Mong muốn thành lập Giải thưởng mang tên GS.NGND Lê Đình Kỵ

VHO- GS.NGND Lê Đình Kỵ (1923-2009) từng là một sĩ quan tình báo trong Quân đội nhân dân Việt Nam. Ông tự học tiếng Nga và ở thời điểm đó là một trong số ít người có thể đọc được các sách lý luận bằng tiếng Nga với mục đích chiếm lĩnh nguồn lý luận văn học được coi là “tiên tiến nhất thế giới”. Cả cuộc đời và sự nghiệp của ông cùng với những nhà nghiên cứu thời bấy giờ được gắn với sứ mệnh xây dựng nền nghiên cứu văn học Việt Nam non trẻ.

Mong muốn thành lập Giải thưởng mang tên GS.NGND Lê Đình Kỵ - Anh 1

 Hội thảo có sự tham gia của đông đảo các nhà nghiên cứu, nhà khoa học trong lĩnh vực lý luận phê bình văn học

 GS Lê Đình Kỵ được nhiều người biết đến là nhà phê bình văn học macxit Việt Nam nổi lên từ sau những năm 60 của thế kỷ trước. Từ quê hương Điện Bàn (Quảng Nam) và có bằng Tú tài triết học trước năm 1945, năm 1954, sau khi tập kết ra Bắc, ông là giáo viên cấp III. Từ năm 1958, ông giảng dạy môn Lý luận văn học tại Khoa Ngữ văn - Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội (nay là Trường ĐH KHXH&NV). Trong thời gian này, ông đã tham gia dịch sách Nguyên lý lý luận văn học của L.I.Timofeev, biên soạn nhiều giáo trình Lý luận văn học cho bậc đại học và triển khai nhiều đề tài nghiên cứu, có thể kể đến: Các phương pháp sáng tác nghệ thuật (1962), Nguyên lý văn học (1986), Phương pháp sáng tác (1986)…

Tại Hội thảo khoa học quốc gia Một trăm năm ngày sinh GS.NGND Lê Đình Kỵ (1923-2023) do Trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia Hà Nội) tổ chức mới đây, PGS.TS Trần Khánh Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương cho biết, trong quá trình soạn những giáo trình này, có những vấn đề gây nên tranh luận về tư tưởng của GS Lê Đình Kỵ như vấn đề tính người và tính giai cấp, vấn đề về thế giới quan và sáng tác, vấn đề chủ nghĩa hiện thực trong văn học, mối quan hệ giữa phương pháp trào lưu nghệ thuật và giá trị của văn học… “Tuy nhiên, ông đến với văn chương bằng tình yêu lớn và niềm tin lớn. Ông trung thực và đầy bản lĩnh khi bênh vực chân lý nghệ thuật. Nhờ thế, ông đã có những nhận định khách quan, công bằng về các hiện tượng văn học trong quá khứ cũng như đương đại”, PGS Trần Khánh Thành nhấn mạnh.

Một trong những tranh cãi lớn nhất là nội dung giáo trình Các phương pháp sáng tác in năm 1963. GS Trần Đình Sử, nguyên Trưởng bộ môn Lý luận văn học và Chủ nhiệm Khoa Ngữ văn, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, GS Nguyễn Đình Kỵ đã tiếp nhận về tính độc đáo của phương pháp, về tính nhân loại của văn học và đưa vào cuốn giáo trình đại học chỉ với 122 trang khổ 13x19cm. “Rõ ràng ông muốn có một ít đổi mới trong lý luận văn học cho bớt tính giáo điều, chủ yếu là nhấn mạnh tới tính toàn nhân loại và giá trị vĩnh cửu của các điển hình văn học. Tuy nhiên, khi tập sách được công bố, lập tức ông bị phê bình gay gắt là mơ hồ về tính giai cấp, chưa triệt để trong nhận thức về tính giai cấp của văn học, coi nhẹ nguyên lý tính giai cấp của văn học…”, GS Trần Đình Sử chia sẻ.

Mong muốn thành lập Giải thưởng mang tên GS.NGND Lê Đình Kỵ - Anh 2

 Bà Ngô Kim Long, phu nhân GS Lê Đình Kỵ (bên phải, hàng ngồi) cùng GS Hà Minh Đức và các giảng viên, nhà nghiên cứu...

Với những ý kiến trái chiều, GS Lê Đình Kỵ lặng lẽ tiếp nhận phần đúng sai của dư luận. Từ đó, ông đi sâu vào nghiên cứu lịch sử văn học Việt Nam hiện đại và định hướng nghiên cứu chuyên sâu khoa học, ông có những nghiên cứu, bài phê bình thơ gây được ấn tượng mạnh như Truyện Kiều và chủ nghĩa hiện thực, hay các tập thơ của nhà thơ Tố Hữu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Tế Hanh... “GS Lê Đình Kỵ đến với phê bình thơ bằng trái tim đa cảm, đầy xôn xao mà vẻ ngoài lại thâm trầm, lặng lẽ. Yêu thơ, yêu cái đẹp của thơ, ông trăn trở với từng bài thơ, tứ thơ, ý thơ và viết lên những bài phê bình đầy cảm xúc. Có thể dễ nhận ra giọng điệu phê bình thơ của GS Lê Đình Kỵ là giàu chất trữ tình, đậm dấu ấn cá nhân. Ông đồng cảm, chia sẻ cảm xúc, suy nghĩ cùng nhà thơ như người tri âm, tri kỷ. Khả năng này có được một phần nhờ bẩm sinh, một phần nhờ quá trình tiếp nhận kho tàng thơ ca, và lý luận thơ ca phong phú của dân tộc và nhân loại tạo nên”, PGS.TS Trần Khánh Thành nhận định.

