Hành động ngay để du lịch Việt Nam không “đi trước - về sau” (Bài 2): Chỉ mong chính sách visa cởi mở hơn

VHO- Quá sốt ruột vì việc phục hồi khách quốc tế chậm và quá nhiều rào cản khiến du lịch không thể tăng tốc, nhiều doanh nghiệp lữ hành quốc tế còn chán ngán đến mức nói rằng: “Không mong gì cao xa, chỉ mong chính sách visa và các chính sách tạo điều kiện để du lịch phát triển như trước khi xảy ra dịch”.

Hành động ngay để du lịch Việt Nam không “đi trước - về sau” (Bài 2): Chỉ mong chính sách visa cởi mở hơn - Anh 1
 

Nhiều địa phương, doanh nghiệp đề nghị tăng thời hạn tạm trú của khách được miễn visa tới Việt Nam để giữ chân khách lâu hơn

 

 Chưa có các gói kích cầu thực sự lớn

Dịch bệnh đã khiến cho các địa phương, điểm đến nhiều nơi rơi vào cảnh vắng vẻ như mới bắt đầu phát triển du lịch. Doanh nghiệp gắng gượng phục hồi nhưng đa phần đều đã sức cùng lực kiệt hoặc hồi phục rất chậm, hoạt động cầm chừng... Doanh nghiệp du lịch ở nhiều địa phương kiến nghị tháo gỡ ngay các vướng mắc để thu hút khách quốc tế.

Theo ghi nhận của Văn Hóa, mỗi ngày có hàng nghìn lượt khách quốc tế đến tham quan khu di sản Đại Nội Huế. Nếu tính tất cả các điểm tham quan thuộc Quần thể Di tích Cố đô Huế, trung bình mỗi ngày đón khoảng 3.000 lượt khách quốc tế. Du khách thường đi theo đoàn, phần lớn là thị trường khách đến từ Đài Loan (Trung Quốc), Malaysia, Hàn Quốc, một số quốc gia châu Âu... Ước tính của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, trong 2 tháng đầu năm 2023, đã có gần 132.000 lượt vé bán ra cho khách quốc tế. Dù lượng khách quốc tế đến với di sản Huế đang tăng mạnh so với thời gian trước đó, song vẫn chưa thể so với thời điểm năm 2019.

Một thực tế tại Huế chính là lượt khách quốc tế lưu trú chỉ chiếm gần 50% so với lượt khách đến, nên địa phương vẫn còn bỏ lỡ nhiều nguồn thu, doanh nghiệp lưu trú vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Con số thống kê của ngành du lịch cho thấy, trong tháng 1 và 2.2023, có hơn 163.000 lượt khách quốc tế đến Thừa Thiên Huế, song lượt lưu trú chỉ hơn 72.000 lượt. Tình trạng này chủ yếu xảy ra đối với du khách Thái Lan, phần lớn họ đến Huế tham gia một số dịch vụ du lịch rồi quay trở lại Đà Nẵng, Quảng Nam lưu trú. Hiện nay, Sở Du lịch Thừa Thiên Huế đang phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy mạnh triển khai các giải pháp để “giữ chân” nguồn khách Thái Lan lưu trú lại địa phương.

Ông Đinh Mạnh Thắng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng, với tình hình như hiện nay, khả năng đạt được mục tiêu đón khách quốc tế năm 2023 của Thừa Thiên Huế rất khó. “Vấn đề khó thu hút khách quốc tế không chỉ là riêng của Huế mà còn nhiều địa phương trong cả nước, bởi nhiều nguyên nhân, nhưng quan trọng nhất là sau dịch Covid-19 đã có nhiều thay đổi quan tâm về thị trường đến của khách, thay đổi mức chi tiêu của khách trong khi chúng ta chưa có cơ chế chính sách thu hút hoặc chưa có các gói kích cầu thực sự lớn…”, ông Thắng nói.

Tỉnh Thừa Thiên Huế đã nhiều lần kiến nghị Chính phủ để tháo gỡ về khó khăn trong đón khách quốc tế, trong đó có những hạn chế trong chính sách visa. Đây là vấn đề không riêng gì Thừa Thiên Huế, mà nhiều địa phương, doanh nghiệp đều mong muốn được tháo gỡ sớm. Ông Thắng cho rằng, gần một năm kể từ khi nước ta mở cửa hoàn toàn các hoạt động du lịch, nhưng lại chưa khai thác triệt để việc mở cửa sớm này. Chính sách visa không hơn gì trước khi xảy ra dịch bệnh. Thời hạn tạm trú chỉ 15 ngày cho các đối tượng được miễn thị thực vào Việt Nam là quá ngắn, đối tượng miễn visa không được mở rộng thêm nên bỏ lỡ nhiều nguồn khách có nhu cầu du lịch thời gian dài.

Ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: “Năm vừa qua du lịch quốc tế vẫn chưa đạt như kỳ vọng do tình hình biến động chính trị, kinh tế và dịch bệnh vẫn còn khá phức tạp trên toàn cầu. Bên cạnh đó, hiện nay vẫn còn một số hạn chế trong việc thu hút du khách quốc tế đến với Việt Nam, đặc biệt là chính sách visa như thời gian tạm trú cho khách miễn visa ngắn, thủ tục cấp visa chưa linh hoạt, chưa có nhiều đường bay quốc tế trực tiếp đến các địa phương, công tác quảng bá xúc tiến vẫn còn nhiều bất cập...”.

Trông chờ chính sách visa cởi mở, thuận tiện

Trao đổi với Văn Hóa, bà Nguyễn Thị Lệ Thanh, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa cho biết: “Hiện nay, hầu hết các cơ sở lưu trú trên địa bàn đã hoạt động trở lại sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát. Tuy nhiên, còn khoảng 120 cơ sở lưu trú, với tổng số khoảng 6.000 phòng còn đóng cửa chưa hoạt động trở lại, bằng khoảng 10% tổng số cơ sở lưu trú, buồng phòng toàn tỉnh (Khánh Hòa có 1.169 cơ sở lưu trú với khoảng 60.000 phòng). Khánh Hòa rất mong nhanh chóng có những chính sách tháo gỡ các vướng mắc, để thu hút khách quốc tế. Đặc biệt là cần phải có ngay chính sách visa tạo điều kiện thuận lợi cho du khách đến Khánh Hòa. Các Sở, ngành của tỉnh cũng đã họp, đưa ra các ý kiến trình UBND tỉnh đề nghị cấp có thẩm quyền điều chỉnh chính sách visa cho phù hợp.

Ông Trần Minh Đức, Chủ tịch Hội Lữ hành Khánh Hòa, Phó Giám đốc Công ty cổ phần du lịch Long Phú cho biết, hiện nay hoạt động lữ hành đón khách quốc tế còn gặp nhiều khó khăn, trầm lắng không sôi động như trước khi dịch Covid-19 xảy ra. Trong khi 2 thị trường khách quốc tế lớn nhất của Khánh Hòa là Trung Quốc và Nga hầu như vẫn chưa trở lại Việt Nam. Khánh Hòa chỉ trông chờ vào các thị trường Hàn Quốc, Thái Lan, các nước Đông Nam Á. Nhưng Hàn Quốc thì sắp hết kỳ nghỉ đông, các nước Đông Nam Á cũng đã mở cửa, cạnh tranh khốc liệt nên cơ hội Việt Nam cạnh tranh trong khu vực, phục hồi thị trường khách quốc tế không nhiều. Cũng theo ông Trần Minh Đức, thường khách châu Âu, Mỹ du lịch nước ngoài 20-30 ngày. Việc miễn thị thực cho khách quốc tế đến Việt Nam chỉ 15 ngày gây khó khăn cho du khách châu Âu, Mỹ nếu chọn nước ta cho kỳ nghỉ dài.

“Chúng tôi vẫn tha thiết mong chờ Chính phủ có những chính sách, thủ tục xét cấp visa thật sự cởi mở, thuận lợi; có nhiều phương án xuất nhập cảnh; kéo dài thời gian tạm trú của khách được miễn visa; mở rộng diện miễn visa, e-visa để thu hút khách du lịch quốc tế... Bên cạnh đó, ngành du lịch cần làm việc với phía Trung Quốc và Nga để sớm đạt được các thỏa thuận đưa khách du lịch từ 2 quốc gia này tới Việt Nam. Từ đó gia tăng lượng khách quốc tế đến Việt Nam và Khánh Hòa”, ông Võ Quang Hoàng Chủ tịch Hội Lữ hành Khánh Hòa đề xuất. 

Bài 3: Những rào cản khiến du lịch Việt Nam “đi trước - về sau”

NGUYỄN ANH - THÙY TRANG - XUÂN HƯỚNG

Ý kiến bạn đọc