Công tác quản lý báo chí đã có sự đổi mới mang tính bước ngoặt

VHO-Chiều 29.3, tại Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã có buổi làm việc với Bộ TT&TT về tổng quan hoạt động của ngành thông tin truyền thông giai đoạn 2021-2022, định hướng phát triển giai đoạn 2023-2025; công tác quản lý báo chí và truyền thông chính sách…

Công tác quản lý báo chí đã có sự đổi mới mang tính bước ngoặt - Anh 1

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì buổi làm việc

Dự buổi làm việc có các Ủy viên Trung ương Đảng: Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng;Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy; Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà; Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh Lê Tấn Tới; Bộ trưởng Bộ Khoa học, Cộng nghệ và Môi trường Huỳnh Thành Đạt…

Theo báo cáo của Bộ TT&TT trong thời gian qua, Việt Nam gần như đi cùng nhịp với những nước nhanh nhất trên thế giới trong việc xây dựng, ban hành những chủ trương, chiến lược quốc gia về Chuyển đổi số. Chỉ trong một khoảng thời gian rất ngắn, với tinh thần nhanh chóng nắm bắt thời cơ, thực hiện Nghị quyết 52-NQ/TW ngày 27.9.2019 của Bộ Chính trị đã tạo nên một làn sóng chuyển đổi số trên khắp các địa phương, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên cả nước. Cùng với đó, công tác báo chí, truyền thông đã phản ánh trung thực dòng chảy chính của xã hội Việt Nam, tạo đồng thuận, lan toả năng lượng tích cực, tạo niềm tin xã hội, góp phần tạo ra sức mạnh tinh thần để Việt Nam bứt phá vươn lên; góp phần truyền tải ra thế giới những thông tin sinh động, đa chiều về đất nước, con người Việt Nam ổn định, thân thiện, năng động và giàu tiềm năng phát triển.

Về xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách và môi trường pháp lý được Bộ TT&TT xác định là nhiệm vụ xuyên suốt, có mức độ ưu tiên cao nhất và được lồng ghép trong toàn bộ công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ. Trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Bộ đã nghiên cứu, rà soát việc sửa đổi, bổ sung và đề xuất xây dựng mới 8 dự án Luật. 

Bộ TT&TT xác định chuyển đổi số là thay đổi cách thức vận hành, bởi vậy thể chế phải thay đổi trước để chuyển đổi số có thể phát huy hiệu quả; nhấn mạnh rằng chuyển đổi số là cuộc cách mạng về thể chế nhiều hơn là cuộc cách mạng về công nghệ. Do đó, Bộ nghiên cứu, tổng kết để lên kế hoạch lập đề nghị xây dựng luật, xây dựng bản đồ thể chế số của Việt Nam theo các góc nhìn từ thời gian đến chiến lược mang tính dẫn dắt đến tiến độ xây dựng các luật, nghị định quan trọng.

Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao và chúc mừng kết quả nổi bật, khá toàn diện trên các mặt công tác của Bộ TT&TT đạt được trong thời gian qua; chúc mừng Bộ đã được Chủ tịch nước đã tặng thưởng “Huân chương Lao động hạng Nhất” cho thành tích xuất sắc đột xuất trong xây dựng và triển khai thực hiện Chính phủ số, Kinh tế số và Xã hội số, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, trên cơ sở quan điểm chỉ đạo và những định hướng lớn được xác định trong Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XIII của Đảng, tại Nghị quyết 16/2021/QH15 ngày 27.7.2021 của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021 - 2025 đã chỉ rõ mục tiêu tổng quát, chỉ tiêu cụ thể, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để phát triển đất nước. Trong đó có nội dung đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới và sáng tạo; nhấn mạnh công nghệ số là lực lượng sản xuất cơ bản, nhân tài số là nguồn lực cơ bản, đổi mới số là động lực cơ bản.

Công tác quản lý báo chí đã có sự đổi mới mang tính bước ngoặt - Anh 2

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, việc thực hiện các mục tiêu này đặt ra những yêu cầu, nhiệm vụ mới, ngày càng cao đối với ngành thông tin, truyền thông, có những nhiệm vụ chưa có tiền lệ và phức tạp; đòi hỏi sự đóng góp của ngành thông tin và truyền thông trong triển khai nhiều nhóm giải pháp quan trọng. Đó là:

Một là, đẩy nhanh xây dựng khung chính sách, pháp luật phát triển hạ tầng số tiến tới chuyển đổi số quốc gia thông qua việc xây dựng, thử nghiệm, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho các mô hình kinh doanh mới ứng dụng công nghệ cao; mô hình kinh tế chia sẻ; giao dịch, quản lý các tài sản kỹ thuật số; đầu tư mạo hiểm; các phương thức thanh toán mới; hệ thống xác thực và định danh điện tử.

