Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

29 Tháng Ba 2024

Hành động ngay để du lịch Việt Nam không "đi trước-về sau” (Bài 1): Mở cửa sớm nhưng...

Thứ Sáu 03/03/2023 | 11:00 GMT+7

VHO- Sau nhiều cố gắng, đặc biệt là việc mở cửa sớm nhưng du lịch Việt Nam không đạt được mục tiêu đón 5 triệu lượt khách quốc tế năm 2022. Với mục tiêu đón 8 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2023, nếu không hành động ngay và có những giải pháp tổng thể thu hút khách quốc tế, cùng với sự vào cuộc của các Bộ, ngành, địa phương thì e rằng ngành Du lịch sẽ tiếp tục gặp khó khăn.

 Nhiều khách sạn ở Hà Nội vẫn vắng khách

Trong cuộc họp với một số Bộ, ngành và 20 tỉnh/thành phố vào cuối năm 2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đặt câu hỏi và đề nghị làm rõ việc du lịch Việt Nam “đi trước - về sau” trong việc thu hút khách quốc tế sau dịch Covid-19. Thủ tướng đề nghị các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp cùng tìm ra giải pháp phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh, lợi thế đất nước, chung sức đồng lòng khôi phục và phát triển ngành Du lịch hiệu quả, thiết thực hơn.

 Tuy nhiên đến nay, tại các trung tâm du lịch, khách quốc tế đến vẫn thấp hơn nhiều so với trước khi xảy ra đại dịch Covid-19.

Các trung tâm du lịch vẫn vắng khách quốc tế

Theo Tổng cục thống kê, khách quốc tế đến Việt Nam tháng 1.2023, đạt 871,2 nghìn lượt người, tăng 23,2% so với tháng trước tuy nhiên vẫn giảm 42% so với cùng kỳ năm 2019 khi chưa xảy ra dịch Covid-19.

Nhiều trung tâm du lịch lớn của cả nước như: Đà Nẵng, Quảng Ninh, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam Khánh Hòa, Lào Cai, Kiên Giang… vốn là những nơi thu hút rất đông khách nước ngoài nhưng đến giờ cũng rất vắng khách. Ông Nguyễn Quang Thắng, Giám đốc công ty TNHH Lữ hành quốc tế Tictours (Khánh Hòa) cho biết: “Mặc dù mở cửa sớm và cũng rất nỗ lực để đón khách quốc tế trở lại sau dịch Covid-19 nhưng hiện nay khách quốc tế tới Khánh Hòa chưa thấm vào đâu. Mở rộng ra trên cả nước, chúng ta chưa có chính sách đặc thù, linh hoạt hoặc tạm thời để tạo điều kiện thuận lợi thu hút khách quốc tế, nhất là khi tất cả đang vẫn vô cùng khó khăn sau dịch”.

Theo ông Thắng, không phải chỉ thiếu chính sách vĩ mô mà cả những quy định cấp tỉnh/ thành phố cũng đang gây cản trở trong việc đón, phục vụ khách quốc tế. Lấy ví dụ, từ ngày 18 - 26.2, đã có 4 chuyến tàu biển hủy chuyến đến Nha Trang gồm: Queen Mary 2 (2.000 khách Tây Âu), Seven Seas Explorer (700 khách Mỹ), Nautica (500 khách), tàu Spectrum of the Sea (4.000 khách), dự kiến cập cảng Nha Trang đã hủy chuyến vì lý do rất khó đưa khách đi tham quan Nha Trang và vùng phụ cận.

Trong khi đó, năm 2023 Nha Trang - Khánh Hòa sẽ đón hơn 30 chuyến tàu biển với hàng chục nghìn lượt du khách, đa số đến từ thị trường châu Âu - Mỹ, là những thị trường có sức chi tiêu cao. Trong đó, có các hãng tàu lớn và nổi tiếng thế giới như: Spectrum of the Sea (4.000 khách), MSC Poesia (2.800 khách), Queen Elizabeth (2.000 khách), Mein Schiff 5 (2.500 khách)… “Chúng tôi đã gửi đơn kiến nghị giải quyết khó khăn về việc phục vụ khách du lịch tàu biển quốc tế đến Nha Trang lên UBND tỉnh Khánh Hòa. Các đoàn khách tàu biển thường rất đông, tới hàng nghìn người, cùng lúc huy động cả trăm xe 45 chỗ. Nếu khó khăn về chuyện “cấm xe” khiến khách không thực hiện được chương trình tham quan trên bờ, sẽ gây tổn thất cho các doanh nghiệp đón khách tàu biển và ngành Du lịch Khánh Hòa. Mệt mỏi hơn là có thể các hãng tàu sẽ xem xét lại việc có đưa khách đến Nha Trang, Khánh Hòa thời gian tới nữa hay không”, ông Nguyễn Quang Thắng nói.

