Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

29 Tháng Ba 2024

NNƯT Phạm Văn Tuyên và khát vọng thương hiệu gốm phù điêu thuần Việt

Thứ Tư 25/01/2023 | 17:29 GMT+7

VHO- Những đôi chân đèn gốm cao 170cm đến 230cm mang hình dáng của đèn gốm Triều Mạc, các mẫu bộ bách bình, lư hương tiêu bản triều Mạc, triều Lê… đã được Nghệ nhân ưu tú Phạm Văn Tuyên chế tác theo dòng gốm phù điêu đã bị mai một từ đầu thế kỷ XVII. Các sản phẩm mang đậm nét thuần Việt được mang đi trưng bày tại nhiều triển lãm về di sản văn hóa, thủ công mỹ nghệ… và nghệ nhân đã 3 lần được Bộ trưởng Bộ VHTTDL tặng Bằng khen.

Tự hào với "sứ mệnh" làm ra sản phẩm gốm thuần Việt

Nghệ nhân ưu tú (NNƯT) Phạm Văn Tuyên không giấu niềm tự hào khi được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ VHTTDL năm 2020 tại Triển lãm Du lịch qua miền Di sản văn hóa Việt Nam”, và 2 lần nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ VHTTDL tại Triển lãm Di sản văn hóa danh thắng  Việt Nam và sản phẩm thủ công truyền thống tại Ninh Bình năm 2021, Triển lãm Tuần văn hóa du lịch Di sản “xanh” – Nơi gặp gỡ con người và thiên nhiên  năm 2022.

Nghệ nhân ưu tú Phạm Văn Tuyên và chiếc bình gốm với họa tiết hoa sen

“Thủ công mỹ nghệ là nghề được nhà nước vinh danh ghi nhận, và các NNƯT, nghệ nhân nhân dân được trao trọng trách giữ gìn và phát triển tinh hoa truyền thống của dân tộc. Khi được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ VHTTDL, bên cạnh niềm tự hào còn là sứ mệnh để tôi tiếp tục kế thừa và phát triển, bám chặt với những tinh hoa truyền thống, làm nên những sản phẩm thủ công mỹ nghệ mang giá trị thuần Việt”, NNƯT Phạm Văn Tuyên bày tỏ.

Sinh năm 1976 tại xã Tú Sơn, Kiến Thụy, TP Hải Phòng, nghệ nhân Phạm Văn Tuyên đã tự mày mò và làm điêu khắc từ nhỏ, những năm gần đây ông mới chọn dòng gốm phù điêu để định hình con đường phát triển. “Trong tôi  có sự thôi thúc khôi phục lại một lĩnh vực gốm đã bị mai một. Kiến Thụy xưa chính là Dương Kinh của nhà Mạc, dưới Triều Mạc có 1 dòng gốm đắp nổi  với nhiều loại men và hoa văn độc đáo, thuần Việt. Tượng nhân gốm tài hoa là Bùi Thị Hữu và Đặng Huyền Thông đã chế tác ra dòng gốm này nhưng bị thất truyền từ đầu thế kỷ XVII, sau những trận chiến dữ dội thời Lê Mạc. Do đó cùng với việc học đạo Phật từ nhỏ, tôi đã quyết tâm tìm tòi, nghiên cứu các sản phẩm hiện còn được lưu giữ ở bảo tàng, di tích lịch sử, phế tích và sách gốm để từng bước tạo nên  một dòng gốm riêng”, NNƯT gốm phù điêu chia sẻ.

NNƯT Phạm Văn Tuyên và chân đèn mang hình dáng từ triều Mạc

Sản phẩm gốm phù điêu đầu tay của nghệ nhân là bộ Bách bình gồm 100 bình gốm kích thước từ 41 – 86cm sau 2 tháng tập trung sáng tạo và sản xuất. Bộ Bách bình được làm bằng tay, phủ men gio trấu với các hoa văn cổ Việt Nam qua các triều đại, họa tiết nổi tinh tế như diềm chạy, dây treo, hoa văn chầu… và với các dáng vẻ khác nhau. Đến nay, ông đã chế tạo được 3.800 sản phẩm gốm phù điêu, trong đó có 10 sản phẩm được nghệ nhân ưng ý nhất là Bộ Cửu Long tranh châu- thể hiện chín con rồng tựa dòng Cửu Long chín khúc chảy ra 9 cửa bể, với châu ngọc đô thành lộng lẫy cao quí; đôi chân đèn kiểu thời Mạc- chất liệu thể hiện gốm thời Mạc, quý phái sáng xanh long lanh ấn tượng; Tượng Bồ Tát Quan Âm- tượng gốm kích thước lớn, trang nghiêm tố hảo; bộ tượng Đạt Ma tứ quí- với bốn tư thế ấn tượng cùng tùng, cúc, trúc, mai thể hiện bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông; đôi bình hoa sen- gốm phong thủy chênh bong men huyết long độc đáo.

