Phát huy các giá trị và nguồn lực văn hóa xây dựng Thủ đô

VHO- Sáng 21.3, Thành phố Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học “Phát huy các giá trị và nguồn lực văn hóa xây dựng Thủ đô Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”. Hội thảo nhằm nhận diện rõ và sâu sắc hơn nữa các giá trị, nguồn lực văn hóa Thăng Long - Hà Nội, phục vụ xây dựng và phát triển Thủ đô, theo tinh thần Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 09-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Hội thảo được tổ chức nhằm tạo diễn đàn để các cơ quan ban ngành, các chuyên gia, nhà khoa học cùng nhau thảo luận, trao đổi ý kiến  đưa ra các luận cứ khoa học, các giải pháp giúp cho thành phố Hà Nội phát huy các giá trị và nguồn lực văn hoá của Thăng long - Hà Nội, xây dựng Thủ đô  phát triển nhanh, bền vững, lan toả để thúc đẩy vùng đồng bằng sông hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ và cả nước cùng phát triển.

Phát biểu tại Hội thảo, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Đinh Tiến Dũng khẳng định: Thủ đô Hà Nội được biết đến là “Thành phố di sản”, với quỹ di sản văn hoá vô cùng phong phú, đa dạng gồm 5.922 di tích lịch sử, văn hóa, trong đó có 1 di sản văn hóa thế giới, 21 di tích và cụm di tích quốc gia đặc biệt; 1.793 di sản văn hóa phi vật thể. Hà Nội có những di sản văn hóa vật thể vô giá, đó là những dấu tích của thành quách nguy nga, công trình kiến trúc tâm linh (đình, chùa, đền miếu, phủ…), tượng đài, công viên, vườn hoa, sông hồ… 

Phát huy các giá trị và nguồn lực văn hóa xây dựng Thủ đô - Anh 1

Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu tại Hội thảo

Hà Nội còn là “đất trăm nghề”, là địa bàn có số lượng làng nghề nhiều nhất cả nước với trên 1.350 làng nghề và làng có nghề, trong đó có hơn 300 làng nghề thủ công truyền thống tiêu biểu, có khoảng 70 không gian sáng tạo và 1.095 lễ hội và sinh hoạt văn hóa cộng đồng mang bản sắc văn hóa vùng đồng bằng sông Hồng, gắn liền với những câu chuyện lịch sử trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc.

“Hà Nội là nơi “lắng hồn núi sông ngàn năm", được biết đến là “Thủ đô Anh hùng”, “Thành phố Vì hòa bình”, “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”..., thành phố đầu tiên của Việt Nam tham gia “Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của UNESCO”. Đây chính là những tài sản vô giá để Thủ đô Hà Nội phát huy nguồn lực văn hóa, tiếp thêm sức sáng tạo cho các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, góp phần xây dựng Thủ đô Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, ông Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.

Phát huy các giá trị và nguồn lực văn hóa xây dựng Thủ đô - Anh 2

Các chuyên gia, nhà khoa học phát biểu những ý kiến tâm huyết xây dựng và phát triển văn hoá Hà Nội

Khẳng định văn hoá là một trong những yếu tố quan trọng để xây dựng một Thủ đô Văn hiến – Văn minh – Hiện đại; phát huy các giá trị và nguồn lực văn hoá là cách hiệu quả nhất để phát triển văn hoá của Thủ đô, Bí thư Thành uỷ Hà Nội cho hay, nhiều năm qua, Thành phố Hà Nội luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, coi văn hóa là động lực, là một trong các nguồn lực phục vụ công cuộc xây dựng và phát triển Thủ đô. Liên tục trong nhiều nhiệm kỳ, Đảng bộ Thành phố đều ban hành chương trình riêng về phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội văn minh. Cụ thể là Nghị quyết số 09-NQ/TU về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” nhằm tạo bước phát triển toàn diện các ngành công nghiệp văn hóa của Thủ đô Hà Nội cả về quy mô, chất lượng sản phẩm, dịch vụ và thị trường, đảm bảo phát triển bền vững, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có tốc độ, tỷ trọng, giá trị gia tăng cao…

