Nhức nhối vấn nạn tảo hôn ở Nam Á

VHO- Nam Á hiện là khu vực ghi nhận số lượng nữ giới tảo hôn cao nhất thế giới. Theo báo cáo do Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) công bố mới đây, khu vực này có khoảng 290 triệu nữ giới tảo hôn, chiếm khoảng 45% tổng số nữ giới kết hôn khi chưa đủ tuổi trên toàn thế giới. Trước tình hình đó, UNICEF kêu gọi cần chấm dứt ngay tình trạng này.

Nhức nhối vấn nạn tảo hôn ở Nam Á - Anh 1

 Những cô dâu nhỏ tuổi bên người chồng của mình Ảnh: CHINADAILY

Trong bối cảnh gánh nặng tài chính và trường học đóng cửa do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 khiến nhiều gia đình quyết định để con gái kết hôn sớm. Theo Giám đốc khu vực Nam Á của UNICEF Noala Skinner, Nam Á là nơi có tỷ lệ tảo hôn cao nhất thế giới. Đây thực sự là bi kịch.

Tảo hôn khiến các em gái không được học hành, để lại những hậu quả đáng buồn như việc mang thai và sinh con sớm, gây ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm sinh lý của những bé gái còn ít tuổi, chưa đủ khả năng để nuôi con. Đáng ngại hơn, những đứa trẻ được sinh ra từ những bà mẹ có độ tuổi từ 15 - 18 này có nguy cơ tử vong cao và các di chứng về sức khỏe sau này, do mẹ của các em chưa đủ phát triển về thể chất cho việc mang thai.

Theo một nghiên cứu mới của UNICEF dựa trên cơ sở các cuộc phỏng vấn và thảo luận đối với các gia đình tại 16 điểm ở Bangladesh, Ấn Độ và Nepal cho thấy, nhiều gia đình cho rằng việc kết hôn là lựa chọn tốt nhất cho con gái họ vào thời điểm dịch Covid-19, khi các cơ hội học tập trở nên khó khăn. Độ tuổi kết hôn hợp pháp của phụ nữ ở Nepal là 20 tuổi, ở Ấn Độ, Sri Lanka và Bangladesh là 18 tuổi và ở Afghanistan là 16 tuổi. Pakistan cũng là 16 tuổi, ngoại trừ tỉnh Sindh quy định tuổi kết hôn tối thiểu là 18 tuổi. Nguyên nhân của tình trạng trên là do gánh nặng tài chính trong thời kỳ đại dịch. Tảo hôn khi đó lại trở thành cách thức hợp lý để giảm bớt gánh nặng.

Theo một báo cáo của Quỹ dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA), trên thế giới 19% phụ nữ trong độ tuổi từ 20 - 24 đã kết hôn, hoặc sống chung như vợ chồng trước 18 tuổi. Trong bối cảnh của đại dịch Covid-19, dự kiến đến năm 2030 có đến 13 triệu trẻ em gái buộc phải trở thành cô dâu.

Kết hôn trẻ em là hành vi vi phạm quyền con người và thường xảy ra đối với trẻ em gái dễ bị tổn thương, nghèo khó và bị gạt ra ngoài lề xã hội nhất. Đồng thời hành vi này cũng sẽ khiến cho các cô dâu trẻ em và gia đình của các em lại tiếp tục đi vào một chu kỳ nghèo đói kéo dài qua nhiều thế hệ. Do vậy, việc chấm dứt kết hôn trẻ em sẽ tạo điều kiện cho trẻ em gái hoàn thành chương trình giáo dục, hoãn lại việc làm mẹ, tìm công việc hiệu quả và phát huy hết tiềm năng của mình và có thể tạo ra hàng tỉ USD thu nhập và năng suất lao động. Và vì thế, UNFPA kêu gọi thế giới, đặc biệt là khu vực Nam Á cần chấm dứt nạn kết hôn trẻ em.

UNICEF đã đưa ra một số giải pháp đó là: Ban hành các biện pháp bảo trợ xã hội để chống đói nghèo, bảo vệ quyền được giáo dục của mọi trẻ em, đảm bảo một khuôn khổ đầy đủ để thực thi pháp luật và tăng nỗ lực cải thiện chuẩn mực xã hội. Thúc đẩy bình đẳng giới và đảm bảo cam kết của cộng đồng đối với quyền của trẻ em gái.

Giám đốc UNFPA khu vực châu Á - Thái Bình Dương Bjorn Andersson kêu gọi tăng cường hợp tác và nỗ lực để trao quyền cho trẻ em gái giúp các em hiểu biết và đòi lại quyền của mình. Điều này có nghĩa là họ phải được cung cấp thông tin chính xác về sức khỏe tình dục và sinh sản, cơ hội giáo dục và phát triển kỹ năng, cũng như các nền tảng để tham gia hoạt động cộng đồng và xã hội. Những thông tin và cơ hội như vậy có thể giúp thay đổi cuộc đời. Với kiến thức, những người trẻ dễ bị tổn thương, bao gồm cả trẻ em gái, có thể tự vận động cho bản thân và thậm chí thuyết phục gia đình hủy bỏ hoặc trì hoãn việc đính hôn, đồng thời hỗ trợ các cộng đồng cùng nhau chấm dứt hủ tục đã tồn tại từ lâu.

 HOÀNG MINH

Ý kiến bạn đọc