Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

29 Tháng Ba 2024

Thuyền rồng du lịch trên sông Hương hết niên hạn: Loay hoay tìm lối thoát

Thứ Sáu 12/05/2023 | 10:33 GMT+7

VHO- Thời gian qua, hàng chục chiếc thuyền rồng du lịch trên sông Hương (Thừa Thiên Huế) đã phải nằm bờ và đến năm 2024 sẽ có gần 60% thuyền phải dừng hoạt động do hết niên hạn sử dụng. Một số chủ thuyền đang loay hoay tìm phương án đóng mới nhưng lại gặp nhiều vướng mắc, khó khăn, thậm chí “bế tắc”.

 Chiếc thuyền TTH-0096 của ông Trần Tân “nằm bờ” do hết niên hạn

Đứng ngồi không yên

Mấy tháng nay, thuyền du lịch TTH-0096 của ông Trần Tân neo đậu ở khu vực sông Hương ven đường Trịnh Công Sơn cửa đóng then cài. Đây là một trong hàng chục chiếc thuyền du lịch trên sông Hương vừa hết hạn sử dụng theo quy định tại Nghị định số 111/2014/NĐ-CP. Ông Trần Tân cho biết, doanh nghiệp của ông có 4 thuyền hoạt động các dịch vụ du lịch trên sông Hương, ngoài thuyền TTH-0096 đã nằm bờ thì cũng có 2 thuyền sắp hết hạn. Doanh nghiệp đang có 17 lao động, bây giờ nhiều người lo lắng sợ không có thuyền để tiếp tục công việc.

Anh Nguyễn Chương, chủ thuyền TTH-0001 cho biết, theo giấy tờ thì đến năm 2024 thuyền của anh sẽ hết niên hạn theo quy định tại Nghị định 111/2014/NĐ-CP. Tuy nhiên trên thực tế, mã số thuyền này trước đó nhà vợ đã làm và đăng ký từ những năm 1990 sau đó chuyển đến cho vợ chồng anh. Đến năm 2007, anh Chương nâng cấp, đóng lại thuyền nhưng vẫn giữ sổ cũ, chính vì thế niên hạn cũng “đến sớm”.

Nhiều chủ thuyền rồng cũng cho biết, dù lo lắng nhưng khi thuyền hết niên hạn theo quy định thì họ vẫn chấp nhận. Tuy nhiên, các chủ thuyền mong muốn chính quyền địa phương và các Sở, ngành liên quan hỗ trợ, hướng dẫn và tạo điều kiện để sớm tiếp cận và đóng mới thuyền du lịch. Nhiều người vẫn chưa tiếp cận được mẫu thuyền, hồ sơ thủ tục, địa điểm cơ sở đóng thuyền đạt chuẩn, và chính sách vay vốn bởi việc đóng chiếc thuyền du lịch mới hiện nay có kinh phí khá lớn đối với các hộ gia đình.

“Hết hạn thì phải chấp nhận, nhưng mấy tháng nay, tôi chạy đi chạy lại các Sở liên quan để được hướng dẫn làm thủ tục nhưng gặp nhiều vướng mắc, khó khăn. Sở GTVT thì chủ trì, nhưng mẫu thiết kế kiểu dáng thuyền lại phải trình Sở VHTT thẩm định xem đã phù hợp với mẫu của tỉnh chưa; rồi còn phải thuê thêm đơn vị chuyên môn làm thiết kế kỹ thuật riêng… Và quan trọng là đến nay tỉnh vẫn chưa có một bãi đóng thuyền đạt chuẩn theo quy định hiện hành, nếu được duyệt thủ tục thì cũng phải đi tỉnh khác đóng, chi phí càng đội lên cao hơn”, ông Trần Tân nói.

Cần có mẫu thuyền phù hợp với nhu cầu chung

Theo thống kê của Chi nhánh Chi cục Đăng kiểm số 4 tại tỉnh Thừa Thiên Huế, có 134 phương tiện thuyền du lịch đang hoạt động trên sông Hương, cuối năm 2022, có hơn 10 phương tiện hết hạn. Đến cuối năm 2023 sẽ có 37 phương tiện và cuối 2024 sẽ thêm 33 thuyền hết hạn, chiếm đến gần 60% thuyền du lịch trên sông Hương.

Ông Lê Xuân Sơn, Phó Giám đốc Chi cục Đăng kiểm số 4 kiêm Trưởng Chi nhánh Chi cục Đăng kiểm số 4 tại tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, theo Nghị định 111/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định niên hạn sử dụng của phương tiện thủy nội địa và niên hạn sử dụng của phương tiện thủy được phép nhập khẩu, thì thuyền rồng du lịch trên sông Hương làm bằng kim loại (nhôm, kẽm) sẽ có niên hạn sử dụng 30 năm kể từ năm đóng mới và đối với thuyền làm bằng gỗ sẽ có niên hạn sử dụng 25 năm.

