Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

29 Tháng Ba 2024

Từ làng sen đến lời ru của Mẹ

Thứ Sáu 12/05/2023 | 10:32 GMT+7

VHO- Tối nay 12.5, chương trình nghệ thuật Người Mẹ Làng Sen sẽ diễn ra đồng thời tại Nghệ An và Thừa Thiên Huế, những vùng đất gắn bó với gia đình Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đêm nghệ thuật sẽ mang đến những câu chuyện dung dị về bà Hoàng Thị Loan, người Mẹ cao cả luôn tần tảo hy sinh vì chồng con, góp phần vun đắp nên cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

 Một số tiết mục trong chương trình nghệ thuật “Người Mẹ Làng Sen” tại Huế trong buổi tổng duyệt Ảnh: BẢO MINH

 Người Mẹ Làng Sen do UBND tỉnh Nghệ An và UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp tổ chức, nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19.5.1890-19.5.2023) và 155 năm sinh bà Hoàng Thị Loan, thân mẫu của Người (1868-2023). Được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV2, đây là hoạt động mở đầu cho chuỗi sự kiện Lễ hội Làng Sen năm 2023, tiến tới xây dựng lễ hội này trở thành một sự kiện mang tầm quốc tế của Nghệ An.

Người Mẹ cao cả “gieo mầm” nhân cách Hồ Chí Minh

Vào những ngày tháng Năm lịch sử, dưới ánh nắng vàng rực rỡ, hàng vạn người dân từ mọi miền Tổ quốc hướng về Nam Đàn (Nghệ An) để tới viếng thăm khu mộ bà Hoàng Thị Loan, thân mẫu Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu. Đây là một trong những công trình văn hóa tâm linh quan trọng nằm trong quần thể Dự án bảo tồn, tôn tạo Khu di tích lịch sử văn hóa Kim Liên gắn với phát triển du lịch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2002. Đặc biệt năm nay, người dân mong đợi được đón xem chương trình nghệ thuật về Người lần đầu tiên được cùng diễn ra ở cả Nghệ An và Huế, hai địa danh gắn liền với thời niên thiếu của Bác Hồ trước khi ra đi tìm đường cứu nước.

Bà Trần Thị Mỹ Hạnh, Giám đốc Sở VHTT Nghệ An cho biết: “Để chuẩn bị sự kiện đặc biệt này, chúng tôi đã cùng với ê kíp sáng tạo tiếp thu, chỉnh sửa, hoàn thiện các kịch bản để trình UBND tỉnh phê duyệt, triển khai thực hiện đảm bảo tiến độ, thời gian. Chương trình nghệ thuật Người Mẹ Làng Sen là một lời tri ân sâu sắc đối với thân mẫu Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng thời cũng là dịp để chúng ta thành kính tưởng nhớ về Bác. Người đã để lại một di sản vô giá, đó là tư tưởng Hồ Chí Minh và một tấm gương trong sáng, mẫu mực, trọn đời phấn đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân”.

Cũng như bao người phụ nữ Việt Nam khác, người Mẹ Làng Sen đã sớm gửi gắm vào các con của mình những mong ước cao đẹp thông qua lời ru ngọt ngào, sâu lắng, chan chứa tình yêu và giá trị nhân văn: “Làm trai trả nghĩa sinh thành/ Giang sơn gánh vác xứng danh với đời”. Những mong ước bình dị của Mẹ đã thấm đẫm vào tâm hồn con thơ ngay từ khi còn nằm trên cánh võng, góp phần tạo nên tâm hồn nhân ái mênh mông của Bác sau này.

Chương trình sẽ kết nối hai điểm cầu để kể những câu chuyện đầy xúc động về bà Hoàng Thị Loan. Ở bà hội tụ đầy đủ phẩm hạnh, cốt cách của người phụ nữ Việt truyền thống. Lập gia đình khi mới 16 tuổi, “chồng miệt mài kinh sử, thiếp canh cửi đưa thoi”, cho đến lúc chân đi dép mo cau, vai quẩy đôi gánh, một bên là con nhỏ, một bên là cả gia tài, bà đã vượt qua bao suối, bao đèo ròng rã hàng tháng trời để vào Kinh đô Huế. Bà đã nỗ lực vươn lên, vun trồng, uốn nắn, dạy dỗ các con bài học đầu tiên về đạo lý làm người...

