Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Để có một mùa lễ hội thực sự an toàn, văn minh: Trách nhiệm của địa phương rất lớn

Thứ Hai 30/01/2023 | 10:02 GMT+7

VHO- Sau ba mùa lễ hội chịu nhiều tác động của đại dịch Covid-19, mùa lễ hội Xuân Quý Mão 2023 đang đi qua những ngày đầu tiên với diễn biến êm ả, thanh bình. Mặc dù những lễ hội lớn, trọng điểm như chùa Hương, Yên Tử, hội Gióng… đã trở lại với sự đông đúc, thu hút hàng ngàn, hàng vạn người đổ về không gian lễ hội nhưng không xảy ra cảnh tượng hỗn độn, chen lấn, xô đẩy, gây phản cảm.

 Lễ hội Tịch Điền (Hà Nam) ngày càng thu hút du khách

Theo sát những diễn biến, dự báo những tình huống có thể nảy sinh để sẵn sàng ứng phó, hướng đến mục tiêu có một mùa lễ hội thực sự an toàn, văn minh là nội dung được Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở Ninh Thị Thu Hương nhấn mạnh trong cuộc trao đổi với Văn Hóa nhân mùa lễ hội Xuân Quý Mão 2023.

Được biết, ngay từ rất sớm Cục Văn hóa cơ sở đã có những chỉ đạo đối với các địa phương về công tác quản lý và tổ chức cho mùa lễ hội Xuân Quý Mão 2023. Điều này có phải xuất phát từ dự báo mùa lễ hội năm nay sẽ trở lại với những diễn biến phức tạp, khó lường hay không, thưa bà?

- Cục trưởng Ninh Thị Thu Hương: Nếu như trước khi có dịch Covid-19, lễ hội diễn ra theo chiều hướng đến hẹn lại lên thì năm nay, sự trở lại sau một thời gian dài ngắt quãng chắc chắn sẽ khiến cho các di tích, lễ hội rất đông đúc, thậm chí đột biến về số lượng du khách tham gia. Đơn cử như tại lễ hội chùa Hương, một trong những lễ hội trọng điểm lớn nhất miền Bắc, trong ngày khai hội đã có trên 3 vạn du khách về tham dự và con số sẽ tiếp tục tăng lên trong suốt 3 tháng tới, cao điểm vào dịp cuối tuần.

Trước thực trạng này, Cục Văn hóa cơ sở đã tổ chức các đoàn công tác tới một số địa phương có lễ hội lớn, quán triệt việc triển khai Chỉ thị 274 của Bộ trưởng Bộ VHTTDL, trong đó có nội dung tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động lễ hội. Ghi nhận của chúng tôi là nhiều địa phương đã có phương án, kế hoạch chuẩn bị cho mùa lễ hội với dự báo số lượng người tham gia sẽ rất đông. Tại các buổi làm việc cũng như các văn bản chỉ đạo, Cục Văn hóa cơ sở đều nhấn mạnh và đề nghị các địa phương chú trọng thực hiện Nghị định số 110/2018/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý và tổ chức lễ hội, Chỉ thị của Ban Bí thư quy định về việc tổ chức Tết Quý Mão 2023 và Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, phù hợp với nếp sống văn minh, phong tục, tập quán, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Bộ VHTTDL từ sớm cũng có văn bản yêu cầu các cơ quan, đơn vị có liên quan triển khai nhiều nội dung, trong đó có công tác quản lý tổ chức lễ hội.