Hai là, tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá dựa trên nền tảng của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và những thành tựu công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; phát triển kinh tế số, xã hội số.

Ba là, đầu tư thúc đẩy phát triển hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông để góp phần xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại.

Chủ tịch Quốc hội ghi nhận đứng trước yêu cầu, nhiệm vụ rất quan trọng như vậy, Bộ TT&TT đã có những bước chuyển mình rất quan trọng cả xây dựng hoàn thiện thể chế chính sách, công tác quản lý nhà nước và trong trong thức đẩy phát triển 3 trụ cột của chuyển đổi số. Bên cạnh các lĩnh vực trước đây Bộ đã phụ trách như báo chí, bưu chính, viễn thông, an toàn thông tin mạng, Bộ còn được bổ sung thêm chức năng, nhiệm vụ quản lý mới trên 4 lĩnh vực: Chuyển đổi số quốc gia; Chính phủ số; Kinh tế số và Xã hội số; Công nghiệp ICT. Bộ Thông tin và Truyền thông cũng được tin tưởng giao nhiệm vụ thường trực Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, trong đó có nhiệm vụ liên quan đến Kinh tế số.

Chủ tịch Quốc hội vui mừng trước tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành thông tin và truyền thông trong 5 năm vừa qua là 12,4%, gấp 2-3 lần tốc độ tăng trưởng GDP của cả nước.  Cùng với đó, công tác truyền thông, báo chí tiếp tục khẳng định được vai trò quan trọng trong việc phản ánh trung thực dòng chảy chính, tích cực của xã hội Việt Nam, tạo sự đồng thuận, lan toả năng lượng tích cực, xây dựng niềm tin xã hội, góp phần tạo ra sức mạnh tinh thần để Việt Nam bứt phá vươn lên. Truyền thông, báo chí đã góp phần truyền tải ra thế giới những thông tin sinh động, đa chiều về đất nước, con người Việt Nam ổn định, thân thiện, năng động và giàu tiềm năng phát triển.

Công tác quản lý báo chí đã có sự đổi mới mang tính bước ngoặt theo hướng tăng cường ứng dụng công nghệ để lưu chiểu điện tử, đo lường, đánh giá xu hướng thông tin tích cực, tiêu cực, quản lý và điều tiết thông tin theo hướng “quản số lớn”, kịp thời định hướng nhắc nhở, chấn chỉnh những vấn đề trên không gian báo chí, truyền thông và trong hoạt động báo chí; “tường minh hoá” các vấn đề của báo chí để cả xã hội cùng nhận biết, cùng giám sát và đấu tranh; ban hành tiêu chí nhận diện và có kế hoạch, biện pháp xử lý bài bản, cương quyết tình trạng “báo hóa” tạp chí, “báo hóa” trang thông tin điện tử tổng hợp, “báo hóa” mạng xã hội và biểu hiện “tư nhân hóa” báo chí…

Chủ tịch Quốc hội cũng đặc biệt đánh giá cao vai trò của Bộ đã tích cực tham mưu cho Chính phủ để thay đổi nhận thức, cách làm trong công tác truyền thông chính sách của các cơ quan nhà nước theo quan điểm: truyền thông chính sách phải được coi là một việc, một chức năng của chính quyền. Bộ cũng làm rất tốt công tác bảo đảm an toàn thông tin an ninh mạng đi đúng hướng, làm quyết liệt, đạt nhiều kết quả. Bộ đã nỗ lực quét sạch “rác” trên không gian mạng. Bằng những biện pháp đấu tranh quyết liệt, khôn khéo, lần đầu tiên Bộ TT&TT đã đạt được những kết quả mang tính đột phá trong đấu tranh với các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới (Facebook, Youtube, Google, Tiktok…), buộc các nền tảng này phải tuân thủ pháp luật Việt Nam, xoá bỏ và ngăn chặn thông tin độc hại, nâng tỷ lệ xoá, chặn thông tin xấu độc.

Chủ tịch Quốc hội cũng ghi nhận kết quả trong công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế của Bộ TT&TT,đồng thời có ý kiến chỉ đạo về công tác chuẩn bị liên quan đến công tác chuẩn bị cho Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 do Việt Nam đăng cai tổ chức.

TÙNG QUANG

Ý kiến bạn đọc