Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Sân khấu Việt: Lạm phát chuyện lấy xưa nói nay?

Thứ Tư 01/02/2023 | 10:48 GMT+7

VHO- Trên Văn Hóa ra ngày 12.1.2023, PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái có bài viết Sân khấu thử nghiệm: Cạn kiệt kịch bản, đạo diễn thăng hoa với nỗi lo về sự khan hiếm kịch bản hay. Nữ PGS.TS lấy dẫn chứng từ Liên hoan Quốc tế Sân khấu thử nghiệm lần thứ V, trong 9 vở diễn được trao giải cao nhất thì chỉ có 2 kịch bản mới...

 Khai thác mảng đề tài dân gian, lịch sử, dã sử nhan nhản trong các vở diễn hiện nay

 Tôi may mắn được theo dõi một vài liên hoan sân khấu gần đây, nên rất tán thành nhận định của tác giả bài viết. Tuy nhiên, tôi thấy cần có sự trao đổi thêm, vấn đề thiếu kịch bản, hay nói như PGS. TS Nguyễn Thị Minh Thái là “cạn kiệt” kịch bản, chỉ là về số lượng, nhưng điều đáng nói ở đây, việc khai thác đề tài cũng ngày càng bị bó hẹp. Không chỉ thiếu kịch bản mới mà tình trạng “ông hoàng, bà chúa” xuất hiện liên tục trên sân khấu, trong khi những con người hôm nay lại quá hiếm hoi, những mâu thuẫn lớn, những vấn đề bức xúc đang là trung tâm của cuộc sống, xã hội đương thời thì vắng bóng hoặc nhỏ giọt, trong khi sự kiện, mâu thuẫn từ thời Lý, thời Trần được mang ra mổ xẻ theo kiểu “lấy xưa nói nay” lạm phát trên sàn diễn. Tâm trạng của tôi, cũng như sự phát hiện của PGS. TS Nguyễn Thị Minh Thái, về sự thiếu kịch bản hay sự chéo ngoe và mất cân bằng giữa đề tài hiện đại với lịch sử, cổ tích, dân gian cũng không phải là mới.

Vì đâu nên nỗi?

Chúng ta nhìn lại cả 4 liên hoan sân khấu gần đây nhất, từ Liên hoan Sân khấu Thủ đô đến Liên hoan Chèo toàn quốc, rồi Liên hoan Cải lương toàn quốc, Liên hoan Sân khấu Quốc tế thử nghiệm lần thứ V liên tiếp được tổ chức trong 3 tháng cuối năm 2022, rồi lắng nghe bản tổng kết của Hội đồng giám khảo các cuộc này, đều thấy một lời than thở chung: “Sân khấu nước ta quá vắng các vở kịch về đề tài hiện đại” hay nói một cách văn chương bóng bẩy là “Sân khấu nước ta thiếu hơi thở cuộc sống”. Từ hiện trạng đó, không phải ngẫu nhiên mà trong hai Liên hoan Chèo toàn quốc 2022 và Liên hoan Cải lương toàn quốc 2022, có 2 vở đề tài hiện đại dựng kịch bản Biển cả và đất liền của tác giả Nguyễn Đăng Chương đều nhận giải Đặc biệt. Chỉ riêng hiện tượng này cũng cho thấy giới chuyên môn cũng như người xem mong mỏi và “khát thèm” kịch hiện đại như thế nào.

Bài viết của PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái còn chỉ ra những mâu thuẫn lớn đang diễn ra trong xã hội và cuộc sống chúng ta, như đại dịch Covid-19, tham nhũng, sự đổ vỡ lòng tin, sự tàn phá của con người trước thiên nhiên… luôn luôn sẵn sàng trở thành các đề tài mang đầy chất bi kịch, mâu thuẫn bùng cháy trong các vở diễn, nhưng lại đang bị lãng quên và cần phải được gấp rút phản ánh, thể hiện trong các kịch bản.

