Xứng danh “mỏ vàng”

VHO- Các VĐV Việt Nam đang thi đấu thành công trong giai đoạn nước rút tại SEA Games 32, để giúp đoàn duy trì một vị trí trong top đầu. Góp công vào thành tích đó bên cạnh những tấm HCV của một số môn thế mạnh như điền kinh, bơi, thể dục dụng cụ hay cờ thì vai trò của các môn võ cũng rất lớn.

Xứng danh “mỏ vàng” - Anh 1
 

 Vovinam không chỉ thi đấu đạt thành tích cao mà còn rất thành công về khía cạnh lan tỏa Ảnh: NGỌC LÊ

Ở các kỳ SEA Games gần đây, các môn võ được xem là “mỏ vàng” của Đoàn Thể thao Việt Nam. Lấy ví dụ gần nhất ở kỳ đại hội trên sân nhà năm ngoái, các môn võ đã giành 85 HCV trong tổng số 205 HCV, góp công lớn giúp Việt Nam có lần thứ hai xếp nhất toàn đoàn tại đấu trường khu vực. Cụ thể ở SEA Games 31, Việt Nam có 12 môn võ tranh tài, trong đó vật giành 17 HCV, Wushu (10), Taekwondo (9), Judo (9) Karate (7), Kurash (7), Vovinam (6), Pencak Silat (6), Kick-boxing (5), Muay (4), Boxing (3) và Jujitsu (2). Nếu tính ra số HCV các môn võ này đã chiến đến 41% tổng số HCV của Việt Nam tại SEA Games 31. Một con số cực kỳ ấn tượng của các võ sĩ.

Tại SEA Games 32, Việt Nam thi đấu các môn Taekwondo, Karate, Vovinam, Judo, Boxing, Jujitsu, Pencak Silat, Wushu, Kun Khmer (gần giống Muay), Kun Bokator (gần giống võ cổ truyền), Kick-boxing, võ gậy và vật. Tất nhiên, vì nhiều yếu tố khách quan nên các võ sĩ Việt Nam khó lòng có thể tái lập thành tích tương tự như SEA Games 31. Nhưng sau những ngày thi đấu vừa qua, các môn võ Việt Nam cũng đã thi đấu rất thành công khi liên tục mang về các HCV cho Việt Nam. Điển hình như Kun Bokator - môn võ thế mạnh của nước chủ nhà, các võ sĩ Việt Nam đã giành 6 HCV trong tổng số 6 trận chung kết. Tương tự ở Kun Khmer, các học trò của HLV Nguyễn Trần Duy Nhất đã thi đấu xuất sắc trong ngày chung kết đầu tiên khi đoạt 3 HCV trong tổng số 7 nội dung tham dự.

Trong khi đó ở môn Karate, các võ sĩ Việt Nam đã thi đấu ấn tượng, vượt chỉ tiêu khi đoạt 6 HCV (chỉ kém 1 HCV so với SEA Games 31), qua đó xếp hạng nhất toàn đoàn. Một môn võ khác cũng vượt chỉ tiêu tại SEA Games 32 là Pencak Silat. Vì nhiều yếu tố khách quan mà Pencak Silat chỉ đặt mục tiêu 3 HCV trước ngày lên đường sang Campuchia, nhưng chung cuộc các võ sĩ chúng ta đã thi đấu rất hay trong ngày thi đấu cuối cùng (10.5) để giành 4 HCV.

Với môn Jujitsu, dù trải qua một kỳ đại hội khó khăn nhưng vẫn đoạt được 1 HCV, hoàn thành chỉ tiêu ban đầu là giành từ 1 đến 2 HCV. Tương tự ở môn Vovinam, dù gặp phải sự cạnh tranh quyết liệt của Myanmar, Thái Lan, đặc biệt là chủ nhà Campuchia nhưng các võ sĩ Việt Nam vẫn hoàn thành chỉ tiêu đề ra khi giành 7 HCV, xếp hạng 2 toàn đoàn sau chỉ chủ nhà Campuchia. Thậm chí con số 7 HCV còn nhỉnh so với số 6 HCV mà Vovinam đạt được khi thi đấu trên sân nhà ở kỳ đại hội trước. Không chỉ đạt thành tích ấn tượng mà Vovinam còn thành công rất lớn ở khía cạnh phổ biến, tạo sự lan tỏa. Đây là kỳ đại hội đầu tiên mà môn “quốc võ” Việt Nam có đến 30 nội dung thi đấu, với 7 đoàn tham dự và tất cả đều đoạt huy chương. Để có thể tổ chức và thi đấu thành công, Vovinam Campuchia đã gửi đoàn VĐV của họ sang Việt Nam tập luyện, đồng thời nhờ các HLV, chuyên gia Việt Nam sang nước bạn để tập huấn. Hiện tại nước chủ nhà SEA Games 33 năm 2025 là Thái Lan cũng đang làm điều tương tự, chưa kể trước đó Myanmar cũng làm điều này khi họ tổ chức SEA Games 27 năm 2013.

Có thể nói thành công của Vovinam, Karate, Pencak Silat, Kun Khmer Jujitsu hay Kun Bokator mang lại niềm tin rất lớn về một kỳ đại hội thành công nữa của các môn võ Việt Nam. Đó cũng là động lực để các võ sĩ ở các môn võ khác đang và sẽ thi đấu như Taekwondo, Judo, Boxing, Wushu, Kick-boxing, võ gậy và vật cố gắng thi đấu đạt thành tích cao. 

 VĨNH HY

Ý kiến bạn đọc