Về phía Cục Văn hóa cơ sở cũng đã có văn bản về tăng cường công tác quản lý, tổ chức lễ hội năm 2023 và Tết Nguyên đán Quý Mão. Trong đó, đề nghị các địa phương tăng cường thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội; có các biện pháp nhằm ngăn chặn kịp thời các biểu hiện tiêu cực, lợi dụng lễ hội thu lợi bất chính; triển khai hiệu quả xây dựng kế hoạch tổ chức lễ hội; kiên quyết không để các hành vi chen lấn, tranh cướp, hoạt động mê tín dịđoan, cờ bạc, cờ bạc trá hình, ăn mày, ăn xin, dịch vụ đổi tiền lẻ hưởng chênh lệch… diễn ra trong lễ hội. Xây dựng và triển khai các phương án bảo đảm an ninh, an toàn tuyệt đối cho người tham gia lễ hội, có phương án xử lý kịp thời những tình huống phát sinh…

 Hàng vạn người trẩy hội chùa Hương những ngày đầu xuân

 Bên cạnh việc hướng đến một mùa lễ hội an toàn cho nhân dân và du khách thì ở một số địa phương vẫn còn có những lễ hội tiềm ẩn nhiều nguy cơ, biến tướng gây lo ngại, phản cảm. Cục Văn hóa cơ sở đã có những khuyến cáo gì đối với những lễ hội này, thưa bà?

- Lễ hội nào cũng mang những giá trị truyền thống và ý nghĩa về lịch sử văn hóa của dân tộc. Tuy nhiên trong cuộc sống hiện đại có những lễ hội còn có yếu tố mang nặng tính hủ tục, không phù hợp với đời sống mới, nên thay đổi bằng hình thức tổ chức khác. Chẳng hạn, một vài năm trước khi đại dịch Covid-19, có những thời điểm dấy lên trong dư luận những lo ngại trước các biến tướng xảy ra tại lễ hội như Phết Hiền Quan (Tam Nông, Phú Thọ), lễ hội Đúc Bụt (Tam Dương, Vĩnh Phúc) hay lễ hội Chọi trâu Hải Lựu (Sông Lô, Vĩnh Phúc)… Cục Văn hóa cơ sở đã đồng hành cùng các địa phương có lễ hội “điểm nóng” này để cùng bàn thảo phương án tổ chức mới phù hợp, đảm bảo an toàn cho nhân dân và du khách.

Năm nay, nhiều địa phương đã gửi Bộ VHTTDL kịch bản, phương án tổ chức cụ thể, đặc biệt đối với một số lễ hội còn tiềm ẩn những nguy cơ mất an toàn khi tổ chức các hoạt động phần hội như đã nói ở trên. Cục Văn hóa cơ sở cũng đã có công văn góp ý cụ thể. Về cơ bản, vấn đề rà soát, kiểm tra các phương án bảo đảm an toàn, an ninh trật tự cho các hoạt động lễ hội đã được các địa phương nêu cao tinh thần trách nhiệm, tích cực vào cuộc. Bộ cũng đã có những văn bản yêu cầu địa phương tăng cường công tác thanh, kiểm tra trước, trong và sau lễ hội. Đồng thời, chúng tôi đã và sẽ tiếp tục đồng hành cùng các địa phương để những lễ hội vốn thu hút đông đảo du khách này diễn ra thuận lợi, an toàn. Tuy nhiên, cũng muốn lưu ý rằng, theo phân cấp đã được quy định rất rõ tại Nghị định 110, trách nhiệm của địa phương là quản lý và tổ chức lễ hội; trách nhiệm của Bộ là ban hành văn bản quy phạm pháp luật và kiểm tra nhắc nhở, chấn chỉnh việc thực hiện, nếu sai xử lý theo pháp luật. Vì vậy, trách nhiệm phải sát sao với công tác quản lý và tổ chức lễ hội của các địa phương là rất lớn. Có thể thấy rằng từ khi có Nghị định 110, tại nhiều địa phương tinh thần vào cuộc rất quyết liệt, khi Bộ có ý kiến hầu như các địa phương đều chấn chỉnh ngay những bất cập. Thế nhưng, trên thực tế vẫn xảy ra nhiều vụ việc biến tướng, tiêu cực, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, gây hoang mang và lo lắng trong dư luận.