Muốn nói gì thì nói, để có một tác phẩm sân khấu hay thì điều đầu tiên phải có một kịch bản hay. Tôi đã từng chứng kiến có những kịch bản chỉ cần đọc lên những lời thoại, thì người xem đã bị “hút hồn”. Thời Lưu Quang Vũ sung sức, không ít vở diễn người ta thấy rõ trên nền kịch bản tuyệt hay của Vũ, hình bóng sáng tạo, mảng miếng của đạo diễn chỉ lờ mờ hiện ra, nếu không muốn nói là hoàn toàn vắng bóng. Nói như vậy để thấy kịch bản quan trọng như thế nào đối với vở diễn. Vậy trách nhiệm của sự thiếu vắng các vở diễn về đề tài hiện đại, việc mà vị nữ PGS. TS gọi là “cạn kiệt kịch bản” phải chăng thuộc về các tác giả?

Bao giờ “nhạy cảm” không còn là “nhạy cảm”?

Với tư cách là một nhà văn, một tác giả sân khấu, tôi cho khiếm khuyết này không thuộc về các tác giả. Trước hết, nói về kịch bản dành cho sân khấu thử nghiệm, như PGS. TS Nguyễn Thị Minh Thái đã nêu, đại ý sự thử nghiệm tức là làm mới, là cách tân, là sáng tạo. Đã từ lâu, trong quan niệm sáng tác của tôi, mỗi một tác phẩm, một kịch bản đều phải tôn trọng sự sáng tạo và cách tân, để cho mỗi kịch bản đều có những đặc trưng riêng. Đây chính là nguyên tắc và mấu chốt của việc sáng tạo nghệ thuật. Nhưng trong phạm vi bài viết, tôi không bàn kỹ về nguyên tắc này mà chỉ dừng ở vấn đề “thử nghiệm”. Hơn 3 thập niên qua, chúng ta cần phải thừa nhận một thực tế đau lòng là khán giả đang quay lưng lại nền kịch nước nhà. Ngoài việc sân khấu từ bỏ yếu tố “thánh đường” - không phản ánh mâu thuẫn trung tâm của cuộc sống, không mang lại thông điệp cho người xem - thì về hình thức sân khấu nước ta quá cũ.

NSND Lê Huy Quang, cách đây gần chục năm khi cùng đoàn của Hội Nghệ sĩ sân khấu VN đi dự hội diễn, làm việc với làng kịch một số nước, ông thốt lên rằng “kịch nước ta về hình thức chậm hơn thế giới chí ít 2 thế kỷ”. Phải chăng vì nhận thức ra sự cũ này nên Liên hoan Quốc tế Sân khấu thử nghiệm lần thứ V mới ra đời và được hy vọng như một giải pháp cho sân khấu nước ta tránh được lối mòn, đường cũ. Tôi còn nhớ, vào năm 2015, dường như là để rút kinh nghiệm cho việc hẫng hụt kịch bản của Liên hoan Sân khấu thử nghiệm sau 2 lần tổ chức vào năm 2010 và 2013, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam đã mở trại sáng tác đặc biệt tại Nhà sáng tác Đại Lải. Tại đây, NSND Lê Tiến Thọ, lúc đó là Chủ tịch HNSSKVN rất quan tâm và sốt sắng. Ông đặt niềm tin “Trại sáng tác kịch bản thử nghiệm này ít nhiều cung cấp cho Liên hoan Quốc tế Sân khấu thử nghiệm lần thứ 3 sẽ được tổ chức vào năm 2016”.

