Xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về VHNT: Khắc phục bất cập

VHO- Chiều 9.5 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy đã chủ trì cuộc họp Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập xây dựng Nghị định về xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về VHNT.

Xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về VHNT: Khắc phục bất cập - Anh 1

Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy chủ trì cuộc họp Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập xây dựng Nghị định về xét tặng "Giải thưởng Hồ Chí Minh", "Giải thưởng Nhà nước" về VHNT

Đánh giá việc thực hiện các Nghị định về xét tặng các "Giải thưởng Hồ Chí Minh", "Giải thưởng Nhà nước" về VHNT trong thời gian qua, báo cáo của Bộ VHTTDL nêu, Nghị định số 90/2014/NĐ-CP là căn cứ pháp lý quan trọng để xét, tôn vinh tác giả có tác phẩm, cụm tác phẩm, công trình, cụm công trình VHNT có giá trị cao về nghệ thuật và nội dung tư tưởng. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Nghị định đã có những vướng mắc, bất cập nảy sinh. Ngày 1.10.2018, Chính phủ ban hành Nghị định số 133/2018/NĐ-CP, sửa đổi, bổ sung những quy định tạo điều kiện thuận lợi trong việc xét tôn vinh tác phẩm, cụm tác phẩm văn học, nghệ thuật, tránh "bỏ sót" các tác phẩm thực sự có giá trị.
Cụ thể, tại Nghị định 133, về tiêu chuẩn xét tặng Giải thưởng, quy định tác phẩm được công bố, sử dụng trước năm 1993 thì không cần giải thưởng; quy định về số lượng thành phần Hội đồng các cấp, giảm bớt đại diện các cơ quan, tổ chức hành chính, tăng thêm các nhà chuyên môn, chuyên gia, chuyên ngành cơ bản đạt 2/3 trong thành phần Hội đồng; quy định Hội đồng tổ chức phiên họp khi có mặt ít nhất 90% thành viên; quy định tỷ lệ phiếu đồng ý của các thành viên Hội đồng phải đạt từ 80% phiếu đồng ý của tổng số thành viên có mặt tại cuộc họp.
Đợt xét tặng Giải thưởng về VHNT năm 2021 được triển khai theo quy định tại Nghị định số 90 và Nghị định số 133, Bộ VHTTDL đã hoàn tất thủ tục, hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ xét trình Chủ tịch nước xét tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước” về VHNT. Chủ tịch nước đã có Quyết định tặng, truy tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh” cho 16 tác giả (đồng tác giả) có tác phẩm, cụm tác phẩm đặc biệt xuất sắc về VHNT; tặng, truy tặng “Giải thưởng Nhà nước” cho 112 tác giả (đồng tác giả) có tác phẩm, cụm tác phẩm có giá trị xuất sắc về VHNT.
Theo báo cáo của Bộ VHTTDL, Luật Thi đua, Khen thưởng được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 3 (Luật số 06/2022/QH-XV), có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2024. Để xây dựng các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật, ngày 1.8.2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 917/QĐ-TTg trong đó phân công Bộ VHTTDL chủ trì soạn thảo Nghị định về xét tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước” về VHNT (thay thế Nghị định số 90/2014/NĐ-CP và Nghị định số 133/2018/NĐ-CP).
Để có cơ sở xây dựng Nghị định, Bộ VHTTDL đã có Công văn số 3921/BVHTTDL-TĐKT gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và 9 Hội VHNT chuyên ngành Trung ương đề nghị tổng kết thực hiện Nghị định số 90/2014/NĐ-CP và Nghị định số 133/2018/NĐ-CP. Tính đến ngày 21.11.2022, Bộ nhận được văn bản của 48/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và 3/9 Hội VHNT chuyên ngành Trung ương, bao gồm Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam, Hội Điện ảnh Việt Nam, Hội Kiến trúc sư Việt Nam.
Xuất phát từ đòi hỏi của thực tiễn qua 2 đợt xét tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước” về VHNT năm 2016, 2021 và ý kiến của các địa phương, các Hội VHNT chuyên ngành Trung ương khi tổng kết thi hành Nghị định số 90/2014/NĐ-CP và Nghị định số 133/2018/NĐ-CP, Bộ VHTTDL đề xuất, kiến nghị một số nội dung khi xây dựng Nghị định thay thế, cụ thể: Về đối tượng xét tặng, nghiên cứu đề xuất đối tượng xét tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước” của từng lĩnh vực VHNT chuyên ngành sát và phù hợp hơn; bổ sung những quy định về quyền tác giả để có căn cứ giải quyết những nội dung liên quan đến vấn đề đồng tác giả; sửa đổi, bổ sung quy định Cơ quan thường trực Hội đồng được sử dụng con dấu của đơn vị trong thực hiện một số hoạt động của Hội đồng; sửa đổi quy định về người đại diện làm hồ sơ đề nghị xét tặng Giải thưởng cho tác phẩm, cụm tác phẩm của tác giả đã mất.

Xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về VHNT: Khắc phục bất cập - Anh 2

Toàn cảnh cuộc họp

Báo cáo cho biết, Bộ VHTTDL đã tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị định số 90/2014/NĐ-CP và Nghị định số 133/2018/NĐ-CP tại  hai khu vực phía Bắc, phía Nam. Thực hiện Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022, căn cứ thực tiễn qua 02 đợt xét tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước” về VHNT từ năm 2016 đến 2021 cũng như qua rà soát, tiếp thu ý kiến trao đổi của các đại biểu, chuyên gia chuyên ngành tại Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị định số 90/2014/NĐ-CP và Nghị định số 133/2018/NĐ-CP, Bộ VHTTDL xây dựng dự thảo Nghị định quy định xét tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước” về VHNT thay thế hai Nghị định nói trên để công tác xét tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước” về VHNT được triển khai thực hiện hiệu quả, phù hợp hơn với tình hình thực tế hiện nay. 
Theo Thứ trưởng Trịnh Thị Thuỷ, Nghị định mới được xây dựng cần mang tính bao quát, hài hoà, đồng thời tôn vinh được các tác phẩm VHNT thực sự có giá trị, có sức lan tỏa trong đời sống xã hội, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và sự phát triển nền VHNT nước nhà.
Tại cuộc họp, các đại biểu đã đóng góp nhiều về đối tượng xét tặng, nghiên cứu đề xuất đối tượng xét tặng "Giải thưởng Hồ Chí Minh", "Giải thưởng Nhà nước" của từng lĩnh vực văn học, nghệ thuật chuyên ngành cho sát và phù hợp hơn; về việc xét giải đối với đồng tác giả; cân nhắc tỉ lệ phiếu đồng thuận của Hội đồng cho phù hợp; đặc biệt chú trọng những quy định về quyền tác giả để có căn cứ giải quyết những nội dung liên quan đến vấn đề đồng tác giả.…
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy cho rằng, dù mang đến nhiều kết quả tích cực trong công tác xét tặng các Giải thưởng cao quý nhưng trong thời gian qua, một số vấn đề bất cập cũng đã xảy ra trong quá trình xét tặng Giải thưởng. Những bất cập này đã gây thiệt thòi cho các tác giả, người làm hồ sơ xét Giải thưởng. Vì vậy, theo Thứ trưởng, trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước là hoàn thiện, bổ sung và ban hành những quy định pháp lý chặt chẽ, minh bạch hơn để khắc phục những bất cập, Hội đồng các cấp tránh được “thế khó”, đồng thời tránh thiệt thòi cho những tác giả đề nghị xét tặng Giải thưởng.
Ghi nhận những ý kiến đóng góp tại buổi làm việc, Thứ trưởng yêu cầu Ban Soạn thảo, Tổ biên tập tổng hợp, tiếp thu và hoàn thiện Dự thảo Nghị định đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, hiệu quả. Sau khi hoàn thiện, Dự thảo Nghị định sẽ được đăng tải trên Cổng thông tin của Chính phủ và  Bộ VHTTDL để tiếp tục lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân theo quy định.

HÀ PHƯƠNG

Ý kiến bạn đọc