Trên đôi vai gầy, người phụ nữ ấy đã gánh cả tương lai của gia đình, in dấu chân trên suốt quãng đường từ Nghệ An vào Huế. Vất vả, gian truân đã bào mòn sức lực của bà, khiến bà mãi mãi ra đi vào năm 1901, khi các con vẫn còn quá nhỏ. Thi hài của bà được mai táng ở núi Tam Tầng bên dòng sông Hương. Đến năm 1922, hài cốt của bà được đưa về mai táng tại vườn nhà ở Làng Sen. Hai mươi năm sau, cậu cả Nguyễn Sinh Khiêm cải táng mẹ tại ngọn núi Động Tranh Thấp trong dãy Đại Huệ. Năm 1985, để bày tỏ tấm lòng biết ơn sâu sắc đối với người đã có công sinh thành và dưỡng dục Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ, nhân dân tỉnh Nghệ Tĩnh và lực lượng vũ trang Quân khu IV thay mặt cho đồng bào và chiến sĩ cả nước đã xây dựng khu mộ của bà khang trang, đẹp đẽ trên núi Động Tranh, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.

Huế - nơi lưu dấu chân Người

Cùng với truyền thống yêu nước của quê hướng xứ Nghệ, Thừa Thiên Huế được xem là quê hương thứ hai, nơi in đậm dấu ấn tuổi trẻ của Chủ tịch Hồ Chí Minh và gia đình Người.

Trong lần vào Huế thứ nhất (1895-1901), cụ Nguyễn Sinh Sắc và Hoàng Thị Loan cùng hai con trai Nguyễn Sinh Khiêm, Nguyễn Sinh Cung đã sinh sống tại ngôi nhà nhỏ ở đường Đông Ba (nay là đường Mai Thúc Loan, TP Huế). Tại đây, cậu bé Nguyễn Sinh Cung đã sống những năm tháng hạnh phúc trong vòng tay người cha mẫu mực, ngày đêm chuyên tâm chăm lo việc đèn sách và người mẹ hiền từ, đảm đang hôm sớm. Những đức tính tốt đẹp của Mẹ đã góp phần vun đắp nên cuộc đời và sự nghiệp của cả gia đình, nổi bật nhất là Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Suốt gần 10 năm sinh sống, học tập tại Huế, Nguyễn Sinh Cung (sau này là Nguyễn Tất Thành) đã tham gia các hoạt động yêu nước để từ đó hình thành tư tưởng lớn khiến Người quyết định ra đi tìm đường cứu nước. Góp phần vào những quyết định trọng đại ấy, có phần công sức của “Người Mẹ Làng Sen” với lời ru ngọt ngào, chan chứa yêu thương... Và chương trình nghệ thuật Người Mẹ Làng Sen sẽ đưa khán giả và công chúng ngược dòng thời gian về hơn một thế kỷ trước, về với cội nguồn những lời ru đã gieo mầm nhân cách cao đẹp Hồ Chí Minh.

Theo Tổng đạo diễn Quang Tú, chương trình sẽ khai thác chất liệu âm nhạc đậm chất dân gian, quê hương Làng Sen và Huế, được dàn dựng chân thực, giàu cảm xúc, không gian gợi nhớ làng quê của Bác Hồ. Người Mẹ Làng Sen gồm 3 chương: Từ cánh võng Làng Sen; Đóa sen thanh cao; Rạng rỡ quê hương. Tại đầu cầu ở Huế, chương trình có sự tham gia biểu diễn của các ca sĩ: Lê Anh Dũng, Hà Quỳnh Như, Lê Minh Nguyệt, Mai Lê, Thanh Lan, Phan Thu, Á quân The Voice Kid 2018 Nguyễn Trần Xuân Phương và các đoàn nghệ thuật của Học viện Âm nhạc Huế, Nhà hát Ca kịch Huế, Trường Trung cấp VHNT Thừa Thiên Huế... với các tiết mục: Đêm qua em mơ gặp Bác Hồ; hát múa Lời ru tuổi thơ; Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác; hát múa Người Mẹ Làng Sen; múa Sen; hát múa Từ làng Sen; Tiếng hát giữa rừng Pác Bó; hát múa Lời Bác dặn trước lúc đi xa; hợp xướng Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người…

Từ lời ru của Mẹ, lời ru đất nước, Việt Nam đã có biết bao bà mẹ anh hùng, phụ nữ 3 đảm đang, 5 tốt trong chiến đấu, “anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”, đoàn kết, kiên cường vượt khó; giữ vững niềm tin, ý chí và khát vọng làm rạng rỡ non sông gấm vóc. Vườn sen quê hương vẫn ngày đêm lặng lẽ tỏa hương, vươn mình, khai nụ kết hoa, khoe sắc cùng vườn hoa đất nước thơm ngát ngàn đời… 

PHẠM NGÂN - SƠN THÙY

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top