Khi những thước phim thành “nam châm” thu hút du khách

VHO- “Hy vọng xem xong phim nhiều người nước ngoài sẽ muốn du lịch đến Việt Nam” là chia sẻ của Scott Ly, nam chính phim “A Tourist’s Guide to Love”, bộ phim đang gây sự chú ý với 90% thời lượng được đặt bối cảnh tại Việt Nam.

Khi những thước phim thành “nam châm” thu hút du khách - Anh 1

 Amanda choáng ngợp bởi khu phố đèn lồng đầy màu sắc và sông Thu Bồn lung linh những ngọn đèn hoa đăng Ảnh: NETFLIX

Bộ phim quốc tế đầu tiên được Bộ VHTTDL cấp phép quay tại Việt Nam ngay sau khi dịch Covid-19 được khống chế này, với sự tham gia của dàn diễn viên kinh nghiệm trong nước và quốc tế một lần nữa chứng minh “nhân duyên” giữa điện ảnh và du lịch chính là “viên nam châm” thu hút du khách, thúc đẩy du lịch phát triển đột phá.

Xuất hiện lộng lẫy, danh thắng Việt Nam “gây sốt”

Lâu nay, nhiều quốc gia vốn coi hợp tác sản xuất phim là cách thức quan trọng nhất để phát triển điện ảnh, từ đó các nước đã có những quy định cởi mở và chính sách ưu đãi đặc biệt cho phim hợp tác, dịch vụ. Thế nhưng tại Việt Nam, đất nước vốn tiềm năng dồi dào nhưng việc khai phá lại chưa đạt như kỳ vọng.

Theo TS Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến và Phát triển Điện ảnh Việt Nam, sau 3 tác phẩm điện ảnh của các nhà làm phim Pháp quay tại Việt Nam đầu những năm 90 của thế kỷ XX là “Đông Dương”, “Người tình” và “Điện Biên Phủ” thì đã nhiều năm nay, không có dự án lớn nào được thực hiện. Năm 2002, bộ phim “Người Mỹ trầm lặng” là tác phẩm đầu tiên của điện ảnh Mỹ quay tại Việt Nam, và phải đến năm 2017 bộ phim Hollywood đầu tiên là “Kong - Đảo đầu lâu” mới chọn Việt Nam làm bối cảnh. Đây cũng là tác phẩm điển hình thường được nhắc đến như một minh chứng hợp tác hiệu quả với đoàn phim nước ngoài của Việt Nam những năm gần đây.

Cũng theo TS Ngô Phương Lan, trong Luật Điện ảnh 2022, quan điểm về thúc đẩy việc hợp tác sản xuất phim vàcung cấp dịch vụsản xuất phim cho nước ngoài đã cósựđổi mới đáng kể. Theo đó, hành lang pháp lý này quy định, các hãng phim nước ngoài vào quay phim tại Việt Nam chỉ nộp tóm tắt kịch bản và phần chi tiết kịch bản quay tại Việt Nam thay vìnộp toàn bộkịch bản như quy định cũ. Vềchính sách ưu đãi cho phim nước ngoài quay tại Việt Nam, Điều 41 Luật quy định: “Tổchức nước ngoài sản xuất phim sử dụng bối cảnh quay tại Việt Nam, các dịch vụ sản xuất phim do tổchức của Việt Nam cung cấp được ưu đãi về thuế theo quy định của pháp luật về thuế”. Ưu đãi đối với các đoàn làm phim rất phổ biến trên thếgiới. Cùng làĐông Nam Á, bối cảnh Việt Nam còn cóphần hấp dẫn hơn, thế nhưng nhờcóưu đãi hoàn tiền mặt vàcác loại phímàThái Lan hằng năm đón hàng trăm đoàn quốc tế vào quay phim, còn chúng ta trong dăm năm nay, từ sau phim “Kong - Đảo đầu lâu” không có được dựán phim nước ngoài nào đáng kể.

“A Tourist’s Guide to Love” không được đánh giá cao về nội dung, kịch bản nhưng hình ảnh về những danh thắng Việt Nam xuất hiện trong phim nhanh chóng thu hút sự chú ý. Ngay thời điểm sắp khởi quay, thông tin Bộ VHTTDL cấp phép hợp tác sản xuất, quay bộ phim “A Tourist’s Guide to Love” tại Việt Nam đã tạo hiệu ứng và sự trông chờ. Theo Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành, việc một bộ phim Mỹ được quay tại nhiều tỉnh, thành, với những cảnh quay danh thắng tươi đẹp và những nét văn hóa độc đáo của Việt Nam chắc chắn tạo sức thu hút với du khách.

