Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Chế độ, chính sách thu hút người có tài năng đặc biệt trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật và thể thao ở TP.HCM: Có lẽ vì quá đặc biệt nên chỉ có... một hồ sơ

Thứ Tư 01/02/2023 | 10:35 GMT+7

VHO- “Cần có cơ chế tài chính mở hơn, thoáng hơn trong việc đặt hàng những đề án để sử dụng tài năng đặc biệt một cách xứng đáng, chứ không phải mời họ vào rồi cuối cùng lại đi biểu diễn những chương trình nghệ thuật thông thường…”, Phó Giám đốc Sở VHTT TP.HCM Nguyễn Thị Thanh Thúy nêu ý kiến liên quan đến chính sách thu hút người có tài năng đặc biệt mà đơn vị này đang triển khai.

 Nhạc trưởng Lê Phi Phi trong lần biểu diễn tại TP.HCM năm 2022

 “Từ năm 2020, chúng tôi bắt đầu triển khai, đăng thông báo đầu tiên để thu hút tài năng đặc biệt theo Nghị quyết của HĐND TP, và có lẽ vì nó quá đặc biệt, nên chỉ thu hút được… một hồ sơ của lĩnh vực Chỉ huy dàn nhạc. Đó là Nhạc trưởng Lê Phi Phi, một Việt kiều đang sống tại Mỹ, rất nổi tiếng trên thế giới. Tuy nhiên, vì lúc đó dịch bệnh phức tạp (năm 2020- 2021), nên quy trình thu hút anh Lê Phi Phi vẫn chưa thể thực hiện, đến năm 2022 chúng ta ban hành lại kế hoạch để tiếp tục triển khai”, lãnh đạo Sở VHTT TP bày tỏ.

Mở rộng cửa thay vì thi tuyển, phỏng vấn

Theo Sở VHTT TP.HCM, hiện cơ quan này có 8 đơn vị sự nghiệp công lập, đó là 8 nhà hát trên nhiều lĩnh vực: Nghệ thuật hàn lâm, nghệ thuật truyền thống, cải lương, hát bội, xiếc, rối, kịch nói và âm nhạc; ngoài ra, còn có Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật và các hội chuyên ngành. Lĩnh vực thể thao cũng tương tự với 8 đơn vị sự nghiệp công và các liên đoàn, các hội…

Theo đơn vị quản lý lĩnh vực văn hóa nghệ thuật và thể dục thể thao trên địa bàn TP.HCM, bên cạnh những thuận lợi như chính sách được sự giám sát, đôn đốc chặt chẽ của HĐND TP và các cơ quan có thẩm quyền, TP.HCM có rất nhiều cơ sở đào tạo uy tín về lĩnh vực văn hóa nghệ thuật và thể dục thể thao, đây là cơ hội cho Sở VHTT tiếp nhận những đóng góp khoa học phù hợp với tình hình thực tiễn về thu hút tài năng đặc biệt. Bên cạnh đó, TP.HCM còn là trung tâm văn hóa, thể dục thể thao của cả nước, là môi trường thuận lợi về điều kiện làm việc cho các tài năng… Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn rất nhiều khó khăn, vướng mắc.

Văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao là các lĩnh vực chuyên môn khá đặc thù. Tài năng, năng khiếu rất nhiều nhưng để công nhận là tài năng đặc biệt còn tồn tại rào cản ở khái niệm. Một số người có nhiều thành tích hoặc được xã hội, công chúng công nhận, nhưng đã lớn tuổi, trở thành trở ngại đối với nơi tuyển chọn. Đối với tài năng trẻ đặc biệt thì mức độ tạo ra thu nhập của họ rất lớn so với chính sách thu hút của Nhà nước, do đó, việc giới thiệu họ ứng tuyển đôi lúc cũng còn khó khăn. Thay vào đó, thành phố nên có chính sách đãi ngộ, mở rộng cửa “mời” họ vào chứ không phải thi tuyển, phỏng vấn. Đặc biệt, tác động của những quan điểm, thái độ ứng xử tiêu cực đối với những giá trị cá nhân, khó chấp nhận những thứ khác biệt do đã quen với những giá trị mang tính chất ổn định, đồng màu; xuôi chiều, né tránh những gai góc, phản biện cả trong tư duy và hành động có thể “bóp chết” khả năng sáng tạo và nhiệt huyết cống hiến của những nhân tài. Điều này trong văn hóa nghệ thuật lại rất rõ ràng, cá tính của nghệ sĩ và sức sáng tạo của họ thường đi đôi với nhau, những người càng tài năng thì càng “dị biệt” trong tư duy, hành động.

“Chuyện ngồi yên một chỗ để “coi xem” người đặc biệt sẽ đóng góp thế nào trong bối cảnh chúng ta đang làm nhiệm vụ chính trị thường xuyên cũng sẽ gây khó khăn cho công tác quản lý và điều hành, đây là điều thực tiễn mà các đơn vị nghệ thuật đã chia sẻ”, bà Thanh Thúy bày tỏ.

