Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

28 Tháng Ba 2024

Nhạc “rác” đang xâm lấn giới trẻ

Thứ Hai 03/04/2023 | 10:11 GMT+7

VHO- Tình trạng biến những câu từ nhảm nhí thành ca khúc không phải mới xuất hiện mà đã trở thành vấn nạn của nhạc Việt thời gian qua. Công chúng nhiều lần ngao ngán lắc đầu khi xuất hiện những sản phẩm mới nghe qua đã “hết hồn”; tưởng chừng chúng sẽ nhanh chóng bị tẩy chay, nhưng rồi chính những khán giả dễ dãi đã “tiếp tay” cho thứ âm nhạc vô bổ ấy có cả triệu lượt xem, thậm chí là trở thành “trend”.

 

 Ca khúc “Ghệ iu dấu của em ơi” của Tlinh có ca từ vô nghĩa, cổ súy lối sống buông thả, lệch lạc

Dễ dãi kéo theo dễ dãi

Không thể phủ nhận từ cánh cửa TikTok, một số ca khúc Việt đã vụt sáng khi gây sốt trên mạng xã hội tại nhiều quốc gia. Nhưng niềm vui ấy chỉ dừng lại ở số ít, việc chạy theo TikTok đã khiến nhiều ca sĩ trở nên “lười” hơn trước. Thay cho việc ra mắt một MV âm nhạc phải qua rất nhiều công đoạn, mất nhiều thời gian thì ngày nay, một số ca sĩ trẻ lại chọn TikTok để giới thiệu sản phẩm, vừa nhanh lại không tốn kém. Ở đó, họ chỉ mất 15 giây và cũng chỉ cần đầu tư vào 15 giây để giai điệu thật sự bắt tai sẽ dễ dàng thu hút khán giả. Dễ dãi, cẩu thả nên hậu quả là nhạc Việt đã xuất hiện thêm nhiều “thảm họa”.

Như Sashimi của Chi Pu với câu hát “Sashimi kimochi/ Đồ ăn phải ngon thì anh mới thèm/ Phải tươi thật tươi thì anh mới quay lại” đã nhanh chóng bị phản ứng gay gắt vì quá phản cảm; ca khúc 2, 3 con mực gây ám ảnh người nghe bằng đoạn nhạc “2, 3 con mực/Anh yêu em cực” với nhiều biến tướng vô duyên khi chế lời, tác giả thậm chí còn bị nghệ sĩ nước ngoài tố đạo nhạc. Hay bài rap chế lời trend “ăn nói xà lơ” đã nhanh chóng lọt top thịnh hành với hơn 2 triệu lượt xem, thế nhưng lời bài hát lại hoàn toàn vô nghĩa và thậm chí có cả văng tục. Không dừng lại ở đó, các sản phẩm chế lời nhảm nhí, cổ súy cho lối sống buông thả, lệch lạc vẫn ngang nhiên tung hoành; trong đó, đáng chú ý là kênh TikTok Parody Music đăng tải clip với lời nhạc kiểu “Thắm bây giờ thích vào quán bar/ Cặp với mấy ông già đáng cha” nhận về hơn 2 triệu lượt xem, gần 200.000 lượt thích. Gần đây nhất, MV Ghệ iu dấu của em ơi (tác giả Tlinh), tự do sáng tạo quá đà khiến MV trở nên “trần trụi” trước khán giả. Và còn rất rất nhiều sản phẩm nhạc “rác” khác vẫn “nhởn nhơ” ngoài thị trường.

Những hình ảnh phản cảm cùng ca từ được cho là không truyền tải được bất cứ thông điệp rõ ràng nào khiến khán giả khó chịu, nhưng chúng vẫn có đất sống là bởi sự tò mò, bắt trend và dễ dàng khiến khán giả trẻ bắt chước. Sau khi những bản nhạc này ra mắt, nhiều người đã cover lại hoặc dùng làm âm thanh cho các video của mình trên TikTok. Điều này vô tình khiến nhạc rác có sức hút, giúp “nhà sáng tạo” kiếm tiền, dễ dãi tiếp tục kéo theo dễ dãi…

Trước vấn nạn trên, ThS tâm lý Trần Thị Thanh Trà cho biết, có thể thấy những sản phẩm “rác” dù vô nghĩa nhưng với phần nhạc nghe vui tai, việc lặp đi lặp lại sẽ khiến các bạn trẻ bị “nhiễm”, cứ thế bài hát sẽ nhanh chóng được lan rộng. “Nhưng trên thực tế, những sản phẩm này sẽ khiến cho thị hiếu âm nhạc của người trẻ dần trở nên lệch lạc, dễ dãi và chức năng giáo dục vốn dĩ của âm nhạc cũng sẽ dần mất đi. Thay vào đó, họ chỉ thấy những hình ảnh xấu, cổ súy cho những lối sống cá nhân phóng túng… điều này sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của họ rất nhiều, thậm chí là làm lệch lạc, thay đổi hành vi, nhận thức”, ThS tâm lý Thanh Trà chia sẻ.