Hoa sen, hoa cúc là những loài hoa thuần Việt được chế tác nhiều trong các sản phẩm của nghệ nhân Phạm Văn Tuyên

Xây dựng thương hiệu dòng gốm đắp nổi cho Hải Phòng

Các sản phẩm gốm phù điêu của nghệ nhân Phạm Văn Tuyên đều được đắp nổi là các vị anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa, tượng Phật, linh thú... Họa tiết trang trí cho bình gốm là các loài hoa lá đặc trưng của vùng đồng bằng sông Hồng, được sao chép từ các họa tiết trên bia đá, chuông đồng ở các khu di tích cổ Việt Nam như như hoa sen, hoa hồng, hoa cúc hoàn toàn thuần Việt chứ không hề lai tạo từ các mẫu vật của nước ngoài. Nghệ nhận sử dụng ngôn ngữ thể hiện điêu khắc và nặn đắp mà không sử dụng vẽ màu sắc. Chẳng hạn bông sen đã xuất hiện trong các chùa chiền, văn bia từ thời Lý – Trần, khi được đắp nổi 4D trên gốm phải thể hiện được sâu sắc những tư tưởng, triết lý và chân lý giác ngộ trong đạo Phật; thể hiện được tấm lòng hướng thiện, một trái tim nhân từ hay sự bình an, thanh tịnh…

Mèo cho năm Quý Mão được nghệ nhân tạo hình trước khi nung qua lửa

So với các loại hình gốm khác thì cái khó của gốm phù điêu là làm sao sau khi nung qua lửa, sản phẩm vẫn giữ nguyên được hình dáng ban đầu, các họa tiết đắp nổi không bị rơi khỏi sản phẩm chính. Làm sản phẩm gốm phù điêu phải trải qua 5 công đoạn như: Pha chế nguyên liệu đất; tạo hình; đắp nổi, chế tác họa tiết; phủ men; nung đốt; công đoạn nào cũng quan trọng, chỉ 1 công đoạn lỗi là sẽ tạo ra một sản phẩm lỗi; phải quan sát quá trình co kéo đất từ ướt chuyển sang khô vì sản phẩm từ đất chế tác, đến sản phẩm co 17%, qua 2 giai đoạn là từ ướt sang khô, thứ 2 là dấm sấy đến nung ở nhiệt độ trên  1.000 cho hết độ co. Mỗi sản phẩm là một sản phẩm độc bản, dù cùng mẫu nhưng không cái nào giống hệt cái nào vì được tạo ra từ bàn tay tài hoa của người thợ với những chiếc móc để tỉa tót chi tiết và chiếc nạo làm phẳng chi tiết đó.

Cái khó của gốm phù điêu là làm sao khi nung qua lửa, các họa tiết không bị rơi khỏi bình

Nếu như nói đến gốm Bát Tràng là du khách biết đến một vùng đất ven sông Hồng thuộc địa phận Hà Nội; hay nhắc đến Hải Dương là nhớ đến gốm Chu Đậu. Còn nghệ nhân Phạm Văn Tuyên đang xây dựng và phát triển gốm phù điêu trở thành 1 dòng gốm mang thương hiệu của TP Hải Phòng và đóng góp vào nền thủ công mỹ nghệ Việt Nam thêm đa dạng, phong phú. Tuy nhiên, chưa dừng lại ở đó, nghệ nhân mong muốn tiếp tục phát triển, lan tỏa sản phẩm gốm phù điêu đến du khách cả nước và nước ngoài để khi nhìn vào sản phẩm họ sẽ nhìn thấy những nét thuần Việt, không lai tạo từ các nền văn hóa khác. Ông thường nhắc nhở các học viên là gốm là nghề mà may mắn mới sống với nó thì hãy đặt tâm trí, sinh mệnh của mình vào đó. Thế giới đến Việt Nam để xem đặc trưng văn hóa bản địa và nghề thủ công mỹ nghệ của dân tộc, thì phải làm ra những sản phẩm mang đậm nét thuần Việt mà nhìn vào đó họ biết ngay đó là Việt Nam.

Bài, ảnh: MINH NGỌC

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top