Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

29 Tháng Ba 2024

Hà Nội và chuyện nghịch lý thừa, thiếu công viên (Bài 1): Những điều trông thấy mà đau...

Thứ Sáu 07/04/2023 | 10:44 GMT+7

VHO-  Có những dự án công viên bị quy hoạch “treo” hàng chục năm vẫn không thực hiện được. Nhiều khu “đất vàng” dành cho công viên nhưng mãi chưa phát huy được giá trị, gây lãng phí nhưng không phải chịu trách nhiệm. “Nghịch lý thừa - thiếu công viên ở Hà Nội” đã, đang là vấn đề nhức nhối trong dư luận nhân dân. Đã đến lúc phải có những biện pháp quyết liệt, đột phá cho câu chuyện nhiều tập này .

 Biển “Công viên Tuổi trẻ Thủ đô” bị hàng quán quây kín

 

 Sau nhiều lần lên kế hoạch, nêu quyết tâm cải thiện chất lượng vườn hoa, công viên trên địa bàn Thủ đô vẫn rơi vào cảnh bế tắc, thì mới đây Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã quyết liệt chỉ đạo: Năm 2023 thành phố sẽ làm “sống lại” các công viên, vườn hoa.

Những ngày đầu tháng 4, tận mắt chứng kiến những gì đang diễn ra ở các công viên, vườn hoa của Hà Nội chúng tôi thực sự ứa nước mắt vì những nghịch cảnh…

Công viên Tuổi trẻ vẫn hoang tàn

Đến với các công viên Tuổi trẻ Thủ đô, Thống Nhất, Thủ Lệ, Bắc Linh Đàm, Thiên văn học... có thể thấy, nhiều dự án công viên cũ thì hàng chục năm không thay đổi, có nơi hoang tàn, đổ nát, bị lấn chiếm, “xẻ thịt”; mới thì khởi công xong hoặc xây dựng rồi “đắp chiếu”.

Vào Công viên Tuổi trẻ Thủ đô (phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng) bằng cổng đường Võ Thị Sáu phải đi qua một dãy hàng quán rửa xe, ăn uống, bia hơi, quán lẩu, cà phê... dài dằng dặc. Tấm biển bằng đá ghi tên công viên nằm gọn trong một quán ăn, ô với bạt bay phấp phới. Chị chủ quán mặt bóng dầu mỡ, thoăn thoắt băm băm chặt chặt, ngẩng lên hỏi chúng tôi: “Chụp gì đấy?”. Rồi không đợi trả lời, chủ quán quay vào hỏi khách: “Mấy bát em ơi?”. Từ sáng tới tối, ngay cổng công viên, kẻ đứng người ngồi la liệt, ăn uống rất nhộn nhịp.

Buổi sáng sớm, trời đầu hạ mát mẻ nhưng rất ít người vào công viên. Lác đác có người dắt chó đi dạo, vài người đạp xe, mấy người đi bộ, người uống chè vặt, đánh cờ tướng, một vài người câu cá... Nơi sạch sẽ, sang trọng nhất trong Công viên Tuổi trẻ có lẽ là nơi đặt tượng Anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu. Nhưng quanh đó, phía sát tường rào công viên cũng ngập rác. Trước đây, nơi này là một bãi đất hoang, nổi tiếng với tên gọi “xóm liều” Thanh Nhàn, nơi quần cư của những đối tượng bất hảo. Năm 1998, thành phố quy hoạch Công viên Tuổi trẻ Thủ Đô rộng 26,4 ha, có hồ nước bên trong, có “vị trí vàng” giữa lòng Hà Nội, với tổng mức đầu tư trên 280 tỉ đồng; thời gian thực hiện từ năm 2002 đến năm 2006 và từng là 1 trong 9 công trình trọng điểm của Thủ đô.

Nhưng quang cảnh công viên như hiện nay khiến người ta không khỏi xót xa. Từ lối cổng chính đường Võ Thị Sáu đi vào là trung tâm tổ chức sự kiện Cung Xuân, thường xuyên nhộn nhịp cảnh ăn uống, tiệc tùng; ô tô, xe máy phi ầm ầm trong sân. Ngay trước cửa Cung Xuân, một tấm biển trang trọng ghi “Công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long- Hà Nội (1010- 2010)”. Sát đường Võ Thị Sáu là bãi đỗ xe ngày và đêm có thu phí. Các dịch vụ vui chơi trong nhà và ngoài trời ở Công viên Tuổi trẻ như: Vòng quay mặt trời, máng trượt nước, bể bơi ngoài trời, xích đu, nhà bóng… đã trở thành đống đổ nát, hoang tàn. Thậm chí, vòng quay mặt trời còn bị gãy gập từ trên xuống dưới, tiềm ẩn mối nguy hiểm cho người dân vào công viên vui chơi, tập thể dục. Cây cầu rất đẹp từ bên này hồ Thanh Nhàn qua bên kia hồ trong công viên bị xây bịt phía nhà dân. Nước hồ những ngày đổi gió bốc mùi hôi tanh, xung quanh vứt đầy túi nilon, rác thải.

 Nhiều hạng mục trong Công viên Thống Nhất đã xuống cấp

Một nhà hàng, câu lạc bộ đêm được xây dựng kiên cố lấn chiếm cảnh quan trên mặt hồ Thanh Nhàn nhưng đã đóng cửa 9-10 năm nay. Chính quyền xác định trong khuôn viên của Công viên Tuổi trẻ thủ đô có 14 hạng mục công trình vi phạm trật tự xây dựng (sai quy hoạch, sai giấy phép xây dựng) như nhà hàng, bể bơi, nhà đa năng, sân tennis... Club (câu lạc bộ đêm). Một người dân thường xuyên đi tập thể dục ở Công viên Tuổi trẻ gần chục năm nay, kể: “Ngày nào tôi cũng đi tập thể dục ở đây nhưng đối tượng vào công viên này nhiều nhất là... chó. Mà chó lại không được rọ mõm nên có thể gây nguy hiểm cho người dân. Giữa lòng thành phố mà có những không gian xanh, rộng rãi như thế này là rất quý, bằng mọi giá không được để mất”.

