Kon Tum: Bảo tồn văn hóa gắn với phát triển du lịch

VHO- Nhắc đến Kon Tum là nhắc đến cồng chiêng, múa xoang, hát kể sử thi và các nghề thủ công truyền thống của đồng bào DTTS… Những yếu tố đó tạo nên giá trị riêng biệt của Kon Tum, là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch của địa phương.

Kon Tum: Bảo tồn văn hóa gắn với phát triển du lịch - Anh 1

 Khách du lịch trải nghiệm nghề thủ công truyền thống ở làng du lịch cộng đồng Kon K’tu

Xác định rõ tầm quan trọng của văn hóa, nhất là văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số trong phát triển kinh tế, xã hội, những năm qua các cấp ủy đảng, chính quyền trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã tích cực chỉ đạo, triển khai thực hiện công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số bằng những chương trình, kế hoạch, đề án. Theo đó, các ngành, địa phương đã triển khai hiệu quả các đề án như: Bảo tồn, phát huy giá trị không gian văn hóa cồng chiêng tỉnh Kon Tum; Bảo tồn và phát triển nghề truyền thống của các dân tộc thiểu số tại chỗ trên địa bàn tỉnh; Hỗ trợ dân tộc thiểu số rất ít người Brâu và Rơ Măm; tổ chức “Tuần lễ Văn hóa, Du lịch” (định kỳ 2 năm một lần) với các hoạt động như trình diễn âm nhạc cồng chiêng, các nhạc cụ truyền thống, ẩm thực và tổ chức Hội thi cồng chiêng, múa xoang các dân tộc thiểu số. Cùng với đó là đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến về vị trí, vai trò, giá trị của di sản văn hóa truyền thống.

Ông Phan Văn Hoàng, Phó giám đốc Sở VHTTDL Kon Tum cho biết, ngành Văn hóa và các địa phương đã nghiên cứu, phục dựng 33 lễ hội truyền thống, tiêu biểu như: Lễ mừng lúa mới, lễ bỏ mả của người Rơ Măm, lễ cúng làng của người Brâu, lễ bắc máng nước của người Xơ Đăng, lễ cầu an của người Gia Rai... Ngoài ra, các câu chuyện sử thi, bài ca dao, dân ca, truyện cổ cũng được sưu tầm và tư liệu hóa, xuất bản thành các ấn phẩm để phổ biến lại trong cộng đồng. Đến nay, toàn tỉnh có 2.500 bộ cồng chiêng được các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh bảo tồn, 502/622 làng đồng bào dân tộc thiểu số có cồng chiêng, hàng trăm lớp truyền dạy cồng chiêng, chỉnh chiêng được tổ chức, nhiều bài chiêng cổ được ký âm, lưu giữ trọn vẹn.

Song song với công tác bảo tồn, tỉnh Kon Tum đã chú trọng đến việc phát huy lợi thế, giá trị của văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số gắn với phát triển với du lịch, nhất là du lịch cộng đồng. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã bước đầu hình thành một số điểm du lịch cộng đồng như: Làng văn hóa du lịch cộng đồng Kon Pring (thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông); làng văn hóa du lịch cộng đồng Kon K’tu (xã Đăk Rơ Wa, thành phố Kon Tum); điểm du lịch làng Kon Trang Long Loi (thị trấn Đăk Hà, huyện Đăk Hà); làng Bar Gốc (xã Sa Sơn, huyện Sa Thầy)... Anh A Kâm, Tổ trưởng tổ hợp tác du lịch Làng Du lịch cộng đồng Kon K’tu cho biết, từ khi được công nhận là Làng Du lịch cộng đồng đã không còn tình trạng làm du lịch tự phát, đơn lẻ như trước mà đã mang tính cộng đồng, cùng hợp tác để làm du lịch. Làng Kon K'tu hiện có 146 hộ thì khoảng 40% bà con tham gia làm du lịch.

Phó giám đốc Sở VHTTDL Kon Tum Phan Văn Hoàng cho biết thêm, thời gian tới tỉnh Kon Tum sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền đặc biệt là thế hệ trẻ để người dân hiểu được giá trị, tầm quan trọng văn hóa bản sắc của từng dân tộc, từ đó có ý thức tự bảo tồn, phát huy các nguồn lực của cả cộng đồng trong việc quản lý, bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch cộng đồng nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội một cách bền vững. 

NGỌC HÒA

Ý kiến bạn đọc