tận tay mỗi đứa nhận một cặp nhỏ xinh để sung sướng sớm mai khoe cùng chúng bạn. Thứ mùi Tết khoảnh khắc ấy là hương vị của chờ đợi khát khao, vì suốt cả năm mới lại được ăn bánh chưng, là niềm vui hiếm hoi cả nhà tôi có đầy đủ cả bà, bố, mẹ và mấy chị em cùng quây quần quanh bếp lửa. Bà tôi còn vùi mấy củ khoai lang rồi chia cho mọi người cùng hít hà, nhấm nháp vị ngọt thơm của khoai mật chiêu cùng nước trà đặc cho tỉnh ngủ. Trong thời khắc lắng đọng thiêng liêng của ngày cận Tết, gia đình nhỏ của chúng tôi với ba thế hệ như những thanh củi cùng góp sức để thổi bùng lên ngọn lửa ấm áp của đoàn viên, của hạnh phúc đơn sơ mà quý giá vô cùng.

Mấy chị em tôi khư khư đôi bánh nhỏ trên tay với nụ cười đi cả vào trong giấc mơ, sáng mai tỉnh dậy đã thấy bà pha nước mùi già tắm tất niên, một nghi thức mang ý nghĩa tẩy bỏ mọi uế tạp, bụi bặm, đen đủi của năm cũ, để tinh tươm, thơm tho, sạch sẽ đón năm mới. Chúng tôi tin lời bà, nên ra sức kỳ cọ cho thật sạch. Chiếc khăn mặt thơm nồng, ấm sực mùi Tết theo tay bà nội tẩn mẩn lau rửa từng gương mặt ám khói đen nhẻm của mấy chị em. Vừa hít lấy hít để mùi lá thơm, chúng tôi vừa nhoài ra khỏi tay bà để nhanh nhanh còn đi đốt pháo tép. Đến giờ, khi đôi tay thô sần thân thương đã ở một nơi nào xa lắm, tôi lại ao ước đến cháy bỏng được một lần mảnh khăn thơm nồng, ấm sực ấy ấp lên gương mặt của mình.

Tắm tất niên xong là chúng tôi tung tăng chạy nhảy khắp con phố nhỏ, một tay cầm cặp bánh nhỏ buộc lạt, một tay cầm bịch ni lông đựng mấy quả pháo tép, chốc lại dí que hương cho nổ đì đoàng. Mùi pháo quyện với mùi mâm cơm tất niên chiều 30 Tết, có lẽ là thứ mùi được níu giữ dai dẳng nhất trong ký ức. Thế rồi thời khắc Giao thừa thiêng liêng đã đến, lúc này không gian ngập tràn mùi hương trầm bà tôi thắp trên ban thờ tiên tổ. Tôi nhớ tấm lưng còng của bà khi đứng rì rầm khấn rất lâu với vẻ mặt nghiêm trang, thành kính. Ngước nhìn làn khói mỏng như tơ uốn lượn, bà quay sang bảo “các cụ đang về ăn Tết đấy”. Chúng tôi tin điều ấy, và trong thời khắc thiêng liêng giao hòa của đất trời, giữa tiếng pháo nổ tưng bừng khắp không gian, không ai bảo ai, những đứa trẻ cũng trở nên nghiêm cẩn, yên lặng xếp hàng lần lượt ra nhận “tiền mừng tuổi” và lời chúc “hay ăn chóng lớn học giỏi” của bà và bố, mẹ…

Thương nhớ hương vị Tết xưa không thể không nhắc đến mùi vải sột soạt nước hồ của những bộ quần áo mới. Thứ mùi mà lũ trẻ nhà nghèo mỗi năm chỉ được ngửi một lần, mà cũng có năm không được. Tết năm nọ khó khăn quá, mẹ dỗ dành tôi mặc lại quần áo của chị, thiếu mùi vải mới thì cái Tết với tôi không còn trọn vẹn. Sáng mùng 1 không được xúng xính diện đi chơi với chúng bạn, tôi tủi thân đứng nép vào khe cửa nhìn ra ngoài đường, thèm thuồng nhìn cô bé hàng xóm mặc chiếc áo len đỏ rực. Bà nội kéo tôi vào lòng, đôi mắt rưng rưng rồi dúi thêm cho tôi một đồng xu nữa. Và lúc ấy, mùi Tết trong tôi còn là hơi thở cay nồng quết trầu của bà. Những mùi vị của Tết xưa thương nhớ tôi không cảm nhận bằng khứu giác, mà cảm nhận bằng cả trái tim và nỗi lòng rưng rưng của một cô bé chưa tròn 10 tuổi.

Thời gian vùn vụt trôi nhanh, đã bao cái Tết đi qua, cuộc sống hôm nay đã ấm no hơn rất nhiều so với trước. Có những phong tục đã không còn tồn tại khi Tết về, có những con người chỉ còn có thể gặp nhau trong giấc mộng, nửa thực nửa hư, nhưng rồi những giấc mơ ấy cũng thưa dần, không cách nào mơ tiếp được - như thể mọi người đã thực sự đến một cuộc đời mới, chỉ còn lại thứ cảm xúc hụt hẫng khi cố nhớ về. Vậy mà bao mùi hương Tết thuở xưa vẫn cứ đi theo tôi cùng thương nhớ. Khi mùi hương ấy thấp thoảng trở về trong ký ức, nó gợi nhắc về tình cảm gia đình đùm bọc sẻ chia, nhường cơm sẻ áo. Những ký ức tươi đẹp ấy chính là cội nguồn làm nên sức mạnh gia đình Việt, bởi gia đình luôn là thành trì quan trọng nhất của mỗi con người.

 

Ảnh:

 

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
3031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top