Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

29 Tháng Ba 2024

Lễ trao Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về VHNT: Giải thưởng là niềm hạnh phúc vô giá trong cuộc đời

Thứ Hai 15/05/2023 | 11:34 GMT+7

VHO- Lễ trao Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về VHNT sẽ diễn ra ngày 19.5 tới đây tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Với các tác giả được vinh danh những tác phẩm, cụm tác phẩm, công trình, cụm công trình có giá trị cao về nghệ thuật và nội dung tư tưởng, Giải thưởng là niềm hạnh phúc vô giá trong cuộc đời.

 Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng trao tặng “Giải thưởng Nhà nước về VHNT" cho các tác giả, tác phẩm năm 2017 Ảnh: TR.HUẤN

 Hạnh phúc khi những đóng góp được ghi nhận

Tôi được nhận Giải thưởng Nhà nước về VHNT lần này với tiểu thuyết đầu tay Quyên. Quyên là một trong số ít các tác phẩm viết về đề tài người Việt Nam ở nước ngoài. Tôi chọn đề tài này vì đây là vấn đề chưa có nhiều cây viết “chạm” tới. Đề tài càng khó, tôi càng muốn dấn thân. Tôi mất gần 7 năm với 3 lần thay đổi cấu trúc tác phẩm. Có khi được duyệt rồi, tôi vẫn thay đổi. Rồi cũng mất tới 7 lần viết 7 cái kết cho Quyên, nhưng cũng chỉ chọn một cái kết. Bỏ công, bỏ sức, tôi mong muốn tác phẩm của mình khi đến tay độc giả phải chỉn chu nhất. Từng câu chữ trong tác phẩm phải chạm đến trái tim bạn đọc.

 Nhà văn Nguyễn Văn Thọ với tiểu thuyết “Quyên”

Ngay sau khi tiểu thuyết được xuất bản, những quầy sách tại Đức, Ba Lan, Hungary… đều có bóng dáng của Quyên. Không tìm mua được, người này đọc xong lại truyền tay người kia. Họ tìm thấy mình trong “Quyên”, đồng cảm với nhân vật và tìm thấy niềm hạnh phúc của cuộc đời sau khi đọc tác phẩm. Năm 2006, Quyên đoạt giải B trong cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam; đến năm 2015 thì tiếp tục được dựng thành phim và được người Việt tại Đức hưởng ứng.

Tôi rất bất ngờ khi hay tin mình được nhận Giải thưởng Nhà nước về VHNT với tác phẩm này. Đây là Giải thưởng có quy trình xét tặng rất chặt chẽ; là vinh dự lớn lao với bất kỳ văn nghệ sĩ nào được trao tặng. Tôi càng hạnh phúc hơn khi thấy những đóng góp của mình cho nền VHNT nước nhà được Nhà nước ghi nhận.

Tôi luôn tâm niệm viết văn là để tô đẹp cho nền VHNT Việt Nam, hướng đến phần sáng của cuộc đời và hướng con người đến những giá trị chân – thiện – mỹ. Nhiệm vụ của nhà văn khi cầm bút là phải lấy cái đẹp, dẹp cái xấu; hướng con người đến đời sống lương thiện.

(Nhà văn NGUYỄN VĂN THỌ)

 

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy

Lễ trao Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về VHNT sẽ diễn ra vào ngày 19.5 tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Sẽ có 128 tác giả, đồng tác giả được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về VHNT, trong đó có 16 tác giả, đồng tác giả được tặng, truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thuỷ, Trưởng BTC đề nghị, công tác tổ chức lễ trao tặng Giải thưởng phải được chuẩn bị chu đáo, đảm bảo sự trang trọng, các đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ, triển khai các đầu việc theo đúng kế hoạch đã ban hành. Kịch bản chương trình, thiết kế sân khấu, hình ảnh trình chiếu… tại sự kiện phải được rà soát liên tục; đảm bảo an toàn, chất lượng…