Hội thảo có sự tham gia của bà Ngô Kim Long (phu nhân GS Lê Đình Kỵ) và các thành viên trong gia đình. Bà đã chia sẻ những câu chuyện thường ngày, những ứng xử mẫu mực, đầy nhân văn, nhân ái của GS với sinh viên. Bà cũng bày tỏ mong muốn của gia đình là cùng với Trường, Khoa và đơn vị liên quan thành lập Giải thưởng mang tên GS.NGND Lê Đình Kỵ dành cho những sinh viên, học viên Khoa Văn học, nhằm tiếp nối con đường nghiên cứu lý luận, góp phần xây dựng và phát triển nền lý luận, phê bình văn học Việt Nam dân chủ, nhân văn và khoa học.

Trong quá trình phê bình tác phẩm, tác giả, chuyên luận, các tác phẩm Thơ mới, những bước thăng trầm (năm 1988), Vấn đề chủ nghĩa lãng mạn trong văn học Việt Nam (năm 1999) là những đỉnh cao trong sự nghiệp nghiên cứu văn học Việt Nam hiện đại của ông. Đặc biệt, PGS.TS Lý Hoài Thu đánh giá chuyên luận Thơ mới - những bước thăng trầm (NXB TP.HCM) đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong lịch sử tiếp nhận trào lưu thơ ca lãng mạn 1932-1945 ở Việt Nam. Từ đây, mọi cách diễn giải, nhìn nhận phiến diện, thiếu khách quan hằng tồn tại trước đó đã được thay thế bởi một lối tư duy khoa học uyên thâm, lịch lãm, một sự kết hợp hài hoà giữa trí tuệ và cảm xúc.

“Những năm cuối thập kỷ 80 của thế kỷ XX, nhận định thấu suốt, chí tình, chí lý của GS Lê Đình Kỵ có ý nghĩa như một thức tỉnh, định hướng, khai phóng tầm nhìn và tạo nên tâm thế cởi mở, dân chủ cho cộng đồng tiếp nhận. Sau Thi nhân Việt Nam (Hoài Thanh - Hoài Chân), Phong trào thơ mới (GS Phan Cự Đệ), thì Thơ mới - những bước thăng trầm của GS Lê Đình Kỵ gây được tiếng vang trên diễn đàn lý luận văn học đương thời vì tính mới mẻ và sự chuyên sâu của công trình. Ngay từ cách đặt tên đã có sức gợi, chất thơ và ý nghĩa biểu tượng với điểm nhấn, từ khoá thăng trầm, vận mệnh của Thơ mới đã được phác dựng”, PGS.TS Lý Hoài Thu phân tích.

Tại Hội thảo, các GS, PGS, TS đầu ngành trong lĩnh vực Lý luận văn học, các thế hệ giảng viên, sinh viên, nhà khoa học trên cả nước đều khẳng định các công trình, nghiên cứu của GS.NGND Lê Đình Kỵ có nhiều giá trị, dù chịu những giới hạn của thời đại cũng như giới hạn của không khí học thuật đương thời. Những thành công và giới hạn trong học thuật của ông đều là bài học bổ ích cho thế hệ ngày nay tiếp tục nghiên cứu và gây dựng nền văn học Việt Nam. Nói về người thầy của mình, PGS.TS Phạm Quang Long, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV, nguyên Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội đúc kết: “Với tôi, người viết, bình thơ Truyện Kiều hay nhất vẫn là GS Lê Đình Kỵ, không phải vì yêu thầy mà thấy thế. Thầy thường nói, các nhà chính trị khi bàn về văn chương họ thường mang cái nhìn áp đặt, nhưng không có gì hay bằng thực tế đời sống, nó hay như thế, phong phú, hấp dẫn như thế, phức tạp như thế, và mỗi người nhìn vào chỉ là một góc thôi. Đừng bao giờ cho rằng những điều mình nói là chân lý. Thầy dặn dò chúng tôi, đừng có a dua, cứ đi theo con đường của mình đi, phải biết tin vào những điều ấy, rồi có lúc nó sẽ khác đi đấy. Trong lòng chúng tôi luôn luôn là sự ngưỡng mộ”. 

… Nhận định thấu suốt, chí tình, chí lý của GS Lê  Đình Kỵ có ý nghĩa như một thức tỉnh, định hướng, khai phóng tầm nhìn và tạo nên tâm thế cởi mở, dân chủ cho cộng đồng tiếp nhận. Sau Thi nhân Việt Nam (Hoài Thanh - Hoài Chân), Phong trào thơ mới (GS Phan Cự Đệ), thì Thơ mới - những bước thăng trầm của GS Lê Đình Kỵ gây được tiếng vang trên diễn đàn lý luận văn học đương thời vì tính mới mẻ và sự chuyên sâu của công trình. Ngay từ cách đặt tên đã có sức gợi, chất thơ và ý nghĩa biểu tượng với điểm nhấn, từ khoá thăng trầm, vận mệnh của Thơ mới đã được phác dựng.

(PGS.TS LÝ HOÀI THU)

 QUỲNH HOA; ảnh: NHƯ TRANG, THÙY DUNG

Ý kiến bạn đọc