Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

29 Tháng Ba 2024

Đào tạo lại nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số ngành thư viện

Thứ Sáu 28/04/2023 | 15:00 GMT+7

VHO- Ngày 28.4 tại Hà Nội, Vụ Thư viện (Bộ VHTTDL) đã tổ chức hội thảo khoa học Đào tạo lại nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số ngành thư viện ở Việt Nam: Thực trạng và giải pháp.

Phát biểu khai mạc hội thảo, bà Kiều Thuý Nga, Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ VHTTDL) cho biết Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã xác định tầm nhìn đến năm 2030, Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới. Đối với ngành thư viện, chuyển đổi số dự báo sẽ có những tác động làm thay đổi nhận thức, mô hình vận hành của thư viện, tạo động lực cho quá trình đổi mới hoạt động thư viện. Điều này mang lại cơ hội trong việc thúc đẩy đa dạng hoá các sản phẩm, dịch vụ thông tin thư viện. Đồng thời tạo ra sự linh hoạt trong phương thức tiếp cận thông tin, tri thức, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân học tập suốt đời, thúc đẩy phát triển văn hoá đọc trong cộng đồng.

Toàn cảnh hội thảo

Bà Kiều Thuý Nga nêu rõ đi cùng những cơ hội đó là những thách thức không nhỏ. Điều này đòi hỏi ngành thư viện phải kịp thời nắm bắt để đổi mới hoạt động, theo kịp và định hướng nhu cầu sử dụng thông tin cho người sử dụng; chuẩn hoá về hoạt động chuyên môn nghiệp vụ; chuẩn hoá hạ tầng công nghệ thông tin và chuẩn hoá nguồn nhân lực. Trong đó, chuẩn hoá nguồn nhân lực giữ vai trò nền tảng, tạo động lực trong việc thúc đẩy chuẩn hoá hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ cơ sở hạ tầng, công nghệ thông tin phục vụ việc liên kết chia sẻ.

“Số lượng nguồn nhân lực thư viện trên cả nước hiện nay khoảng 52.000 người. Tuy nhiên, chất lượng nhân lực còn chưa thực sự đồng đều, tồn tại những khoảng cách khá lớn về chất lượng nhân lực nói chung và nhân lực số nói riêng. Do đó, đào tạo lại nguồn nhân lực phải được xem là một trong những giải pháp quan trọng được hướng tới trong nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông tin thư viện”, lãnh đạo Vụ Thư viện nêu

Trong báo cáo cáo đề dẫn hội thảo, bà Đoàn Quỳnh Dung, Phó Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ VHTTDL) cho biết Việt Nam có mạng lưới thư viện tương đối rộng khắp, với số lượng nguồn nhân lực tương đối đông. Tuy nhiên, chất lượng nguồn nhân lực còn chưa đồng đều, tồn tại những khoảng cách khá lớn giữa các thư viện trong cùng hệ thống như thư viện cấp tỉnh và thư viện cấp xã; giữa các loại hình thư viện… Chính điều này đã tạo ra những thách thức lớn trong vấn đề chuẩn hoá đội ngũ nguồn nhân lực trong bối cảnh chuyển đổi số. Từ đó đặt ra yêu cầu trong việc rà soát, đánh giá tổng thể số lượng, chất lượng nguồn nhân lực ngành thư viện; phân tích điểm mạnh, điểm yếu của nguồn nhân lực để xác định khung chương trình, lộ trình tổ chức đào tạo lại nguồn nhân lực ngành thư viện cùng những chính sách phụ trợ kèm theo để đào tạo lại; cập nhật kiến thức, kỹ năng tác nghiệp cho từng nhóm đối tượng, hướng đến chuẩn hoá đội ngũ nguồn nhân lực thư viện đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số ngành thư viện.

Vụ trưởng Vụ Thư Viện (Bộ VHTTDL) Kiều Thuý Nga phát biểu tại hội thảo

Liên quan đến chuẩn hoá nguồn nhân lực thư viện nói chung và trong vấn đề đào tạo lại nguồn nhân lực thư viện nói riêng, bà Đoàn Quỳnh Dung nêu rõ một số thách thức đặt ra có thể nhận diện bao gồm hoàn thiện hệ thống thể chế chính sách về phát triển nguồn nhân lực. Trong đó, công tác đào tạo lại nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số cần được hoàn thiện theo hướng hình thành chiến lược phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số thư viện. Bên cạnh đó, số lượng, chất lượng nhân lực thư viện còn nhiều bất cập. Tỷ lệ người làm công tác thư viện có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ thư viện hiện nay đang có xu hướng giảm dần… Khâu phân nhóm, phân tầng cơ sở đào tạo, hình thức đào tạo, phát triển nội dung chương trình đào tạo lại nguồn nhân lực theo hướng cập nhật kiến thức, kỹ năng để người làm công tác thư viện có thể tác nghiệp trong môi trường số, cập nhật kiến thức pháp lý đặc biệt là vấn đề bản quyền tác giả trong môi trường số đang bộc lộ một số bất cập cần có giải pháp khắc phục.

Tại hội thảo, các chuyên gia đã nêu lên thực trạng, giải pháp đào tạo lại nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số ngành thư viện ở Việt Nam. Những nội dung tại hội thảo mang tính định hướng, phân tích, đánh giá thực trạng công tác đào tạo, đào tạo lại và trình độ đội ngũ người làm công tác tại các loại hình thư viện. Đồng thời, các đại biểu cũng đề xuất những kiến thức, kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ thư viện, về công nghệ thông tin, các kỹ năng mềm...cần được tập trung triển khai đối với hoạt động đào tạo, đào tạo lại những người làm công tác thư viện trong thời gian tới.

Trên cơ sở những đóng góp của các chuyên gia ngành thư viện, Bộ VHTTDL sẽ tổng hợp, phân tích, đánh giá nhằm hoàn thiện các hoạt động về đào tạo bồi dưỡng, đào tạo lại nguồn nhân lực thư viện trong bối cảnh chuyển đổi số đang có bước tiến mạnh mẽ, nhằm đáp ứng ngày càng cao nhu cầu tiếp cận và sử dụng thông tin, tri thức của người sử dụng; góp phần phục vụ học tập suốt đời của người dân trong thời đại mới.

ĐÌNH TOÁN

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top