Giải thưởng là sự ghi nhận đầy vinh dự với một đời làm nghề

 Nguyễn Thước và nhân vật Hồ Giáo trong phim tài liệu “Cỏ xanh im lặng”

Giải thưởng Nhà nước là giải thưởng cao quý với những người làm VHNT nói chung, với người làm điện ảnh nói riêng và cụ thể hơn là làm điện ảnh tài liệu. Đó là vinh dự, sự ghi nhận cả một đời làm nghề với các tác phẩm được đánh giá cao. Tôi rất vui vì Giải thưởng này là điều mà tôi có thể tự hào với các sinh viên tôi đang giảng dạy tại Đại học Sân khấu - Điện ảnh.

Mỗi bộ phim đều có cuộc sống riêng, ký ức riêng, bài học riêng. Tuy nhiên cũng có những bộ phim cứ nhớ và theo mãi, trong đó có ba bộ phim đoạt giải thưởng Nhà nước của tôi: Không chỉ là thương hiệu, Đất lạnh Cỏ xanh im lặng. Trong đó, Đất lạnh là bộ phim về đề tài nông nghiệp, nông thôn Việt Nam. Thời điểm tôi làm phim, những vấn đề về nông nghiệp, nông thôn, nông dân là đề tài nóng. Tôi đã chọn mảnh đất Thái Bình để làm phim. Đó là quê hương, nơi tuổi thơ tôi từng gắn bó. Mặt khác, Thái Bình tuy chưa phải tỉnh nghèo nhất nhưng lại chứa đựng nhiều mâu thuẫn trong vấn đề nông nghiệp nông thôn. Bộ phim đã gặt hái được nhiều thành công, trong đó có giải thưởng Bông sen vàng. Khi nhận giải tôi đã phát biểu: “Đôi khi thất vọng thực thúc đẩy người ta hành động hơn là một hy vọng giả” và bộ phim Đất lạnh ấy là một thất vọng thực về những vấn đề nông nghiệp, nông thôn, nông dân Việt Nam”.

Bộ phim Cỏ xanh im lặng tôi làm về người anh hùng Hồ Giáo. Ông là một nhân vật rất đặc biệt, một người cả đời làm những công việc dung dị như nuôi bò, nuôi trâu, chăm cỏ nhưng đã được 2 lần phong tặng Anh hùng lao động, 3 kỳ làm Đại biểu Quốc hội, miệt mài làm việc đến 80 tuổi mới nghỉ. Có thể nói, ông Hồ Giáo đã làm những công việc giản dị nhưng với tình yêu vĩ đại. Tôi đã thực hiện bộ phim này bằng tất cả tình cảm, cảm xúc của mình.

Khai thác đề tài thương hiệu Việt Nam là một đề tài khó làm, nhưng với bộ phim Không chỉ là thương hiệu, tôi đã thực hiện bằng những cảm xúc, bằng suy nghĩ trăn trở của mình về vị trí của thương hiệu Việt Nam đang đứng ở đâu. Điều khiến tôi vui nhất là khi hoàn thành bộ phim này, nhiều doanh nghiệp gọi điện cho tôi và chia sẻ với tôi về thương hiệu Việt Nam. Tôi bất ngờ vì với một bộ phim với vấn đề khô cứng như vậy, tôi đã vinh dự giành hai giải thưởng, một giải Cánh diều và một giải thưởng ở LHP Việt Nam.