Nếu tôi không nhầm thì chính vị Chủ tịch Hội ngoài vai trò chỉ đạo còn có một kịch bản thử nghiệm được đăng ký. Cá nhân tôi cũng có một kịch bản. Có thể nói, qua việc nghe các kịch bản cùng sự thảo luận của các trại viên, đa phần là những “cây đa cây đề” của làng sân khấu dạo đó như Xuân Đức, Ngọc Thụ, Văn Sử, Chu Thơm, Phạm Dũng… rồi cùng với sự đánh giá trong bản tổng kết thì hầu hết cả 15 kịch bản của trại đều xứng đáng là những kịch bản thử nghiệm sáng giá, với những mảng miếng, ngôn ngữ sân khấu sáng tạo… Nhưng đáng buồn thay, khi tấm màn sân khấu của Liên hoan Quốc tế Sân khấu thử nghiệm lần thứ 3 kéo lên, không kịch bản nào trong trại được dàn dựng để tham dự. Nguyên nhân là vì hầu hết đều viết về đề tài hiện đại. Ngay kịch bản của tôi về “chống tham nhũng” cũng bị 3 đơn vị sân khấu từ chối vì được coi là “đề tài nhạy cảm”...

Là hội viên của Hội Nghệ sĩ Sân khấu VN và may mắn hằng năm được đi dự trại sáng tác kịch bản do Hội tổ chức, tôi nhận ra một thực trạng là anh em trại viên cứ viết theo đúng suy nghĩ, cảm nhận của mình về cuộc sống, còn việc các kịch bản có được sử dụng hay không lại là vấn đề khác. Có thể nói, hầu như tỷ lệ các kịch bản viết trong trại được dựng chỉ ở con số chưa đến 10%. Kể cả các kịch bản được Hội trao giải chất lượng hằng năm cũng không tránh khỏi số phận rủi ro này.

Sau khi bị chê là “nhạy cảm”, không ít tác giả bèn quay về đề tài lịch sử, cổ tích, dân gian. Tôi nhớ, những trại viết vào thời gian gần đây, trong 15 kịch bản thì có đến hơn 10 viết về “chuyện xưa, tích cũ”… Ngay trong trại, Ban lãnh đạo trại cũng thường để ý đến những kịch bản lịch sử còn hiện đại đều bị… xem nhẹ.

Gần đây, cùng với ngọn lửa chống tham nhũng do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “đốt lên” thì việc coi các kịch bản hiện đại là “nhạy cảm” cũng có phần nhẹ đi. Nhưng đáng buồn thay, lối mòn hay thói quen đã hình thành sau khi né tránh không thể một sớm một chiều mất đi, để giới nghề trở lại viết kịch bản đề tài hiện đại. Mặt khác, tôi biết các kịch bản mới về đề tài hiện đại ở ngăn kéo các tác giả không phải ít. Vấn đề làm sao khai thác được trữ lượng phong phú này thuộc về Hội Nghệ sĩ Sân khấu VN, khi tự nguyện đảm nhận vai trò là “người môi giới”, giới thiệu các kịch bản hay cho các đơn vị sân khấu. Điều này sẽ mang lại kết quả đáng mừng để trả lời PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái với nỗi lo về sự cạn kiệt kịch bản kể cả kịch bản cho sân khấu thử nghiệm. 

  Tôi còn nhớ, những trại viết của Hội vào thập niên đầu tiên của thế kỷ này cũng là lúc trong xã hội ta xảy ra nhiều vụ án tham nhũng lớn, đời sống nhân dân còn rất vất vả, hầu hết các kịch bản đều có đề tài hiện đại, thậm chí có kịch bản về những con tàu hoang trong “đại án” Vinashin, hay việc tham nhũng đất ở miền Tây Nam Bộ, những thủ đoạn của bộ phận lãnh đạo thoái hóa, những sai trái về cổ phần hóa ở một số Bộ, ngành… Đáng tiếc đều bị từ chối với những câu anh em tác giả nằm lòng: “Kịch của anh, của chị rất hay, dựng lên chắc rất đông khách, nhưng đề tài nhạy cảm quá… Mong anh chị thông cảm!”.

 Nhà văn NGUYỄN HIẾU

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top