Đã đủ mạnh tay?

Lịch sử cũng ghi lại nhiều sản phẩm bị xử phạt, nhưng dường như vấn nạn biểu diễn, sáng tác âm nhạc trái thuần phong mỹ tục vẫn không có dấu hiệu dừng lại và ngày càng khiến dư luận bức xúc. Phải chăng, “chiếc gậy” xử phạt vẫn chưa khiến những người làm nghệ thuật thức tỉnh?

Vào tháng 4.2022, Cục NTBD đã có văn bản về việc xử phạt tổ chức, cá nhân lưu hành bản ghi âm, ghi hình There’s no one at all của Sơn Tùng M-TP trên môi trường mạng. Theo đánh giá, Cục NTBD nhận thấy nội dung của MV mang thông điệp tiêu cực, không có tính giáo dục với nhiều cảnh đuổi bắt, đập phá, bạo lực và kết thúc là hình ảnh nhân vật tự tử đã tác động mạnh đến tâm lý người xem, dễ gây ảnh hưởng, định hướng hành vi tiêu cực của xã hội, đặc biệt là trẻ em. Sơn Tùng M-TP bị yêu cầu nộp phạt 70 triệu đồng và phải gỡ video ca khúc khỏi các nền tảng số. Hay mới đây nhất, với vụ đêm nhạc SpaceSpeakers, đơn vị tổ chức đêm diễn SpaceSpeakers live concert - The Kosmik đã bị xử phạt 110 triệu đồng do mắc nhiều vi phạm và đình chỉ hoạt động trong 18 tháng.

Rõ ràng, sau những bê bối ấy, các nghệ sĩ đều đã lên tiếng chịu trách nhiệm, xin lỗi công chúng và dĩ nhiên là phải đóng phạt. Thế nhưng, nhiều luồng dư luận cho rằng, mức phạt ấy vẫn còn quá “nhẹ tay” so với những “tàn tro” mà các đêm diễn, ca khúc vi phạm thuần phong mỹ tục gây ra. Thử dạo một vòng các kênh YouTube của Chi Pu, Sơn Tùng M-TP… con số thu nhập “khủng” mỗi tháng so với con số xử phạt vài chục triệu đồng dường như vẫn “chưa thấm vào đâu”. Cụ thể, theo thống kê của Social Blade, với hơn 10 triệu người đăng ký, ước tính mỗi tháng kênh YouTube của Sơn Tùng M-TP có doanh thu từ 4.500 - 71.900 USD (khoảng hơn 100 triệu đến hơn 1,6 tỉ đồng). Còn với hơn 1,3 triệu người đăng ký, Chi Pu cũng bỏ túi khoảng 1.400-21.700 USD (khoảng 33,4 triệu đồng đến 517 triệu đồng) mỗi tháng. Phải chăng, công chúng hiện nay quá dễ dãi, và phải chăng, vì lợi nhuận trước mắt mà một bộ phận nghệ sĩ Việt vẫn tung ra lắm chiêu trò với những sản phẩm nghệ thuật chất lượng thì ít mà lố lăng, phản cảm thì nhiều?

Câu trả lời vẫn chưa có hồi kết, song chắc chắn rằng, để những nội dung phản cảm đó được lan truyền một phần lỗi bắt nguồn từ sự đồng thuận, “tiếp tay” của công chúng, góp phần “nuôi dưỡng” những “phế phẩm” văn hóa để chúng sinh sôi, nảy nở và phát triển rầm rộ như hiện nay. Rõ ràng, việc ngăn chặn những loại nhạc này không phải điều dễ, nếu như không có sự phối hợp từ cơ quan chức năng, công chúng và cả đạo đức nghề nghiệp của những người sản xuất âm nhạc. Đặc biệt, nếu người trẻ biết nâng cao thị hiếu thẩm mỹ âm nhạc của mình, tự loại bỏ những loại nhạc có ngôn từ và hình ảnh phản cảm, thì chắc chắn nhạc “rác” sẽ nhanh chóng lụi tàn và không còn “đất sống”. 

 THẢO MY

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top