Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

29 Tháng Ba 2024

Giữ gìn làng thổ cẩm bên dòng Đạ Dâng (Kỳ 2): Làm gì để bảo tồn làng nghề truyền thống

Thứ Tư 03/05/2023 | 10:21 GMT+7

VHO-  Hội tụ nhiều yếu tố thuận lợi để làng nghề dệt thổ cẩm Đam Pao có thể phát triển và hội nhập, tuy nhiên cho đến nay làng nghề truyền thống này vẫn đang đối mặt với nhiều mối lo thất truyền.

 Không còn nhiều người dân tộc thiểu số mặn mà với nghề dệt thổ cẩm tại Đam Pao, xã Đạ Đờn, (Lâm Hà, Lâm Đồng)

Là một làng nghề truyền thống về dệt thổ cẩm cấp tỉnh với hơn 400 hộ dân nhưng hầu như không một ai tại đây thực sự sống dựa vào nghề. Chủ yếu người dân ở chỉ xem đây là công việc lúc ngày mùa nhàn rỗi. Bà Long Dinh K’Yồng (52 tuổi), một người dân trong làng cho biết, “chỉ khi nào không có việc gì làm hoặc có ai đó đặt hàng thì mới làm mà thôi, chứ làm ra mà không có người mua thì cũng bằng không”.

Sự “lai hóa” và nỗi lo thất truyền

Sau một hồi trò chuyện với bà Long Dinh K’Yồng, chúng tôi được biết thêm, hiện nay có rất ít người còn dệt thổ cẩm với 100% nguyên vật liệu truyền thống. Đa số sẽ lấy chỉ màu từ các cửa hàng dệt may công nghiệp trong huyện hoặc tại Đà Lạt về rồi dùng các loại chỉ đó để dệt thành những tấm thổ cẩm.

Giải đáp về điều này, bà Long Dinh K’Yồng giải thích, “chỉ công nghiệp có màu sắc đa dạng, sặc sỡ hơn, đó còn chưa kể giá lại rẻ hơn rất nhiều so với thổ cẩm có chất liệu tự nhiên. Nếu như một tấm thổ cẩm được dệt bằng sợi công nghiệp bán ra chỉ có giá từ 200.000 đến 500.000 đồng thì để mua được một tấm thổ cẩm được dệt bằng nguyên vật liệu truyền thống, người mua phải bỏ ra đến 2 triệu đồng. Sở dĩ, bán giá đắt như vậy bởi vì để hoàn thành một tấm thổ cẩm truyền thống từ đầu đến cuối phải làm rất nhiều công đoạn như lấy bông, kéo chỉ, nhuộm màu, dệt. Quá trình phải mất đến khoảng 10 ngày mới có thể xong được một tấm”.

Hiện nay, những người có thể thực hiện được tất cả các công đoạn như cụ Long Dinh K’Nier (đã đề cập ở kỳ trước) không còn nhiều. Chính con cháu trong nhà cụ cũng không thể làm được. Khi những người như cụ K’Nier ngày càng già đi sẽ không còn đủ sức khỏe để làm nữa thì mối lo về sự mai một nghề dệt thổ cẩm tại đây đang bắt đầu hiện hữu, khi một bộ phận không nhỏ các thế hệ trẻ, con em người Cil ở đây đang tỏ ra thờ ơ, không mấy mặn mà với nghề truyền thống này. Nếu như trước đây những công thức, bí quyết của nghề luôn được các thể hệ trong dòng họ giữ kín và chỉ truyền lại cho người trong gia đình thì nay đã được cụ đem ra hướng dẫn tận tình cho con cháu và những người muốn học nhưng vẫn không có ai chịu học đến nơi đến chốn. Khi được hỏi có sợ sau này nghề này sẽ mất đi không, cụ K’Nier biểu hiện sự lo âu trên khuôn mặt đầy nếp nhăn, “rất sợ, khi tôi chết đi rồi sẽ không có ai làm nữa”.

 Ngành chức năng huyện Lâm Hà đã và đang nỗ lực để duy trì, phát triển nghề dệt thổ cẩm tại đây

Bảo tồn gắn với phát triển

Nói về hiện trạng phát triển làng nghề, ông Nguyễn Huy Tùng, chuyên viên Phòng Nông nghiệp huyện Lâm Hà cho biết, “làng nghề truyền thống dệt thổ cẩm Đạ Đờn được tỉnh công nhận năm 2011, hiện có 168 lao động/125 hộ, có 38 lao động thường xuyên. Tuy nhiên, hiện nay làng nghề đang hoạt động cầm chừng do còn yếu về nhiều yếu tố như: Thiếu nghệ nhân, sản phẩm còn nghèo về hình thức mẫu mã, trang thiết bị thủ công thô sơ, khả năng cạnh tranh trên thị trường kém, thiếu vốn, cơ sở hạ tầng kém chất lượng... dẫn đến giá trị sản xuất chưa cao, thu nhập bình quân/lao động/tháng mới chỉ đạt khoảng 3 triệu đồng”.