Tài năng đặc biệt không thể biểu diễn ở nơi bình thường

Theo lãnh đạo Sở VHTT TP.HCM, TP đang bị giới hạn về nguồn lực cơ sở vật chất, kỹ thuật và tài chính với việc bảo đảm chế độ đãi ngộ xứng đáng đối với đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt. Ngoại trừ ngân sách chi trả lương thưởng và các chế độ ra, thì khoản đầu tư cơ sở vật chất tương xứng nhằm thu hút và giữ chân người tài là cực kỳ khó khăn.

Thiếu môi trường làm việc chuyên nghiệp để họ có điều kiện phát huy khả năng đang là vấn đề vô cùng bất cập. Theo đó, môi trường làm việc là nơi mà ở đó không chỉ có máy móc hiện đại, đồng bộ mà còn cần thái độ, tác phong, cách quản lý dân chủ, biết kích thích, động viên, tạo áp lực và động lực đúng lúc, cũng cần có những đồng nghiệp tương đương về trình độ để tương tác, mài giũa, phấn đấu để hoàn thiện. NSƯT Thanh Thúy trăn trở: “Hiện giờ chúng tôi rất cần cơ chế tài chính khác, cần cái gì đó mở hơn, thoáng hơn trong việc đặt hàng những đề án để chúng ta sử dụng tài năng đặc biệt một cách đúng mức, thực tế, chứ không phải đưa họ vào để rồi đi biểu diễn trong những chương trình nghệ thuật thông thường. Những tài năng đặc biệt này phải được sử dụng cho những dự án lớn là mục tiêu TP đặt ra. Và dự án lớn phải đi kèm với cơ chế tài chính và những cơ sở vật chất phù hợp. Chúng ta có bao nhiêu nhà hát đạt chuẩn quốc tế, chúng ta có bao nhiêu công trình thể thao có thể tổ chức SEA Games hay là những sự kiện tầm khu vực?… Những tài năng đặc biệt họ không thể biểu diễn ở những nơi bình thường, vì như thế thì sẽ không thể thấy hết được sức sáng tạo của họ”.

Bên cạnh đó, TP.HCM hiện nay vẫn chưa có nhiều cơ sở thực hành nghề nghiệp đạt chuẩn quốc gia, quốc tế ở lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao. Điều này sẽ gây khó khăn cho quá trình thực hiện các phương thức đào tạo, tập huấn tại chỗ cũng như quá trình nâng cao năng lực của ứng viên sau khi được tuyển chọn. Được biết trong tuần này, Sở VHTT TP sẽ tổ chức hội nghị để “sơ kết” việc thực hiện chủ trương này, đồng thời đưa ra những kiến nghị, đề xuất nhằm tháo gỡ những khó khăn…

 Từ 150 triệu đồng xuống còn 15 triệu đồng!

Tại Hội thảo khoa học “Chính sách thu hút chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt của TP thời gian qua và định hướng trong thời gian tới” do Học viện Cán bộ TP.HCM phối hợp Sở Nội vụ TP tổ chức mới đây, nhiều ý kiến cho rằng: Thu nhập của chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt hiện nay không phù hợp. Không chỉ vậy, quy trình thu hút rất phức tạp, tốn thời gian và môi trường làm việc cũng chưa đủ hấp dẫn…

Cụ thể, trong giai đoạn thử nghiệm, TP.HCM đã thu hút được 19 chuyên gia, nhà khoa học quốc tế và Việt Nam đến làm việc tại 4 đơn vị khoa học công nghệ trọng yếu của TP. Sau 5 năm thực hiện thí điểm, các chuyên gia đã phát huy vai trò nhân tố chủ đạo, tiên phong trong tổ chức nghiên cứu phát triển, chuyển giao công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho TP. Tuy nhiên, vấn đề phát sinh khi TP xây dựng chương trình chính thức trong giai đoạn 2019-2022, bên cạnh yếu tố tích cực về chế độ trợ cấp ban đầu lên đến 100 triệu đồng, được hưởng mức thù lao khuyến khích nghiên cứu với tỷ lệ 1% giá trị/ kinh phí ngân sách cho cho công trình, chính sách hỗ trợ tối đa là 7 triệu đồng/tháng, việc “hành chính hóa” chế độ lương bổng của các chuyên gia và nhà khoa học dựa trên Bảng lương chuyên gia Việt Nam, tuy cao hơn so với mặt bằng chung của khu vực công lập, nhưng trên thực tế chỉ tương đương với một kỹ sư làm việc trong doanh nghiệp FDI và thấp hơn rất nhiều so với chuẩn mực của khu vực và thế giới.

Kết quả sau 3 năm triển khai chương trình chính thức giai đoạn 2019-2022, ngoài lý do khách quan ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, còn có nguyên nhân chủ quan về sự bất cập trong chế độ lương bổng giữa hai chương trình thu hút thử nghiệm (tối đa lên đến 150 triệu đồng) và chính thức (tối đa khoảng 15 triệu đồng), dẫn đến kết quả chỉ có 5 chuyên gia của Khu Công nghệ cao tiếp tục đăng ký tham gia…

 THÙY TRANG

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top