Hà Nội, một trong những trung tâm khách hàng đầu cả nước cũng đang trong tình trạng thưa vắng khách quốc tế. Nhiều khách sạn, nhất là các khách sạn trên phố cổ (trước đây chủ yếu phục vụ khách quốc tế) nay đã chuyển chủ, phục vụ khách ngoại tỉnh về thăm Thủ đô, thậm chí đón khách nghỉ theo giờ…

Năm 2022, Hà Nội đón 18,7 triệu lượt khách, gấp 1,87 lần so với kế hoạch, bằng 64,7% năm 2019; khách quốc tế đạt 1,5 triệu lượt, đạt chỉ tiêu Kế hoạch và bằng 21,4% lượng khách quốc tế đến Hà Nội năm 2019. Tổng thu từ du lịch ước đạt 60.000 tỉ đồng, bằng 57,8% năm 2019.

Doanh nghiệp vẫn chưa thể đứng vững

Nhiều công ty lữ hành quốc tế, chuyên đón khách inbound (khách quốc tế vào Việt Nam) đến nay vẫn “án binh, bất động” vì không có khách. Theo ông Vũ Văn Tuyên, Giám đốc Travelogy Việt Nam, doanh nghiệp chuyên đón khách inbound, chủ yếu từ thị trường châu Âu: “Từ sau khi mở cửa hoàn toàn du lịch trong tình hình mới, không có bất kỳ hạn chế nào đối với khách quốc tế và khôi phục các chính sách visa như trước khi dịch Covid-19 xuất hiện, khách quốc tế đã dần trở lại. Là nước Đông Nam Á đầu tiên mở cửa quốc tế cho thấy nước ta đã có sự chuẩn bị, sẵn sàng các sản phẩm, dịch vụ để đón khách nước ngoài. Tuy nhiên, kết quả lại không như kỳ vọng. Xuất phát điểm như nhau nhưng cả năm 2022 chúng ta chỉ đạt gần 3,7 triệu lượt khách quốc tế, đứng gần cuối bảng chỉ số phục hồi châu Á. Hà Nội vốn là điểm trung chuyển khách du lịch của cả nước nhưng kết quả đón khách quốc tế vẫn cách rất xa so với năm 2019, khi dịch chưa xảy ra. Nhiều doanh nghiệp lữ hành quốc tế chưa hoạt động lại bình thường. Nguyên nhân là Hà Nội có ít sản phẩm mới, chưa tạo thành chuỗi liên kết, đứt gãy chuỗi cung ứng, không hình thành liên kết tour. Nhiều tỉnh/thành lúc này cũng không lấy Hà Nội là nơi trung chuyển nữa”.

Doanh nghiệp inbound rất kỳ vọng năm 2023, mong muốn Nhà nước, ngành Du lịch hỗ trợ để doanh nghiệp tham gia Hội chợ du lịch quốc tế trực tiếp và trực tuyến để tiếp tục đẩy mạnh hoạt động kinh doanh, cập nhật tình hình trên thế giới bằng các hình thức khác nhau. Ông Tuyên cho biết: “Một doanh nghiệp tham gia hội chợ trong khu vực Đông Nam Á cũng mất 30- 50 triệu đồng, nếu hội chợ ở châu Âu, Mỹ mất khoảng hơn 100 triệu đồng. Trong khi doanh nghiệp du lịch hiện nay rất khó khăn, chưa thể tự thực hiện những hoạt động quảng bá, xúc tiến, marketing để tiếp cận với các nhà cung ứng mới, công ty du lịch các thị trường mới; nắm bắt được các xu hướng mới trên thế giới”.

Bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho rằng, quy mô các doanh nghiệp du lịch ở Hà Nội đa số còn nhỏ, sức cạnh tranh chưa cao, chưa hình thành được doanh nghiệp du lịch có thương hiệu mạnh tầm cỡ quốc tế. Chất lượng dịch vụ du lịch ở nhiều điểm đến và công tác hướng dẫn du lịch tại điểm còn hạn chế. Nguồn nhân lực ở một số khâu, một số bộ phận chưa đáp ứng được yêu cầu trong tình hình mới, đặc biệt sau đại dịch Covid-19.

Bài 2: “Đứng ngồi không yên” chờ chủ trương nới visa

NGUYỄN ANH

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
3031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top