Tính đến nay đã hơn 10 năm kể từ khi tỉnh Lâm Đồng ra quyết định công nhận Đam Pao là làng nghề truyền thống và quy hoạch đây sẽ là một trong những điểm dừng chân tham quan du lịch cộng đồng tại địa phương. Nhưng cho đến nay dường như làng thổ cẩm này đang dậm chân tại chỗ, thậm chí là có những bước thụt lùi so với trước đây khi không còn nhiều người hứng thú với công việc dệt thổ cẩm. Theo bà Chế Phương Nam, Trưởng Phòng Văn hóa, Thông tin huyện Lâm Hà: “Trước đây bà con sử dụng nguyên liệu tự nhiên như sợi, màu tự nhiên để dệt nên những tấm thổ cẩm. Nhưng ngày nay những nguyên liệu này hoặc là không còn nữa, hoặc là rất hiếm. Cùng với đó, hiện nay người dân tộc thiểu số cũng ít mặc trang phục truyền thống trong cuộc sống hằng ngày, do đó đã làm cho nghề dệt thổ cẩm truyền thống có phần bị mai một”.

 Nghề truyền thống đang bị “lai hóa” khi mà nguồn nguyên liệu tự nhiên ngày càng khan hiếm

Có thể thấy, hiện nay làng nghề chưa thực sự thực hiện sản xuất theo chuỗi giá trị, chưa tìm được thị trường tiêu thụ ổn định, bền vững cho sản phẩm mà chỉ thực hiện việc mua bán, trao đổi với người tiêu dùng địa phương và các cơ sở tư thương nhỏ lẻ trên địa bàn; các sản phẩm của làng nghề chưa đăng ký nhãn hiệu, thương hiệu của làng nghề. Bên cạnh đó, việc thu hút du khách tìm đến đây cũng là vấn đề chưa được giải quyết chính là một phần nguyên nhân khiến cho làng nghề bị mai một.

Để giải quyết vấn đề này, ông Tùng cho biết “trong thời gian qua chúng tôi đã tiến hành triển khai, thực hiện một số chính sách, hoạt động thực tiễn nhằm khuyến khích phát triển làng nghề đặc biệt là đối với thế hệ trẻ như duy trì và phát triển thêm số hộ, số người hoạt động trong lĩnh vực dệt thổ cẩm truyền thống tại đây; tổ chức đào tạo nghề cho thanh, thiếu niên địa phương theo hình thức “cầm tay chỉ việc” như mẹ truyền cho con, bà truyền cho cháu, bà con trong dòng tộc, làng xóm truyền nghề cho nhau; tìm đầu ra cho các sản phẩm dệt thổ cẩm của địa phương, tạo thu nhập ổn dịnh cho bà con làng nghề thông qua cải tiến mẫu mã mới, sao cho phù hợp với thị hiếu của nghười tiêu dùng nhưng vẫn giữ được những nét văn hóa truyền thống đặc trưng”.

“Trong đề án phát triển du lịch huyện Lâm Hà, chúng tôi đã chọn Đam Pao là một điểm đến trong tour du lịch văn hóa cộng đồng. Tại điểm này chúng tôi sẽ giới thiệu đến du khách những nét văn hóa đặc sắc riêng có và những sản phẩm từ dệt thổ cẩm hết sức phong phú, đa dạng. Từ đó tạo được đầu ra cho làng nghề và quản bá các sản phẩm này đến với du khách. Bên cạnh đó, chúng tôi còn làm trung gian kết nối với các nhà thiết kế để thiết kế các bộ trang phục có kết hợp với thổ cẩm. Trang phục này đã được các thanh niên người đồng bào dân tộc cũng như du khách rất là yêu thích và được sử dụng trong các sự kiện quan trọng như ngày cưới, các dịp lễ hội. Ngoài ra, còn tích cực tham gia quảng bá trên các cổng thông tin đại chúng như báo, đài, mạng xã hội; thường xuyên tham gia các chương trình triển lãm, trưng bày giới thiệu sản phẩm đặc trưng của địa phương; kêu gọi các nhà đầu tư kết hợp nguồn lực hỗ trợ của nhà nước phát triển du lịch cộng đồng gắn với tham quan làng nghề dệt thổ cẩm Đam Pao”, bà Nam cho biết thêm. 

 THÀNH KHIÊM

 

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top