Quán triệt và nhận thức một cách toàn diện, sâu sắc về vị trí, vai trò, tầm quan trọng về văn hóa, dành sự quan tâm đặc biệt đến công tác xây dựng, phát triển văn hóa, thành phố Hà Nội đã tập trung đầu tư cho phát triển văn hóa với mục tiêu là bảo vệ, bảo tồn giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, văn hóa dân tộc; phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, các công trình văn hóa. Thành phố đã dành nguồn lực đầu tư 3 lĩnh vực: y tế, giáo dục - đào tạo và văn hoá giai đoạn 2022 – 2025 và các năm tiếp khoảng 49.200 tỉ đồng. Trong 2 năm 2021-2022, đã hoàn thành tu bổ, tôn tạo 181 di tích, trong đó có 4 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 114 di tích cấp quốc gia, 63 di tích cấp Thành phố.

Phát huy các giá trị và nguồn lực văn hóa xây dựng Thủ đô - Anh 3

Quang cảnh Hội thảo

 “Hội thảo hôm nay là sự tiếp nối, kế thừa và vận dụng những kết quả của các hội nghị, hội thảo khoa học vào thực tiễn cuộc sống đang diễn ra hết sức sôi động trên địa bàn Thành phố. Để tiếp tục làm rõ tư tưởng chỉ đạo coi văn hóa là động lực, là nguồn lực xây dựng và phát triển Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”. Đặc biệt trong năm 2023, Thành phố đang triển khai đồng thời 3 nội dung quan trọng, đó là: xây dựng Luật Thủ đô sửa đổi, lập Quy hoạch Thủ đô, Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây cũng là cơ hội đặc biệt quan trọng để nhìn nhận, đánh giá một cách tổng thể, toàn diện, chuẩn bị các luận chứng khoa học và thực tiễn để xây dựng thể chế, chính sách phát triển; định vị các không gian phát triển, chú trọng đến không gian văn hóa, huy động các giá trị và nguồn lực văn hóa xây dựng Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”;  để văn hóa và con người Hà Nội thật sự trở thành hồn cốt của tất cả các hoạt động chính trị, kinh tế, xã hội trong suốt xây dựng và quá trình phát triển Hà Nội”, Bí thư Đinh Tiến Dũng nêu rõ.

Phát huy các giá trị và nguồn lực văn hóa xây dựng Thủ đô - Anh 4

Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thuỷ cùng các đại biểu tham quan Không gian trưng bày sách

Tại Hội thảo, các nhà khoa học, nhà văn hoá, chuyên gia đã tâm huyết trao đổi, thảo luận tập trung vào 4 nội dung: Luận cứ khoa học về đặc tính và giá trị văn hóa Thăng Long - Hà Nội,   Thủ đô Văn hiến -Văn minh - Hiện đại; Nhận diện các nguồn lực Văn hoá; Các giải pháp bảo tồn,  phát huy, phát triển giá trị của Thủ đô di sản, đặc biệt phát triển thương hiệu “Thành phố sáng tạo”. Các nhiệm vụ , giải pháp để thực hiện. Trong đó đặc biệt là các giải pháp về cơ chế, chính sách, về  phân cấp phân quyền, cơ chế hợp tác công tư, cơ chế xã hội hóa, cơ chế liên kết hợp tác cả trong và ngoài nước.

Trong khuôn khổ Hội thảo, không gian trưng bày các giá trị, sản phẩm văn hóa tiêu biểu của Thăng Long - Hà Nội được tổ chức với nhiều nội dung đặc sắc. Tại Không gian trưng bày sách với trên 200 tư liệu được tuyển chọn cho hai phần chính: Quan điểm, đường lối của Đảng về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam; Văn hóa Thăng Long - Hà Nội, giá trị tinh thần, nguồn lực phát triển Thủ đô..

Ngoài ra, tại không gian trưng quảng bá các giá trị văn hóa tiêu biểu của Thăng Long - Hà Nội gồm nhiều chủ đề riêng biệt:  Không gian văn hóa của 6 làng nghề tiêu biểu gồm; Không gian nêu bật giá trị toàn cầu của Khu di tích Hoàng thành Thăng Long; Không gian trưng bày giới thiệu về khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám…

QUỲNH HOA

Ý kiến bạn đọc