Tôi đã học quay phim và giành được 3 giải thưởng Quay phim xuất sắc nhất ở 3 LHP Việt Nam kế tiếp. Đến một thời điểm, tôi muốn được nói lên điều gì đó của chính mình, chứ không phải thực hiện điều đạo diễn muốn nói. Vì thế, tôi trở lại trường, học một khóa đạo diễn và bắt đầu làm đạo diễn từ năm 2000 cho đến lúc nghỉ hưu. Tôi được phong NSƯT với tư cách là quay phim. Và cũng sau hơn 10 năm làm đạo diễn, tôi được phong tặng danh hiệu NSND. Đó là niềm tự hào của một người cả đời gắn với nghề làm phim tài liệu như tôi. Giải thưởng Nhà nước mà tôi được trao tặng lần này là cột mốc lớn, là niềm tự hào trong cuộc đời làm nghề của mình. (NSND NGUYỄN THƯỚC)

Dành tâm huyết, trí tuệ và trái tim yêu thương để sáng tạo...

Là tác giả được nhận Giải thưởng Nhà nước cho cụm tác phẩm: Tiết mục múa Hoàn lương, Mùa Phượng cháy Tình đời, tôi vô cùng xúc động, vui mừng và tự hào bởi những đóng góp của mình đã được Nhà nước ghi nhận. Đó là quá trình nỗ lực, cố gắng tích lũy từ khi tôi đặt chân vào con đường nghệ thuật. Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về VHNT là sự tôn vinh ý nghĩa nhất đối với những cống hiến của các văn nghệ sĩ. Lễ trao tặng Giải thưởng lần này càng được nhân lên nhiều ý nghĩa khi tổ chức đúng dịp kỷ niệm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh 19.5.

Để có được thành công ngày hôm nay, tôi luôn say mê, tâm huyết với nghệ thuật múa. Trong sáng tạo nghệ thuật, tôi luôn cẩn trọng, nghiêm túc. Với tôi, nghệ thuật phải “vị nhân sinh”. Ở đó, nghệ sĩ lưu giữ những giá trị truyền thống, nhưng cũng phải lắng nghe tiếng nói của thời đại. Mỗi khi bắt tay vào xây dựng một tác phẩm, bản thân tôi và êkíp phải dành nhiều thời gian đến từng vùng, miền để tìm hiểu về văn hóa, phong tục tập quán, con người của vùng đất ấy, rồi nghiên cứu để tìm ra được những nét văn hóa đậm chất truyền thống vào các vở diễn…

Được trao tặng Giải thưởng Nhà nước, tôi rất trân trọng chặng đường đã đi qua và cũng thấy trách nhiệm của mình đang còn ở phía trước. Đây là một dấu son trên con đường nghệ thuật của mình, bản thân tôi sẽ tiếp tục nỗ lực dành tâm huyết, năng lực trí tuệ và trái tim yêu thương để sáng tạo những tác phẩm đậm tính dân tộc, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa nước nhà. Với cương vị Phó Chủ tịch thường trực Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam, tôi sẽ cố gắng hết mình để tạo ra không gian cho những tài năng trẻ được thử sức, sáng tạo và thể hiện đam mê với nghệ thuật. Đồng thời, sáng tạo ra những tác phẩm có ý nghĩa cho cộng đồng, xã hội. Đó chính là những chiếc chìa khóa để nghệ sĩ và tác phẩm nghệ thuật đi vào trái tim khán giả...

(Biên đạo múa TUYẾT MINH)

 Trong đợt trao tặng giải thưởng lần này, niềm vui với nhà văn Nguyễn Văn Thọ được nhân lên khi em trai của ông, NSND Nguyễn Thước cũng được nhận Giải thưởng Nhà nước về VHNT với các phim tài liệu: “Không chỉ là thương hiệu”, “Đất lạnh”, “Cỏ xanh im lặng”. Đã có những gia đình với nhiều thế hệ cùng được đón nhận những giải thưởng, danh hiệu cao quý của Đảng, Nhà nước trao tặng. Được vinh danh cùng đợt, với hai anh em nhà văn Nguyễn Văn Thọ - NSND Nguyễn Thước có lẽ là niềm hạnh phúc khó có thể đong đếm…

 

HÀ PHƯƠNG - NGỌC NHIÊN - ĐÌNH TOÁN (thực hiện)

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top