Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

28 Tháng Ba 2024

Dâng 2.000 chiếc bánh chưng Giỗ vua Mai Hắc Đế

Thứ Sáu 03/02/2023 | 11:46 GMT+7

VHO- Đã trở thành nét đẹp truyền thống, những ngày đầu xuân Quý Mão, người dân xã Mai Phụ, huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) lại háo hức gói bánh chưng dâng Lễ Giỗ vua Mai Hắc Đế nhằm tưởng nhớ công đức vị anh hùng dân tộc đã có công đánh đuổi quân xâm lược nhà Đường.

Lễ giỗ do xã Mai Phụ và Ban lễ nghi đền Vua Mai phối hợp tổ chức một cách bài bản, được duy trì từ nhiều năm nay

Đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”

Ngày 2.2 (12 tháng Giêng) hàng nghìn người dân trong xã đã ăn mặc trang nghiêm, thực hiện nghi thức cung tiến 2.000 chiếc bánh chưng lên vua Mai Hắc Đế. Đến xã Mai Phụ dịp này mới thấy được không khí háo hức của người dân nơi đây khi ngày đêm bắt tay cùng nhau gói, nấu bánh chưng tiến lễ dâng giỗ vua Mai Hắc Đế. Không ai bảo ai, mỗi người mỗi việc, ai khéo tay thì tham gia rọc lá, vào khuôn, gói bánh. Số còn lại thì chuẩn bị củi lửa, đun nấu… Không khí gói bánh, luộc bánh đông vui của một ngày hội lớn thắt chặt tình làng nghĩa xóm.

Ông Phạm Trọng Hợp, Phó Chủ tịch UBND xã Mai Phụ phấn khởi cho biết: “Theo thông lệ, hằng năm trong ba ngày 12, 13, 14 tháng Giêng âm lịch, chính quyền và người dân xã Mai Phụ long trọng tổ chức lễ dâng hương tưởng nhớ công đức của Mai Hắc Đế. Cùng với việc tổ chức nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao thu hút sự tham gia đông đảo của cả cộng đồng làng xã, đã 10 năm nay (từ năm 2014) phong tục gói bánh chưng để cung tiến Mai Hắc Đế được tổ chức thường niên tại huyện Lộc Hà. Sau 2 năm không thể tổ chức lễ giỗ vua Mai Hắc Đế quy mô lớn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, năm 2023 chính quyền và người dân xã Mai Phụ, huyện Lộc Hà thành kính chuẩn bị trước cả tháng cho việc tổ chức ngày kỵ thứ 1.300 của Vua.

Ngày giỗ vua Mai Hắc Đế đã trở thành ngày hội văn hóa ở huyện Lộc Hà, thể hiện truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây”, góp phần lưu truyền một tín ngưỡng thờ cúng, tưởng nhớ công ơn của các bậc tiền nhân. Ngày 2.2 hàng nghìn người dân trong xã đã ăn mặc trang nghiêm, thực hiện nghi thức cung tiến 2.000 chiếc bánh chưng lên vua Mai. Bình quân mỗi thôn dâng lễ khoảng 280 chiếc bánh chưng. Ngoài người dân địa phương, con cháu, dâu rể Mai Phụ từ khắp mọi miền đất nước cũng đổ về để hành lễ.

 Đông đảo người dân cung tiến bánh chưng giỗ vua Mai Hắc Đế

6.000 người dân thức đêm gói bánh

Từ ngày 10 tháng Giêng, những người khéo tay trong làng, xóm sẽ được chọn để gói bánh làm sao vừa vuông vức vừa nén chặt tay. Sau đó, số bánh chưng này được nấu tại nhà văn hóa mỗi thôn vào tối 11 tháng Giêng. Được biết, tất cả nguồn kinh phí để thực hiện hoạt động này đều do sự đóng góp, công đức hảo tâm của chính quyền, người dân và con em địa phương xã Mai Phụ. Chỉ trong 2 ngày, với sự tham gia của cả 7 thôn, khoảng 6.000 người dân xã Mai Phụ thức đêm gói, nấu bánh chưng để kịp bày biện dâng giỗ vua. Qua mỗi việc làm, ai ai cũng muốn gửi gắm niềm thành kính, lòng tự hào khi hướng đến người anh hùng dân tộc Mai Thúc Loan - một trong những vị Vua tài ba đã có công lao to lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc.

Ông Nguyễn Đình Nỷ, xóm trưởng xóm Sơn Phú chia sẻ: “Năm nay, xóm chúng tôi gói 320 chiếc bánh. Bánh chưng tượng trưng cho đất mẹ với màu xanh của lá dong tượng trưng cho cây cỏ, có đỗ xanh, gạo nếp tượng trưng cho hoa quả, thịt lợn tượng trưng cho muông thú. Sản phẩm được làm ra từ sự sáng tạo, sức lao động của người dân, hòa quyện, tạo nên hương vị của món ăn không thể thiếu trong dịp tết đến, xuân về. Những chiếc bánh chưng thể hiện lòng thành kính dành cho vua Mai nên ở mỗi công đoạn, từ lau lá, chẻ lạt đến nắm nhân, gói bánh chúng tôi đều hết sức cẩn thận. Ngoài ra, hằng năm, xã đều tổ chức chấm và trao giải bánh đẹp, bánh ngon nên mỗi một thôn/xóm đều cố gắng hết sức, gửi những kỳ vọng, thể hiện sự khéo léo của mình qua từng tấm bánh”.

Ông Cao Đình Thường, trưởng ban Nghi lễ Đền vua Mai không giấu nổi niềm vui: “Trước ngày tế lễ chính 3.2 (tức 13 tháng Giêng), người dân trong thôn Mai Lâm (nơi đặt đền thờ Vua Mai) và một số thôn lân cận tập trung thực hiện công tác chỉnh trang cảnh quan trong khu vực đền thờ. Sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành liên quan đã làm người dân chúng tôi rất vui. Điều đó không chỉ nâng tầm một di tích lịch sử văn hóa - niềm tự hào của người dân nơi đây mà còn thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, tưởng nhớ vị anh hùng của dân tộc; là địa chỉ đỏ góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ mai sau về niềm tự tôn dân tộc, lòng tự hào về quê hương và tôn vinh những người có công với đất nước”. 

PHẠM NGÂN

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top