Để tìm hiểu về quá trình hình thành, thực hiện dự án, quản lý, sử dụng đất, xây dựng công trình trong Công viên Tuổi trẻ Thủ đô và việc giải quyết dứt điểm các vi phạm tồn tại lâu nay tại công viên này, chúng tôi liên hệ với Công ty TNHH MTV đầu tư và dịch vụ Tuổi trẻ Hà Nội. Trụ sở công ty ở 46 Thanh Nhàn, treo biển Cafe 46 rất to, bàn ghế lổn nhổn ngoài hành lang, cây cối khô héo, bám đầy tường. Phòng làm việc của Giám đốc Công ty TNHH MTV đầu tư và dịch vụ Tuổi trẻ Hà Nội Nguyễn Trung Thành ngay tầng 1. Sau khi nghe chúng tôi đặt vấn đề về nội dung muốn tìm hiểu, ông Thành không đồng ý trả lời mà chỉ sang phòng hành chính ngay bên cạnh. Cán bộ phòng hành chính của công ty đề nghị xem giấy giới thiệu, thẻ nhà báo của chúng tôi rồi hẹn xếp lịch làm việc hoặc trả lời bằng... văn bản.

Ba mươi năm vẫn chưa thay đổi gì

Công viên Thống nhất được xây dựng từ năm 1961, nằm trên địa bàn phường Nguyễn Du và Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng. Công viên có tới 4 mặt tiền, trong đó, cổng Trần Nhân Tông là cổng chính, quen thuộc với người dân nhất. Hàng rào xung quanh cổng này cũng vừa được cắt hạ, tạo không gian mở.

So với nhiều công viên khác trên địa bàn thành phố, Công viên Thống nhất có cảnh quan khá đẹp, đặc biệt khu vực hồ Bảy Mẫu ở trong công viên đã góp phần tạo cảnh quan thơ mộng, không khí trong lành. Tuy nhiên, sau hơn 60 năm đưa vào khai thác, phục vụ người dân, công viên này gần như chưa được đầu tư gì nhiều. Một cán bộ hưu trí, nguyên giảng viên Trường Đại học Xây dựng nói: “Nhà gần đây nên tôi đã có hơn 30 năm tập thể dục ở công viên này. Từ khi tôi tập thể dục ở đây, mọi thứ dường như không có gì thay đổi. Chỉ có các điểm vui chơi trong công viên của trẻ em ngày càng cũ kỹ và hỏng hóc đi thôi. Nhìn lượng người trong công viên sáng sáng, tối tối tập thể dục đông như thế này có thể thấy người dân rất “khát” có những không gian xanh, sạch sẽ”.

 Công trình Vòng quay mặt trời trong Công viên Tuổi trẻ Thủ đô nay trở thành “phế tích”

Ông này còn cho rằng: “Công viên phải là không gian mở, của toàn dân để tất cả mọi người đều có thể đi vào được. Tôi đã đi nhiều nước trên thế giới, họ đều như thế. Vào công viên các nước có thể gặp những cảnh đẹp, cây đẹp, hoa đẹp, cửa hàng nhỏ bé, lịch sự. Không phải cửa hàng như trong công viên này, rất lộn xộn, lều bạt lem nhem ngay cổng ra vào chính. Dịch vụ vui chơi giải trí chắp vá, không xứng tầm với một công viên ngay giữa Thủ đô”. Chương trình số 03-Ctr/TU của Thành ủy về “Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025” đã nêu rất rõ nội dung cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới các công viên, vườn hoa trên địa bàn thành phố để cải thiện bộ mặt đô thị của Hà Nội. Tuy nhiên, những gì diễn ra trên thực tế lại khác xa với những mong muốn phát triển của thành phố.

Theo báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội, toàn thành phố hiện đang có 63 công viên, vườn hoa, với tổng diện tích khoảng 300 ha, chiến 2% diện tích đất toàn thành phố. Trong đó, bốn quận trung tâm (Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng) có 30 công viên, vườn hoa, chiếm 1,92% tổng diện tích đất, đạt 2,08 m2/người. Đang có một thực tế là nhiều công viên ở khu vực trung tâm bị xuống cấp nghiêm trọng, mất vệ sinh hoặc vẫn tồn tại tệ nạn xã hội khiến người dân dù không có chỗ nào để đến vui chơi, hít thở bầu không khí trong lành, thậm chí, đi tập thể dục trên vỉa hè cũng không dám vào.

Người dân vẫn ngày ngày mong ngóng lãnh đạo thành phố có những quyết sách và hành động “mạnh tay” hơn để thực sự làm “sống dậy” những công viên, tạo những “lá phổi xanh”, điểm vui chơi, thể dục thể thao cho cộng đồng và người dân. Không phải chỉ bằng những cuộc họp, không phải chỉ là những văn bản mãi nằm trên giấy, mà đó phải là những quyết tâm hành động với mong muốn làm đổi thay bộ mặt đô thị, trở thành thành phố đáng sống, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.

Kỳ 2: Thừa cứ thừa, thiếu cứ thiếu

THÚY HÀ- THU TRANG; ảnh: TRẦN HUẤN

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top