 Du khách và tăng ni, phật tử xuôi dòng suối Yến

Trong các văn bản đã ban hành, Bộ VHTTDL, Cục Văn hóa cơ sở cũng đều nhấn mạnh việc tuyên truyền, tôn vinh ý nghĩa và các giá trị văn hóa truyền thống trong các lễ hội, từ đó kịp thời chấn chỉnh những tiêu cực. Vậy công tác tuyên truyền trong mùa lễ hội năm nay được các địa phương chú trọng ra sao?

- Công tác tuyên truyền về ý nghĩa văn hóa, ứng xử văn minh tại các lễ hội trong nhiều năm qua khá tốt. Hầu hết các lễ hội lớn đều rất chú trọng công tác này. Tuy nhiên sau 3 năm gián đoạn vì đại dịch, một số nơi không còn giữ được nhịp độ nên Cục có những văn bản hướng dẫn, yêu cầu phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Các BQL di tích, BTC lễ hội cũng cần phải xem xét, quan tâm đến hạ tầng, cơ sở vật chất cho lễ hội. Ví dụ, những lễ hội gắn với di tích phải kiểm tra tổng thể xem di tích có đáp ứng được số lượng đông người dân đến hành lễ không? Các lễ hội không có di tích thì phương án tổ chức địa điểm hoạt động có bảo đảm an toàn hay không? Một số lễ hội có không gian hành lễ chật hẹp thì công tác tuyên truyền cũng phải nhấn mạnh nhiều hơn về ứng xử văn minh, lành mạnh...

Một vấn đề khác là đổi tiền lẻ, rải tiền lẻ, đặt tiền công đức ở những nơi thờ tự. Đây là vấn đề Bộ VHTTDL và Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhiều năm qua và tiếp tục trong năm nay tập trung nhắc nhở, khuyến cáo trong những văn bản hướng dẫn gửi tới các địa phương để chấn chỉnh sao cho phù hợp với thuần phong mỹ tục, tránh những hình ảnh mất mỹ quan tại nơi thờ tự. Ngay trước mùa lễ hội, Bộ VHTTDL cũng đã có công văn gửi Trung ương GHPGVN về nội dung tăng cường thực hiện nếp sống văn minh tại các lễ hội, cơ sở thờ tự Phật giáo. Trong văn bản này, Bộ VHTTDL cũng đề nghị Trung ương GHPGVN hướng dẫn đồng bào phật tử và bà con thực hiện biện pháp phòng ngừa các hiện tượng mê tín dị đoan, không đốt đồ mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo đảm bảo phù hợp với thuần phong mỹ tục, giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống.

Đồng thời, tham gia, phối hợp với chính quyền địa phương triển khai thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội theo quy định của Nghị định số 110/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý và tổ chức lễ hội. 

 Điểm mới đáng chú ý năm nay là việc Cục Văn hóa cơ sở đã đưa vào vận hành Cổng thông tin điện tử về lễ hội. Xin bà cho biết Cổng thông tin điện tử này sẽ tác động như thế nào đến công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên phạm vi cả nước?

- Cổng thông tin điện tử liên quan tới cơ sở dữ liệu về lễ hội được Cục Văn hóa cơ sở đưa vào vận hành từ tháng 1.2023, theo đó Cổng sẽ hệ thống hóa tất cả lễ hội trong cả nước. Người dân có thể truy cập thông tin về các lễ hội, từ xuất xứ, ý nghĩa, giá trị đến phong tục tập quán... Từ đó các địa phương có thể căn cứ vào số lượng các lễ hội đang có ở địa phương để phân cấp quản lý; đồng thời cơ quan văn hóa có liên quan lên kịch bản và phương án linh hoạt để tổ chức lễ hội theo phạm vi.

Căn cứ vào sự phân cấp ở Cổng dữ liệu này, UBND các tỉnh ban hành kế hoạch kiểm tra cũng như phương pháp quản lý, cách thức quản lý lễ hội...

 

 PHƯƠNG ANH (thực hiện); ảnh: TRẦN HUẤN, LÊ SƠN

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top