Vẫn còn nhiều khoảng trống chính sách về rác thải nhựa

VHO- Tại Việt Nam, khoảng 2.8 triệu tấn nhựa được thải ra môi trường mỗi năm (xấp xỉ 7800 tấn/ ngày). Rác thải nhựa chiếm 8-12% trong tổng số rác thải sinh hoạt. Trong số 80% nilon được dùng 1 lần, chỉ có 17% túi nhựa được tái sử dụng, chỉ khoảng 10% lượng rác thải nhựa được tái chế.

Thông tin được đưa ra tại buổi “Đối thoại về nhựa và rác thải nhựa - Khoảng trống chính sách cần thu hẹp” do Quỹ vì tầm vóc Việt (VSF) tổ chức ngày 28.2 tại Hà Nội. Hiện nay, xử lý rác thải và rác thải nhựa y tế bằng cách đốt vẫn diễn ra phổ biến. Có đến 94% lượng rác thải ở các vùng ven sông và ven biển Việt Nam là rác thải nhựa, trong đó phần lớn là nhựa dùng một lần.

Tại buổi đối thoại, PGS.TS Nguyễn Huy Nga - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Môi trường Sức khoẻ (CHERAD) đặc biệt nhấn mạnh ảnh hưởng của rác thải nhựa đến môi trường sức khoẻ con người. Ông cho biết, rủi ro từ rác thải nhựa gây ảnh hưởng đến sức khỏe trong suốt chu trình xử lý chất thải từ thu gom đến vận chuyển, phân loại, rửa, đun nóng và nấu chảy nhựa.

Vẫn còn nhiều khoảng trống chính sách về rác thải nhựa - Anh 1

Các diễn giả tại phiên đối thoại

Các nghiên cứu chỉ ra rằng, người làm việc trong môi trường hoặc tiếp xúc trực tiếp với chất thải nhựa sẽ bị tăng nguy cơ các bệnh tim mạch và hô hấp, các ảnh hưởng về da, mắt và các cơ quan cảm giác khác, hệ tiêu hoá, hệ thần kinh, hệ thống miễn dịch và thận,... và thậm chí gây đột biến gen. Các hạt nhựa bao gồm các hạt nhựa siêu nhỏ và nano có thể xâm nhập vào cơ thể con người qua đường tiêu hoá, hít thở và hấp thụ qua da gây stress, gây độc tế bào. Thay đổi sự trao đổi chất và cân bằng năng lượng, phá vỡ chức năng miễn dịch gây ung thư. Hơn nữa, rác thải nhựa còn là vật trung gian truyền hóa chất và vi sinh vật độc hại.

Từ những ảnh hưởng nghiêm trọng trên, PGS.TS Nguyễn Huy Nga đưa ra một số khuyến nghị về chính sách như xây dựng hướng dẫn về tính tuần hoàn và nhựa; Phát triển mạng lưới nghiên cứu và đổi mới về nhựa; Phát triển các tiêu chuẩn kỹ thuật cho các sản phẩm nhựa và nhựa tái chế; Cần đẩy mạnh phát triển và ứng dụng vật liệu, sản phẩm thay thế vật liệu, sản phẩm nhựa trước sự ô nhiễm từ chất thải nhựa;... “Để giảm thiểu rác thải nhựa và ô nhiễm nhựa thì từng cá nhân phải tự có ý thức tham gia bảo vệ môi trường, không sử dụng các sản phẩm là đồ nhựa dùng 1 lần” - PGS.TS Nguyễn Huy Nga nhấn mạnh.

Về chính sách quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam, bà Kim Thuý Ngọc - Trưởng phòng Kế hoạch Hợp tác Quốc tế, Viện chiến lược chính sách tài nguyên môi trường (ISPONRE) cũng đề xuất một số kiến nghị đối với các cấp chính quyền và doanh nghiệp. Đồng thời chỉ ra những khoảng trống còn tồn tại trong các quy định pháp luật. Chẳng hạn, hiện nay đã có các chính sách hỗ trợ cho tái chế chất thải, nhưng còn thiếu các hướng dẫn cụ thể để có các tiếp cận đến các ưu đãi theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản hướng dẫn thi hành. Thiếu các hướng dẫn về lựa chọn công nghệ tái chế, xử lý chất thải rắn; thiếu tiêu chuẩn, quy chuẩn đối với các sản phẩm tái chế. Các quy định liên quan đến trách nhiệm tái chế, trách nhiệm xử lý của nhà sản xuất, nhập khẩu tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu cần có hướng dẫn cụ thể hơn để có thể áp dụng trong thực tiễn.

Ở Việt Nam, mỗi năm tiêu tốn 2,2 tỷ đô la cho hoạt động tái chế kém hiệu quả. Việt Nam đang gặp phải nhiều thách thức trong cuộc chiến chống ô nhiễm nhựa. Bà Ngọc đề xuất kiến nghị phải tăng thuế cho túi nilon và sản phẩm nhựa dùng 1 lần để giảm lượng tiêu dùng.

Buổi đối thoại nhận được sự đóng góp ý kiến sôi nổi của các phóng viên là thành viên Mạng lưới “Phóng viên nữ hành động giảm thiểu rác thải nhựa”. Các phóng viên cũng chia sẻ những câu chuyện thực tế từ các chuyến tác nghiệp về vấn đề môi trường, những khó khăn, thách thức đã gặp phải. Còn rất nhiều khó khăn, khoảng trống để đưa chính sách gần hơn với thực tiễn. Tuy nhiên cũng có những điểm sáng là những mô hình, dự án cần nhân rộng. Với cách tiếp cận của các nhà báo và các hoạt động truyền thông, hy vọng sẽ dẫn đường và định hướng những hành động, phản ứng của dư luận để cả xã hội cùng chung tay giảm thải rác thải nhựa.

THƠM NGUYỄN – Q.HOA 

Ý kiến bạn đọc