“Trong khi đó, thuyền rồng du lịch sông Hương hiện nay phần lớn là được đóng trong giai đoạn từ những năm 1990 đến đầu năm 2000, đã đến và cận kề với thời hạn sử dụng theo quy định. Cách đây hơn 5 năm, chúng tôi đã phổ biến thông tin về những quy định của Nghị định 11/2014/NĐ-CP cho các chủ thuyền; thời gian gần đây, khi các phương tiện đăng kiểm, với những phương tiện sắp hết hạn, chúng tôi cũng ghi rõ trong giấy chứng nhận mốc thời gian hết hạn để các chủ thuyền nắm bắt và chủ động”, ông Lê Xuân Sơn thông tin.

Theo tìm hiểu của Văn Hóa, năm 2014 UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành quyết định 817/QĐ-UBND về việc phê duyệt mẫu thuyền phục vụ ca Huế và du thuyền trên sông Hương do Công ty TNHH Ngôi nhà Nghệ thuật TP.HCM thiết kế với một kiểu dáng duy nhất là thuyền đầu rồng. Tuy nhiên, đại diện Chi cục Đăng kiểm số 4 cho biết, đây chỉ là mẫu về kiểu dáng với mục đích lưu giữ nét văn hóa đặc trưng của Huế, không phải bản thiết kế kỹ thuật cần có để thẩm định cho việc đóng mới.

“Để đóng một phương tiện thủy nội địa thì đầu tiên phải đủ 3 yếu tố cơ bản là: Bản thiết kế kỹ thuật đã được thẩm định; cơ sở đóng sửa phương tiện đủ điều kiện; có sự giám sát của cơ quan kiểm định trong quá trình đóng mới. Hiện nay, tại Thừa Thiên Huế, có 4 cơ sở đóng sửa tàu thuyền nhưng đều nhỏ lẻ, không đủ điều kiện đạt chuẩn theo quy định hiện hành, nếu các chủ thuyền muốn đóng thì phải đến các cơ sở tại tỉnh, thành khác”, ông Lê Xuân Sơn cho biết.

Theo ông Sơn, ngoài việc gặp khó về cơ sở đóng thuyền, thì việc mỗi chủ thuyền rồng du lịch phải tự thuê đơn vị thiết kế bản vẽ kỹ thuật cũng vừa tốn kém thời gian và chi phí. Thế nên, các doanh nghiệp có nguồn lực, hoặc các chủ thuyền có thể thỏa thuận, hợp tác để cùng làm một thiết kế kỹ thuật và đóng đồng loạt thuyền theo thiết kế đó. Hoặc UBND tỉnh thuê đơn vị thiết kế kỹ thuật theo một số mẫu nhất định để thẩm định, làm cơ sở hỗ trợ cho các chủ thuyền có thể căn cứ vào mẫu đó để đóng mới. Việc đóng mới theo kiểu “seri” này cũng thuận lợi cho việc giám sát của cơ quan chuyên môn.

Ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế chia sẻ với những lo lắng của bà con làm dịch vụ du lịch trên thuyền rồng, tuy nhiên theo quy định của pháp luật thì phải làm để đảm bảo an toàn cho bà con và cả du khách. Ông Phúc cho biết, tỉnh đã giao Sở GTVT và Sở VHTT hỗ trợ, hướng dẫn cho người dân về mẫu thuyền tỉnh đã duyệt, nhưng chi phí cho việc đóng mới này khá lớn nên tỉnh đang giao các Sở liên quan xây dựng mẫu thuyền phù hợp (kể cả kiểu dáng và kỹ thuật) với nhu cầu chung của bà con. Trước mắt TP Huế và Sở GTVT cần có thông tin rõ ràng về thủ tục việc đóng mới, có cơ chế hỗ trợ, chính sách vay vốn cho các chủ thuyền có thể tập hợp lại để đóng mới.

“Ngành du lịch sẵn sàng tham gia hỗ trợ, hướng dẫn cho các thuyền rồng về hoạt động du lịch, triển khai các chương trình tập huấn, xây dựng môi trường du lịch, kết nối tour tuyến… để bà con cùng tham gia phục vụ du lịch dịch vụ chất lượng”, ông Nguyễn Văn Phúc nhấn mạnh. 

 SƠN THÙY

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top