Người nước ngoài sẽ muốn du lịch đến Việt Nam nhiều hơn!

Scott Ly, nam diễn viên đóng vai Sinh của phim “A Tourist’s Guide to Love” bộc bạch: “Hy vọng xem xong phim nhiều người nước ngoài sẽ muốn du lịch đến Việt Nam”. Chàng diễn viên cũng đã chia sẻ đoạn video có trailer phim “A Tourist’s Guide to Love” trên trang cá nhân, như môt cách biểu lộ niềm tự hào. Trước đó, Scott Ly cũng từng chia sẻ về việc anh đến với bộ phim: “Có rất nhiều thứ đã xuất hiện trong đầu khi tôi đọc kịch bản của bộ phim về chính quê hương mình. Tôi thật sự rất biết ơn khi có thể trở về Việt Nam, về quê hương của mình để có thể làm việc với chính những con người ở nơi đây. Đó là một trải nghiệm vô cùng mới mẻ và khác lạ đối với bản thân tôi”.

“A Tourist’s Guide to Love” được phát hành toàn cầu độc quyền trên Netflix. Bộ phim theo chân Amanda (Rachael Leigh Cook) - một chuyên viên du lịch sống tại Mỹ. Sau cuộc chia tay bất ngờ với người yêu, cô quyết định tham gia vào một đề án bí mật, nhằm nghiên cứu ngành du lịch Việt Nam. Nhưng rồi chuyến hành trình đó lại đẩy cô vào chuyện tình lãng mạn với hướng dẫn viên du lịch của mình là Sinh (Scott Ly). Họ quyết định thay đổi hành trình đã được định sẵn của chuyến xe buýt để khám phá vẻ đẹp của cuộc sống, tình yêu theo cách hoàn toàn mới. Trên hành trình đó, hình ảnh một Việt Nam ấn tượng, tươi đẹp đến mê hoặc được đưa đến người xem ở 190 quốc gia và vùng lãnh thổtoàn cầu. Bộ phim được quay theo tiêu chuẩn Hollywood này đã tái hiện vẻ đẹp của nhiều danh lam thắng cảnh, vẻ đẹp của con người và văn hóa Việt Nam qua 6 địa điểm quay chính: Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Hội An, Mỹ Sơn và Hà Giang. Sức hút của bộ phim ngay sau khi phát sóng được ghi nhận chính là sức lan toả những hình ảnh đẹp, ấn tượng của Việt Nam đến du khách quốc tế. Đó cũng là thông điệp khẳng định vai tròcủa những thước phim trong kích cầu du lịch.

Các thắng cảnh riêng có của du lịch, văn hóa Việt hiện lên đẹp như mơ. Nhân vật chính với vai trò“kể chuyện” đã mang đến cho khán giả xem phim nhiều khoảnh khắc ấn tượng. Đây có lẽ là chuyến đi để đời với Amanda. Hòa vào cuộc sống thường nhật của những người bản địa vừa gặp. Chuyến du lịch của Amanda theo sự sắp xếp của Sinh đã trở thành cuộc phiêu lưu thú vị.

“A Tourist’s Guide to Love” do đạo diễn Steven K. Tsuchida thực hiện, Dustin Nguyễn tư vấn sản xuất. Kịch bản do Eirene Donohue - người Mỹ gốc Việt viết, lấy cảm hứng từ chính những chuyến du lịch của cô khi trở lại khám phá cội nguồn. Với kỳ vọng phim tái hiện một phần nét văn hóa phong phú, sôi động của Việt Nam, những thước phim khéo léo đưa người xem đi qua nhiều địa điểm, danh thắng từ Bắc đến Nam. Cũng để làm nổi bật vẻ đẹp của Việt Nam, phần hình ảnh được chú trọng đầu tư. Đây cũng là cách làm mà nhiều bộ phim trên thế giới đã thực hiện để tạo sức hút đối với du khách. Hiệu ứng ngay sau khi phát sóng “A Tourist’s Guide to Love” chính là minh chứng sống động về sự kết hợp lý tưởng giữa điện ảnh và du lịch, từ đó tạo sự phát triển đột phá cho các ngành công nghiệp văn hóa vốn đang được đặt nhiều kỳ vọng. 

 HÀ PHƯƠNG

Ý kiến bạn đọc